“Hòa Thân” tái thế giấu tiền tấn trong ao cá ở biệt phủ
Từng có khối tài sản cực lớn, nhưng trước lúc bị xử tử, “Hòa đại nhân” chỉ ăn 3 quả trứng và 1 trái lê.
Quan tham Văn Cường khi bị bắt.
Đối với quan tham Trung Quốc bị truy bắt trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi”, số tiền tham nhũng không chỉ dành để mua đồ đạc, siêu xe, trang sức mà phần lớn để xây biệt phủ hoành tráng. Loạt bài sau đây điểm tên những quan tham sở hữu biệt phủ hoành tráng bậc nhất Trung Quốc từng sa lưới.
Quan chức mẫn cán
Nguyên phó giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh.
Thời điểm năm 1984, huyện Ba Huyền xa xôi ở thành phố Trùng Khánh bất ngờ bị sập mỏ than. Trong số những người có mặt và chỉ huy tìm kiếm người bị nạn có phó bí thư huyện này. Người đó là Văn Cường, sinh năm 1956, dáng người nhỏ thó và mặt không quá ấn tượng. Tuy nhiên, việc một quan huyện có mặt và rốt ráo chỉ huy việc tìm kiếm đã khiến các lãnh đạo thành phố hết sức chú ý. Họ đánh giá Văn Cường là một người biết làm việc và nhanh nhẹn.
Văn Cường bị áp giải tới nơi xét xử.
Video đang HOT
Năm 1992, khi làm ở phòng điều tra tại Trùng Khánh, Văn Cường lập công lớn khi phá được đại án giết người của một tên sát nhân mang tên Trương Quân. Sếp của Văn Cường nhận xét cán bộ điều tra cấp dưới của mình là người “hành động nhanh nhẹn, quyết tâm phá án tới cùng và rất quyết liệt”. Tuy nhiên, ông Trương Văn Tân cũng không hài lòng ở Văn Cường về việc “thường xuyên không chấp hành quy định của cấp trên”.
Ngày phán xét
Người dân tập trung bên ngoài nơi xét xử quan tham Văn Cường.
Tháng 5.2010, bên ngoài tòa án trung cấp số 5 thành phố Trùng Khánh, lượng người tập trung theo dõi vụ án ngày hôm ấy đông khủng khiếp. Một người phụ nữ tên Lưu Thục Luân mang theo tấm biểu ngữ có dòng chữ “Án mạng phải phá, án oan phải sửa”. Bà Luân cho biết con trai bà bị Văn Cường kết án buôn bán và sử dụng ma túy. Sau đó, người thanh niên này chết bí ẩn trong tù mà không có lời giải đáp.
Khi đại án Văn Cường được đưa ra vành móng ngựa, dư luận Trung Quốc gọi đây là “Hòa Thân tái thế” vì vẻ ngoài của quan tham này rất giống diễn viên trong bộ phim cùng tên. Ngoài ra, đây cũng là một đại gian thần đúng nghĩa.
Văn Cường được mệnh danh là “Hòa Thân tái thế”.
Ngoài Văn Cường giữ vai trò là Phó giám đốc Sở công an Trùng Khánh, còn có Chu Hiểu Á, vợ của Văn Cường và Hoàng Đại Cường, phó phòng cảnh sát hình sự Trùng Khánh; Triệu Lợi Minh và Trần Đào là hai phó phòng cảnh sát khác của thành phố Trùng Khánh cũng bị đưa ra xét xử lần này.
Thẩm phán đọc cáo trạng và tuyên bố Văn Cường phạm tội nhận hối lộ, sở hữu tài sản không có nguồn gốc, bảo kê và cưỡng dâm. Theo điều tra sơ bộ, từ năm 1996 tới 2009, trong thời gian làm phó giám đốc công an Trùng Khánh, Văn Cường đã nhận hối lộ hơn 16 triệu nhân dân tệ. Tính bình quân, ngày nào Văn Cường cũng nhận ít nhất 500 USD (khoảng 10 triệu đồng).
Văn Cường bị giải ra vành móng ngựa cùng vợ.
Trong số những vật hối lộ vào tay Văn Cường có bức họa cổ xưa trị giá 3,6 triệu tệ, tương đương 533.000 USD. Tờ Quốc tế Online Trung Quốc cho biết Tạ Cương, người từng là phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Trùng Khánh đã phải lót tay 120.000 tệ để vào được chức vụ “ngon ăn” này.
Hoạt động kiếm tiền của Văn Cường và vợ rất đa dạng, từ nhận hối lộ tới bảo kê. Chu Hiểu Á thường sai người tới các băng nhóm xã hội đen, yêu cầu “nộp tô” để có thể làm ăn tại đất Trùng Khánh. Hoạt động kiếm tiền từ bán chức tước tới chạy vào các trường an ninh trong thành phố cũng nằm trong mắt xích kiếm tiền của Văn Cường.
16 biệt thự, ao cá giấu tiền tấn
Hai tòa biệt phủ nằm sát nhau của Văn Cường.
Tài sản của Văn Cường là 16 biệt thự và tổng tài sản trong ngân hàng khoảng 4,5 triệu USD. Số tiền 120.000 tệ, tương đương 17.000 USD được Văn Cường dành riêng cho việc…bao gái. “Hòa Thân tái thế” này thực sự là đại quan tham, vừa tham tiền, vừa hám sắc.
Tờ CRI cho biết Văn Cường mua tặng nhiều biệt thự cho các “chân dài”, đặc biệt là các người mẫu, diễn viên hoặc nữ sinh trẻ tuổi. Tại biệt phủ của Văn Cường ở núi Tiên Nữ, đông nam Trùng Khánh, các điều tra viên phát hiện ra 20 triệu tệ tiền cọc mới nguyên được giấu dưới ao cá. Số tiền này tương đương 60 tỉ đồng.
Số tiền thu được dưới ao cá của Văn Cường.
Biệt phủ của Văn Cường nằm tách riêng trên núi cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, kiến trúc kiểu Tây và rất hoành tráng. Người ngoài không thể tiếp cận khu vực này do có bảo vệ từ chân núi. Sau khi tòa biệt phủ bị tịch thu, nơi đây trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng.
Hồ cá nơi chứa tiền tấn.
Những giây phút cuối đời
Tấm biểu ngữ với dòng chữ “Văn Cường chết – Hạnh phúc cho dân – Hòa bình cho Trùng Khánh”.
Văn Cường bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc năm 2010. Trong thư hối lỗi của mình, Văn Cường viết: “Tôi muốn nói với các quan chức đang đi trên con đường này rằng, quay đầu là bờ”. Trước khi bị tiêm thuốc, Văn Cường xin ăn ba quả trứng hấp và một trái lê.
Sau cái chết của Văn Cường, nhiều người dân đốt pháo hoa ăn mừng. Tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải một tấm biểu ngữ của người dân với dòng chữ “Văn Cường chết – Hạnh phúc cho dân – Hòa bình cho Trùng Khánh”.
_____
Quan tham Trung Quốc sở hữu không chỉ một mà 3 biệt phủ liền kề, ngày đêm ăn chơi hưởng lạc. Ngay cả khi bị bắt vào tù, ông ta vẫn đổ tiền mua chuộc để đêm về nhà ngủ. Đón đọc kì tới xuất bản lúc 0h30 phút ngày 19.7.
Theo Danviet