Hoan hỷ “kiếm đậm” nhờ mất nước
Thay vì bức xúc than thở như các hộ dân, những công ty nước tư nhân, tiệm giặt là…. lại hoan hỷ vì họ kiếm tiền triệu nhờ bán nước, giặt giũ trong những ngày cao điểm.
Nhà hàng, quán cơm “đắp chiếu” vì thiếu nước
Sau 15 lần vỡ đường ống nước Sông Đà gây nên tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch, chị Phạm Hiền (Tổ 4, phố Định Công Thượng, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị kinh doanh bún chả nên việc mất mất nước khiến chị rất đau đầu.
Đúng như lời người phụ nữ này nói, cửa hàng chị đang đóng cửa. Bát đũa, bàn ghế xếp ngổn ngang mấy ngày nay.
Quán bún chả của nhà chị oanh đã “đóng cửa cài then” nhiều ngày nay vì mất nước
“Mỗi tháng hóa đơn tiền nước của gia đình tôi lên đến 4-5 trăm nghìn. Mỗi lần mất nước, quán ăn của tôi phải nghỉ vì lấy đâu ra nước mà rửa bát, rửa rau củ, lau chùi bàn ghế, cửa hàng…Việc kinh doanh bún chả mỗi ngày đem lại cho gia đình tôi 1 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ các chi phí. Nghỉ một ngày mất từng ấy tiền tôi như đứt từng khúc ruột”, chị này bức xúc.
Không có nước để nấu nướng trong những ngày vỡ ống Sông Đà, một quán cơm bình dân ở phố Quan Nhân, Thanh Xuân cũng phải đóng cửa. Chủ quán hàng cơm này cho biết, “Nước tắm, giặt còn chẳng có thì lấy đâu ra nước mà nấu ăn cho khách. Mỗi ngày, gia đình phải bỏ ra mấy chục nghìn mua nước bình về để nấu cơm và đun nước uống, còn tắm, giặt thì phải sang nhà hàng xóm tắm nhờ nước giếng khoan”.
Chị Ngân, chủ quán ốc luộc ở phố Định Công Thượng, đành phải dùng nước giếng khoan để nấu nướng, rửa ốc.
Chị cho biết: “Nước máy thì mất liên tục, có khi mất cả tuần không làm ăn, buôn bán được gì nên chúng tôi phải dùng nước giếng khoan lọc qua bể để nấu nướng chứ ngồi chờ họ sửa thì biết đến bao giờ”.
Video đang HOT
Một gia đình có con vừa sinh (10 ngày tuổi) ở Định Công phải trông chờ vào nước giếng khoan để giặt giũ
“Vỡ đường ống liên tục cửa hàng gội đầu, ép tóc của tôi cũng phải tạm dừng hoạt động. Dùng nước giếng khoan rất bất tiện vì khách khó chịu khi nước có mùi lạ”, chị Ánh Tuyết (Định Công) nói.
Cũng chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn nước không ổn định là những người buôn bán, mổ thuê gà, vịt ở chợ. Chị Hải, người bán gà ở chợ Định Công phản ánh: “Mất nước tôi phải xin nước từ cửa hàng xe máy bên cạnh để mổ gà nhưng nếu tình trạng này kéo dài cũng không thể xin mãi được vì cửa hàng xe máy nhu cầu nước cũng rất lớn. Đợt trước ở đây mất nước hơn 10 ngày tôi đã phải nghỉ bán”.
“Kiếm đậm” nhờ bán nước giếng khoan
Trái ngược với các cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, gội đầu thì các tiệm giặt khô, là hơi lại đang có thu nhập tốt hơn ngày thường khi mất nước. Cả phố Pháo Đài Láng (Đống Đa), Định Công (Hoàng Mai), Đình Thôn (Từ Liêm) … mỗi khi bị mất nước thì các tiệm giặt là ở đây lại phải hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng.
Chủ cửa hàng giặt là số 75 Định Công chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày cửa hàng tôi chỉ giặt từ 30-40kg quần áo, nhưng khi mất nước thì có ngày chúng tôi giặt cả hơn 100kg, giặt có khi đến tận 11 giờ đêm mới hết hàng”.
Chủ cửa hàng giặt là ở Định Công khẳng định, tăng doanh thu trong những ngày mất nước
Nhà anh này có bể nước lớn dự trữ cùng với đó là nước giếng khoan nên dù có mất nước dài ngày việc làm ăn của anh cũng không bị ảnh hưởng. Trái lại, khi các nơi lao đao thì lại là dịp để anh kiếm thêm tiền.
Nước giếng khoan tưởng chừng là thứ nước người ta chỉ dùng để rửa chân tay hoặc dội vệ sinh thì nay trở thành món hàng đắt đỏ trong hoàn cảnh mất nước sạch kéo dài như ở thủ đô. Trong những ngày khan hiếm nước, một bảo vệ trường học trên địa bàn Hà Nội đã nghĩ ra cách bán nước giếng khoan cho người dân có nhu cầu, mỗi một xe ted nước giếng khoan có giá 150 – 200 nghìn đồng.
Trao đổi với PV, anh T. cho hay: “Khách cung cấp địa chỉ tôi sẽ chở nước đến tận nơi. Giá mỗi xe ted nước là 150 – 200 nghìn tùy độ xa gần. Nếu lấy theo bình 20 lít thì giá 10 nghìn đồng /1 bình. Tôi chở nước cả ngày nên có nhu cầu cứ gọi là tôi chở đến”.
Chị Nga, một người dân mua nước chia sẻ: “Mất nước xin hàng xóm có giếng khoan mãi cũng ngại nên mặc dù nước họ bán cho mình giá cắt cổ và không đảm bảo mình vẫn phải mua vì nếu không có nước thì khổ lắm”.
Cùng ý kiến ông Nguyễn Hưng cho biết, “Mất gì còn chịu được chứ mất điện, mất nước thì khổ lắm. Mười mấy lần mất nước, bát đũa, quần áo ở nhà cứ ngổn ngang vì không có nước để giặt giũ, dọn dẹp, nhà vệ sinh thì bốc mùi nồng nặc không thể chịu nổi”.
Nói rồi ông Hùng chỉ tay về căn nhà xa ngoài ngõ: “Mỗi lần vỡ ống, nhiều hộ dân ở đây không có giếng khoan không mua nước nhà họ bán thì có lẽ khốn đốn lắm”.
Theo Ngọc Trang – Thanh Hải
Vietnamnet
Hà Nội đề xuất chi 860 tỷ làm đường ống khẩn cấp dẫn nước sông Đà
Do đường ống nước sông Đà liên tục vỡ, thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng cơ chế đặc thù làm đường ống khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân.
Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 1/10, UBND TP Hà Nội cho hay, để chủ động, kịp thời đảm bảo an ninh nguồn nước thời gian tới, thành phố dự kiến xây dựng cấp bách tuyến đường ống truyền dẫn từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3 với công suất khoảng 60.000 đến 70.000 m3 ngày đêm để ứng cứu cho tuyến số 1 hiện có.
"Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải khẩn cấp khoảng 864 tỷ đồng, vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã có ý kiến thống nhất chủ trương với đề xuất triển khai xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn cấp bách của thành phố", văn bản nêu.
Công nhân khắc phục đường ống sông Đà bị vỡ,
Do dự án có tính chất quan trọng và cấp bách, UBND TP Hà Nội báo cáo, trình Thủ tướng quyết định cho phép đầu tư xây dựng khẩn cấp tuyến đường ống truyền dẫn từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3 và được thực hiện theo cơ chế đầu tư xây dựng đặc thù.
Theo thành phố Hà Nội, trong quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, công suất thiết kế, Nhà máy nước mặt sông Đà được xác định với công suất 600.000m3/ngày đêm đến năm 2020, đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm vào năm 2030 và đạt đến 1,5 triệu m3/ngày đêm vào năm 2050.
Tháng 3/2009, Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Hiện, đang cung cấp 240.000m3/ngày đêm, phục vụ trên 1 triệu người dân khu vực nội đô Hà Nội thông qua duy nhất tuyến đường ống số 1 bằng cốt sợ thủy tinh với đường kính D=1.200-1.800.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, đường ống này đã 15 lần xảy ra sự cố vỡ ống. Hiện, đơn vị cung cấp nước là Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã giảm áp lực và lưu lượng nước cấp nhưng đường ống vẫn không đảm bảo, tần suất vỡ ngày càng tăng
Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex thuộc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng đang chuẩn bị triển khai xây dựng tuyến ống truyền dẫn số 2 để đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch đến năm 2020 là 600.000m3 ngày đêm, đồng thời để hỗ trợ tuyến truyền dẫn số 1. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa khởi công và chưa thể khẳng định được thời gian hoàn thành. Do đó để đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân Thủ đô, thành phố đưa ra đề xuất làm đường ống khẩn cấp như trên.
Võ Hải
Theo VNE
Bệnh viện tạm ngừng mổ vì thiếu nước Nhiều bệnh viện ở Hà Nội bị thiếu nước phải ngưng phẫu thuật khiến người bệnh, bác sĩ đều khốn khổ. Người nhà bệnh nhân ở Khoa Lao, BV 19-8 huy động xe kéo tay để "thu gom" nước - Ảnh: Dũng Minh Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh hôm qua xác nhận từ 29.9 BV phải...