Hóa ra có loại phô mai Casu marzu kinh dị đến rùng mình
Ở hòn đảo xinh đẹp Sardinia nằm giữa biển Tyrrhenian của nước Ý có một loại phô mai Casu Marzu khiến ai lần đầu thấy cũng phải khiếp vía. Sự kinh dị của món ăn này còn khiến Kỷ lục Guinness liệt vào danh sách phô mai nguy hiểm và kinh dị nhất thế giới trong năm 2009.
Du lịch tới Sardinia xinh đẹp, chúng ta thường sẽ ghé vào một nhà hàng phục vụ những món ăn thơm ngon nổi tiếng như Porceddu sardo – món lợn sữa quay nức mũi, hay tận mắt ngắm nhìn người thợ làm bánh Pane carasau dẹt mỏng truyền thống và gặp gỡ những người chăn cừu làm nên loại phô mai Fiore sardo nổi tiếng trên đảo. Còn nếu bạn là một người ưa thích mạo hiểm, hãy thử tìm đến và thưởng thức món phô mai giòi Casu marzu. Đây không chỉ là một món ăn hấp dẫn theo kiểu lạ kỳ mà còn lưu giữ truyền thống và nét đẹp của ẩm thực Ý.
Casu marzu chính là điểm nhấn độc đáo trong văn hóa ẩm thực Sardinia. Phô mai giòi có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như Casu becciu, Casu fattittu, Hasu muhidu, Formaggio marcio. Mỗi tiểu vùng của hòn đảo sẽ có công thức chế biến riêng bằng cách sử dụng các loại sữa khác nhau. Tuy nhiên, Casu Marzu sẽ thường được sản xuất vào cuối tháng 6, khi sữa cừu địa phương bắt đầu có sự thay đổi vì bước vào thời kỳ sinh sản và chất lượng cỏ khô do cái nóng mùa hè.
Loại phô mai Casu marzu này được tạo ra bằng cách để ruồi Piophila casei – một loài ruồi được nuôi riêng biệt, đẻ trứng vào các vết nứt hình thành trong Fiore sardo. Khi trứng nở thành giòi, chúng sẽ ăn chất béo trong phô mai, thúc đẩy quá trình lên men và biến sản phẩm thành một loại phô mai kem mềm mịn. Quá trình làm nên đặc sản này sẽ trở nên tuyệt vời hơn nếu có một cơn gió nóng từ châu Phi thổi vào khiến phô mai mềm và lỏng hơn, thuận lợi cho loài ruồi phát triển sinh sản. Casu marzu sẽ mất tới ba tháng để sẵn sàng đem ra sử dụng.
Casu marzu có hương vị béo ngậy và cay gợi nhớ đến đồng cỏ Địa Trung Hải với dư vị lưu lại trong nhiều giờ. Đặc biệt, món phô mai này sẽ càng tươi ngon hơn khi thưởng thức cùng những con giòi vẫn còn đang sống. Đây chắc chắn không phải là trải nghiệm dành cho những người yếu tim khi những con giòi bên trong bắt đầu “quằn quại điên cuồng”.
Là đặc sản của Sardinia nên Casu marzu rất được người dân địa phương yêu thích và tự hào. Tuy nhiên, món ăn này đã bị chính phủ Ý coi là bất hợp pháp kể từ năm 1962 do luật cấm tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng. Những người bán loại phô mai này có thể phải đối mặt với mức phạt cao lên tới 50.000 (khoảng 60.000USD). Mặc dù vậy, người dân Sardinia vẫn ăn món phô mai giòi này trong nhiều thế kỷ.
Một số người nói rằng món ăn có thể nguy hiểm cho sức khỏe con người vì giòi còn sống sót sẽ tạo ra bệnh giãn cơ, gây ra những lỗ thủng siêu nhỏ trong ruột. Tuy nhiên cho đến nay, không có trường hợp nào như vậy liên quan đến món phô mai casu marzu.
Trong vài năm trở lại đây, Liên minh châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu và làm sống lại khái niệm ăn sâu bọ nhờ vào khái niệm thực phẩm mới, nơi côn trùng được nuôi để tiêu thụ. Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ chúng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến chăn nuôi và giúp giảm bớt khủng hoảng khí hậu.
Năm 2005, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sassari của Sardinia đã thực hiện bước đầu tiên theo hướng này. Họ nuôi ruồi trong phòng thí nghiệm và cho chúng đẻ trứng trong phô mai Pecorino để chứng tỏ rằng quá trình này có thể xảy ra một cách có kiểm soát. Người dân trên đảo và các nhà nghiên cứu hy vọng rằng Liên minh châu Âu sẽ sớm có tuyên bố bảo vệ món Casu marzu của họ.
Cho đến lúc đó, bất cứ ai dũng cảm và muốn trải nghiệm món ăn Casu marzu này cũng cần phải tham khảo kỹ càng trước khi đến Sardinia. Cảm giác đưa những con giòi vào miệng sẽ kéo bạn về thời kỳ xa xưa, khi loài người có thể tiêu thụ mọi thứ trên đời và chẳng vứt đi gì hết. Còn bạn thì sao? Nếu có một miếng phô mai “kinh dị” trước mắt, bạn có dám thử không?
Video đang HOT
Cách làm bánh ngọt Margherita mềm mịn ngon khó cưỡng
Loại bánh ngọt nổi tiếng của Ý vô cùng thơm ngon và mềm mại này lại có nguyên liệu và cách làm khá đơn giản.
Bánh ngọt Margherita của ẩm thực Ý có cái tên thật đẹp, tên của nữ hoàng đầu tiên của quốc gia này, Margherita di Savoia. Khi làm món bánh này tại nhà, hẳn bạn sẽ thấy thỏa mãn và thích thú khi được nếm thử miếng bánh ngọt mịn phủ đường, thơm mùi trứng và vani do chính tay mình làm.
Bánh ngọt Margherita nổi tiếng trên toàn thế giới với hương vị ngọt ngào, tinh tế từ ẩm thực Ý (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Cách 1:
Nguyên liệu:
(Dành cho 6 người ăn)
13 quả trứng gà
250 g đường caster (đường dạng bột dùng để làm bánh)
100 g bột làm bánh
100 g tính bột khoai tây
70 g bơ
1 quả vani
Món bánh có cách làm khá đơn giản và hương vị thơm ngon đặc trưng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên các bạn đập trứng vào 1 bát ô tô lớn, trong đó 10 quả chỉ lấy lòng đỏ.
Thêm đường rồi dùng máy đánh trứng đánh khoảng 15 phút cho hỗn hợp bông lên.
Ở 1 bát khác, rây bột làm bánh cùng tinh bột khoai tây qua lưới lọc để bột mịn.
Bước 2: Dùng dao rạch theo chiều dọc quả vani, rồi tách lấy hạt bên trong
Cho hạt vani vào bát đựng bột rồi trộn đều. Tiếp đến rây bột từ từ vào hỗn hợp trứng đường đã được đánh bông.
Bước 3: Trộn hỗn hợp nhẹ nhàng, đều tay theo chiều từ dưới lên trên, hãy đảm bảo không có chỗ nào bị vón cục.
Tiếp đến làm nóng chảy bơ trong lò vi sóng từ 40-50 giây với công suất lớn nhất. Lúc này bơ sẽ khoảng 30-40 độ C thì các bạn đổ vào hỗn hợp bên trên. Tiếp tục trộn đều cho đến khi hỗn hợp dày và mịn
Bước 4: Đổ hỗn hợp vào khay nướng (đường kính khoảng 24 cm) đã được lót sẵn giấy nướng. Đặt vào lò nướng đã làm nóng để ở nhiệt độ 175 độ C trong 45 phút (nếu dùng lò nướng đối lưu thì sẽ là 155 độ C trong 35 phút)
Sau thời gian trên hãy kiểm tra xem bánh chín hay chưa bằng cách dùng 1 chiếc tăm cắm vào trung tâm bánh, nếu thấy bánh quá mềm và vẫn còn ẩm ướt thì các bạn cần cho vào lò và nướng thêm vài phút nữa
Cuối cùng để nguội hoàn toàn rồi mới tháo khuôn nếu không bánh sẽ bị biến dạng và rắc thêm 1 ít đường bột lên trên để trang trí.
Từ chiếc bánh Margherita này các bạn chỉ cần trang trí thêm 1 chút kem tươi là sẽ có được 1 chiếc bánh ga tô ngon tuyệt.
Đây là một trong các món ăn của Ý được đặt theo tên nữ hoàng Margherita (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Cách 2:
Nguyên liệu:
(Dành cho 6 người ăn)
Bột làm bánh: 150g
Đường caster: 350g
Trứng gà: 10 quả
Bột khoai tây: 60g
Bơ: 60g
Bột hương vani
Vỏ chanh
Cách làm:
Bước 1: Cho nước đầy một nửa một chiếc nồi cỡ vừa, đun nóng. Sau đó, đặt một chiếc nồi nhỏ hơn ở bên trong. Cho bơ vào chiếc nồi nhỏ hơn này để bơ tự tan chảy mà không cần đun nóng. Nhấc ra khỏi bếp và để nguội.
Bước 2: Đập trứng vào bát to, trong đó có 7 quả chỉ tách lấy lòng đỏ. Sau đó cho thêm đường rồi dùng máy đánh trứng đánh khoảng 20 phút cho hỗn hợp bông và sủi bọt.
Bước 3: Lấy một chiếc bát khác, cho bột làm bánh cùng bột khoai tây qua lưới lọc để rây bột thật mịn.
Cho bột vani vào bát đựng bột ở trên trộn đều cho nguyên liệu quyện đều nhau. Nạo thêm một chút vỏ chanh vào bát.
Tiến hành trộn đều hỗn hợp nhẹ nhàng đều tay theo chiều từ dưới lên trên chú ý để bột không bị vón cục.
Bước 4: Thêm một chút bơ đã tan chảy vào, dùng máy trộn đều cho tới khi hỗn hợp dày và mịn.
Bước 5: Các bạn đổ hỗn hợp vào khay nướng đã được lót sẵn giấy nướng (chỉ đổ 2/3 khay). Sau đó đặt khay bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 190 độ C trong khoảng 30 phút.
Bước 6: Khi bánh đã hoàn thành, lấy bánh ra khỏi lò để cho nguội rồi tháo khuôn nhẹ nhàng để bánh không bị biến dạng. Đặt bánh ra đĩa và rắc thêm chút đường bột lên bề mặt bánh.
Bánh Torta Margherita sẽ mang đến cho bạn hương vị ngọt ngào từ phong cách tinh tế của ẩm thực Ý. Món bánh này rất thích hợp để làm quà tặng bạn bè, người thân, dùng trong dịp sinh nhật, tiệc trà, hay chỉ đơn giản là để bạn nhâm nhi vào buổi sáng cùng với một ly cà phê ấm nóng.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!
Say lòng trước những món tráng miệng đậm chất Ý Những món tráng miệng ở Ý khiến người ta nhớ mãi với nét tinh tế riêng biệt, làm nên văn hóa ẩm thực độc đáo của đất nước này. Nếu có cơ hội du lịch đến đây bạn hãy thưởng thức những món thơm ngon khó cưỡng sau. STRUFFOLI Struffoli là món tráng miệng thường được dùng vào dịp Giáng sinh rất được...