Hoãn phóng tàu vũ trụ ExoMars, virus corona có liên đới
Tàu ExoMars dự định bay vào vũ trụ trong năm nay nhưng bị hoãn đến 2022 không chỉ do phải kiểm tra bổ sung mà còn do lo ngại đại dịch Covid-19 có thể làm các nhà du hành không thể bay được.
Quyết định này vừa được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đưa ra. Đây là dự án liên kết giữa ESA và Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
Công tác chuẩn bị cho con tàu đã gần hoàn thành, nhưng thử nghiệm dù hạ cánh lên sao Hỏa cho thấy cần có một chút thay đổi. Do thời hạn sắp đến gần và lo ngại đại dịch Covid-19 có thể làm tình hình phức tạp nên nhóm chuyên gia dự án đã quyết định lùi ngày phóng con tàu đến năm 2022.
Theo kế hoạch, tàu ExoMars sẽ được phóng vào mùa hè năm nay, vì thế việc hoãn đến 2 năm nghe có vẻ mạnh tay, nhưng tất cả còn do đặc điểm của quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa. Con tàu hoàn toàn có thể sẵn sàng bay trước năm 2022 nhưng Trái Đất và sao Hỏa chỉ ở vào vị trí thích hợp sau mỗi 26 tháng, vì thế công tác chuẩn bị cho tàu hoàn thành xong thì vẫn phải chờ đợi.
Thông cáo báo chí của ESA cho biết hai quan chức đứng đầu ESA và Roscosmos là ông Jan Wrner và ông Dmitry Rogozin đã nhất trí cần có thêm các thử nghiệm đối với phần cứng và phần mềm của tàu. Ngoài ra, hai bên cũng nhận thấy giai đoạn hoạt động cuối cùng của ExoMars bị ảnh hưởng bởi tình hình Covid-19 đang trầm trọng thêm ở các nước châu Âu.
Video đang HOT
Tổng giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin nói rằng “chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định khó khăn nhưng đã được cân nhắc kĩ là hoãn phóng con tàu cho đến năm 2022. Lý do cơ bản là các hệ thống của con tàu cần được kiểm tra để tối ưu hóa và tình huống bất khả kháng do tình hình đại dịch ở châu Âu khiến cho các chuyên gia của chúng tôi không thể đi lại. Tôi tin rằng chúng tôi và các đồng nghiệp ở châu Âu đang có những bước đi đảm bảo cho thành công của dự án và chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện dự án này”.
Khác với quyết định của Nga và châu Âu, dự án sao Hỏa 2020 của NASA vẫn giữ kế hoạch triển khai vào mùa hè này, ít nhất là cho đến nay chưa có gì thay đổi. NASA đã tự xử lý các vấn đề liên quan đến virus corona ở Mỹ, nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chỉ nằm trong kế hoạch. Nếu vì một lý do nào đó cơ quan này phải hoãn thực hiện dự án thì NASA sẽ xem xét ngày phóng tàu lùi sang năm 2022.
Phạm Hường
Theo dantri.com.vn/BRG
Quốc tế tái khẳng định cam kết đảm bảo giám sát cấm vận vũ khí ở Libya
Các ngoại trưởng EU sẽ gặp nhau ngày 17/2 ở Brussels để thảo luận về sự tham gia cụ thể của các nước châu Âu cũng như khả năng triển khai tàu hải quân giám sát lệnh cấm vận vũ khí của LHQ ở Libya.
Cảnh đổ nát do xung đột tại khu vực ngoại ô Khallat Al-Ferjan, phía nam thủ đô Tripoli, Libya ngày 16/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một tháng sau Hội nghị hòa bình về Libya ở Berlin, các bên liên quan tham gia Ủy ban quốc tế Berlin về Libya ngày 16/2 đã tái khẳng định cam kết đảm bảo lệnh ngừng bắn, đồng thời cho biết sẽ thảo luận cụ thể cơ chế giám sát lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc ở quốc gia Bắc Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tái khẳng định Ủy ban quốc tế Berlin về Libya đã nhất trí về tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên liên quan theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Maas nói thêm rằng cộng đồng quốc tế cần tiếp tục thảo luận về những vi phạm đối với lệnh cấm vận vũ khí, hối thúc các bên xung đột ở Libya tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban xúc tiến hội nghị quốc tế về Libya với sự tham gia của các đại diện từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italy, Ai Cập và một số nước khác, các bên nhất trí giám sát các kênh đưa nguồn vũ khí vào Libya, đồng thời khẳng định ủng hộ vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong giám sát việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.
Cuộc gặp đầu tiên này diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Munich, một phần trong tiến trình Berlin được Liên hợp quốc và Chính phủ Đức bảo trợ và tổ chức, có mục đích chính là gây áp lực để cắt nguồn hỗ trợ về quân sự từ bên ngoài cho các bên xung đột ở Libya.
Hôm 19/1, đại diện 12 nước và 4 tổ chức quốc tế và khu vực tham dự Hội nghị hòa bình về Libya ở Berlin đã cam kết chấm dứt hỗ trợ quân sự cho các bên ở Libya, đồng thời duy trì lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc ở nước này.
Tuy nhiên, nhiều vi phạm đối với lệnh cấm vận vũ khí tiếp tục được nghi nhận sau đó.
Kể từ sau hội nghị ở Berlin, các bên xung đột ở Libya đã gặp nhau ở Geneva, Thụy Sĩ, để hướng tới một lệnh ngừng bắn và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ ra trong tuần tới.
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ tiếp tục gặp nhau trong ngày 17/2 ở Brussels để thảo luận về sự tham gia cụ thể của các nước châu Âu cũng như khả năng triển khai tàu hải quân giám sát lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc ở Libya./.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam )
Mỹ "choáng váng" vì Anh không chịu nghe lời khuyên về Trung Quốc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien tỏ ra sốc và ngạc nhiên khi Anh khước từ lời khuyên không hợp tác với gã khổng lồ Huawei của Mỹ trong xây dựng mạng lưới 5G. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien. Ảnh: RT "Đó là điều gây sốc với chúng tôi khi mọi người ở Anh xem Huawei...