Hoàn thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Với tổng kinh phí đầu tư lên tới 75 tỷ đồng, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc nguyên khối, chất liệu đồng, chiều cao 12,6m, nặng 138 tấn đang được khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho ngày khánh thành, dự kiến diễn ra ngày 2-12 tới tại đỉnh An Kỳ Sinh thuộc khu di tích danh thắng Yên Tử – Quảng Ninh.
Phối cảnh tượng Phật hoàng trên đỉnh An Kỳ Sinh sau khi hoàn thiện
Không giống như chùa Đồng được đúc thành từng cấu kiện rồi vận chuyển lên núi và lắp ghép, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh lại được đúc liền khối, tức là các nghệ nhân đến từ làng Đại Bái- Bắc Ninh và Ý Yên- Nam Định đã tiến hành đúc tượng ngay trên bệ bê tông. Lò nấu đồng nằm trên giàn giáo thép, bố trí trên 4 tầng, xung quanh khuôn tượng, dẫn trực tiếp nước đồng vào khuôn theo hệ thống máng chảy.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh kể, do khối lượng đồng đúc tượng lớn (trên 138 tấn), chiều cao tượng 12,6m và tượng để ngoài trời nên “thịt” đồng phải dày trung bình 4cm. Trong quá trình thi công nơi “lưng chừng trời”, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng thi công hẹp, Ban Quản lý dự án đã phải thay đổi phương án đến hơn chục lần, bên cạnh đó, cũng phải tiến hành đúc thử 2 lần. Lần đầu (3 tấn) để khẳng định khả năng nấu chảy đồng trên độ cao 920m, khả năng chịu nhiệt của bệ tượng (nơi tiếp giáp đồng với khuôn, bệ bê tông). Lần thứ 2 để kiểm tra khả năng nấu chảy của lò (7 tấn), hệ thống gió, móng lò, hệ thống dẫn chảy đồng, hệ thống đóng mở cửa lò, điều khiển nhiệt độ đồng.
Tượng Phật hoàng nhìn ra vùng núi rừng Yên Tử rộng lớn
Tính tới ngày 10-11, toàn bộ việc đúc tượng, xây dựng bệ tượng đã hoàn tất. Các đơn vị thi công đang khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang cảnh quan. Ban đầu, khi dựng tượng nhiều người tỏ ý nghi ngờ công trình khổng lồ này sẽ phá vỡ cảnh quan di tích, song cho tới thời điểm hiện tại có thể khẳng định, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh không những không phá vỡ cảnh quan mà còn tô điểm thêm cho vẻ đẹp nơi non thiêng, góp phần hình thành nên một chuỗi các công trình tâm linh tại di tích Yên Tử ngay sau khi khánh thành và đón khách tới chiêm bái.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết thêm, ban đầu, cả hội đồng duyệt tượng đã thống nhất chọn bức tượng Phật hoàng ở tư thế đứng, một tay chống gậy trúc, một tay chắp trước ngực. Nhưng rồi, căn cứ vào điều kiện thực địa, tư liệu lịch sử, cuối cùng lựa chọn phương án, lấy bức tượng Phật hoàng đang tọa thiền tại Vườn tháp chùa Hoa Yên để làm nguyên mẫu, phóng tác, thay đổi một vài chi tiết cho phù hợp với không gian rộng lớn, các tiêu chí về tư thế, diện mạo và thần thái giữ nguyên hoàn toàn.
Lễ khánh thành bảo tượng Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tại non thiêng Yên Tử dự kiến sẽ diễn ra trùng với Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Nhập Niết Bàn được tổ chức từ ngày 1 đến 3-12.
Video đang HOT
Bảo tượng Phật hoàng Nhân Nhân Tông vừa hoàn thành hội tụ nhiều kỷ lục. Đây là lần đầu tiên đúc tượng trực tiếp trên vị trí núi đá cao gần 1.000m so với mực nước biển. Địa bàn thi công hiểm trở, mưa mây mù ẩm ướt quanh năm. Tượng có hệ thống gân chống co, ngót, xé rách. Nồi đồng có dung lượng lớn 7 tấn, “Ram” đồng ngay tại lò. Rót đồng trực tiếp vào khuôn không qua lù trung gian, tượng được thiết kế phù hợp với khí hậu biển, nóng ẩm.
Trong thời gian tới, toàn bộ các hệ thống di tích tại Yên Tử (Uông Bí) và di tích Nhà Trần (Đông Triều) sẽ được triển khai bảo tồn tôn tạo đồng bộ. Trong đó bao gồm các tiểu dự án như tôn tạo am Dược Sư, chùa Một Mái, tháp Tổ, quy hoạch chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Trình. Dự án xây dựng khu tâm linh lễ hội Yên Tử, đền Thái Miếu, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên…
Theo ANTD
Hàng loạt hành động ngược đời của sư thầy ném tượng cổ xuống sông
Tự ý ném tượng cổ xuống sông, đem tượng mới về thờ cúng tại chùa, cùng hàng loạt những việc làm trái quy định về tôn giáo của sư thầy Thích Minh Phượng (trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã gây nên sự phẫn nộ của người dân. tượng mới đã "được" hạ xuống nhưng tung tích những pho tượng cổ hàng trăm năm tuổi bị thầy Phượng ném đi vẫn bặt vô âm tín trước sự mong mỏi của người dân.
Tượng mới bị người dân xã Chàng Sơn kéo ra chợ
Sư thầy đầy tai tiếng
Theo phản ánh của người dân, trong suốt quãng thời gian trụ trì tại chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội), sư thầy Thích Minh Phượng (tên thật là Nguyễn Xuân Long) liên tiếp có những việc làm trái với các quy định pháp luật về tôn giáo, về việc quản lý di tích, nơi thờ cúng trong chùa do Nhà nước quy định. Hành động ném tượng cổ xuống sông và đặt tượng tự đúc lên thờ đã đi quá giới hạn khiến sự phẫn nộ của người dân lên đến đỉnh điểm. Hàng trăm người dân Chàng Sơn đã tụ tập vào trong chùa, kéo pho tượng này ra giữa chợ để phản đối hành động của vị sư thày tai tiếng này. Cụ thể, thầy Phượng đã tự ý chuyển bỏ nhiều bức tượng Phật đã tồn tại lâu đời của di tích để thay vào đó là tượng hình người giống như hình ảnh sư thầy, bức tượng màu vàng chóe, nặng tới 350 kg, không biết thầy đặt làm ở đâu để mang về thờ tại chùa Chân Long. 3 trong số 8 pho tượng cổ cũng bị ông sư này chuyển đi đâu mà người dân trong xã Chàng Sơn không hề hay biết (?) Trước đó, vị sư này đã hàng loạt hành động ngược đời, không thể chấp nhận đối với người tu hành và tự ý sửa chữa trong khuôn viên di tích chùa mà không hề xin phép.
Người dân cho biết, cách đây mấy năm, sư thầy Thích Minh Phượng đã tự ý thuê thợ vào đào xới trong khuôn viên chùa để xây bể tự hoại, nhà vệ sinh phục vụ riêng cho cá nhân mình mà không hề cho ai biết, cũng không báo cáo lên UBND xã Chàng Sơn. Là một nhà tu hành nhưng có vẻ như sư thầy này còn có nhiều ham muốn ở cõi đời. Cuộc sống của người tu hành là khổ hạnh, thanh đạm. Đây cũng là cách người tu hành rèn luyện bản thân của người tu hành. Nhưng sư thầy Thích Minh Phượng này lại xây dựng nhà tắm rất hiện đại trong khuôn viên chùa, không phù hợp với cảnh quan di tích. Không nhưng thế sư còn cho dỡ bỏ biển di tích chùa Chân Long để xây gara ô tô hoành tráng trước cửa chùa.
Trong khi chùa Chân Long xuống cấp trầm trọng, nhiều cấu kiện đã mục nát thì vị sư thầy vẫn hoành tráng đi đi về về bằng ô tô trước sự chứng kiến của hàng trăm hộ dân quanh chùa. Người dân trong xã còn kể lại việc vị sư này thẳng tay đánh một người phụ nữ khi chị này đỡ một người bị nạn do va chạm với xe ô tô của thầy. Trong đơn gửi các cơ quan chính quyền, chị Nguyễn Thị Nhung, người bị sư thầy đánh tường thuật: "Vào lúc 9h30 ngày 11-7-2013, tôi chở hàng từ xã Hữu Bằng ra đường 80B, đến cổng trường THPT Phùng Khắc Khoan, xã Bình Phú, thì thấy một chiếc xe chở gỗ va chạm với một ô tô. Xe chở gỗ đá đè lên người chở gỗ. Thấy vậy, tôi đã xuống giúp đỡ người bị nạn. Tôi không hiểu lý do gì chủ của chiếc xe ô tô va chạm lao vào đấm, đá tôi túi bụi. Ông ta còn túm tóc quay tôi 3 vòng, nhưng rất may được bà con can ngăn". Chưa có kết quả trả lời của cơ quan chức năng về việc chị Nhung tường trình nhưng hiện bà con nhân dân ở đây vẫn chưa hết bức xúc về vụ việc này.
Trước những việc làm của sư thầy, hàng trăm bà con nhân dân trong xã Chàng Sơn đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Chàng Sơn, HĐND, Ban Văn hóa xã Chàng Sơn, nêu rõ những hành động trái với quy định tôn giáo của sư Thích Minh Phượng... Ông Nguyễn Văn Thịnh - một người dân giãi bày: "Đã nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị lên xã, nhưng vẫn thấy sư thầy Thích Minh Phượng lộng hành, biến những tài sản quý giá chung của chùa thành của riêng của ông. Đau xót nhất là những bức tượng cổ hàng trăm năm tuổi cũng bị ông thay thế bằng những pho tượng hình thù kỳ quái. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong mỏi tìm được những pho tượng cũ để tiếp tục thờ cúng như bao năm nay nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời".
Chính quyền nói gì về thầy Thích Minh Phượng
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, ông Nguyễn Kim Toàn (Phó Chủ tịch Ban Văn hóa xã Chàng Sơn) cho biết: "Chùa Chân Long là một ngôi chùa được xếp hạng di tích Lịch sử kiến trúc Quốc gia (1992). Năm 2010 ông Nguyễn Xuân Long mới chỉ là người được phép tạm trú, hành lễ tại chùa. Đến năm 2011, mới có quyết định được trụ trì chùa. Những việc làm của sư thầy Thích Minh Phượng tại chùa Chân Long thời gian qua, không chỉ khiến người dân trong xã mà đối với các cấp chính quyền trong xã cũng vô cùng bức xúc. UBND xã đã 7 lần lập biên bản hiện trạng, xác minh về những việc ông Nguyễn Xuân Long đã tự ý vi phạm các quy định pháp luật về tôn giáo (thuê người đào đất, làm hố bể tự hoại, nhà vệ sinh phục vụ riêng cho bản thân ngay tại đốc chùa chính, tự ý di dời, thay đổi các tượng phật cổ trong chùa mà không thông báo với UBND xã...). Trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Xuân Long còn 2 lần đem pho tượng Phật mới về chùa Chân Long mà không rõ nguồn gốc (lần 1 là 16 pho tượng, lần 2 là 14 pho tượng). UBND xã đã yêu cầu ông Long không được tự ý thêm bớt tượng trong chùa, yêu cầu ông Long đem ngay các pho tượng phật mới ra khỏi chùa, nhưng ông Long vẫn không thực hiện. UBND xã nhiều lần làm việc với ông Long, song ông Long luôn có thái độ bất hợp tác với chính quyền, không chỉ thế mà còn lôi kéo một số người gây khó khăn cho những người thực thi nhiệm vụ.
"Một năm nữa, cả làng này sẽ phải lễ sống tao"
Bức tượng cổ mà sư thầy Thích Minh Phượng ném xuống sông có tên là tượng "Vua Cha Ngọc Hoàng". Sư thầy này còn giải thích với người dân là "Đem tượng xuống sông tắm, vì bị các vãi trong chùa lỡ tay làm xước xát". Để thay thế cho bức tượng "Vua Cha Ngọc Hoàng", ông Long đã đem về một bức tượng đồng (có trọng lượng khoảng 350 kg, cao khoảng 1,4 m), với khuôn mặt giống y hệt ông Long, sau đó nói với người dân: "Đây là tượng vua Trần Thánh Tông", đưa về để thay thế "Vua Cha Ngọc Hoàng", bà con hãy cùng thờ, phúng.
Không kìm nén được sự bức xúc khoảng 10h30 ngày 5-11, hàng trăm người dân của 7 thôn trong xã Chàng Sơn đã kéo về chùa Chân Long, yêu cầu ông Nguyễn Xuân Long phải ngay lập tức hạ bức tượng đồng kia xuống khỏi ban thờ và trả lại nguyên vẹn bức tượng cổ "Vua Cha Ngọc Hoàng" vào vị trí cũ. Đến 12h trưa, bức tượng bị hạ xuống khỏi ban thờ, sau đó sử dụng một tấm bạt để cuộn lại hòng che mắt người dân, thế nhưng bức tượng đã bị các thanh niên trong thôn kéo ra giữa chợ. Đến khi ông Long mang tượng mình về thờ lúc này nhiều người mới nhớ lại, trước đó, trong một buổi lễ, chính ông Long từng nói: "Chỉ trong năm sau thôi, cả làng này sẽ phải lễ sống tao". Bởi vậy số người kéo đến càng đông hơn. Lực lượng Công an xã Chàng Sơn và cán bộ trong xã đã phải rất vất vả ổn định được tình hình ANTT. Mãi đến 17h cùng ngày ông Nguyễn Xuân Long mới chuyển bức tượng lên một xe ô tô và đưa đi đâu không rõ.
Tượng cổ bị ném xuống sông bây giờ ở đâu?
Quay trở lại bức tượng cổ "Vua Cha Ngọc Hoàng" bị ném xuống sông, sau khi bị người dân phát hiện và đòi trả lại tượng cổ, ông sư thầy đã chỉ vị trí ném tượng xuống sông, người dân đã tổ chức tìm kiếm, mò vớt cả ngày tại khu vực được cho là tượng bị ném xuống nhưng chỉ thấy 2 bao tải đầy bùn đất. Điều đó khiến cho nhiều người dân nghi ngờ không hề có bức tượng nào bị ném, rất có thể tượng cổ được "tuồn" ra khỏi chùa Chân Long bằng con đường khác. Như trên đã nói, sư thầy Thích Minh Phượng đã nhiều lần tự ý thay đổi vị trí tượng Phật trong chùa, thậm chí còn mang về tổng số 30 tượng Phật mới. Thực tế, nhiều bát hương, đồ thờ tự trong chùa đã bị thay mới. Cần phải làm rõ xem trước đó có sự hoán đổi tượng Phật cũ và tượng phật mới hay không? Số phận bức tượng và các hiện vật trong chùa bây giờ ra sao? Người dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy tìm lại hiện vật cho ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia này. Đồng thời người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ có thể tiếp tục mất hiện vật trong chùa. Hiện ngôi chùa này còn có một chiếc chuông cổ có giá trị, nhưng người dân cho biết từ khi về trụ trì ngôi chùa này chưa bao giờ thấy sư thầy Thích Minh Phượng thỉnh một tiếng chuông.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa
Qua thông tin trên báo chí, tôi cũng mới được biết việc sư thầy Thích Minh Phượng trụ trì chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội). Chùa Chân Long đã được xếp hạng vào năm 1992. Như vậy, có thể khẳng định, việc sư thầy trụ trì đem thả tượng cổ xuống sông; tự ý thay thế một loạt các pho tượng đang được thờ cúng trong chùa; tự ý đào bới; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất thuộc di tích mà không hề có sự báo cáo các cấp có thẩm quyền đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trong giáo lý nhà Phật cũng nghiêm cấm những hành vi phỉ báng tượng Phật bởi đó là thể hiện nhân hình, nhân tướng của Phật. Việc đem tượng Phật thả xuống sông là không thể chấp nhận được dưới góc độ văn hóa cũng như Phật giáo. Các cấp có thẩm quyền cần ngay lập tức vào cuộc để có biện pháp xử lý thích đáng.
PGS.TS Đặng Văn Bài - (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)
Điều 13, Luật Di sản văn hóa Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa;
2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;
3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
4. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Theo ANTD
Cung nghinh Phật ngọc và Ấn ngọc về Bảo tháp Đại bi Sáng 8-10 năm Quý Tỵ (tức chủ nhật ngày 10-11-2013) lễ rước Phật ngọc và Ấn ngọc từ Hà Nội về Bảo tháp Đại bi, đã được chư tăng - ni, phật tử thập phương cùng bà con Hưng Lộc, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng, Nam Định, cung nghinh đón rước trong không khí vô cùng trang nghiêm và hoan hỉ. Theo kế hoạch,...