Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện
Tại sao phải mãi đến năm 2018, thuốc tránh thai cho nam mới bắt đầu đưa vào thử nghiệm. Chẳng lẽ chế tạo chúng lại khó đến thế?
Ngày 23/6/1960, những viên thuốc tránh thai đầu tiên cho phụ nữ bắt đầu được đưa vào thị trường, sau khi đã vượt qua mọi bài test an toàn của giới y học. Chúng đem lại hiệu quả cao đến 90%, trong khi có thể được sử dụng dễ dàng và không gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhưng bạn có để ý thấy rằng từ đó đến giờ, trong khi thuốc tránh thai cho nữ ra đời và đã được cải tiến không biết bao nhiêu lần, thì người ta lại chẳng có một loại nào dành cho nam giới cả.
Phải mãi đến những năm gần đây, thuốc cho nam mới bắt đầu được thử nghiệm.
Tại sao vậy?
Câu trả lời cho điều này đơn giản hơn bạn tưởng rất nhiều. Lí do đầu tiên nằm ở tần suất và số lượng mà mỗi giống đực – cái cần để sản sinh ra một giao tử hoàn chỉnh có khả năng thụ thai.
Với một cơ thể bình thường và thể chất tốt, nữ giới trung bình cần 1 tháng để tạo ra 1 trứng vào thời điểm giữa hai chu kì kinh nguyệt. Có những trường hợp rụng nhiều hơn một trứng, nhưng vô cùng hiếm gặp, và không phải ai cũng có khả năng này.
Tóm lại, nữ giới có 1 giao tử cái trong 1 tháng. Và con số này khá “khiêm tốn” khi đặt cạnh số lượng giao tử đực được tạo ra trong khoảng thời gian tương tự.
Quá trình sinh tinh của nam rõ ràng có hiệu suất lớn hơn nhiều lần quá trình rụng trứng của nữ
Theo thống kê thì trung bình mỗi giây, một người đàn ông tạo ra được khoảng 1.000 tinh trùng.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 72.000 tinh trùng được tạo ra trong một phút, hơn 100.000.000 con trong một ngày. Cứ với tốc độ này thì trong 1 tháng, nam giới có 3 tỉ giao tử đực.
Giờ hãy tưởng tượng bạn là một nhà khoa học đang nghiên cứu trên lĩnh vực này. Muốn tránh được sự thụ thai, việc cần làm là khiến cho 2 loại giao tử này không gặp được nhau.
Ngoài những cách như “bế quan tỏa cảng” bằng bao cao su hoặc sử dụng vòng đặt diệt tinh trùng… bạn chỉ còn lựa chọn duy nhất là làm cho cơ thể 1 trong 2 người ngừng sinh giao tử. Theo bạn, điều gì dễ dàng hơn: ngăn chặn việc sản sinh của 1 quả trứng hay 1 một đội quân tinh trùng khổng lồ?
Nếu không có trứng thì tinh trùng chạy vào đâu?
Video đang HOT
Lí do thứ hai chính là điều kiện sinh hóa phù hợp để sinh giao tử khác nhau một trời một vực giữa nam giới và nữ giới. Hầu hết các loại thuốc tránh thai về cơ bản ngăn chặn sự tạo trứng – tạo tinh bằng cách gây ra những biến đổi bất thường trong nồng độ hormone.
Ở nữ, thuốc sẽ tác động đến lượng estrogen và progesterone để “đánh lừa” buồng trứng, khiến cho nó tin rằng chu kì rụng trứng đã diễn ra và kết thúc rồi. Chỉ cần một thay đổi rất nhỏ trong nồng độ hai hormone này cũng đủ để đạt được tác dụng mong muốn.
Trong khi đó với nam giới, một lượng ít testosterone không thể làm được điều tương tự.
Muốn sự sinh tinh ngừng lại thì phải cần đến một cuộc khủng hoảng testosterone. Và sự thay đổi “quá đáng” này gây ra những hậu quả khôn lường, bởi tác động của hormone lên cơ thể là rất lớn.
Tất cả mọi bộ phận đều chịu ảnh hưởng của hệ nội tiết. Phụ nữ đưa vào cơ thể một lượng hormone nhỏ nhưng họ đã phải gánh chịu không ít tổn thất – cả nhãn tiền (đau đầu, buồn nôn…) lẫn lâu dài (các vấn đề tim mạch, tăng nguy cơ ung thư, suy giảm thị giác…).
Vậy thì hậu quả sẽ tệ đến đâu nếu nam giới phải sử dụng nhiều hormone gấp mấy lần phụ nữ?
Vướng phải vô số bất lợi, công trình chế tạo thuốc tránh thai cho nam tới tận nay vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Chưa loại nào trong số thuốc từng công bố thật sự được coi là thành công.
Giới nghiên cứu cũng đang dần chuyển sang hướng đi mới có triển vọng hơn không dùng đến hormone, nhưng muốn biết kết quả ra sao – chắc chúng ta còn phải đợi thêm một thời gian dài nữa.
Nguồn: The Cut, Medical News Today, MIT Technology Review
Theo Helino
Đột quỵ và chỉ còn 20% cơ hội sống: Thảm cảnh kinh hoàng mà cô gái 17 tuổi gặp phải sau khi uống thuốc tránh thai
Grace Russell chỉ còn 20% cơ hội sống sót sau sự cố đột quỵ kinh hoàng đó. Giờ đây, cô đang phải học đi, học nói từ đầu.
Câu chuyện của Grace
Lái xe tới phòng tập thể hình vào một buổi tối tháng 6, Grace Russell, 17 tuổi, sống tại một thành phố nhỏ ở miền trung nước Anh, không thể tưởng tượng nổi một cơn đột quỵ thảm họa đang chuẩn bị xảy ra. Nó khiến cô phải lao vào cuộc chiến giành giật mạng sống cho mình.
Với Grace, một cô gái vẫn trong độ tuổi teen, đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi đại học, đột quỵ nghe như là thứ gì đó xa xôi bởi cô nghĩ nó chỉ xảy ra với người già. Nhưng trong những tháng tiếp theo, khi bạn bè ra ngoài vui chơi, tận hưởng cuộc sống, Grace lại phải bắt đầu lại những thứ mà cô đã quen từ bé: Học đi, học nói, học đọc, học tự ăn.
17 tuổi, Grace Russell đã bị đột quỵ do dùng thuốc tránh thai.
Grace không hề hay biết, chính việc dùng thuốc tránh thai đã khiến cô đối mặt với nguy cơ bị cục máu đông có thể gây nguy hiểm tính mạng. Grace, hiện 25 tuổi, thổ lộ: "Vài tuần trước khi đột quỵ, tôi bị đau đầu. Nhưng chỉ cho rằng, đó là do áp lực thi cử mà thôi".
Grace thức giấc vào một buổi sáng chủ nhật với các triệu chứng như bị cúm. Cô cũng không thể tập trung nhìn một cách bình thường. Nhưng Grace không nghĩ ngợi gì nhiều. Chiều muộn hôm đó, cô tới phòng tập thể hình.
"Khi lái xe tới phòng tập, tôi bất ngờ không cảm nhận gì ở phía bên phải cơ thể. Bằng cách nào đó, tôi đã xoay sở dừng xe lại. Tôi kéo tấm che nắng ô tô xuống và để ý thấy mặt tôi như chảy xuống. Tôi gọi điện cho mẹ và nói mẹ tới đón tôi về", cô nhớ lại.
Ký ức sau cùng của Grace lúc đó là cha mẹ đến và mẹ cô đã gọi tên con gái. Cô được đưa tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Tại đây, Grace phát hiện mình không thể đọc nổi một câu và bị lẫn lộn các từ với nhau.
"Chụp cộng hưởng từ sau đó tiết lộ tôi bị chảy máu và có cục máu đông trong não. Tôi thét lên vì đau đớn".
Grace được chuyển gấp tới bệnh viện, nơi các bác sĩ cho biết, đã quá muộn để dùng thuốc làm tan cục máu đông. Họ phải tiến hành mở hộp sọ (craniotomy), loại bỏ 1/3 hộp sọ của cô để lấy chỗ cho não sưng phồng lên. Bác sĩ cũng tiến hành thủ thuật mở khí quản (tracheotomy) và cô đã hôn mê suốt 11 ngày. Grace được thông báo, chỉ còn 20% cơ hội sống sót và thậm chí chỉ 10% có thể tự nuốt thức ăn.
Khi tỉnh dậy, Grace không thể cử động gì ở phần thân phải. "Tôi không thể đọc, viết, nói chuyện, không thể làm gì. Tâm trí tôi vẫn ổn. Nhưng cơ thể tôi không hợp tác. Tôi bị mắc kẹt trong tâm trí mình".
1 tháng sau, Grace được chuyển về bệnh viện gần nhà hơn. 2 tháng sau đó, cô xuất viện. Và 1 năm sau, bác sĩ cấy một đĩa titan vào đầu cô.
Hiện Grace bị hội chứng hậu đột quỵ. Theo đó, dây thần kinh ở lưng cô gửi tín hiệu đau về não. "Cơn đau khủng khiếp lắm", cô thổ lộ. Grace phải dùng thuốc giảm đau cực mạnh nhưng lại phải chịu đựng các tác dụng phụ của thuốc như không còn cảm giác ngon miệng và đau đầu. "Không có thuốc, tôi không thể đi lại hay tới cơ quan. Thuốc chính là thứ xấu nhưng lại cực cần thiết với tôi", cô cho biết.
Có thời điểm, Grace phải dùng tới 12 viên thuốc/ngày và ngủ suốt 18 tiếng nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức. Thời điểm này, cô dùng 4 viên thuốc/ngày theo lộ trình giảm dần liều lượng thuốc nhưng nó đã tạo ra khác biệt lớn lao.
Một số loại thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ cục máu đông, các bác sĩ giờ đây tin rằng, đó chính là thủ phạm cơn đột quỵ của cô.
Cuộc sống sau đột quỵ
Kể từ sau lần đột quỵ, Grace đã tốt nghiệp đại học và hiện có công việc toàn thời gian. "Đôi khi, tôi có cảm giác như mình là một bà lão 90 tuổi", cô gái trẻ đang phải chống chọi với chứng trầm cảm chia sẻ. "Đột quỵ đã làm thay đổi cá tính của tôi. Tôi phải đeo băng chứng nhận khuyết tật và bị những người cao tuổi xúc phạm vì dùng nó. Tôi vẫn đang học cách không phán xét người khác.
17 tuổi, bạn nghĩ bạn không thể bị đánh bại. Tôi đã tận hưởng cuộc sống của mình, hẹn hò với bạn bè. Bị một cơn đột quỵ không phải là điều thoáng qua trong tâm trí tôi, dù chỉ một chút. Ông tôi từng bị đột quỵ. Nhưng ông đã mất trước khi tôi ra đời".
Một trong những phần khó khăn nhất của việc này, như Grace tâm sự, là phải chứng kiến bạn bè cô tiếp tục cuộc sống bình thường, trong khi cô phải chịu đựng đủ mọi nỗi đau. "Tôi có cảm giác cơ thể đang phản bội mình. Tôi rất giận dữ và buồn bã. Tôi cứ thế nằm trên giường bệnh mà khóc. Tôi từng trải qua giai đoạn mà tôi tự hỏi: "Tại sao lại là mình chứ?" và "Mình đã làm gì để phải chịu đựng chuyện này?".
Biện pháp tránh thai và nguy cơ đột quỵ
Grace sau đó biết rằng, cô có một gen lặn khiến cô dễ bị cục máu đông hơn, vì vậy, nguy cơ đột quỵ cũng cao hơn người khác. Và bởi một số loại thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ cục máu đông, các bác sĩ giờ đây tin rằng, đó chính là thủ phạm cơn đột quỵ của cô.
Grace chưa bao giơ nhận ra việc dùng thuốc tránh thai có thể khiến cô gặp nguy cơ như vậy. "Khi dùng thuốc tránh thai, bạn nhận được một tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dài, trong đó, có nhắc tới những thứ đại loại như "chứng nghẽn mạch" (thrombosis). Không ai biết đó thực sự là gì và họ nói tỷ lệ bị nghẽn mạch chỉ là 1/5 triệu. Vậy nên bạn nghĩ, nó sẽ chẳng xảy ra với mình đâu, và không thèm bận tâm nữa".
Theo Grace, nên tiến hành xét nghiệm máu bắt buộc trước khi ai đó dùng thuốc tránh thai. "Nếu tôi xét nghiệm máu, chắc chắn bác sĩ sẽ nói tôi không được dùng thuốc. Họ cũng chẳng hỏi tôi về tiền sử bệnh trong gia đình. Tôi không có nguy cơ đột quỵ nào khác. Tôi không uống rượu, không hút thuốc và không thừa cân".
Nguy cơ đột quỵ do dùng thuốc tránh thai là rất thấp, theo Esmee Russell, phụ trách chiến dịch nâng cao nhận thức và phòng ngừa đột quỵ tại Stroke Association. "Nhưng một số loại thuốc tránh thai dựa trên hormone lại làm tăng nguy cơ đột quỵ", bà lý giải. "Đó là bởi nó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông".
Nguy cơ đột quỵ của bạn nên được kiểm tra một cách cẩn trọng trước khi bạn nhận bất cứ dạng điều trị nào từ bác sĩ. Nếu lo lắng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ của mình và biện pháp tránh thai phù hợp nhất với bạn.
Bài kiểm tra nhanh FAST để nhận biết dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể tuổi tác
Theo Hiệp hội Đột quỵ (Stroke Association), nếu cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra với người cao tuổi thì đó là lầm tưởng. Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ và nó có thể xảy ra đột ngột, bất chấp bạn bao nhiêu tuổi.
Thực tế, bạn có thể áp dụng bài kiểm tra nhanh FAST để nhận biết dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ.
FAST là viết tắt của các từ:
Face (Mặt): Bạn có thể cười không? Miệng hay mắt bạn có bị chảy xệ xuống không?
Arms (Cánh tay): Bạn có thể giơ cả 2 tay lên không?
Speech (Nói): Bạn có thể nói một cách rõ ràng và hiểu những gì mình nói không?
Time (Thời gian): Gọi cấp cứu ngay khi nhận biết dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Phần lớn mọi người có nguy cơ bị đột quỵ sau tuổi 55. Nhưng theo Stroke Association, cuộc điều tra năm 2010 cho thấy, tất cả các ca đột quỵ xảy ra với bệnh nhân trong độ tuổi 20-64.
Theo Helino
Thuốc tránh thai từ chất độc dành cho nam giới Chất độc ouabain được thổ dân châu Phi sử dụng khi đi săn gây hại cho tim nhưng có tác dụng kìm hãm khả năng sinh sản của nam giới. Khoa học đã tìm ra hàng loạt biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ song đối với đàn ông, họ chỉ có thể sử dụng bao cao su hoặc thắt ống dẫn...