Hoa sữa làm khổ người Đà Nẵng
Những ngày qua, loài hoa của thơ nhạc lại làm khổ người dân TP.Đà Nẵng vì mùi nồng nặc trên nhiều tuyến phố.
Hoa sữa nở trắng tại Đà Nẵng kèm mùi nồng khó chịu – Ảnh: Nguyễn Tú
Hên thành xui
Sáng 18.11, bà Nguyễn Thị Thu (52 tuổi, ngụ 159 Phan Thanh, tổ 60, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cặm cụi cầm chổi quét xác hoa sữa rụng đầy trước sân nhà. Bà không rõ 2 cây hoa sữa cao hơn chục mét, trồng chỉ cách nhau 5 mét án ngữ ngay trước mặt tiền nhà bà có từ khi nào. 13 năm trước, bà dọn về đây đã thấy cây hoa sữa cao hơn ngôi nhà cấp 4 của gia đình.
Bà Thu thở dài ngao ngán: “Ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì 3 mẹ con tôi nhức đầu không chịu nổi bởi mùi nồng sực nức. Ban ngày tui bán bánh mì que cũng được được, chứ ban đêm quán trà sữa ế lắm vì khách không dám ngồi”.
Cách đó không xa, quán chè, sinh tố của ông Phan Thanh Bình (45 tuổi, ngụ 103 Phan Thanh) cũng cùng chung số phận ế ẩm. Trao đổi với chúng tôi sáng 18.11, ông Bình đinh ninh cây hoa sữa trồng dọc tuyến đường Phan Thanh này từ giai đoạn 1995 – 1996 khi mở tuyến đường nối từ Lý Thái Tổ ra trục Đông – Tây (nay là đường Nguyễn Văn Linh).
Đường Phan Thanh, nơi có dãy hoa sữa đã gần 20 năm tuổi – Ảnh: Nguyễn Tú
“Hồi đó các hộ dân cùng phía nhà tôi thuộc hướng tây, buổi chiều đón nắng nên thành phố ưu ái cho trồng cây hoa sữa để tạo bóng mát; các nhà phía bên kia đường hướng đông, không trồng hoa sữa mà trồng bằng lăng. Hồi đó các nhà bên kia đường ghen tị với chúng tôi lắm, nói nhà chúng tôi hên, khen có hoa sữa đẹp, còn giờ thì không biết hên hay xui”, ông Bình lắc đầu. “Hên xui” chưa rõ, nhưng cứ đến mùa tháng 10, 11 hằng năm, vợ ông Bình bị dị ứng mũi với mùi hoa sữa nên cứ hắt hơi, sổ mũi liên tục, phải mua thuốc uống thường xuyên.
Không chỉ đường Phan Thanh, mà người dân đường Phạm Văn Nghị, Đống Đa, Trần Cao Vân…hiện cũng đang chịu chung số phận khi hoa sữa nở trắng đường. Những ngày qua, nhà dân ở các tuyến đường này đa phần đóng cửa khi cây hoa sữa gần 20 năm tuổi vươn cao hơn chục mét, xộc mùi thẳng vào nhà cao tầng.
Video đang HOT
Nhiều hộ dân chủ động dùng kéo, sào có gắn câu liêm cắt tỉa nhưng cũng không xuể do hoa sữa trổ nhanh, còn dày đặc hơn cả lá.
Ám ảnh
Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP.Đà Nẵng, hoa sữa ban đầu trồng thì rất đẹp, nhưng đó là trồng lẻ loi ở công viên, hoặc vườn tạo điểm nhấn và mùi thoang thoảng, chứ với mật độ dày đặc 5-7 mét/cây như hiện nay trên nhiều tuyến đường thành phố thì đúng là mùi hoa nồng nặc như mùi bã trầu không thể chịu nổi.
Tại đường Đống Đa, hoa sữa được trồng với mật độ dày đặc – Ảnh: Nguyễn Tú
Nguyên do, khoảng giai đoạn trước 1997, do yêu cầu chỉ trồng một loại cây trên tuyến phố, nên Công ty Công viên Cây xanh TP.Đà Nẵng (thuộc Sở Giao thông Công chính cũ) trồng với mật độ trên mà quên tính đến khoảng cách “an toàn” để hoa sữa không gây mùi nồng phải từ 15 – 20 mét/cây.
Ông Thứ kể, mùi hoa sữa “ám ảnh” người dân đến nỗi, có trường hợp cây chưa trổ hoa đã bị người dân phản ứng gay gắt. Đó là vào thời điểm cuối năm 2011, Công ty Công viên Cây xanh TP.Đà Nẵng di dời toàn bộ 94 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh về vườn ươm. Sau đó đưa 20 cây qua trồng ở sau trạm xử lý nước thải Thọ Quang để tạo vành đai ngăn mùi hôi của trạm xử lý “tấn công” khu dân cư.
“Khi đó các cây hoa sữa đã bị cắt gần như trụi ngọn, chỉ còn trơ thân, nhưng người dân vẫn gọi điện cho lãnh đạo thành phố, “tố” cây hoa sữa gây nặng mùi”, ông Thứ kể.
Mong cây chết
Cũng theo ông Thứ, cả chục năm nay thành phố đã không trồng thêm hoa sữa và số lượng đang giảm dần theo từng năm, từ 1.200 cây năm 2012 hiện chỉ giảm còn vài trăm cây do sau mỗi năm, các cây sâu bệnh, ngã đổ sau bão…bị thay thế dần dần ở từng tuyến đường.
Tính đến thời điểm tháng 11 này, đường Đống Đa vẫn còn nhiều nhất với 89 cây, đường Phan Thanh 57 cây. Đó là 2 tuyến đường “nồng nặc” nhất do mật độ trồng dày nhất. Ngoài ra đường Hoàng Diệu còn 54 cây, Trần Cao Vân 66 cây, Nguyễn Văn Cừ 25 cây, Trưng Nữ Vương 14 cây, Hà Huy Tập 32 cây, Phạm Văn Nghị 30 cây…
Tán cây hoa sữa vươn sát ban công nhà dân khiến người dân khổ sở – Ảnh: Nguyễn Tú
Trước bức xúc của người dân, các phản ánh của cử tri, Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty Công viên Cây xanh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật sinh học phù hợp để ức chế hoa sữa ra hoa.
Tuy nhiên theo ông Đặng Đức Thứ, việc này là không thể thực hiện được vì quá trình ra hoa của cây là tự nhiên, không thể ức chế.
Áp dụng phương pháp chính quy không được, người dân bắt đầu “đánh lẻ”. Dọc các tuyến đường này dễ dàng thấy một số gốc cây cháy đen thui, bị lõm dần vào do người dân tranh thủ đốt vàng mã ở gốc cây, với hy vọng đến một lúc cây sẽ bị hư hại và được công ty cây xanh thay thế.
“Công ty cũng muốn giải quyết dứt điểm cây hoa sữa nên sẽ xin Sở Xây dựng đưa vào nguồn vốn thực hiện năm 2016. Tuy nhiên trước mắt người dân nếu có nhu cầu bức thiết và điều kiện kinh tế đảm bảo, cũng có thể tự bỏ kinh phí và đề nghị Công ty Công viên Cây xanh thay thế hoa sữa trước nhà bằng loại cây khác”, ông Thứ nói.
Nguyễn Tú
Theo Thanhnien
Đáng ngại mùi hoa sữa Quy Nhơn
Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty CP công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn (Bình Định), cho biết đơn vị này đang tiến hành di dời, xử lý hoa sữa "để đảm bảo sức khỏe cho người dân".
Công ty cổ phần công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn tiến hành tỉa cành hoa sữa trên đường phố - Ảnh: Nguyễn Bá
Hai tuần nay, người dân TP.Quy Nhơn liên tục phản ánh với các cơ quan chức năng và trên mạng xã hội về tình trạng mùi hoa sữa nồng nặc, khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe - gây đau đầu, mệt mỏi, khó chịu.
"Ác mộng"
"Cả đoạn đường Trần Bình Trọng chỉ có một cây hoa sữa đã được chặt tỉa chỉ chừa lại một cành mà mùi hoa hắc không chịu được, phải đóng cửa suốt", ông Bùi Văn Thành (68 tuổi, ở đường Trần Bình Trọng) nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng (đường Nguyễn Thái Học) than: "Mùi hoa sữa năm nay đậm đặc hơn mọi năm. Mấy cây gần nhà tỏa mùi hoa làm tôi bị viêm mũi, nghẹt mũi, đau đầu. Lên cơ quan, phòng làm việc của tôi ở tận tầng 3 mà mở cửa ra cũng không chịu được mùi hoa này".
Theo anh Trần Phúc Lộc (ở đường Vũ Bảo), hoa sữa ở Quy Nhơn không chỉ do các đơn vị nhà nước trồng mà nhiều bạn trẻ thích bài hát về loài hoa này nên cũng đem về trồng. Ban đầu ai cũng tưởng mùi hoa sữa thơm dễ chịu như ở miền Bắc nên hớn hở chờ đợi mùi hương của hoa, giờ thì ai cũng khiếp sợ hết! Mấy ngày qua, Công ty CP công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã tỉa bớt cành nhưng mùi hoa sữa vẫn còn nồng.
Chị Bùi Thị Hải Yến (ở P.Lê Lợi) viết trên Facebook: "Ác mộng hoa sữa" và được nhiều người đồng cảm bởi nỗi khổ không của riêng ai. Chị Yến cho biết, việc vừa làm vừa phải ngửi mùi hoa sữa cả ngày là điều tồi tệ và kinh khủng nhất. Mùi hoa khiến nhiều đồng nghiệp khác trong cơ quan chị cảm thấy khó thở, nhức đầu.
Trồng cây mới thay thế
Theo ông Đỗ Đình Phương, cây hoa sữa được trồng nhiều tại TP.Quy Nhơn vào những năm 1993 - 1995, khi Công ty CP công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn còn chưa thành lập. Theo thống kê, có khoảng 3.000 cây hoa sữa đã được trồng trên các tuyến đường phố Quy Nhơn và trong các khu dân cư. Tuy nhiên, những năm gần đây, mỗi khi ra hoa, mùi hương quá nồng khiến nhiều người dân phản ứng nên công ty đã tiến hành di dời cây, tỉa bỏ bớt cành và dần thay thế bằng các loại cây xanh khác. Đến đầu tháng 11.2015, toàn TP.Quy Nhơn còn gần 800 cây hoa sữa.
"Hiện cây hoa sữa ở Quy Nhơn đang vào mùa trổ hoa và lượng hoa nở dày bất thường, mùi hương nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nên chúng tôi tỉa bớt cành cây", ông Phương nói và cho biết UBND TP.Quy Nhơn đã có quy hoạch về việc trồng các cây xanh trên đường phố. Trong đó, các loại cây được trồng chủ yếu là sao đen, me ta, dầu rái, bằng lăng... Những cây trồng mới đều là cây đã trưởng thành nên sẽ sớm cho bóng mát ngay.
Một bác sĩ chuyên khoa 2 tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: "Cây hoa sữa trồng khoảng cách dày đặc như ở Quy Nhơn hiện nay cộng với tác hại của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ làm gia tăng độc tính khi hít phải. Đặc biệt, với những người có cơ địa dị ứng, viêm xoang hay hen suyễn nếu hít mùi hoa sữa nhiều rất dễ làm bệnh tăng nặng. Riêng đối với bệnh hen, nguy hiểm ở chỗ nếu không được cấp cứu kịp thời thì có nguy cơ tử vong cao. Ở những trường hợp nhẹ là hắt xì liên tục, làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân".
Hoàng Trọng - Tâm Ngọc
Theo Thanhnien
Bình Định chặt 3.000 cây hoa sữa vì mùi hôi Trước việc hàng nghìn cây hoa sữa trên đường phố Quy Nhơn tỏa mùi nồng nặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, địa phương tiến hành chặt bỏ. Lực lượng công nhân cây xanh cắt tỉa cành hoa sữa đang nở rộ. Ảnh: Phương Thảo Những ngày qua, lực lượng công nhân Công ty công viên cây xanh và chiếu...