Hoàn cảnh đáng thương của hai bà cháu lang thang ở chợ đêm Đà Lạt: Bao giờ mới hết đớn đau?
Đêm nào cũng thế, bất kể mưa lạnh, hình ảnh người bà bò trên mặt đường với đôi chân đã không còn nguyên vẹn, bàn tay đã tháo khớp nhưng vẫn cố sức đẩy chiếc xe hàng rong về phía trước, bên cạnh là đứa cháu gái ngây thơ non nớt lẽo đẽo bên cạnh khiến ai cũng xót xa…
Hơn một năm qua, người dân ở khu chợ đêm Đà Lạt đã quá quen thuộc với hình ảnh hai bà cháu lang thang bán hàng rong mỗi đêm. Sẽ không có gì đáng nói nếu như đôi chân của người bà vẫn lành lặn, đôi tay vẫn vẹn nguyên như bao đôi tay khác… Và cũng sẽ chẳng có gì đáng để lưu tâm nếu đứa trẻ thơ ngây non nớt kia không bị cột sợi dây vải vào người của bà mà vẫn “líu lo” mỗi khi gặp bất kể ai đó: “Con chào mẹ”, “Con chào bố”, “Con chào cô”, “Con chào chú“… Ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên đến đau lòng, đứt ruột…
Cuộc sống mưu sinh vất vả của hai bà cháu tại chợ Đà Lạt
Ở đây, luôn có một nỗi xót xa bao trùm mỗi khi có hai bà cháu dừng lại, dẫu phố chợ vẫn ồn ào tấp nập, người ta vẫn từng đợt đổ về rồi rời đi, hai bà cháu vẫn lặng lẽ, miệt mài bò dọc con đường để tựa nương vào những tấm lòng thơm thảo ngang qua…
10 năm ròng rã đau đớn, lần lượt chồng con bỏ đi, tay chân tháo khớp, vẫn không ngừng hi vọng về một ngày mai tươi sáng
Đó là cô Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1969) ở Hà Nội, vì hoàn cảnh quá đỗi ngặt nghèo mà cô đã quyết định rời bỏ quê hương để đến nơi xứ lạ quê người, kiếm tiền sống qua ngày. Hỏi ra mới biết, cô bị ung thư xương hơn cả chục năm nay. Ngần ấy thời gian với cô như là địa ngục, khi chứng kiến từng bàn chân, bàn tay lần lượt rời khỏi cơ thể mình. Nhà cửa không còn, chồng con bỏ đi. Một mình cô nuôi đứa cháu nội từ lúc còn đỏ hỏn đến tận bây giờ chỉ bằng một chiếc xe đẩy chở đầy những món đồ trị giá không quá 10 ngàn.
Bà Nguyễn Thị Oanh và cháu Hoàng Linh An mưu sinh tại chợ Đà Lạt
Ngồi tạm bên vệ đường, cô Oanh kể về cuộc đời trầm luân của mình. Dù có những đoạn lẩn thẩn nhớ nhớ quên quên, song nỗi đau và mất mác trong những năm tháng qua mà cô đã phải chịu đựng như một cuốn phim buồn cứ thế chạy dài, chạy dài…
Cô nhớ lại, vào một ngày cách đây hơn 10 năm, cô bỗng thấy trong người đổi khác, đau nhức, mỏi mệt rồi xương khớp sưng phù lên. Đi khám thì phát hiện mình bị ung thư xương, thời điểm đó cô suy sụp hoàn toàn. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và cơn đau kéo dài vô tận khiến cô nghĩ rằng mình không còn sống được nữa. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh bình thường, có chồng con đủ đầy, chỉ trong chốc lát đã trở thành người trắng tay. Hai năm sau đó, chồng ôm đứa con trai út mới sinh bỏ đi biền biệt. Bây giờ, đứa nhỏ đã tròn 8 tuổi nhưng chưa từng gặp mặt mẹ, chưa từng biết có một người mẹ đang ngày ngày chịu đựng những cơn đau thấu trời do căn bệnh ung thư quái ác gây ra.
Cô bảo: “Đứa nhỏ bây giờ đang ở cùng bố, nhưng bố nó ở đâu thì tôi không biết. Tôi không nuôi được. Cũng không thể thăm hỏi hay tìm kiếm. Tình cảnh của tôi bây giờ thì biết đi đâu để tìm kiếm? Bây giờ, việc duy nhất tôi muốn làm là kiếm tiền để nuôi đứa cháu nội này. Còn lại, chẳng mong gì hơn…”.
Cô có hai đứa con trai, nhưng lại không có phước phần được con cái chăm sóc, đỡ đần. Đứa nhỏ thì theo bố. Còn đứa lớn sinh năm 1994 thì ăn chơi lêu lỏng, đua đòi rượu chè nhậu nhẹt, say xỉn rồi đánh nhau, bị bắt đưa đi cải tạo mấy năm trời qua. Đến nay cô cũng không biết tin tức gì về người con trai này.
Cuộc sống ngoài Bắc quá khó khăn, không nhà cửa, không người tựa nương, cô Oanh gói gém hành trang ít ỏi của mình cùng đứa cháu nội lặn lội vào tây nguyên để tìm gặp người quen với hi vọng cuộc sống sẽ ổn hơn. Nhưng rồi không được chào đón, hai bà cháu lại lang thang ra chợ, ngày ngày đẩy xe đi bán, khuya muộn đợi người ta dọn hàng đâu đó rồi hai bà cháu chui vào các quầy hàng của người ta để ngủ nhờ. May sao, được một thời gian thì cô Oanh được một người bán hàng ở chợ tên Hương thương tình giúp đỡ, cho về ở nhờ trong căn nhà còn dư của mình trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Một năm qua, nhờ sự giúp đỡ ấy mà hai bà cháu đã có chốn đi về, không phải chịu cảnh gió sương, màn trời chiếu đất.
Tuy vậy, cuộc sống của cô Oanh giờ đây, như đèn treo trước gió. Chẳng biết ngày mai sẽ thế nào khi mà mỗi ngày trôi qua cơn đau cứ hành hạ, khi thì âm ỉ, lúc lại đau đến mức lên cơn sốt rét, co giật, nhất là những khi trái gió trở trời. Vừa nói, cô vừa tháo miếng lót nơi đầu gối để người đối diện có thể nhìn tường tận hơn. Những vết mổ, những cái sẹo, những cục mưng mủ nằm chi chít trên đôi chân đã không còn nguyên vẹn .
“Đây, con nhìn này, chân cô bây giờ không duỗi ra được nữa. Nó đau nhức, làm mủ, sưng tấy lên, nhưng cô không đi viện được. Bây giờ cứ đau là chạy vào tiệm thuốc tây kêu người ta bán cho uống. Chỉ biết mua thuốc kháng sinh, giảm đau hạ sốt thôi. Trước đây, lúc mới phát bệnh thì cô cũng có thời gian điều trị ở bệnh viện, người ta phẫu thuật tháo khớp, rút xương xiếc các thứ ra. Nhưng mà nhà mình nghèo, không đủ tiền để chữa hẳn nên cô không theo chữa nữa. Bây giờ nó chẳng khác gì củ khoai sùng, cứ từ từ lan dần, lan dần…”,cô Oanh nén hơi thở dài nhìn vào đôi chân không còn nhiều hi vọng của mình.
“Bây giờ không lẽ mình cứ sống với nó như vậy cả đời, không còn cách nào khả quan hơn sao cô?”, người đối diện xót lòng cố hỏi.
“Có cách nhưng mà bây giờ khổ lắm con ạ! Bây giờ cô mà đi viện thì không có ai trông nom cháu. Với lại bây giờ đi viện thì tốn nhiều tiền lắm, vì cô phải cưa cụt hai cái chân này đi. Chỉ cần cưa nó đi để không còn đau đớn gì nữa là được. Nhưng…”, cô dè dặt.
Vừa loay hoay cột miếng lót đầu gối lại, cô Oanh vừa thổ lộ, tình hình sức khỏe bây giờ đã đỡ hơn phần nào và tự đẩy xe đi bán được. Cô nói đợt Tết vừa rồi không đi được, chỉ ngồi xe ôm người ta đưa đến đâu thì ngồi yên chỗ đó bán thôi. Bây giờ đi đâu cô cũng phải mang theo lọ thuốc bên người, để chỉ cần cơn đau tái phát, hay cơn sốt hoành hành là cô lại phải uống vào ngay. Mặc kệ về sau có bị kháng thuốc, lờn thuốc hay không, uống nhiều giảm đau, kháng sinh sẽ có tác hại thế nào… cô chỉ cần biết bây giờ không được đau, để đi bán kiếm tiền nuôi đứa cháu gái 4 tuổi của mình mà thôi.
“Không đi bán thì ở nhà không có tiền. Ra đây nói vậy chứ nhiều người thấy mình hoàn cảnh như vầy họ thương, họ mua ủng hộ. Cũng có nhiều người họ cho tiền. Được cái ở đây ai cũng thương hai bà cháu hết. Mỗi lần cô ra đây, người ta đều cười nói vui vẻ, quan tâm hỏi han rồi có gì là cho nấy, từ miếng ăn đến bộ quần áo cho cháu bé. Ở đây còn có cô bán móc khóa cho hai bà cháu ở cả năm nay…”,cô Oanh chia sẻ với niềm biết ơn trào dâng nơi đáy mắt.
Người phụ nữ này khiến người ta vừa cảm thấy thương xót, vừa nể phục với sự kiên trì bền bĩ chống chọi với bi kịch của đời mình. Cô kể về mình, có những đoạn tưởng chừng đời cay nghiệt lắm, nhưng rồi khóe mắt chỉ vừa đỏ hoe là cô đã vội né đi, không để giọt nước mắt nào rơi xuống. Sự kiềm nén ấy, có thể thấy rõ mồn một trong từng hơi thở, giọng nói và cái cách cô trải lòng. 10 năm rồi, 10 năm đằng đẳng trôi qua… đối với một người bình thường, 10 năm có thể chỉ là cái chớp mắt, nhưng với một người mang trong mình căn bệnh quái ác thì 10 năm hẳn là dài như cả ngàn thế kỷ. Đớn đau, cam chịu, có lẽ cô đã quen rồi.
Cuộc sống của cô bây giờ, mỗi ngày cứ lập đi lặp lại những việc như thế: chịu đựng – cố vượt qua. Đến nỗi cô quên mất mình bao nhiêu tuổi, phải mất một lúc lâu cô mới loáng thoáng nhớ, “hình như cô 61 tuổi thì phải, à không… 51 chứ”.
Có lẽ với cô bây giờ, việc nhớ mình bao nhiêu tuổi cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi, vì những cơn đau hành hạ bao năm qua đã khiến cô gần như kiệt sức, mỗi ngày chỉ mong những cơn đau sốt đừng ghé lại, đầu gối, khủy tay đừng mưng mủ, để có sức ra đường kiếm tiền nuôi cháu là mừng lắm rồi…
“Ai cho nó đồ ăn thì nó gọi bố, gọi mẹ thôi… Nó chưa từng biết bố mẹ là gì!”
Câu nói của cô Oanh như vết dao cứa vào tim người đối diện. Quá đỗi chạnh lòng và xót xa khi nhìn thấy đứa bé chỉ mới 4 hơn tuổi đời nhưng đã phải chịu cảnh cơ cực như thế. Dẫu vậy, với em, mỗi ngày được cùng bà ra chợ, được gặp gỡ mọi người như là thân thương của mình, có lẽ là niềm vui lớn nhất trần đời rồi. Lúc nào em cũng vui tươi, múa may, hóm hỉnh từ đầu chợ đến cuối chợ. Trời thương, cô bé sinh ra với một khuôn mặt sáng sủa, đáng yêu không sao tả hết.
“Con chào cô…”,bé con lém lỉnh ôm lấy tôi khi thấy tôi ngồi bệt xuống đất để trò chuyện cùng bà nội. Cô bé nhỏ xíu đáng yêu này có vẻ như đã quen với việc gặp người lạ nên em chẳng chút e dè, gặp ai cũng hồ hởi hỏi han cái này, thắc mắc cái kia, đúng với bản năng của một đứa trẻ thích tìm tòi, khám phá.
Cô Oanh bảo, em tên Hoàng Linh An, sinh tháng 11/2015. Linh Anh ra đời là kết quả của một sự chắp nối không hạnh phúc. Ngày ấy, con trai cả của cô đi làm thuê ở ngoài, rồi có người yêu. Hai đứa ăn ở với nhau có bầu rồi dẫn về, đẻ xong hai tháng thì người mẹ bỏ đi biệt tích đến giờ. Gần 5 năm, không một cuộc hỏi han, tìm kiếm. Cô bảo, hoàn cảnh của cô bây giờ, ai tìm đến thì tìm chứ cô không đi tìm ai cả. Không phải vì cô khinh chê, mà là không có điều kiện, cũng không đi đứng được.
Bây giờ, hai bà cháu cứ nương tựa vào nhau. Trời lạnh cũng như trời mát, đều đặn đêm nào cũng thế, hai bà cháu miệt mài bò bò, đẩy đẩy. Đêm nào cũng như đêm nào, cô bé tí xíu bị cột sợi dây vải dài khoảng 1 mét từ người mình sang người bà, có thể chạy nhảy, vui đùa nhưng chỉ trong phạm vi 1 mét đó mà thôi. Cô Oanh bảo, “Phải cột như vậy chứ bé là trẻ nhỏ, thích chạy nhảy linh tinh, cô thì bị vầy, đâu có chạy theo kịp để mà quản nó được…”.
Linh An lanh lợi, lém lỉnh và ngoan. Cô bé cũng quen với việc bị cột dây vào người nên lẽo đẽo theo bà mà không một chút mè nheo, khó chịu. Linh An còn là một cô bé sống rất tình cảm. Có ai đó cho cây xúc xích, em đứng tỉ mẩn lột vỏ rồi chạy đến đưa cho bà nội cắn một miếng, sau đó mới đến lượt mình, rồi lại đưa cho bà… cứ thế đến khi hết cây xúc xích mới thôi. Ai đi qua cũng buộc miệng: “Bé dễ thương quá!”, rồi ghé lại nựng nịu, cho tiền…
“Con bé chưa từng hỏi về bố mẹ, nó cũng không biết bố mẹ là gì. Vì ở với cô từ nhỏ, đã quen như vậy rồi. Bây giờ đi ra đường, ai bảo nó gọi bằng bố bằng mẹ là nó gọi thôi. Mấy cô chú bán hàng ở chợ, mỗi lần hai bà cháu đi qua là nó lại luyến thắng: “Con chào mẹ”, “Con chào bố”… Cứ cho nó đồ ăn rồi bảo nó gọi gì thì nó gọi đó. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ các cô chú bán hàng thương nó lắm. Quần áo các bà cho, rồi lúc nào mà cô bị đau ốm không có bán được là các bà cho ăn rồi các bà trông giúp…”, cô Oanh chia sẻ.
Dù cuộc sống mỗi ngày của hai bà cháu có phần vất vả khi bắt đầu từ nhá nhem tối đến lúc vãn khách thưa người ở khu chợ đêm mới trở về nhà, nhưng nhờ sự thơm thảo của tất cả mà trở nên an ổn hơn phần nào so với trước đây. Chiếc xe đẩy bây giờ như là phao cứu sinh của hai bà cháu. Hàng hóa được lấy từ trong chợ, có những thứ phải trả tiền trước, nhưng cũng có những người thấy thương không lấy tiền liền mà đợi cô bán hết hàng mới trả sau.
Cô Oanh bảo, chẳng biết lời lỗ thế nào, cứ bán đại thế thôi. Có những người thấy hoàn cảnh vậy họ thương chỉ cho tiền, có người mua ủng hộ, nhưng cũng có những người lại kì kèo mặc cả từng ngàn với mình, dù vậy vẫn phải bán hết. “Đấy, như vừa nãy con thấy, cô bán cái lược như thế này có 10 ngàn, mà người ta cứ nhất định phải mặc cả xuống 7 ngàn… Rồi cũng đành bán”, cô cười buồn.
Hỏi cô, mong muốn lớn nhất bây giờ là gì, giọng cô trầm xuống: “Bây giờ cô bệnh tật như thế này thì chỉ có nghĩ là nuôi nó được ngày nào hay ngày đấy thôi chứ không dám nghĩ tới chuyện về sau sẽ như thế nào. Cô định đi bán hàng này vài bữa nữa rồi cho nó đi học, nuôi nó được ngày nào hay ngày đấy, chứ cái bệnh của cô khổ lắm. Đáng lẽ là hết hè này cô cho nó đi học rồi nhưng mà mắc đợt dịch nên thôi để đến sang năm mới cho đi. Mà nếu hết dịch thì có khi qua hè cũng sẽ xin cho nó đi học, chứ đi với cô cũng khổ quá. Cô đi bán thì nó cứ đi theo suốt ấy. Cô khổ thì khổ nhưng mà phải cho em ăn học. Tại cô đã không biết chữ, không được ăn học rồi nên gì thì gì cũng phải cho nó ăn học đàng hoàng tử tế, để nó biết cái chữ, sau này đi tìm công việc còn dễ. Bây giờ không biết chữ mà đi xin việc, các hàng quán người ta còn không nhận chứ nói chi là các công ty lớn”.
Rồi đây, không biết cuộc sống của bé Linh An có như bà nội mong muốn hay không, chẳng ai đoán trước được. Chỉ mong, cuộc đời đừng quá bất công với em, đừng để em phải chịu thêm bất kỳ mất mác nào nữa… Và, chỉ mong, sợi dây vải kia dù hơi bức bách, nhưng sẽ là điểm nương tựa vững chắc để hai bà cháu được bên cạnh nhau đến mai này.
Khai trương 2 đường bay mới nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 19-5, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vietnam Airlines tổ chức khai trương hai đường bay Vinh - Đà Lạt và Vinh - Buôn Ma Thuột nhằm góp phần thúc đẩy giao thương, kinh tế, du lịch giữa tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận với vùng Tây Nguyên, cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Cụ thể, chuyến bay đầu tiên từ Vinh đến Buôn Ma Thuột khởi hành lúc 16h05 và ngay sau đó là chuyến bay từ Vinh đến Đà Lạt khởi hành lúc 17h25. Vietnam Airlines khai thác đường bay Vinh - Buôn Ma Thuột với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần vào các ngày Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 7 và đường bay Vinh - Đà Lạt với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần vào Thứ 4, Thứ 6, Chủ nhật.
Phi hành đoàn trước giờ khởi hành chuyến bay khai trương. Ảnh: Trung Phong.
Thành phố Vinh là điểm đến nổi tiếng với các di tích lịch sử gắn liền với vùng đất "địa linh nhân kiệt" Nghệ An, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, chí sĩ yêu nước và cũng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thành phố Vinh, hành khách có thể dễ dàng đến với các địa điểm du lịch nổi tiếng như làng Sen quê Bác, bãi biển Cửa Lò, biển Thiên Cầm, suối nước Mọc...
Trong khi đó, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột nằm ở khu vực Tây Nguyên, thu hút du khách với cảnh quan, văn hóa mang đậm màu sắc cao nguyên miền Trung.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách và cộng đồng, Vietnam Airlines vẫn duy trì thực hiện phun khử trùng toàn bộ đội tàu bay khai thác trong ngày, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Tổ bay gồm phi công, tiếp viên đều được trang bị khẩu trang, găng tay và khăn giấy tẩm cồn. Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
'ATM khẩu trang' miễn phí ở Đà Lạt "ATM" khẩu trang trước cổng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng mỗi ngày cung cấp miễn phí khoảng 300 chiếc khẩu trang cho du khách và người dân địa phương. "ATM" khẩu trang tại Đà Lạt Ngày 18/5, Bác sỹ Trần Thanh Định, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng y tế Lâm Đồng, cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở...