Hoại tử da chân do dùng dầu nóng xử lý vết thương
Người bệnh tự ý dùng dầu nóng để giảm đau vết thương chân phải do tai nạn giao thông dẫn tới nhiễm trùng phần mềm, hoại tử một phần da chân.
Ngày 22-12, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM (ĐHYD) cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân NMK (42 tuổi, ngụ TP.HCM) bị nhiễm trùng phần mềm, hoại tử một phần da chân phải.
Trước đó, anh K. bị tai nạn giao thông, chân phải bị rách một đường dài, ra máu nhiều nên được đưa vào sơ cứu tại trạm y tế địa phương. Do không được khử trùng triệt để trước khi khâu vết thương, cùng việc tự ý sử dụng dầu nóng để giảm đau sau đó, chân anh K. sưng to, nhiễm trùng.
Tại BV ĐHYD, các BS đã phẫu thuật cắt lọc và ghép da để điều trị vết thương cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, anh K. phục hồi tốt, được hướng dẫn cách thay băng, chăm sóc vết thương tại nhà và tái khám đúng lịch.
Người bệnh bị hoại tử da chân phục hồi tốt, được hướng dẫn cách thay băng, chăm sóc vết thương tại nhà và tái khám đúng lịch. Ảnh: BVCC
Video đang HOT
Trường hợp xử lý vết thương không đúng cách của anh K. không phải là cá biệt. Theo PGS-TS- BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD, khi bị chấn thương, các tổ chức tế bào vỡ ra, liên kết giữa các mô bị phá vỡ. Lúc này, phản ứng viêm diễn ra giúp cô lập, xử lý và tái tạo sự sống tại khu vực tổn thương.
Tuy nhiên, khi phản ứng viêm xảy ra quá mức với tình trạng sưng, phù nề nhiều hơn, bệnh nhân phải được can thiệp giảm viêm để tránh ảnh hưởng vận động phục hồi sau này. Khi phản ứng viêm diễn ra quá mức, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức dữ dội. Do đó việc sơ cứu ban đầu cũng như xử lý phản ứng viêm rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi sau chấn thương.
Ngay sau khi bị chấn thương, cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương mô. Có thể dùng túi chườm lạnh để giảm sưng đau, giúp vết thương không lan rộng. Nên băng ép đúng cách và gối cao bộ phận cơ thể bị thương để giảm phù nề. Trong khoảng từ 1 đến 3 ngày, nếu tình trạng không được cải thiện cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh khuyến cáo, người dân thường có thói quen tự ý sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị các chấn thương phần mềm. Bên cạnh công dụng giảm đau, một số thuốc có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của BS, tránh lạm dụng, nhất là với những người có nhiều bệnh nền.
Với việc sử dụng túi chườm, người bệnh thường xuyên mắc sai lầm khi chọn phương pháp chườm nóng hay chườm lạnh.
Theo đó, trong 3 đến 5 ngày đầu, khi vết thương đang ở giai đoạn cầm máu, nên chườm lạnh để mạch máu co lại, cô lập vùng chấn thương và giảm sưng. Sau khi chuyển sang giai đoạn sửa chữa, tái tạo mô thì mới nên chườm nóng để làm giãn mạch, tăng cường dòng máu tới phục hồi vết thương.
Bên cạnh đó, một số phương pháp dân gian như dùng dầu nóng hay mật gấu không có tác dụng giảm sưng mà còn có thể gây phỏng da, khiến vết thương sưng, phù nề nhiều hơn.
Chữa trĩ bằng máy khâu bấm
Thay vì cắt toàn bộ búi trĩ, người bệnh chỉ cắt bán phần và khâu treo phần còn lại vào trong, khả năng hồi phục nhanh, ít đau đớn.
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân 62 tuổi, ngụ Bến Tre, bị trĩ nặng, có biến chứng. Ông đã điều trị bằng thuốc nhiều năm không bớt. Mỗi khi đi tiêu, khối trĩ sa nhiều, nhét lên không hoàn toàn, thỉnh thoảng đi ra máu, đau nhẹ hậu môn. Gần đây, bệnh nhân đi tiêu ra nhiều máu đỏ, thường xuyên chóng mặt.
Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh trĩ nội độ 3, biến chứng thiếu máu và được chỉ định phẫu thuật cắt trĩ bằng Longo - máy khâu bấm. Hậu phẫu, người bệnh ít đau, khối trĩ đã xử lý triệt để, kkhông còn đi tiêu ra máu. Gần một tuần sau, người bệnh xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Tín thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Minh Trí.
Theo phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trung Tín, Trưởng khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, ở giai đoạn nhẹ, người bệnh trĩ có thể được điều trị bằng các biện pháp không phẫu thuật, như thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước hàng ngày, giảm áp lực ổ bụng bằng cách tránh ngồi lâu, đứng lâu. Hoặc, điều trị nội khoa bằng các loại thuốc trị táo bón, các thuốc giúp bền và giảm tính thấm của thành tĩnh mạch tại các búi trĩ. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các thủ thuật khác như chích thuốc gây xơ, thắt trĩ bằng dây thun để điều trị các búi trĩ trong giai đoạn sớm, trĩ độ 1, 2.
Tuy nhiên, ở giai đoạn bệnh nặng (trĩ độ 3, độ 4), người bệnh sẽ bị sa búi trĩ (búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu hay ngồi lâu), phải dùng tay đẩy búi trĩ vào hậu môn. Nhiều trường hợp, búi trĩ nằm thường xuyên bên ngoài ống hậu môn gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được phẫu thuật để giải quyết triệt để bệnh trĩ.
Mỗi năm khoa phẫu thuật điều trị cho khoảng 3.000 trường hợp. Trong đó có hơn 61% số lượng người bệnh được tiến hành phẫu thuật Longo, bác sĩ Tín cho biết. Đây là một trong các phương pháp phẫu thuật hiện đại, an toàn nhất trong điều trị trĩ.
Phẫu thuật viên sử dụng một máy khâu bấm đưa vào trong hậu môn để cắt một vòng niêm mạc và dưới niêm mạc ngay bên trên đỉnh các búi trĩ để triệt nguồn cung cấp máu, cắt một phần các búi trĩ nội đồng thời cố định các đệm trĩ còn lại vào trong ống hậu môn. Phương pháp này chỉ lấy đi phần mô, nên không gây tổn thương da, ít gây đau sau mổ. Người bệnh có thể hồi phục và trở lại các sinh hoạt hàng ngày sớm hơn các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các búi trĩ khác.
Để đạt được hiệu qủa điều trị cao nhất, người bệnh nên tuân thủ các điều trị bằng thuốc và hướng dẫn chăm sóc sau khi phẫu thuật như: tránh táo bón, tránh di chuyển bằng xe máy hai tuần, không vận động mạnh trong vòng ba tháng sau mổ để phòng ngừa các biến chứng ra máu và đau sau phẫu thuật.
Bác sĩ Tín khuyến cáo, bệnh nhân trĩ đang có xu hướng trẻ hóa. Không ít người bệnh mới hơn 30 tuổi đã mắc bệnh. Những người bị tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày, người hay ngồi hoặc đứng lâu (như nhân viên văn phòng, bác sĩ phẫu thuật, tài xế lái xe đường dài), phụ nữ mang thai trong các tháng cuối, người thường tham gia các môn thể thao như cử tạ, leo núi, đua xe đạp... dễ mắc bệnh trĩ.
Triệu chứng của bệnh thường là đi tiêu ra máu tươi, búi trĩ sa nghẹt gây đau nhiều, người bệnh không thể ngồi hay đi lại được như người bình thường, rỉ dịch, ngứa hậu môn, sa búi trĩ...
Để phòng ngừa bệnh trĩ, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, tránh các hoạt động gây tăng áp lực ổ bụng kéo dài như ngồi lâu, đứng lâu. Nên hoạt động thể lực thường xuyên và duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước để tránh táo bón...
Chớ bỏ thuốc trị gút giữa chừng Lối sống hiện đại ít vận động, chế độ ăn nhiều purin... ngày càng làm gia tăng bệnh gút. Trong cơn gút cấp, bệnh nhân đau đớn nên muốn được điều trị giảm đau ngay. Nhưng khi cơn đau qua đi, nhiều bệnh nhân lại tự ý bỏ thuốc... Việc không tuân thủ điều trị khiến bệnh dễ bị tái phát, dẫn đến...