Hoãn cưới vợ để… chống dịch COVID-19
Từ đầu năm đến nay, hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ biên phòng trở thành những lá chắn sống canh gác biên giới, các đường mòn lối mở, ngăn không cho dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam. Nhiều người phải hoãn đám cưới, cùng đồng đội chống dịch…
Bộ đội đồn biên phòng Y Tý phát khẩu trang, tuyên truyền cho bà con người dân tộc thiểu số đeo khẩu trang để phòng dịch – Ảnh: TRIỆU VĂN HÙNG
Nhiệm vụ chống dịch lúc này là quan trọng nhất. Mọi việc khác đều phải gác lại. Tất cả vì cái chung. Mọi người phải đồng lòng mới chiến thắng được con virus nguy hiểm này.
Thượng úy Triệu Văn Hùng
Gọi cho trung úy Nguyễn Đức Minh Hoàng (trợ lý quản lý biên giới, phòng tham mưu, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế) nhiều lần mới được vì anh bận chống dịch ở vùng biên, sóng điện thoại chập chờn. 19h30, Hoàng cho biết đang đi tuần tra khu vực đường biên. Mãi đến 21h30 anh chàng mới về.
Niềm riêng gác lại
Trung úy Hoàng là 1 trong 30 trường hợp sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của lực lượng biên phòng phải hoãn đám cưới để tham gia chống dịch COVID-19.
“Tụi mình làm đám hỏi tháng 10-2019. Lẽ ra tổ chức cưới ngày 15-3 vừa rồi, nhưng tình hình dịch căng quá, mình bàn với vợ chỉ đăng ký kết hôn mà không tổ chức tiệc cưới” – Hoàng cho hay. Hoàng cho biết vợ và gia đình hai bên cũng buồn nhưng nghe anh thuyết phục cuối cùng cũng xuôi.
Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu căng thẳng, trung úy Nguyễn Đức Minh Hoàng đã nhận lệnh tăng cường lên huyện biên giới A Lưới, cách nhà 100km. Các chốt kiểm soát dã chiến đều tập trung ở A Lưới, nơi giáp với 2 tỉnh của Lào.
Anh em bộ đội biên phòng phải cắm trại 100% ở trong những lều dã chiến dựng dọc biên giới, ngày đêm kiểm soát tình trạng xuất nhập cảnh trái phép để ngăn chặn dịch lan sâu vào nội địa.
Cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh tăng cường lên biên giới phải ở lều dã chiến, thiếu thốn và bất tiện đủ thứ. Một số anh em bị bệnh ngoài da do nguồn nước. “Nhưng tất cả đều hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng dịch mà vượt qua. Nhiều y bác sĩ còn vất vả, căng thẳng hơn mình” – trung úy Hoàng bảo.
Anh chàng sĩ quan biên phòng 26 tuổi chia sẻ: “Mình chỉ mong muốn cùng các đồng đội nỗ lực làm tốt nhiệm vụ với nhân dân, góp một phần nhỏ cho Tổ quốc. Cho nên phải tạm gác lại việc riêng mình cũng không suy nghĩ quá nhiều…”.
Chống dịch quan trọng hơn đám cưới
Đóng quân ở Lào Cai, nhiều ngày qua những người lính biên phòng đã trở thành những lá chắn sống ở vành đai biên giới. Cũng vì nhiệm vụ, thượng úy Triệu Văn Hùng (đội trưởng đội phòng chống ma túy và tội phạm của đồn biên phòng Y Tý) phải hoãn lại đám cưới.
Video đang HOT
Thượng úy Hùng 31 tuổi, từ dưới miền xuôi (Phú Thọ) lên đồn biên phòng Y Tý công tác từ năm 2016. Cách trung tâm thành phố Lào Cai 100km, đồn biên phòng Y Tý là đồn xa nhất và khó khăn nhất của Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai.
Anh Hùng cho biết hai gia đình đã làm thủ tục dạm ngõ. Dự kiến ngày 28-4 sắp tới, thượng úy Hùng và cô giáo Hải Yến sẽ đi đăng ký kết hôn, làm lễ rước dâu rồi tổ chức tiệc cưới trong một ngày.
Kế hoạch là vậy, nhưng dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ dự tính của cặp vợ chồng trẻ. Thượng úy Hùng cùng đồng đội ở tuyến đầu biên giới chống dịch từ tháng 1-2020.
Sau Tết Nguyên đán, lực lượng biên phòng nhận được mệnh lệnh: tất cả các tuyến biên giới phải lập chốt biên phòng lâm thời kiểm soát dịch, quản lý đường biên, nhất là đường mòn lối mở có hoạt động xuất cảnh, xuất nhập khẩu, buôn lậu, để tránh dịch bệnh bên nước bạn lan tràn vào địa bàn quản lý và nội địa.
Đồn biên phòng Y Tý quản lý hơn 23km đường biên. Trên địa bàn đồn quản lý có 2 xã và 8 thôn giáp biên. Đồn phải thành lập 3 chốt biên phòng lâm thời dọc tuyến biên giới. “Anh em bộ đội biên phòng thường xuyên túc trực 24/24 giờ, ăn ở ngủ nghỉ tại đó. Tụi mình phải có trách nhiệm bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng đội và người dân nội địa” – Hùng cho hay.
Theo thượng úy Hùng, khi chống dịch, việc tuần tra biên giới, tuần tra kiểm soát địa bàn lại càng liên tục hơn. Ngoài ra còn tuần tra theo lịch đột xuất. Đường biên giới mà đồn quản lý là suối. Mùa này suối cạn. Bà con lúc nông nhàn vượt biên qua bên kia làm thuê trong ngày rồi về.
Phụ trách xã biên giới A Lù, đội trưởng Hùng bảo anh em bộ đội biên phòng phải bám chốt trực 100% quân số, bất kể ngày đêm đều phải tăng cường đi kiểm tra địa bàn, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Với cường độ công việc như thế, là đội trưởng, Hùng lại càng không thể đặt chuyện cá nhân lên trên nhiệm vụ Tổ quốc giao.
Để thuyết phục hai bên gia đình đồng ý hoãn ngày cưới, Hùng phải “làm công tác tư tưởng” với cha mẹ hai bên, nói về tình hình phức tạp của dịch bệnh, những khó khăn vất vả của lực lượng biên phòng, bày tỏ mong muốn bám trụ biên giới cùng anh em đồng đội san sẻ khó khăn, cùng đoàn kết chống dịch.
“Giờ ngày cưới phải hoãn lại vô thời hạn chưa biết khi nào. Đó là việc ngoài mong muốn. Lúc đầu xác định hoãn mình cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ về tinh thần trách nhiệm và công việc mình ao ước từ hồi nhỏ nên mình đặt nhiệm vụ lên hàng đầu” – Hùng cho biết.
Cha mẹ Hùng cũng bất ngờ vì sự cương quyết của con trai. Anh chàng thuyết phục cha mẹ: “Con là cán bộ đảng viên, bố cũng là cán bộ đảng viên nên phải làm gương đi trước. Bố mẹ hãy suy nghĩ cho cái chung trước khi nghĩ đến cái riêng.
Bố mẹ hãy cân nhắc đề nghị của con và tạo điều kiện cho con được hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Cuối cùng, gia đình hai bên đều ủng hộ và thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên chàng đội trưởng.
Cha mất, vợ sinh cũng không về được
Tính đến đầu tháng 4-2020, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng có 64 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phải gác lại việc cá nhân để phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài 30 trường hợp hoãn tổ chức lễ cưới còn có 3 trường hợp cha ruột và em gái mất không kịp về chịu tang, 21 trường hợp vợ sinh nhưng không về được. Đặc biệt, trung úy chuyên nghiệp Phạm Quang Tuyến (đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, An Giang) vợ sẩy thai phải cấp cứu ngày 23-3 nhưng đến nay vẫn chưa thể về thăm.
Thượng úy Chu Mạnh Hiển (trạm cửa khẩu quốc tế Kim Thành, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai) hiếm muộn mấy năm nay, đang điều trị theo chu kỳ tại Hà Nội, đến kỳ lấy tinh trùng nhưng cũng không về được.
MY LĂNG
Xếp bút nghiên lên đường chống dịch
"Được tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu của Tổ quốc dẫu có khó khăn, vất vả nhưng em thấy được tinh thần, trách nhiệm của bản thân những người lính với vai trò bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia".
Đó là chia sẻ của Trung sỹ Phạm Thái Sơn, một trong 88 học viên năm cuối Học viện Biên Phòng (HVBP) được tăng cường lên các chốt biên giới tỉnh Cao Bằng chống dịch COVID-19.
Tham gia chống dịch lần này là cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, sưu tầm những tài liệu, tư liệu bổ sung cho các bài giảng, nghiên cứu khoa học tại Học viện
Nếm mật, nằm gai
Sau hơn một tháng tham gia cắm chốt tại đồn biên phòng nằm tại biên giới phía Bắc tỉnh Cao Bằng, Trung sỹ Phạm Thái Sơn, học viên năm cuối HVBP chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ túc trực ở đồn, các học viên còn được tổ chức đi tuần tra bảo vệ biên giới, trực ban và làm một số báo cáo tuần tra, trích điện. "Đây không chỉ là nhiệm vụ mà trở thành một trong những bài học thực tế rất hữu ích đối với học viên chúng em", Trung sỹ Phạm Thái Sơn chia sẻ với phóng viên.
Sơn cho biết, khi nhận được thông báo triển khai kế hoạch học viên năm cuối HVBP sẽ tham gia chống dịch tại biên giới phía Bắc, ai cũng bất ngờ. Nhưng tất cả học viên đều hào hứng đầy khí thế xung phong lên đường tham gia nhiệm vụ. Sau khi được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch, công tác vận động quần chúng, tuần tra biên giới nhóm học viên được tăng cường lên 16 đồn biên phòng của tỉnh Cao Bằng từ ngày 6/3.
Ở lán trại nhưng các học viên đều giữ nề nếp, tác phong
Tại đây, các học viên nhanh chóng hoà nhập cùng cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, lập các chốt, lán trên biên giới, tham gia đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Học viên phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác tham gia kiểm soát và làm thủ tục, đưa đồng bào ta về các khu cách ly tập trung theo quy định, đảm bảo an toàn và không để sót lọt đối tượng...
Tham gia giúp đỡ người dân
"Khi mới lên em chưa thích kịp nghi, nhất là công tác trực đêm, nhiều hôm 2 giờ sáng có người nhập cảnh trái phép về phải thực hiện tuyên truyền, phát khẩu trang, nước sát khuẩn rồi liên hệ đưa họ về khu cách ly. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ các đồng chí, đồng đội cũng như lãnh đạo đồn, em đã quen dần", Trung sỹ Sơn kể.
Khác với Sơn, Trung sỹ Chau Kum Sinl là người dân tộc Khơme (quê ở An Giang) được tăng cường về công tác ở đồn biên phòng Cốc Bàng (Cao Bằng) chia sẻ: "Khó khăn nhất đối với em là không quen với khí hậu và khẩu vị ăn uống. Nhiều hôm, thấy bộ đội vất vả người dân ở đây thường hay cho mớ rau rừng, đọt măng nhưng rất đắng mà khẩu vị người Nam ăn ngọt nên không thể ăn nổi. Nhiều người còn thường xuyên cho bó củi to để anh em sưởi ấm hàng đêm, hong quần áo".
Ấm lòng nơi biên giới
Cũng bởi địa hình đồi núi khó khăn, đường tiểu ngạch nhiều nên các tổ địa bàn phải cắm chốt và sinh hoạt tại chỗ. Điều khó khăn hơn tất cả là vấn đề điện lưới không, nước sinh hoạt phải phải cắt cử nhau đi lấy về bởi không có đường dẫn nước tới. "Mỗi tổ cắm chốt của chúng em gồm 5 người. Vất vả nhất là những đêm mưa", Trung sỹ Giàng Đông Dương cho biết.
Công tác phòng dịch ở các chốt được thực hiện nghiêm ngặt.
Cũng theo Dương, mọi khó khăn, vất vả ấy rồi cũng qua đi để khi nhìn thấy "những ánh mắt của anh em cán bộ, chiến sỹ sau mỗi ca trực; nụ cười hồn nhiên, của những đứa trẻ theo chân cha mẹ đi làm qua là mọi mệt mỏi lại tan biến hết".
Cũng như bao đồng đội, đồng chí của mình đang kiểm soát, chốt giữ nơi biên cương của Tổ quốc, Phạm Thái Sơn còn có một cách nhìn khác, "Lần đầu lên với rừng, với núi nên thấy thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng vui lắm ạ, bởi được các thầy cô, các thủ trưởng và bạn bè gọi điện thăm hỏi và động viên liên tục" .
Trên dòng trạng thái của mình chia sẻ trên mạng xã hội, Trung sỹ Phạm Thái Sơn viết: "Các em vất vả nhiều không? Ăn uống đầy đủ không? Người xuất nhập cảnh căng thẳng không? Mà khẩu trang nhớ đeo đảm bảo nhé..., đó là động viên cứ mỗi dịp cuối tuần của cô An, giảng viên HVBP. Rồi cô gửi quà để chúng tôi mua cho người dân khẩu trang chống dịch. Những lời động viện ấm áp của cô thắp lên cho học viên chúng tôi ý chí kiên cường hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm để chống dịch. Ở biên giới chúng tôi thật ấm lòng khi ở hậu phương luôn thấu hiểu, động viên và dõi theo.Học viên chúng em đang công tác tại Cao Bằng sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng,toàn dân chống giặc như tinh thần Thủ tướng chính phủ chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc."
Đưa người nhập cảnh về khu cách ly
"Tham gia chống dịch lần này là cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, sưu tầm những tài liệu, tư liệu bổ sung cho các bài giảng, nghiên cứu khoa học tại Học viện. Là cách "đưa Biên giới về với học viện" một cách chân thực nhất. Đặc biệt, thầy và trò vận dụng tốt kiến thức vào thực tế", đó là chia sẻ của Đại úy Nguyễn Hồng Minh, Giảng viên HVBP.
Đây là một kỳ thực hành đáng nhớ của các học viên
Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Học viện Biên phòng, Trưởng đoàn công tác tại tỉnh Cao Bằng cho biết: Đoàn cán bộ, học viên của Học viện Biên phòng và cán bộ, huấn luyện viên, chó chiến đấu của Trường Trung cấp 24 tăng cường phòng, chống dịch Covid 19 tại tỉnh Cao Bằng gồm 110 đồng chí, 12 chó chiến đấu. Bắt đầu hành quân thực hiện nhiệm vụ từ ngày 6/3/2020. Khi đến đơn vị, được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng quán triệt, giao nhiệm vụ và quyết định điều động đi 16 đồn biên phòng trên toàn tỉnh.
ĐỨC ANH
Nếu không giúp được, xin hãy ngồi yên! Mấy hôm nay, Việt Nam đón nhận nhiều tin vui từ hiệu quả cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi số ca mắc mới liên tiếp giảm, số người chữa khỏi bệnh xuất viện đang tăng dần... Thành quả hôm nay là kết quả ban đầu đáng trân trọng cho thấy nỗ lực của cả quốc gia trong công cuộc "chống dịch như chống...