Hoài nghi về lời hứa của Triều Tiên sau “tuần trăng mật” tại Singapore
Trong khi Tổng thống Donald Trump thể hiện sự tin tưởng dành cho Triều Tiên đối với cam kết phi hạt nhân hóa, các chuyên gia và giới nghị sĩ Mỹ vẫn hoài nghi về điều này, đặc biệt sau khi những hình ảnh vệ tinh được hé lộ.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore (Ảnh: AFP)
Trở về từ Singapore sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6, Tổng thống Donald Trump liên tục ca ngợi những kết quả từ chính sách ngoại giao với Triều Tiên của ông. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố Bình Nhưỡng không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa và khẳng định các vụ thử tên lửa của nước này đã chấm dứt.
Tuy vậy, cũng giống như những tuyên bố về chính sách đối ngoại khác từ Nhà Trắng, những gì xảy ra trên thực tế thường cho thấy tình hình phức tạp hơn.
Giới chức Mỹ nói rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động liên quan chương trình tên lửa và vũ khí của nước này kể từ khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, các hoạt động này bao gồm việc chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới tại một cơ sở gần thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định với các thượng nghị sĩ tuần trước rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Các chuyên gia từng có nhiều thời gian nghiên cứu về chính quyền và chương trình tên lửa của Triều Tiên tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân cũng như trì hoãn tiến độ phát triển tên lửa ICBM của Bình Nhưỡng. Jeffrey Lewis, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Viện nghiên cứu Middlebury về Quan hệ Quốc tế ở California, cho biết các hoạt động phát triển vũ khí của Triều Tiên, bao gồm các hoạt động diễn ra tại cơ sở chế tạo ICBM, vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều tuần sau khi ông Trump và ông Kim gặp nhau tại Singapore.
Giới chức Mỹ thừa nhận họ không nhận ra sự gia tăng về các hoạt động của Triều Tiên trong những tuần gần đây, nhưng quan sát thấy rằng các chương trình vũ khí vẫn được duy trì với tốc độ tương đương với các tháng trước đó. Đặc biệt, hoạt động chế tạo từ 1-2 tên lửa ICBM đang diễn ra tại cơ sở sản xuất tên lửa Sanumdong ở ngoại ô Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi so với các hoạt động tại cơ sở này trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Một số quan chức trong chính quyền Trump tỏ ra thất vọng với việc Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình vũ khí gây tranh cãi. Họ xem đây là sự vi phạm của Triều Tiên đối với tinh thần của thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy vậy, một số quan chức khác và các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên tiếp tục tiến hành các hoạt động tại các cơ sở tên lửa là điều có thể dự đoán được vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa đưa ra bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về việc sẽ dừng sản xuất các hệ thống tên lửa hoặc nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân.
Video đang HOT
“Họ đang mở rộng tất cả mọi thứ. Công bằng mà nói, họ chưa bao giờ nói rằng họ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Phía Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng nói rằng họ đồng ý từ bỏ. Nhưng họ chưa bao giờ nói như vậy”, chuyên gia Lewis cho biết.
Theo ông Lewis, việc Triều Tiên đầu tư lớn vào chương trình hạt nhân trong những năm gần đây sẽ khiến nước này không thể nhanh chóng thay đổi. Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, Triều Tiên đã cho thấy sự gia tăng ổn định trong các khoản đầu tư vào công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Dừng hay không chương trình vũ khí?
Ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở tên lửa Sanumdong ở phía nam Bình Nhưỡng vào ngày 7/7. Phương tiện màu đỏ ở khu vực trong sân tương tự loại từng được Triều Tiên sử dụng để vận chuyển tên lửa. (Ảnh: Planet)
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng: “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”. Kể từ đó, ông Trump cho biết Triều Tiên đã có nhiều tiến triển trong việc thực hiện các cam kết mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tại cuộc gặp song phương.
Tuy nhiên theo hai cây bút J ulian E. Barnes và Eric Schmitt của New York Times, bầu không khí ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên đã tạm dừng. Vài tuần sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ vì đưa ra những đề nghị theo kiểu “kẻ cướp”.
Ngoại trưởng Pompeo được cho là sẽ tìm cách vực dậy mối quan hệ này bằng cách tiếp tục các hoạt động ngoại giao với Triều Tiên trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra tại Singapore tuần này. Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chủ đề phi hạt nhân hóa sẽ được thảo luận tại một cuộc họp đa phương, song không nói rõ liệu ông Pompeo và các quan chức Triều Tiên có gặp nhau trực tiếp để thảo luận hay không.
Ngoại trưởng Pompeo vẫn đứng về phía Tổng thống Trump, dành lời khen cho việc Triều Tiên không còn thử tên lửa cũng như nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ một khu thử động cơ tên lửa. Ông Pompeo coi đây là bằng chứng cho những cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm với Triều Tiên, nhưng việc Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa khu thử động cơ tên lửa cho thấy những bước tiến cụ thể của nước này.
Đảng Dân chủ bác bỏ nhận định của Ngoại trưởng Pompeo và cho rằng Triều Tiên chỉ đang dỡ bỏ một cơ sở lỗi thời. Trong khi đó các chuyên gia không đồng tình với tuyên bố của cả tổng thống và ngoại trưởng rằng cần duy trì chính sách ngoại giao với Triều Tiên và mối đe dọa xung đột đã giảm đi đáng kể.
Chuyên gia Lewis cho biết tổ chức của ông đã xem xét 40 bức ảnh chụp cơ sở Sanumdong của Triều Tiên kể từ tháng 1 đến nay. Các bức ảnh cho thấy các hoạt động vẫn diễn ra tại cơ sở từng được Triều Tiên sử dụng để phát triển tên lửa ICBM có khả năng phóng tới lục địa Mỹ.
“Họ vẫn đang hoạt động. Bạn không thể nhìn thấy bên trong tòa nhà đó, nhưng đó là một cơ sở tên lửa và các container vận chuyển vẫn xuất hiện ở đó”, ông Lewis cho biết.
Các chuyên gia tin rằng ít nhất ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên chưa có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc ICBM. Thay vào đó, nước này chỉ đang tìm kiếm một thỏa thuận mà ở đó họ có thể giữ lại kho hạt nhân và ICBM, nhưng sẽ dừng các vụ thử nghiệm cũng như những lời đe dọa công khai.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông “rất tin tưởng rằng Triều Tiên hiểu định nghĩa của Mỹ về phi hạt nhân hóa” và Bình Nhưỡng đã đồng ý phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên theo ông Lewis, trong khi chính quyền Trump định nghĩa “phi hạt nhân hóa” là từ bỏ vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác. Khi quan chức Triều Tiên nói về phi hạt nhân hóa, ý của họ có lẽ là giảm vai trò của vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia Lewis cho rằng Triều Tiên có lẽ muốn đi theo mô hình của Israel – một quốc gia không công khai sở hữu hạt nhân trên thế giới. Chính quyền Israel không nói về năng lực hạt nhân của họ, nhưng vũ khí hạt nhân của nước này không còn là bí mật.
“Họ muốn một thỏa thuận như Israel: Họ sẽ bớt nói về chúng (vũ khí hạt nhân) và chúng ta tưởng là chúng không tồn tại”, chuyên gia Lewis nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ NYT
Tiết lộ 3 vấn đề Ngoại trưởng Mỹ đưa lên bàn đàm phán với Triều Tiên
Trong cuộc đàm phán gần đây nhất về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 3 vấn đề để đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ đã không nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Korea Times trích lời nghị sĩ Roh Hoe-chan thuộc đảng Công lý Hàn Quốc cho biết, trong cuộc gặp với phía Triều Tiên hồi tháng 7 tại Bình Nhưỡng, ông Pompeo đã đưa lên bàn đàm phán 3 vấn đề cho phía Triều Tiên bao gồm văn bản về toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, lịch trình giải trừ chương trình hạt nhân và lời hứa chưa được thực hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6.
Tuy nhiên, theo ông Roh, phía Triều Tiên đã không có phản hồi về những nội dung mà Ngoại trưởng Pompeo đặt ra. Nghị sĩ này cho biết ông được quyền Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị Mỹ Stephen Mull thông báo về thông tin trên.
"Tôi cho rằng Triều Tiên đã trả lời rằng họ muốn các bên nên thực hiện các bước tiến nhằm giúp xây dựng niềm tin lẫn nhau, ví dụ như việc tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953", ông Roh nhận định.
Theo ông Pompeo, cuộc thương lượng mới nhất với Triều Tiên khá hiệu quả, nhưng 2 bên còn nhiều việc phải làm nhằm đi đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
"Lời hứa chưa được thực hiện của ông Kim" trong phát biểu của ông Roh có thể là cam kết mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh rằng Bình Nhưỡng sẽ phá hủy bãi thử động cơ tên lửa ở phía Bắc nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đề cập tới vấn đề trên trước đó.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tạm dừng năm 1953 với hiệp định ngừng bắn, không phải là hiệp ước hòa bình, khiến 2 miền bán đảo vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6 đã đi đến cam kết của 2 bên về việc cùng nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn khu vực và Mỹ phải đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã không còn nữa. Tuy nhiên, giới truyền thông đã trích một số nguồn tin tình báo Mỹ nghi ngờ Triều Tiên vẫn đang có dấu hiệu mở rộng các cơ sở tên lửa và hạt nhân.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Mỹ thừa nhận không thể sớm phi hạt nhân hóa Triều Tiên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cuộc đàm phán liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn tất. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters) "Vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm....