Hoại tử ngón vì sơn móng
Tuần qua, Viện Da liễu T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Tuyết (Hải Phòng), 36 tuổi bị sốt cao, các ngón tay phù to, tấy đỏ, có móng đã bị tróc. Bệnh nhân bị nhiễm trùng khi làm móng tay giả và có dấu hiệu hoại tử ngón.
“Bác sĩ ơi đau quá”
Còn rất nhiều bạn trẻ chưa biết về tác hại của việc sơn móng
Trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm nấm do sơn móng tay như chị Trần Thị Tuyết không phải là cá biệt. Có mặt tại Viện Da liễu T.Ư, chỉ trong một buổi sáng, tôi chứng kiến có tới 5 người gặp vấn đề với sơn móng.
Chị Lưu Thiên Nga, 33 tuổi, ở phố Thái Thịnh, Hà Nội cũng đến viện trong tình trạng “đau đến phát sốt”, ngón chân chị sưng vù không thể đi nổi giầy dép. Chị Nga sụt sùi kể, ban đầu chỉ cảm thấy hơi đau, nghĩ đơn giản bị xước do cắt khoé móng quá sâu nên chị tự bôi thuốc có chất corticoid nhưng thấy ngày càng mưng mủ nhiều hơn. Bác sĩ kết luận ngón chân chị bị nhiễm trùng nặng, nguyên nhân do móng chọc thịt, phải điều trị bằng phương pháp kẹp cắt bản móng. Được chứng kiến tận mắt bác sĩ tiến hành kẹp cắt, chị Nga co rúm người vì đau, nước mắt giàn giụa, liên tục rên rỉ “đau quá, bác sĩ ơi!”, mới thấm thía thú làm đẹp tưởng rất đỗi nhẹ nhàng này hoá ra lại chứa nhiều rủi ro.
Khi sơn móng tay, nếu bị dị ứng do các hoá chất mà chưa kịp đến bác sĩ, bạn có thể tự chăm sóc cho mình bằng cách: Lá hẹ tươi rửa sạch, để ráo nước, giã nát, vắt lấy nước. Trộn dầu vừng, muối ăn vào nước cốt rau hẹ rồi bôi vào chỗ da bị viêm mỗi ngày 2-3 lần. Khi thấy móng có dấu hiệu yếu, gẫy nên tập trung uống một đợt vitamin để phục hồi “sức khoẻ” cho móng. Bác sĩ Đỗ Văn Thành
Trong số những bệnh nhân ngồi chờ đến lượt mình “khắc phục hậu quả” có một cô bé chừng 15-16 tuổi, ăn mặc khá sành điệu. Các móng tay cô đều màu trắng đục, có vẩy, tạo gờ, sờ vào có cảm giác mủn mềm, thậm chí có ngón gần như mất móng. Trường hợp này, theo bác sĩ Đỗ Văn Thành (Viện Da liễu T.Ư) là do bệnh nhân quá lạm dụng việc dùng sơn và chất tẩy rửa móng gây nhiễm độc, làm rối loạn dưỡng móng. Việc điều trị không đúng đã làm móng bị viêm ngày càng nặng và lan sang các móng khác. Nếu tình trạng này kéo dài, bác sĩ cảnh báo, cô bé có thể bị hoại tử ngón. Bác sĩ dẫn chứng, một bộ móng khoẻ mạnh, bình thường nhìn bóng, phía góc dưới hơi đục, càng ra phía ngoài càng trong. Trên móng, có những rãnh dọc mịn, nhìn xuyên qua móng thấy có màu đỏ hồng (do mạch máu phía dưới nuôi dưỡng).
Thú làm đẹp nhiều rủi ro
Theo bác sĩ Đỗ Văn Thành, các hóa chất trong sơn móng tay, móng giả, nước tẩy móng như benzen, toluen… đều là các chất gây nhiễm độc. Benzen là loại dung môi hữu cơ, bay hơi nhanh, được hấp thụ qua đường hô hấp, sau đó lưu tại gan, tuỷ sống và các tế bào mỡ. Benzen còn ảnh hưởng tới thần kinh, làm cho người tiếp xúc choáng váng, giảm trí nhớ, nếu hít phải liên tục trong thời gian dài, sẽ gây hại phổi, có thể dẫn tới ung thư. Còn chất toluen, hít phải thường xuyên sẽ gây độc trực tiếp, đặc biệt phụ nữ đang mang bầu có thể sinh con quái thai. Toluen ít tan trong nước, được phân bố nhanh vào các mô tế bào não, gan, thận… Bác sĩ Thành còn cho biết: Chị em thường có thói quen dùng chất tẩy rửa móng như autoni cũng gây khô, teo móng và làm móng ngày càng mỏng dần, trong khi móng đóng vai trò rất quan trọng là che chở các mô, bảo vệ đầu ngón tay, chân không bị tổn thương…
Mới đây, Viện Da liễu T.Ư khi làm xét nghiệm trên kiềm cắt da và khăn lau lấy ngẫu nhiên từ một số Trung tâm thẩm mỹ, thấy có 2 loại nấm Staphylo Aureus và Cadidasp. Đây là nguyên nhân gây bệnh ngoài da, sưng đỏ từ gốc móng, viêm da, lở loét, rất khó chữa. Nguy hiểm nhất là khi đi làm móng ngoài tiệm cũng có nghĩa phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu người làm móng trước bị HIV, mà dụng cụ giũa, cắt, sơn móng không được khử trùng thì nguy cơ lây nhiễm cho người dùng sau là khó tránh khỏi.
Theo Nông thôn ngày nay