Họa sĩ mù vẽ 1.000 chân dung Đại tướng
Họa sĩ, nhà điêu khắc, đại tá Lê Duy Ứng (thương binh hạng 1/4), người lính từng lấy máu mắt vẽ chân dung Bác Hồ. Giờ đây, trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đôi mắt bị hỏng của ông thêm một lần đỏ hoe, ông nghẹn ngào kể về Đại tướng và tiếp tục vẽ người bằng trí tưởng tượng.
Người hồi sinh cho tôi cuộc sống
“Đang trên đường về quê Quảng Bình thăm quê sau bão lũ số 10, em gái tôi gọi điện báo tin Đại tướng mất. Trời đất như sụp xuống. Vậy là bác Văn đã ra đi, cây đại thụ của cách mạng Việt Nam, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người đã hồi sinh cho tôi cuộc sống này, sau khi tôi bị đạn kẻ thù làm hỏng mắt. Biết là đó là quy luật của trời đất nhưng tôi không cầm được nước mắt. Nỗi tiếc thương vô hạn với người, tôi vội vàng đi nhờ xe đến Lệ Thủy, quê nhà Đại tướng để thắp một nén nhang. Khi thấy bức tượng của người tôi đã ôm chặt mà khóc. Sau đó, tôi nhanh chóng ra Hà Nội để viếng Đại tướng tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu”, đại tá Lê Duy Ứng xúc động kể lại.
Đại tá Lê Duy Ứng là đồng hương Quảng Bình với Đại tướng. Tốt nghiệp phổ thông, ông trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội. Học chưa hết năm thứ 3, nghe theo tiếng gọi non sông, Lê Duy Ứng tạm gác bút nghiên lên đường chống đế quốc Mỹ. Sau một thời gian huấn luyện tại Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang), ông trở thành lính trinh sát, vừa chiến đấu, vừa đem tài năng hội họa của mình để vẽ lại những khoảnh khắc lịch sử, cổ vũ đồng đội chiến đấu.
Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ Đại tướng.
Sáng 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, Lê Duy Ứng đang ngồi trên chiếc xe tăng 847 làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh, vẽ ký họa, thì súng chống tăng của giặc bắn đứt xích xe bên phải. Chiếc tăng quay ngang đường, hất Lê Duy Ứng xuống vệ đường ngất lịm. Ông Ứng kể lại: “Khi tỉnh dậy, sờ thấy người đồng đội bên cạnh đã hy sinh, mắt tôi lòng thòng ra bên ngoài, khắp người đầy máu. Tôi nghĩ mình chắc sẽ hy sinh vì bị thương nặng thế này mà vẫn tỉnh táo. Thường những người trước khi chết thường rất minh mẫn. Giữa sự sống và cái chết, tôi nghĩ đầu tiên tới Bác Hồ, rồi nghĩ đến hình ảnh danh họa Diệp Minh Châu, thay mặt đồng bào miền Nam vẽ tranh bằng máu tặng Bác. Thế là tôi lấy máu đang ứa ra ở mắt của mình, lấy ngón tay thay cho bút vẽ, vẽ chân dung Bác với nền là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Tên bức tranh là “Ánh sáng – niềm tin”, với lời chú thích “Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân…”. Khi vẽ xong bức tranh thì tôi ngất lịm đi, lúc tỉnh dậy thì biết mình chưa chết”. Ông được đồng đội cứu, đưa về Quân y Nha Trang điều trị một tháng trước khi đưa ra viện Quân y 108 điều trị, nhưng đôi mắt không còn nhìn thấy gì nữa.
Ông Ứng nhớ lại: “Là một con người bình thường hỏng đôi mắt đã là thiệt thòi, với họa sĩ mà hỏng mắt thì còn ý nghĩa gì nữa. Khi ấy, mình chán nản lắm, chỉ muốn chết đi, nhiều lần tôi nghĩ tới việc tự tử. Nhưng được sự động viên của đồng đội, của bác sĩ Đào Xuân Trà (Viện phó Viện 108) khuyên mình thử chuyển qua điêu khắc, không có mắt nhưng tay vẫn có thể cảm nhận được.Từ đó tôi học tạc tượng”.
Video đang HOT
Một hôm tại bệnh viện, đang mò mẫm tạc tượng Bác Hồ bằng đất sét, họa sĩ nghe một tiếng nói quê hương Quảng Bình trầm ấm, thân thuộc: “Ứng giỏi thật, có đôi bàn tay rất nhạy cảm”. Ông giật mình hỏi: “Ai đấy?”. Người nói: “Đại tướng… Đại tướng đây”. Nhận ra Đại tướng, ông Ứng sững sờ.
Ông Ứng kể: “Tôi xúc động nghẹn ngào, mình là người lính bình thường, sao dám nghĩ đến việc Đại tướng thăm hỏi tận nơi? Ở quê, nhà tôi gần nhà Đại tướng thật nhưng chỉ được xem người qua tranh ảnh, nghe kể lại chứ chưa được gặp người. Bố tôi đi bộ đội từ năm 1947, cả đời quân ngũ còn chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng nay tôi với đôi mắt bị hỏng lại vinh dự được người đến thăm”. Đại tướng thân mật hỏi: “Ứng có biết nhạc sỹ thiên tài Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không?”. Tôi xúc động chưa kịp trả lời thì bác bảo tiếp: “Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả 2 tai cũng như 1 họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”. Câu nói đó đã làm người họa sĩ thức tỉnh.
Gần 1.000 bức tranh Đại tướng
Sau 8 năm sống trong bóng tối, đến năm 1982, họa sỹ Lê Duy Ứng được ghép mắt thành công, ông tiếp tục con đường nghệ thuật của mình. Đề tài Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong tác phẩm của ông.
Là đồng hương, họa sĩ và Đại tướng nhanh chóng trở nên thân thiết. Khi nào Đại tướng không bận công việc, ông lại cầm tập giấy đến nhà người để xin vẽ. Bức nào đẹp ông lại ký tặng Đại tướng.
Ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh về Đại tướng. Năm 1989, họa sĩ vẽ ký họa chân dung Đại tướng tại phòng triển lãm tranh, bức họa ông đem tặng, Đại tướng rất thích và treo giữa phòng khách trang trọng nhà mình.
Họa sĩ Lê Duy Ứng chụp cùng Đại tướng.
Những năm sau đó, đôi mắt của họa sĩ Lê Duy Ứng mờ dần, cho đến khi không còn nhìn thấy gì nữa. Không thấy ánh sáng, nhưng ông vẫn tiếp tục vẽ, tạc tượng về Đại tướng. Hình ảnh Người Anh Cả đã in hẳn sâu trong tâm khảm của người chiến sĩ, họa sĩ già. Đến năm 2005, ông sang Nhật Bản phẫu thuật mắt lần nữa. Khâm phục trước nghị lực, ý chí của họa sĩ, Đại tướng đã tự tay viết thư đề nghị hãng hàng không giúp đỡ gia đình ông đi lại miễn phí. Ông điều trị nhưng chỉ phục hồi được một phần thị lực. Trong thời gian điều trị mắt tại Nhật, dù đây là lúc xa nhà, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông vẫn vẽ được 4 bức chân dung Đại tướng và tặng bức đẹp nhất đến người.
Tôi may mắn chứng kiến họa sĩ vẽ chân dung Đại tướng trong buổi chiều muộn. Người họa sĩ già với đôi mắt bị hỏng, không phân biệt được các màu đang chăm chú vẽ từng đường nét lên trang giấy khổ to, khoảng 20 phút sau bức tranh được hoàn thành. Một bức tranh Đại tướng đang vỗ vai anh bộ đội, bức ảnh được vẽ bằng cảm xúc, tình cảm mà ông dành cho người. Đó chỉ là một trong số gần 1.000 bức tranh Lê Duy Ứng vẽ về Đại tướng trong suốt 47 năm qua.
Là người thân cận thường xuyên ghé qua nhà Đại tướng, họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết: “Có hôm, được Đại tướng mời lại dùng cơm. Bữa cơm của Đại tướng có cá kho, rau muống luộc, canh chua, cà muối khiến tôi ngạc nhiên”.
Đại tướng được cả thế giới công nhận là thiên tài quân sự nhưng với người họa sĩ mù, Đại tướng lại là con người rất bình dị, luôn xem mình là một giọt nước giữa biển khơi, một lá cây trong rừng.
Theo Tiền Phong
Xôn xao ảnh cụ Rùa nổi tiễn biệt Đại tướng
Cư dân mạng đang xôn xao về một bức ảnh được cho là chụp đúng khoảnh khắc cụ Rùa nổi lên tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013.
Sáng nay, trên một số trang mạng giải trí đông người theo dõi, một bức ảnh chụp cụ Rùa tại Hồ Gươm ngoi đầu lên khỏi mặt nước, kèm với những thông tin liên quan đến lễ tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
Tuy bức ảnh chụp khá đơn giản, nhưng những thông tin đi kèm theo đó lại trở thành tâm điểm chú ý. Bức ảnh cụ Rùa ngoi lên mặt nước được cư dân mạng chia sẻ với dòng mô tả như sau: "Vào lúc 10h00 ngày 13/10/2013 cụ Rùa nổi gần một giờ trước Trấn Ba Đình đầu hướng về đền Ngọc Sơn nơi thờ Đức Thánh Trần". Xoay quanh tấm ảnh này, một thành viên khác còn chia sẻ: "...Nhiều người cho rằng trước sự mất mát quá lớn, cụ Rùa cũng đã nổi lên để tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Bức ảnh được cho là ghi lại khoảnh khắc cụ Rùa nổi lên tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013 đang khiến cư dân mạng rất tò mò.
Bức ảnh nhanh chóng được lan truyền và khiến rất nhiều người tò mò. Trước đây, cụ Rùa đã nhiều lần nổi lên trong những dịp, sự kiện đặc biệt của đất nước như Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội (2010), kỉ niệm Giải phóng Thủ đô (2011)...
Theo ý kiến của nhiều người, việc cụ Rùa nổi đúng thời điểm linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được chuyển từ Hà Nội về quê hương Quảng Bình (10 giờ sáng 3/10/2013) như một sự trùng hợp mang đậm yếu tố tâm linh.
Tuy nhiên dân mạng cũng có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về độ chân thực của bức ảnh. Họ cho rằng bức ảnh chỉ là một sản phẩm của Photoshop hoặc đơn giản là một bức ảnh cũ được đăng lại kèm với những thông tin chưa được xác thực.
Nickname Vĩnh Tú bình luận: "Cũng không nên thần thánh hóa quá mức. Đây có lẽ chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cụ Rùa nổi đơn giản chỉ là để thở mà thôi". Nickname Thang He lại cho rằng: "Chẳng nhẽ có người ngồi chờ trực ở Hồ Gươm trong ngày Quốc tang để chụp ảnh này sao? Tôi không tin vào một sự trùng hợp, tình cờ kiểu... thần thánh như vậy".
Hôm qua, trên một trang Facebook cá nhân được cho là của GS Hà Đình Đức, người bắt đầu hoạt động bảo vệ Hồ Gươm và rùa Hồ Gươm từ năm 1991, nổi tiếng với biệt danh "Nhà rùa học" cũng đăng tải bức ảnh chụp cụ Rùa nổi với nội dung tương tự, điều này một phần nào đó tạo thêm sự tin tưởng cho độc giả, cư dân mạng về tính xác thực của bức ảnh.
Bức ảnh kèm theo dòng chia sẻ có nội dung: "Cụ Rùa nổi lên tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lúc 10h00 ngày 13/10/2013. Cụ Rùa nổi gần một giờ trước Trấn Ba Đình đầu hướng về đền Ngọc Sơn nơi thờ Đức Thánh Trần...". GS Hà Đình Đức cũng cho biết, người phụ trách đền Ngọc Sơn đã gọi điện thông báo cho ông lúc gần 11 giờ ngày 13/10 về việc cụ Rùa nổi lên. Buổi chiều cùng ngày, ông đã có trong tay bức ảnh này. Ông coi đây là một bức ảnh rất quý và muốn chia sẻ cho tất cả mọi người cùng biết.
Theo Kiến Thức
Những hình ảnh xúc động trong Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp Hàng trăm ngàn người xếp hàng dài nhiều km từ Thủ đô tới tận sân bay Nội Bài để vẫy tay tiễn biệt Đại tướng lần cuối khi cỗ linh xa chạy qua trong giây lát. Đó là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt khi cả dân tộc đều hướng trái tim về vị tướng huyền thoại. * 90 triệu vòng tay, 90...