Hòa quyện 2 màu áo
Mấy năm nay, ông Đào Duy Sơn (56 tuổi, ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) và gia đình thường xuyên đến Phòng khám Đa khoa Quân – dân y tỉnh (hay còn gọi là Bệnh xá Quân y, phường Bình Khánh) để khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).
Một phần vì con ông từng tham gia nghĩa vụ quân sự, nên ông có tình cảm đặc biệt với các cán bộ, chiến sĩ quân đội. Một phần khác, ông và nhiều bà con rất tin tưởng những thầy thuốc áo lính ở đây.
Người dân đến Bệnh xá Quân y khám, chữa bệnh
7 giờ sáng, ông Sơn đã có mặt tại Bệnh xá Quân y. Sau ít phút chờ đợi, đến lượt ông được khám, lấy thuốc và có thể ra về. “Tôi hay mắc các bệnh như: đau dạ dày, nhức mỏi cơ thể. Trước đây, tôi chỉ ghé tiệm thuốc tây để mua uống đỡ cho qua cơn đau, rất ngại đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, được mọi người giới thiệu, tôi bắt đầu đến Bệnh xá Quân y để khám, điều trị. Tôi vừa được thanh toán BHYT, vừa được các y, bác sĩ nơi đây thăm khám tận tình, ân cần, niềm nở. Phòng khám sạch sẽ, thoáng mát. Quá trình điều trị, tôi thấy bệnh tình thuyên giảm nhiều. Chính vì vậy, gia đình tôi lựa chọn đến đây mỗi khi cần được chăm sóc sức khỏe”- ông Sơn cho biết.
Hiểu tâm tư của người bệnh, đặc biệt là bà con nhân dân, cán bộ, nhân viên trong bệnh xá luôn tâm niệm làm tốt nhiệm vụ được giao: “Bệnh nhân đến thì niềm nở, bệnh nhân ở thì tận tình chu đáo, bệnh nhân về thì dặn dò cặn kẽ”. Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Văn Hồng tham gia quân ngũ năm 2001, vừa mặc áo lính, vừa mặc áo blouse trắng gần 20 năm, nhưng nhiệt huyết vẫn còn đó.
“Xác định trọng trách của một bác sĩ, tôi cố gắng tận tâm, phục vụ đồng chí, đồng đội và người dân hết khả năng có thể. Chỉ khi có sức khỏe tốt, đồng đội mới an tâm công tác, người dân mới sinh sống, làm việc ổn định. Chấp hành tốt sự phân công của cấp trên, tôi không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia KCB cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hay nước bạn Campuchia. Tôi rất tự hào vì mình là một người lính, một thầy thuốc” – BS Hồng chia sẻ.
Lúc mới thành lập, bệnh xá gặp khó khăn về nhân sự, một số mặt công tác chuyên môn. Thế nhưng, 5 năm gần đây, bệnh xá đã thực hiện nhiều hoạt động nổi trội: khám, điều trị cho hơn 200.000 lượt người (trong đó 112.417 lượt khám BHYT cho người dân); phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 2.600 lượt người dân trên địa bàn tỉnh, 1.119 lượt người dân Campuchia…
Video đang HOT
Bên cạnh đó, có kế hoạch phối hợp theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh trong tỉnh, tuyên truyền cho nhân dân và lực lượng vũ trang cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; sẵn sàng bảo đảm ứng cứu kịp thời các tình huống dịch bệnh, thiên tai (nếu có).
Hơn 30 năm gắn bó với bộ quân phục và chiếc áo blouse trắng, thượng tá, BS. CKI Dương Tòng Chiến, Bệnh xá trưởng, nhớ nhất những chuyến đi “KCB lưu động” cho người dân nghèo, gia đình chính sách vùng khó khăn. Bữa cơm hàng ngày càng nặng lòng, vất vả, nên họ không đủ điều kiện, thậm chí không nghĩ đến việc lo cho sức khỏe của chính mình. Bệnh thì bệnh, lướt được tới đâu hay tới đó.
Vì vậy, mỗi khi có đoàn y, bác sĩ ở các nơi đến thăm, đặc biệt là bác sĩ quân y, họ mừng lắm, đến khám rất đông. Họ trân trọng tình cảm của bác sĩ, trân trọng từng viên thuốc được cấp phát, trả lại bằng nụ cười, bằng ánh mắt cảm kích và cái nắm tay thật chặt. Sau mỗi chuyến đi như thế, trong lòng mỗi bác sĩ quân y lại đầy thêm niềm tự hào, hạnh phúc với công việc mình đã chọn.
Những ngày này, đội ngũ làm ngành y nói chung, các y, bác sĩ, nhân viên Bệnh xá Quân y nói riêng, được nhận rất nhiều lời chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2020).
BS Dương Tòng Chiến bày tỏ: “Tôi thấy rất phấn khởi, tự hào khi mình là một thầy thuốc mặc áo lính, góp phần nhỏ bé vào công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân. Điều mong muốn lớn nhất hiện nay của bệnh xá là được nâng cấp, mở rộng từ Phòng khám thành Bệnh viện Quân – dân y, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám bệnh, điều trị cho người dân TP. Long Xuyên và các khu vực lân cận; đưa ngành quân y tỉnh nhà ngày càng phát triển”.
Các thầy thuốc áo lính như bác sĩ Chiến, Hồng… mặc trên người 2 màu áo. Trong họ, vừa có sự kiên cường, bản lĩnh vững vàng của một quân nhân, vừa có sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Những điều đó tạo nên “thương hiệu” của đội ngũ y, bác sĩ quân y trong lòng người dân!.
GIA KHÁNH
Theo AGO
Hành trình đặc biệt
Tôi vừa có dịp đi cùng lãnh đạo các xã, phường, thị trấn và thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Phú Tân, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên (An Giang) tham gia đoàn công tác tiễn quân nhân lên đường nhập ngũ tại Lữ đoàn 950 (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang).
Với chúng tôi, đây chỉ là một chuyến công tác thông lệ hàng năm, nhưng với 150 chiến sĩ mới, lại là một hành trình đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ.
Các bạn trẻ mười tám, đôi mươi bắt đầu cuộc hành trình, tạm biệt gia đình sau mùa Tết khó quên - mùa Tết trước khi xa nhà. Họ thoáng lúng túng, ngại ngần và thật khác biệt trong bộ quân phục xanh. Trong mắt người thân, các bạn như trưởng thành sau 1 đêm, bắt đầu giai đoạn gánh vác trọng trách của công dân.
Hành trang các bạn mang theo là chiếc balô bộ đội; là vòng hoa rực rỡ choàng trên cổ; là cái xiết tay bịn rịn của cha, là giọt nước mắt nhớ thương của mẹ, của bà, của người yêu. Và chất chứa trong hành trang là sự háo hức xen lẫn lo âu của chuyến đi xa đầu tiên, sau ngần ấy năm sống trong vòng tay cha mẹ.
Trong chuyến đi này, các bạn không có người thân bên cạnh, chỉ có cấp trên, đồng đội và lãnh đạo địa phương. Quãng đường di chuyển khá dài, mất nửa ngày mới đến nơi. Vừa đi xe, vừa đi tàu, bữa cơm trưa vội vàng cho kịp giờ. Một số bạn chưa từng di chuyển liên tục trong điều kiện đặc thù như thế, đã mất sức, bơ phờ.
Những vất vả ấy chỉ có thể tự mình cố gắng vượt qua, vì xung quanh ai cũng như thế, không có ngoại lệ. Mệt thì mệt, nhưng vừa đặt chân đến doanh trại Tiểu đoàn Bộ binh 860, tất cả xốc lại tinh thần, chăm chú quan sát nơi họ sẽ gắn bó 2 năm sắp tới.
Sau khi được điểm danh, phân vào từng tiểu đội, nghe sinh hoạt nội quy, quy định tại doanh trại, các tân binh tự mình kiểm tra, chọn lọc lại những vật dụng cần thiết, phù hợp trong ba-lô mang theo; kiểm đếm và bảo quản quân-tư trang được cấp sẵn trên giường ngủ.
Chiến sĩ mới kiểm đếm quân - tư trang được cấp
Bạn Liêu Quang Minh (18 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) nghỉ học sớm, xin vào làm công nhân trong một công ty. Hơn 1 năm sau, bạn tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự. "Tôi nghỉ làm, không phụ giúp được gia đình, chắc chắn cuộc sống của cả nhà sẽ khó khăn hơn. Nhưng đây là trách nhiệm của thanh niên, tôi không thể thoái thác. Quá trình di chuyển khá mệt, nhưng tôi vẫn rất háo hức, tò mò về cuộc sống sắp tới của mình. Dù nghiêm khắc, khó khăn đến mức nào, tôi nghĩ mình vẫn có thể vượt qua. Các anh chị đi trước làm được, thì tôi cũng sẽ làm được!" - Minh bày tỏ.
Nhiều bạn giống như Minh, rất hào hứng, thích thú với mọi thứ xung quanh mình. Có bạn trầm tư, căng thẳng thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ trong doanh trại. Nhưng cũng có bạn len lén quệt nước mắt, mặt buồn hiu, bởi mới ngày đầu tiên, mà đã nhớ nhà quay quắt...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) Đỗ Hữu Học cho biết: "Đây là năm đầu tiên địa phương được giao chỉ tiêu thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn 950, nên thanh niên và gia đình còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Địa phương đã tổ chức tiễn đưa thanh niên đến doanh trại, cùng đơn vị nhận quân hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các em, các cháu làm quen dần với quân ngũ. Cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt, huấn luyện của đơn vị rất khang trang, rộng rãi. Chúng tôi sẽ chia sẻ những điều này cho gia đình thanh niên yên tâm, đồng thời tổ chức chuyến đi thăm để họ được gặp lại con em mình, trực tiếp nhìn thấy nơi nhập ngũ của các em".
"Năm 2020, Lữ đoàn 950 được Quân khu 9 giao chỉ tiêu nhận 320 chiến sĩ mới: TP. Cần Thơ (80 chiến sĩ), An Giang (150 chiến sĩ), Cà Mau (90 chiến sĩ). Trước khi chính thức nhận quân, Ban Chỉ huy Lữ đoàn 950 cử cán bộ xuống các địa phương, phối hợp Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp rà soát danh sách, hồ sơ; kịp thời động viên, giải thích các vấn đề có liên quan để thanh niên và gia đình nắm rõ.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã nhận đủ quân số, chuẩn bị nơi sinh hoạt, huấn luyện đảm bảo yêu cầu đề ra; hoàn thành công tác khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới (gồm: đo huyết áp, khám thể lực, thị lực, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, nội tổng quát, ngoại - da liễu), trước khi chính thức nhận huấn luyện. Về nơi sinh hoạt, huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hết mức có thể" - trung tá Nguyễn Tấn Tài (Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 950) thông tin.
Khi đoàn công tác trở về, các chiến sĩ mới ở lại, chính thức xa gia đình, xa môi trường thân thuộc để từng bước nếm trải cuộc sống của một quân nhân. Lạ rồi cũng trở nên quen, nỗi nhớ sẽ dần nguôi ngoai, trong khi kiến thức, thể lực và trách nhiệm của một chiến sĩ ngày càng nhiều hơn. Tôi tin rằng, những lần gặp mặt sau này, các bạn sẽ vững sức, vững lòng hơn, hoàn thành tốt mọi kỳ vọng của gia đình, địa phương và cả đất nước gửi gắm.
Lữ đoàn 950 là đơn vị hỗn hợp, binh chủng hợp thành, có nhiệm vụ bảo vệ huyện đảo Phú Quốc, quốc phòng-an ninh khu vực biển Tây Nam; phát triển kinh tế khu vực đảo, bảo vệ du khách và các đơn vị kinh tế đến du lịch, làm ăn tại huyện đảo Phú Quốc; tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng.
GIA KHÁNH
Theo Báo An Giang
Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh (7 thành viên/đội). Trong đó có 1 đội trưởng, 1 đội phó; 6 thành viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 1 thành viên là bác sĩ điều trị thuộc Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa...