Họa sĩ già hơn nửa đời người vẽ truyền thần
Trong kiosk rộng chừng 10 m2 trên phố hàng Ngang (Hà Nội), ông cụ dáng nhỏ bé, mái tóc dài đang cầm chiếc đũa nheo mắt chỉnh sửa nét vẽ khuôn mặt em bé người dân tộc.
Nhóm khách Pháp trầm trồ trước những bức truyền thần của họa sĩ Bảo Nguyên khi ngang qua cửa hàng của ông. Ảnh: Bình Minh.
Ông bảo còn phải sửa vài chi tiết hoa văn trên váy áo cô bé cho mềm mại và bớt đậm. “Tranh đã hoàn thiện nhưng cứ để ở đây, mấy hôm nhìn lại lại thấy có chi tiết cần phải sửa. Có khi cả tuần chưa xong được”, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Nguyên cười nói.
Ngoài cửa, nhóm khách người Pháp trầm trồ trước những bức họa treo trong cửa hàng rồi lịch sự xin chụp ảnh lão họa sĩ. Xong xuôi, họ xin danh thiếp để liên lạc nhờ truyền thần qua email. Đáp lại, người nghệ sĩ cảm ơn bằng tiếng Pháp cùng những cái bắt tay thật chặt.
Hơn nửa đời người làm nghề truyền thần, đến nay đã gần 80 tuổi, ông Nguyên đã quen với những nhóm khách nước ngoài. Ngang qua cửa hàng ông, thấy chiếc bút vẽ sáng tạo từ đũa ăn, khách thích thú và trân trọng mua lại. Nhiều lúc ông không lấy tiền mà biếu luôn.
Ở tuổi thất thập nhưng ông Nguyên vẫn khá nhanh nhẹn, đọc và dịch thư tiếng Anh của khách rành rọt. Cặp kính lão to bản che gần nửa khuôn mặt không là trở ngại để ông thổi hồn vào tác phẩm. Ông bảo cầm bút vẽ là do “Trời định”. Thời ông, môn Toán và Lý được xem là “danh giá”. Việc học ở khoa Vật lý, ĐH Tổng hợp đảm bảo cho ông tương lai được đi nước ngoài tu nghiệp hoặc được giữ lại ở trường làm giảng viên. Cuộc đời ông chắc sẽ suôn sẻ như dự tính ban đầu nếu như không có trận ốm vào năm cuối đại học.
Ông họa sĩ già đang hoàn thành bức tranh vẽ hai em bé dân tộc. Ảnh: Bình Minh.
Ngày ông nằm viện cũng là ngày các bạn cùng lớp thi tốt nghiệp. Khỏi bệnh, một lần tình cờ lên phố Hàng Ngang, qua những cửa hàng truyền thần, ông bị hấp dẫn bởi những bức tranh treo bên ngoài. Nhìn những tác phẩm ấy, ông thấy mình có thể vẽ, thậm chí còn làm tốt hơn họ. Bởi từ hồi 7 tuổi, thấy ông chú hơn mình vài tuổi vẽ ngôi nhà, con gà, con chó hay tàu bay, ông hì hụi bắt chước. Sau này, họa sĩ già tâm sự, người chú đó chính là thầy đầu tiên dạy mình vẽ.
Yêu thích vẽ, gia đình lại khó khăn trong khi nghề truyền thần lại thịnh, ông Nguyên quyết định đến những cửa hàng trên phố xin học. Không nơi nào nhận, chàng thanh niên Hà thành đành về nhà tự mày mò học. Sau đó được một người thầy chỉ dạy kiến thức cơ bản về kẻ ô, tính tỉ lệ, hai tháng sau khi nghỉ học chữa bệnh, năm 1960, ông Nguyên xin được giấy phép hành nghề và mở cửa hàng truyền thần.
Video đang HOT
Bút và bột màu không sẵn, ông tự sáng tạo từ “cây nhà lá vườn”. Để không làm hỏng bức ảnh gốc nhỏ xíu của khách khi kẻ ô lấy tỉ lệ, ông Nguyên nghĩ ra cách dùng miếng phim chụp ảnh ngâm vào nước vôi tới trong vắt rồi đặt lên tờ giấy carô. Ông buộc chiếc kim khâu vào một đầu đũa để kẻ các hình ô vuông lên miếng mica theo dòng kẻ bên dưới tờ giấy. Nhờ cách này, ông không cần kẻ trực tiếp lên ảnh.
Gần 80 tuổi, ông Nguyên đã có hơn nửa đời người làm nghề truyền thần. Ảnh: Bình Minh.
Để điều chỉnh nét vẽ, bôi đen hay sửa, ông buộc vào đầu đũa ít bông, viên tẩy nhỏ hay que vót nhọn. Cục chì dùng để vẽ, ông mài trên giấy giáp rồi dùng bột đó sáng tác.
Theo ông, truyền thần cần sự tinh tế, tỉ mỉ. Mỗi tác phẩm dù là chi tiết phụ, ông Nguyên vẫn cẩn thận và là lượt đến khi hài lòng mới thôi. Mọi chi tiết trên bức truyền thần đều khó thể hiện nhưng khó nhất vẫn là đôi mắt. Bức tranh kết nối với người xem và để lại cảm xúc là qua đôi mắt nhân vật.
Không chỉ truyền thần những bức ảnh có sẵn, họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên còn truyền thần qua tiểu sử, qua thơ và cả lời kể chuyện. Bức chân dung ông nghè Tự tháp Vũ Tông Phan, bậc trí giả kiệt xuất của thế kỷ 19 là một câu chuyện đặc biệt. Nhân dịp 200 năm ngày sinh của cụ Vũ, ông Vũ Thế Khôi, hậu duệ 9 đời của Vũ Tông Phan đã đặt ông Nguyên vẽ chân dung cụ tổ mà không có bức ảnh mẫu nào.
“Suốt nhiều tuần sau đó, tôi phải dành thời gian đọc tiểu sử và nhờ vợ đọc thơ văn của cụ Vũ. Ngoài ra, tôi cũng nhờ người nhà họ Vũ kể về cụ tổ của mình. Qua văn thơ và những buổi trò chuyện với con cháu của dòng họ đó, dáng vẻ và phong thái cụ dần hiện ra”, ông Nguyên kể.
Bắt được cái thần qua những buổi trò chuyện với ông Thế Khôi, ông Nguyên chỉ mất một tuần để hoàn thành bức truyền thần. Con cháu dòng họ Vũ trông thấy bức chân dung đều thốt lên: “Tôi chưa từng thấy mặt cụ nhưng thần thái người trong ảnh là thần thái dòng họ Vũ Tông nhà tôi”.
Nhắc đến bức chân dung đó, ông chia sẻ, thầy giáo nghèo ngày xưa thường chỉ mặc những chiếc áo bình thường, không trang trí nhiều họa tiết và đầu vấn khăn vải rất đẹp. Và, bức chân dung cụ Vũ được thể hiện theo cách đó.
Câu chuyện về bức chân dung cụ Ngô Sĩ Liên, nhà sử học thời Hậu Lê sống ở thế kỷ 15, cũng là một kỷ niệm khó quên. Một tối, khi ông Nguyên đang vẽ tranh trong cửa hàng, một cụ già mặc quần áo nâu tìm đến nhờ vẽ một vị đại quan mặc đại triều phẩm phục. Nhìn dáng vẻ, điệu bộ của khách, ông đoán ông cụ đó là người giữ đền. Sợ không đáp ứng được yêu cầu, ông Nguyên giới thiệu cho vị khách đó các quán khác gần đó. Lát sau, ông cụ quay lại nhờ ông Nguyên và tiết lộ bức chân dung cần vẽ là Ngô Sĩ Liên.
Bút vẽ được ông Nguyên sáng tạo từ chiếc đũa. Ảnh: Bình Minh.
Không chỉ vẽ các bậc trí giả ngày xưa, ông Nguyên còn được các đại sứ quán tại Hà Nội tin tưởng nhờ vẽ chân dung đại sứ. Nhiều gia đình ở các tỉnh xa cũng lặn lội tìm đến ông Nguyên để truyền thần chân dung người thân. Người nước ngoài mua tranh hoặc nhờ ông vẽ đều gửi thư cảm ơn và khoe ảnh được treo trang trọng trong phòng khách nhà họ. Ngưỡng mộ tài năng của người họa sĩ Hà Nội, nhiều triển lãm nước ngoài mời ông tham dự.
Để tiện giao tiếp với khách nước ngoài, ông tự mày mò học tiếng Anh. Tuy nhiên do tuổi cao nên hiện tại ông hạn chế mang tranh đi triển lãm. Ông bảo, lượng công việc hiện giờ không nhiều nhưng đủ bận. Nhiều năm kinh nghiệm nhưng đôi lần ông vẫn phải chỉnh sửa lại khi chưa đúng ý khách. “Có người đến xem nhưng không lấy chỉ vì… không thích”, ông Nguyên khề khà.
Một số người từng tới xin học nghề nhưng mới nghe ông Nguyên nói chuyện, họ đã bỏ cuộc. Hiện tại, trong số ba người con trai của ông chỉ có anh thứ hai theo nghiệp bố. Hàng ngày vào lúc 8h sáng, vợ ông lóc cóc đạp xe ra mở hàng còn ông Nguyên sẽ rảo bước đi bộ từ nhà cách đó không xa ra sau.
Theo VNE
Tạo hình bằng bút chì
Họa sĩ người Úc - Lionel Bawden dùng những cây bút chì ghép lại thành các vật dụng từ chiếc gối đến chiếc vỏ ốc để trang trí nội thất rất đẹp và tinh tế.
Khó có ai nghĩ được, ngoài công dụng để vẽ, bút chì còn là vật liệu để làm tượng!
Theo ihay
Đầu người từ đồ chơi trẻ em Họa sĩ người Úc - Freya Jobbins, dùng đồ chơi trẻ em và búp bê để lắp ghép thành những đầu người hết sức biểu cảm và kỳ lạ. Theo ihay