Họa sĩ Lê Thiết Cương viết tản văn: Không chỉ “nhìn” mà là “thấy”
Chiều 17.1, buổi ra mắt cuốn sách mới “ Lê Thiết Cương thấy” đã diễn ra trong một không gian đầy ấm cúng tại một quán café trên phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ và những người yêu quý họa sĩ Lê Thiết Cương.
“Xương sống” của cuốn tản văn “ Lê Thiết Cương thấy” là việc tác giả đã chọn một bức ảnh của ai đó mà gợi cho anh nhiều suy nghĩ, dưới góc nhìn riêng của anh. Điều đáng nói nhất ở cuốn sách in riêng đầu tiên của họa sĩ Lê Thiết Cương này chính là một phông văn hóa rộng và có chiều sâu. Không chỉ nhìn, thấy, anh còn nói lên đầy thấm thía và sâu sắc những cảm nhận của mình một cách rất riêng. Đó là cái thấy của một người từng trải, lịch lãm và hiển nhiên là không còn trẻ nữa. Hơn bốn chục bài viết cùng với những tấm ảnh, những bức tranh được chọn lọc với một gu thẩm mỹ cao dường như là những cái “đinh” để treo vào đó những cảm xúc nồng nhiệt, thẳng thắn và đôi khi rất đáo để, “đanh đá”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách chiều 17.1
Là bạn họa sĩ Lê Thiết Cương mấy chục năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận người bạn họa sĩ của mình lúc nào cũng là người đi tìm lại những vẻ đẹp và luôn phát hiện ra những vẻ đẹp đang trú tạm ở mọi nơi chốn đợi đến một lúc nào đó lại hiện ra và trở về với con người.
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Lê Thiết Cương quan sát mọi thứ kỹ lưỡng, sâu sắc và cá tính. Anh quan sát mọi thứ, còn tôi quan sát anh. Trong lời tựa sách của tôi có dùng từ “như cỗ máy thời gian” – những bài viết của Lê Thiết Cương đưa chúng ta trở về thế giới cũ. Cái gì anh Cương cũng nhìn thấy dấu vết của thời gian ở đó. Tất cả đều nhìn thấy vẻ đẹp bản chất thật của nó, nhưng bây giờ nó đang bị bao phủ, che mờ… Đến một ngày, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những bức ảnh bình dị, yên lòng đến thế kia nữa. Cảm ơn Lê Thiết Cương đã làm ra cỗ máy đưa tôi trở về những vẻ đẹp xưa yên bình và thuần khiết nhất”.
Cho rằng họa sĩ Lê Thiết Cương hoàn toàn có thể được gọi là nhà văn chứ không phải chỉ là họa sĩ với cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Anh Cương có một cái “láu” của dân phố nhưng lại có độ ngây thơ của người nghệ sĩ Hà Nội. Và đặc biệt, anh không chỉ là một người nhẩn nha đi tìm lại những gì đã mất mà còn là người dẫn nhập văn hóa”.
Video đang HOT
Những bức ảnh là nguồn cảm hứng sáng tác của “Lê Thiết Cương thấy”
Không chỉ các nhà văn mà nhiều nhiếp ảnh gia cũng có những cảm nhận riêng về “Lê Thiết Cương thấy”. Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo nhận định: “Trong nhiếp ảnh, rất nhiều trường hợp nhìn mà không thấy. Bởi nhìn là dùng con mắt, là tư duy trực giác. Nhưng thấy không phải trực giác. Trong nhiếp ảnh có những bức ảnh không nhìn mà thấy. Nếu thông thường những người họa sĩ có thể áp đặt suy nghĩ của mình vào trong tranh thì Lê Thiết Cương là người phát hiện ra cái nhìn của nhiếp ảnh hơn cả những người chuyên nghiệp”. Nhiếp ảnh gia Ngọc Thái bổ sung ý kiến: “Thông thường mọi người nhìn nhưng chưa chắc đã thấy, trong khi cái thấy là cái cực kỳ quan trọng, nhất là cái thấy của anh Cương lại rất tinh tế. Những năm gần đây tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái nhìn của anh Cương”.
Cũng chia sẻ trong buổi ra mắt sách, họa sĩ Trịnh Tú bày tỏ: “Trẻ thơ có cái thấy của trẻ thơ. Khi chúng ta lớn lên, bằng trí khôn, học hỏi,… cái thấy ấy trở nên phong phú hơn rất nhiều. Có thể nói, Lê Thiết Cương vừa có con mắt của một đứa trẻ 7 tuổi, vừa có con mắt của một hiền triết, bằng hết cả con người, tấm lòng của mình”.
“Lê Thiết Cương thấy” lấy chất liệu từ đời sống hiện thực: từ một cái cổng làng, một ngôi chùa, một món ăn đến những bức ảnh, những bức tranh, những triển lãm… nhưng câu chuyện họa sĩ muốn gợi ra, nói đến lại chạm đến một hiện thực khác rộng hơn: hiện thực của lòng người, của tâm tính con người trong sự đổi thay của đời sống. Ở đó, những được – mất, sống – còn, quá khứ – hiện tại đồng hiện. Mỗi bài viết là một câu trả lời gieo đầy những câu hỏi, còn những câu hỏi đã ngầm chứa cả câu trả lời, để cuối cùng: “Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện”.
Có lẽ, nhờ cái nhìn đầy hoài niệm, nhờ sự “vật chất hóa” những giá trị xưa cũ qua những bài viết của mình, họa sĩ Lê Thiết Cương đã một lần nữa khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình đầy đặn hơn và đáng sống hơn.
Dày hơn 200 trang, cuốn tản văn “Lê Thiết Cương thấy” (NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2017) tập hợp 47 bài viết về văn hóa, nghệ thuật của họa sĩ 5 năm trở lại đây kèm theo nhiều hình ảnh của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế: Dương Minh Long, Hữu Bảo, Ngọc Thái, Trần Huy Hoan, Nguyễn Quốc Dũng, Đặng Xuân Trường, Eva Lindskog, Lawrence D’Attilio, John Ramsden…và một số do tác giả chụp.
Đây là cuốn sách thứ ba của họa sĩ Lê Thiết Cương, sau hai cuốn in chung “Ba người”- in cùng Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng năm 2009, và “Nơi chốn đi và về”- in cùng Trần Tiến Dũng năm 2016.
Theo Danviet
Cú hích cho thị trường nghệ thuật và chuyện đại gia "bùng" cặp Tứ linh 6 tỷ đồng
Mới đây, phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật (được cho là lần đầu tiên ở Việt Nam) với sự tham gia của các đại diện đến từ Pháp, Trung Quốc đã kết thúc tốt đẹp. Nhiều người kỳ vọng, sau sự kiện này sẽ có nhiều cuộc đấu giá khác được tổ chức để thúc đẩy một thị trường nghệ thuật mà lâu nay chúng ta đang hướng đến. Nhưng, kỳ vọng này liệu có dễ dàng được thực hiện?
Phiên "Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật" lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 28/5.
Những bước đầu chập chững
Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vốn là hoạt động không còn xa lạ gì trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì gần đây, nó mới lần đầu được tổ chức bởi công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt. Trong tổng số 5 tác phẩm được đem ra đấu giá, có 4 tác phẩm thuộc sở hữu của các họa sỹ có tên tuổi trong giới mỹ thuật Việt Nam gồm: Hoàng Phượng Vỹ, Quách Đông Phương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong. Tác phẩm cuối cùng là đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo, một nghệ nhân trẻ tâm huyết với việc gìn giữ tinh hoa của làng gốm cổ Bát Tràng.
Buổi đấu giá được coi là thành công khi cả năm tác phẩm đem ra đấu giá đều có người mua. Trong đó bất ngờ nhất thuộc về đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo khi bán được với giá 6 tỉ đồng (giá khởi điểm là 900 triệu đồng). Bốn tác phẩm đấu giá còn lại gồm: Tranh sơn dầu Tiên nữ vùng cao của họa sỹ Quách Đông Phương (giá khởi điểm là 55 triệu đồng, giá bán được là 95 triệu đồng); tranh sơn dầu Bên dòng sông Đỏ của họa sỹ Đào Hải Phong (giá khởi điểm là 120 triệu đồng, giá bán được là 150 triệu đồng); tranh sơn dầu Hạnh phúc của họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ (giá khởi điểm là 50 triệu đồng, giá bán được là 65 triệu đồng) và chiếc tủ thờ, chất liệu gỗ gụ, niên đại cuối thế kỷ XIX, thuộc sở hữu của họa sỹ Lê Thiết Cương (giá khởi điểm là 60 triệu đồng, giá bán được là 143 triệu đồng).
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc công ty Lạc Việt cho biết: "Việc mở sàn đấu giá các tác phẩm mỹ thuật theo đúng các thủ tục pháp lý, là một cách bán hàng mới ở Việt Nam. Công việc của chúng tôi là sưu tầm tác phẩm có giá trị, kết nối các chuyên gia, mời cố vấn, tư vấn. Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định. Phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá".
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay việc bán đấu giá chưa được coi là cách bán hàng, bởi thói quen, tập quán của người mua và người bán. Đặc biệt với đấu giá tác phẩm mỹ thuật như tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ, đồ cổ... các tác giả hay chủ sở hữu có thói quen bán tác phẩm tại các phòng tranh, triển lãm với một giá được niêm yết. Hơn nữa ở ta hiện nay, nhắc đến đấu giá là người ta liên tưởng tới đấu giá từ thiện, người mua sẽ trả mức giá phù hợp với năng lực tài chính của mình mà không cần quan tâm tới chất lượng tác phẩm kia ra sao. Vì thế, sự kiện lần này sẽ đưa hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật vào chuyên nghiệp hơn.
Khó thu hút những tên tuổi lớn tham gia?
Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật vốn là hoạt động có truyền thống lâu đời trên thế giới. Nhưng, ở nước ta, nó hoàn toàn mới mẻ. Lý giải điều này, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch hội đồng Lý luận - Phê bình mỹ thuật (hội Mỹ thuật Việt Nam) lý giải: "Sở dĩ chúng ta chậm so với thế giới là vì để đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự hội nhập của nhiều chuyên ngành, mang tính chất liên đới, đồng bộ với nhau. Cộng với đó là trình độ thưởng thức nghệ thuật của xã hội nói chung, cũng phải ở mức độ nhất định. Lúc ấy thì cuộc đấu giá mới thực sự có giá trị, tác phẩm nghệ thuật mới bán được giá cao. Chúng ta chưa làm được điều này".
Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo cũng chỉ ra hai nguyên nhân khiến cho việc đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam khó thành công. Ông nói: "Thứ nhất, nằm ở tâm lý và hoàn cảnh xã hội. Những cuộc đấu giá mang tính chất lần đầu, thử nghiệm như thế này rất khó thu hút được những tên tuổi lớn tham gia. Họ không muốn mạo hiểm tên tuổi và giá trị tác phẩm của mình. Ngay với tác giả ít tên tuổi hơn, không có gì đảm bảo là họ sẽ mang tác phẩm tốt nhất của mình đi đấu giá. Ai kiểm tra được việc đó? Hiện nay họ đưa tác phẩm nào thì đơn vị tổ chức đấu giá biết vậy thôi? Vả lại, lấy gì đảm bảo việc bán tác phẩm nghệ thuật qua sàn đấu giá sẽ có giá cao hơn cách bán thông thường? Trong khi rắc rối có thể xảy đến sẽ nhiều hơn. Những điều nêu trên là một thực tế".
Nguyên nhân quan trọng thứ hai, theo nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo là: "Ai sẽ thẩm định giá trị bức tranh? Đó là bản gốc hay bản phiên (tức bản sao chép lại bản gốc - PV)? Mỗi tác phẩm nghệ thuật có đời sống nghệ thuật riêng của nó và chính điều đó làm nên giá trị. Tôi lấy ví dụ trong hội họa, bức tranh đó vẽ vào thời kỳ nào? Bằng chất liệu gì? Chúng ta có giám định được không? Để làm được việc này cần phải có những người nghiên cứu chuyên sâu về hóa chuyên nghiệp, vật lý chuyên nghiệp, phải có máy móc hiện đại để phân tích, đánh giá... Chúng ta hiện không có khả năng kiểm định và việc này cũng rất lộn xộn. Bởi vậy mà không ai dám đứng ra bảo lãnh chất lượng nghệ thuật cho một tác phẩm (vì không biết đó là thật hay giả). Do đó, tác phẩm không dễ để bán được giá cao. Vì thế, nó khó có thể trở thành truyền thống".
Họa sỹ Vi Kiến Thành cũng đồng quan điểm khi nhận định: "Trong những phiên đấu giá mỹ thuật, chất lượng chính là mắt xích cần thiết mà chúng ta đang trông đợi. Tuy nhiên, đánh giá thành công của một phiên đấu giá mỹ thuật, đặc biệt với một nền tảng non nớt ở Việt Nam là chuyện hoàn toàn không đơn giản...".
Còn họa sỹ Lê Thiết Cương, người trực tiếp có tác phẩm trong phiên đấu giá vừa qua thì chia sẻ: "Bản thân tôi thấy mức độ quảng bá của chương trình là chưa đủ. Theo tôi, ban tổ chức nên quảng bá các sản phẩm sẽ tham gia đấu giá sớm hơn (khoảng trước 3 tháng). Bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật của catalogue giới thiệu tác phẩm cũng cần nâng cao hơn bởi trong phiên đấu giá vừa rồi, chất lượng của nó chưa đạt".
Đại diện công ty Lạc Việt lên tiếng vụ "bùng" chóe Tứ linh 6 tỷ đồng Việc ông Đ.A.D., Chủ một tập đoàn lớn ở Hà Nội từ chối mua đôi chóe Tứ linh với giá 6 tỉ 50 triệu đồng (dù trước đó ông này đã trúng đấu giá trong phiên đấu giá diễn ra ngày 28/5 vừa qua) đang gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ công ty Lạc Việt, sau khi ông Đ.A.D. từ chối mua cặp chóe Tứ linh, tác phẩm này sẽ được bán cho người trả giá liền kề là khách hàng Đỗ Quý Hải - Chủ tịch tập đoàn Hải Phát với giá trúng là 6 tỉ đồng. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh cho hay: "Hiện nay quy định về trách nhiệm của những đơn vị tham gia đấu giá dựa theo Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. Theo đó, đơn vị tham gia đấu giá có quyền không mua tài sản mà mình đã đấu giá thành công. Họ sẽ phải mất chi phí từ 1 - 15% giá trị tài sản niêm yết, tùy theo thỏa thuận đặt cọc. Vụ cặp chóe Tứ linh, tập đoàn này đặt cọc 50 triệu đồng, khi họ không mua thì họ chỉ mất 50 triệu đó. Ngoài ra không có ràng buộc pháp lý nào khác. Tất cả chủ yếu vẫn dựa vào ý thức tự giác của người mua. Vì thế sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị đưa những quy định cụ thể để đấu giá chặt chẽ, minh bạch hơn trong luật Đấu giá sắp được ban hành".
PHẠM THIỆU
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Trưng bày họa phẩm lấy cảm hứng từ nhạc Trịnh Triển lãm "Khói trời mênh mông" trưng bày các tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra tại Hà Nội và Hội An vào tháng 3 sắp tới. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939...