Hoa quả Việt được người Nhật đón nhận nồng nhiệt tại lễ hội ở Tokyo
Trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra ở thủ đô Tokyo, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và một số công ty xuất khẩu đã tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá vải thiều và các loại hoa quả khác của Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản.
Các hoạt động này đều thu hút rất đông đảo người dân Nhật Bản tới thăm quan và thưởng thức.
Quầy hàng giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản Việt Nam tại lễ hội. Ảnh: Đức Thịnh/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: “Nhân dịp Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi phối hợp với các đơn vị trong nước như UBND tỉnh Bắc Giang và các công ty xuất khẩu như Ameii và Global để giới thiệu các nông sản của Việt Nam, trong đó có quả vải thiều tươi, tới người tiêu dùng Nhật Bản và người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản”.
Cho tới thời điểm này, Nhật Bản đã cấp phép nhập khẩu cho một số loại hoa quả tươi của Việt Nam như chuối, xoài, thanh long, vải thiều và dừa. Trong số này, quả vải thiều bắt đầu xâm nhập vào thị trường Nhật Bản vào tháng 6/2020 và ngay lập tức được người tiêu dùng Nhật Bản và người Việt Nam sinh sống tại đây đón nhận rất nồng nhiệt. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, chỉ riêng trong năm 2021, hơn 400 tấn vải thiều của Việt Nam đã được tiêu thụ ở thị trường này.
Video đang HOT
Tới công viên Yoyogi để tham dự lễ hội, nhiều người Nhật Bản đã thưởng thức vải thiều và các loại hoa quả khác của Việt Nam. Họ đánh giá rất cao hương vị và chất lượng của các hoa quả này. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Miyasaka Maiko, Hội trưởng Hội cựu sinh viên Rotary, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức quả vải thiều của Việt Nam. Nó rất mọng nước và ngon. So với các loại vải khác ở Nhật Bản, tôi thấy quả vải của Việt Nam rất ngon”.
Chị Keiko, một khách thăm quan, cho biết: “Nhật Bản không có vải thiều. Gần đây, tôi mới được thưởng thức quả vải của Việt Nam. Tôi thấy vải thiều của Việt Nam ngon nhất”.
Tại lễ hội, ngoài việc quảng bá sản phẩm, một số công ty đã có sáng kiến giới thiệu về hành trình tới Nhật Bản của quả vải thiều Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng nước này hiểu rõ hơn về quy trình quản lý chất lượng và tuyển chọn hoa quả. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Kome, cho biết đây là một hành trình rất gian nan, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt như phải lấy mẫu xét nghiệm 5 lần trước khi thu hái để đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phải được phân loại, xử lý, làm mát, khử khuẩn, tiệt trùng và đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản, phải có độ ngọt trên 17-18% độ Brix….Vì vậy, ông Hà nhấn mạnh các nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đều là những sản phẩm có chất lượng rất cao.
Sau thành công của một số hoa quả tươi Việt Nam ở thị trường Nhật Bản, Chính phủ nước này dự kiến sẽ tiếp tục cấp phép nhập khẩu cho quả nhãn của Việt Nam trong năm nay. Theo ông Tạ Đức Minh, ngoài trái vải, trong thời gian tới, khi Nhật Bản cho phép nhập khẩu nhãn tươi của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức các chương trình để giới thiệu trái nhãn tươi tới đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản cũng như người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản để mọi người biết đến nông sản Việt Nam và trái cây Việt Nam.
Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 theo sáng kiến của cố Thượng nghị sỹ Iwao Matsuda nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là một trong những lễ hội thường niên lớn nhất ở thủ đô Tokyo. Sự kiện này không chỉ giúp quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt Nam tới người dân Nhật Bản, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước. Dự kiến, lễ hội sẽ kết thúc vào chiều tối 5/6.
Bắc Giang nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp
"Tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết.
Chăm sóc vườn rau trong nhà màng tại Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Organic (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo đó, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tỉnh tập trung vào các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đến năm 2030, sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh thuộc nhóm tiên tiến đứng đầu toàn quốc.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 20%; giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%.
Tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gồm: Cây ăn quả; cây lúa; cây rau mầu; con lợn, con gà; con cá; cây lấy gỗ. Bên cạnh đó, tỉnh lựa chọn vùng sản xuất, mở rộng quy mô để phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm gắn với xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với nhóm sản phẩm tiềm năng có thế mạnh của địa phương, phấn đấu mỗi huyện có từ 2-3 sản phẩm tiềm năng có thế mạnh của địa phương như: Chè, cây dược liệu, dê, mì Chũ, sâm Nam, cây con đặc sản...
Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tập trung hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng khắc phục tình trạng dàn trải, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kết hợp với hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ lãi suất tín dụng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm. Tỉnh quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác, quản trị kinh doanh để sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó, Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, phấn đấu giá trị 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng bình quân 5%/năm; nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Tỉnh xây dựng mã QRcode, tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm của chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Bắc Giang đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong phát triển nông nghiệp; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích đưa các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh vào hệ thống các chuỗi siêu thị, cửa hàng phân phối, điểm dừng nghỉ tại các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh việc xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh vào thị trường Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Dương Thanh Tùng, đến nay, nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang luôn là điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu so với các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều đặc sản nổi tiếng như: Vải thiều Lục Ngạn, rau chế biến, mỳ Chũ, rượu Làng Vân, bánh đa Kế, gà đồi Yên Thế... được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước biết đến tin tưởng dùng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bắc Giang giai đoạn từ năm 2016 đến nay đạt 2,8%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt 135 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh năm 2021 đạt 21.668 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với một số loại cây trồng chủ lực như lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, vải thiều, cam, bưởi... Toàn tỉnh triển khai xây dựng 304 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với cây rau và cây hoa, với tổng diện tích diện tích nhà lưới, nhà màng trên 540.000 m2...
Xuất khẩu dừa giảm mạnh, doanh nghiệp lo lắng Hiện nay, hoạt động xuất khẩu dừa của các doanh nghiệp tại Bến Tre giảm mạnh, do một số thị trường không cho nhập dừa trực tiếp như trước đây (Hoa Kỳ, Trung Quốc). Thu mua dừa xiêm xanh của người dân. Các doanh nghiệp lo lắng tìm kiếm thị trường mới trước thách thức tình hình dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng...