Hoài An – Đời chưa bình yên
Năm 1998 bỏ ngang sự nghiệp điện ảnh để lên xe hoa, cuối năm 2002 trở về “mái nhà” nghệ thuật thứ bảy xưa sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Hoài An làm lại sự nghiệp dở dang bằng hai bàn tay trắng.
Năm 1998 bỏ ngang sự nghiệp điện ảnh để lên xe hoa, cuối năm 2002 trở về “mái nhà” nghệ thuật thứ bảy xưa sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Hoài An làm lại sự nghiệp dở dang bằng hai bàn tay trắng, bắt đầu từ phim Hải Nguyệt. Làm mẹ ngoài đời, Hoài An bước vào những vai mẹ sau đó thật ngọt, ngọt đến nỗi, hầu như khi tìm diễn viên cho những nhân vật mẹ tuổi trung niên, các đạo diễn đều nghĩ ngay đến Hoài An.
Rồi từ những vai bà mẹ có con nhỏ trong phim Xóm cũ, Phố Hoài, Hoài An “lên tay” hơn khi hóa thân làm những bà mẹ già hơn tuổi thật của mình rất nhiều, thậm chí có cả con lớn như bà Diệp trong Ngã rẽ cuộc đời, bà Hai Thắm trong Hai mảnh đời, mẹ Ba Dương trong Dưới cờ đại nghĩa, bà Hơ Lem trong Lửa đáy hồ, bà Kim trong Gọi giấc mơ về, bà Lành trong Tường Vy cánh mỏng, bà Ba Thời trong Cay đắng mùi đời, Bà Hào trong Tham vọng, bà Hậu trong Câu chuyện pháp đình v.v…
Trải qua thời gian gần 10 năm như thế, vai “già” nhiều hơn vai trẻ, có lúc nào chị cảm thấy chạnh lòng không?
Mình cảm thấy hợp vai nào thì nhận vai đó. Nói chung, chỉ vai “mẹ” thôi, mà tôi phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, làm mẹ trong phim khó hơn ngoài đời, vì mỗi vai mẹ có một tính cách riêng, có mẹ hiền như bà Lành (phim Tường Vy cánh mỏng), thì cũng có mẹ quá quắt cay nghiệt như bà Hào (phim Tham vọng), có mẹ lam lũ mà cũng có mẹ giàu sang… Đi ngoài đường, nhiều người nhận ra tôi và thảng thốt: Trời, sao ở ngoài còn trẻ vậy? Bấy nhiêu thôi, cũng làm cho tôi cảm thấy vui rồi.
“Mẹ” nào làm cho chị phải rơi nước mắt nhiều nhất?
Video đang HOT
Đó là bà Hậu trong phim Giấc mơ thiên đường (Câu chuyện pháp đình phần 2) . Một bà mẹ sống bằng nghề bán ve chai, vì nghèo đã khiến cho hai đứa con ly tán, lớn lên với số phận khác nhau, cuối cùng bà chết vì bị thằng con nghiện ngập về khảo tiền. Vai này không những gánh ve chai ê cả vai, mà còn phải khóc từ đầu đến cuối, có khi ba mẹ con tôi (với Quốc Thái và Võ Thành Tâm) “mồi” cảm xúc cho nhau đến kiệt sức.
Còn bà mẹ trong hai phim đang phát sóng- Mẹ và con trai (ĐD Phạm Ngọc Châu, TFS) và Theo dấu hương xưa (ĐD Ngô Quang Hải, LastaFilm)?
Cả hai bà mẹ trong hai phim này đều là vợ hiền, dâu thảo, bà mẹ của Quế và Tùng (Theo dấu hương xưa) lo rầu vì hai con trai đều đã trưởng thành nhưng người thì ham chơi, người thì có sự lựa chọn nghề đi ngược lại ước muốn của cha mẹ khiến cho bà khổ tâm trước sự xung đột giữa chồng và con trai lớn. Còn bà Ngân của Mẹ và con trai thì thật thà, hơi hậu đậu, chiên gà thì khét, lau nhà thì để nước chảy tràn lan, có một con trai và một con gái, lại cưng con quá đáng, có khi còn bao che sự nông nổi của con.
Ngoài đời mối quan hệ giữa chị và con trai có giống như trong phim không?
Cuộc sống của tôi không được hạnh phúc như trong phim. Tôi làm một bà mẹ đơn thân đã nhiều năm nay, nên trách nhiệm của tôi nặng gấp mấy lần những nhân vật mình đã từng thể hiện. Vừa làm mẹ vừa làm cha rất khó, phải tỉnh táo để biết lúc nào cần cứng rắn, khi nào nên mềm mỏng. Tôi thương con nhưng chưa bao giờ cưng chiều con một cách vô lý. Tôi ý thức được rằng nếu không rèn luyện nhân cách cho con từ nhỏ, sau này sẽ khó uốn nắn nó. Hiện nay bé Cao Sơn của tôi đang bước vào độ tuổi dậy thì với những chuyển biến tâm lý phức tạp, thì tôi càng phải cố gắng tìm hiểu con trai mình hơn nữa. Có lẽ trời thương nên trong cái rủi có cái may, con trai tôi tuy không gần gũi cha nhưng nó rất ngoan và nhiều khi hành xử rất người lớn. Nó như người bạn nhỏ của tôi. Hai mẹ con cười giỡn với nhau suốt ngày.
Chị có định hướng con theo nghề của mình không?
Có lần, ở nhà xem phim tôi đóng, có người hỏi mai mốt có cho nhóc theo nghề không? Tôi nói chắc không đâu, vì thấy nó hổng có khiếu. Nhóc liền khoe: “Không dám đâu, trong lớp con cũng được đóng kịch rồi đó nha!!” Hỏi đóng vai gì, nhóc nói: “Vai chính đàng hoàng, vai con sói trong kịch Hai anh em”!!! Nghe vậy tôi hiểu là vai quần chúng rồi… Vậy mà nhóc cứ vô tư kể và diễn lại, làm tôi cười chảy nước mắt luôn!! Thì ra, mở màn, có một bạn đóng con sói ốm đi lên sân khấu, cầm thức ăn cạp cạp rồi đi vào trong, sau đó con sói (giờ đã mập) bước ra… đi theo 2 anh em, định làm hại họ thì bị thợ săn bắn chết, lăn vào trong cánh gà… Hết vai?!! Bó tay luôn, nhờ mập mà được giao vai này, chứ đâu phải do nó có khiếu gì đâu???
Chị chỉ mới ngoài 30, không định tìm cho mình một hạnh phúc mới sao?
Có lúc, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Con trai tôi thấy có người biết quan tâm chăm sóc mẹ và yêu thương nó, nó cũng thúc hối tôi bước thêm bước nữa. Là phụ nữ mà, được yêu thương và chia sẻ buồn vui, ai chẳng thích. Nhưng tôi cứ sợ những hệ lụy về sau, cho nên tôi thấy tôi và họ cứ tạm thời giữ tình bạn tốt của nhau như hiện nay là hay nhất. Còn chuyện xa hơn nữa, thời gian sẽ trả lời.
Chị vừa nhận được tin vui vào TOP 3 Nữ diễn viên phụ Giải thưởng HTV 2011. Cảm giác chị thế nào?
Được đề cử nhờ vai bà Sương trong Giấc mơ cổ tích là điều hết sức bất ngờ đối với tôi. Tuy vai này cũng có số phận và nhiều đất diễn, nhưng tôi không dám nghĩ mình sẽ lọt vào top 5 rồi top 3, vì năm ngoái, tôi đã có vai nặng ký hơn là bà Hậu trong Câu chuyện pháp đình 2, gây được nhiều ấn tượng, thì lại không lọt vào vòng đề cử. Tôi đang tận hưởng niềm vui bất ngờ này và hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với tôi nếu được sự ủng hộ của khán giả.
Theo 2Sao
Thất điên bát đảo nhạc Online tung hoành
Phát hành nhạc qua mạng được xem là một xu thế tất yếu của thời hiện đại, nhưng cũng chính ở đó tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm.
Giữa ngập tràn album online,
tìm được một sản phẩm đáng nghe là điều không dễ dàng
Các thành viên cộng đồng mạng từng khẳng định: "Cái gì trong đời thực có thì Internet cũng có, nhưng chưa chắc những cái trên net lại đồng thời tồn tại trong đời thực". Nhận xét có lý, ít nhất là trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, khi ngày càng nhiều hơn những album, tác phẩm được giới thiệu, phát hành chỉ qua con đường Internet.
Không gian ảo: Càng nhiều nhạc càng tốt
Trong quy trình sản xuất một đĩa nhạc thông thường, ca sĩ sẽ phải chọn mua tác phẩm, hòa âm, thu, xin phép phát hành, in bìa, in đĩa... mà trong đó thủ tục xin phép là nhiều người ngại nhất vì không thể chủ động. Với kiểu phát hành nhạc online, quy trình trên đơn giản hơn nhiều vì có thể loại bỏ từ phần xin phép trở về sau. Gánh nặng chi phí do đó cũng giảm đáng kể.
Khi được hỏi lý do đưa nhạc lên mạng, ca sĩ T.P. thẳng thắn: "Mình là ca sĩ trẻ, có ai biết đâu nên chắc gì đĩa lậu đã thèm chép đĩa của mình. Muốn họ chép cũng phải tốn phí, trong khi đưa lên mạng gần như không tốn gì mà khả năng lưu trữ của mạng thì đâu có giới hạn. Trang nào cũng muốn có càng nhiều nhạc càng tốt. Với mấy trang lớn có tốn cũng chỉ chút đỉnh thôi".
Chọn con đường đưa album lên net, hầu hết ca sĩ mới đều chỉ hi vọng giới thiệu được tiếng hát, hình ảnh để công chúng biết mặt, nhớ tên hơn là thu lợi nhuận. Ngay cả nguồn thu từ việc bán nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại di động cũng chỉ là số nhỏ, trừ vài tác phẩm hiếm hoi tạo được sức hút trên thị trường. Ðương nhiên đi kèm với các album online cho mọi người thỏa sức download là hàng núi hình ảnh ca sĩ để các diễn đàn, mạng xã hội, blog sao chép, nhân bản.
Nhiều lục bình, dòng chảy khó thông
Tuổi trẻ hát những bài ca có tính hài hước, nghịch ngợm một tí tôi cho là không sao, bởi nếu họ không còn biết hài hước thì đó quả là tai họa. Nhưng khi sự hài hước đi quá xa sẽ rất dễ trở nên phản cảm, lố bịch. Những bài ca đó khi được phát hành như một album, của ca sĩ có tên thì điều chúng ta cần xem lại là mỹ cảm của cả người viết, người hát lẫn người nghe đang ở đâu.
Tôi cũng đồng ý chuyện cái dở sẽ bị đào thải. Nhưng xin lưu ý rằng lục bình vài nhánh trên sông có thể đẹp, không ảnh hưởng gì, nhưng khi nó tụ thành từng mảng lớn thì dòng chảy khó mà thông.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Từ những nghệ sĩ ít nhiều đã có tên tuổi như Khổng Tú Quỳnh, Minh Hằng, Quỳnh Nga, Trúc Diễm, Mi Lan, Trà My, Hoài An đến những ca sĩ còn đang vô danh đều đã lần lượt xuất hiện trên không gian ảo. Trong số đó không thiếu những album đóng mác độc quyền của một website để chiếm được vị trí giới thiệu trang trọng trên trang chủ, đi kèm các thông tin nặng tính PR.
Ngoài việc giao nhạc cho các trang mạng, bản thân nghệ sĩ cũng tận tình tiếp thị mình thông qua trang cá nhân, mạng chia sẻ và cậy nhờ bạn bè ủng hộ bằng cách bấm nạp lại trang liên tục nhằm qua mặt hệ thống đếm số lượt nghe, tải để tạo cảm giác đó là album rất được quan tâm.
Chất lượng thả nổi
Phần lớn website nghe nhạc trực tuyến chọn nén các file nhạc nhằm tiết kiệm không gian máy chủ và tăng tốc độ tải. Nắm được điều này, các album online cũng không được đầu tư quá nhiều về chất lượng âm thanh mà chỉ dừng ở mức "nghe rõ".
Thậm chí không ít album đầy lỗi kỹ thuật, thu vội vã bằng máy tính cá nhân, sử dụng nhạc nền của nước ngoài vẫn cứ thản nhiên được phát hành. Nhiều tác phẩm đang lưu hành trên mạng xen lẫn tạp âm như tiếng chó sủa, tiếng kẹt cửa, tiếng người nói chuyện lao xao...
Nội dung tác phẩm cũng là yếu tố cần bàn khi những Bể cái ly, Ngôi nhà rơm, Hẻm nhỏ, Làn da, Cao gót... được chuyển tải đến bạn yêu nhạc khiến nhiều người phiền lòng vì sự phản cảm của chúng: "Tình mình như cái ly bể, đập vào con tim anh đây, đập vào con tim em đây. Woh woh đau thật đau. Biết làm sao? Chỉ biết cắn răng mà thôi... Bể cái ly vỡ một tình yêu", "Cố yé yé cho đến khi em thành khăn lau giày cho thương mại", "Hãy cho em làn da của anh", "Dù là bước chân dài, dù là gót cao đẹp, thì cuộc sống em cũng bình thường giống bao người... em cao gót tâm hồn". "Không thể tưởng tượng nổi như thế cũng gọi là ca từ sao?", đó là ý kiến của nhiều thành viên một trang mạng xã hội sau khi nghe "Rồi ngày ngày anh sẽ vô rừng bắt con bướm xinh về cho em nuôi... Ôi baby-boo rồi em ra đi anh đốt ngôi nhà rơm, đốt hết cả nắng trong khu vườn nhỏ".
Không thể phủ nhận có những album, bài hát có chất lượng phát hành trên mạng như một hình thức thăm dò trước khi chính thức chuyển đến công chúng, cũng không thể phủ nhận thế giới ảo đôi khi giúp phát hiện tài năng thật sự đang muốn chia sẻ tác phẩm nghiêm túc. Sự phát triển của công nghệ đã giúp nghệ sĩ có thêm nhiều kênh tiếp cận khán giả mà diễn đàn, blog, mạng xã hội là những kênh hữu hiệu, tiết kiệm.
Chọn sử dụng kênh nào hoàn toàn là quyền của nghệ sĩ tùy theo nhu cầu và khả năng cụ thể của từng người. Song dù là kênh tiếp cận nào thì chất lượng tác phẩm vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chỉ cần thất vọng một vài lần với những gì mình nghe được qua các album dễ dãi, tùy tiện, công chúng thật khó để ủng hộ nghệ sĩ trong tương lai.
Vẫn biết tác phẩm không có giá trị sẽ tự động bị đào thải, nhưng một khi những khúc ca như thế được phổ biến với tần suất dày đặc trên các trang mạng, nơi giới trẻ hằng ngày tìm đến giải trí thì cũng khó tránh khỏi việc bị "quen tai".
Và thực tế cũng đã nhìn thấy khi những bài hát mang nội dung nhảm nhí được nhiều người tìm nghe, các bài sau đó cũng sẽ được viết theo lối tương tự để dễ dàng câu khách. Chiếc vòng luẩn quẩn ấy liệu có kéo tuột thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nghệ sĩ và giới sáng tác như nhiều người đang lo âu?
Theo Tuổi Trẻ