Hoa quả tăng giá gấp đôi, Hà Nội khan hàng
Không chỉ ở các tỉnh miền Nam, ngoài Hà Nội, các loại hoa quả cũng tăng giá đồng loạt, nhiều loại còn tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân là do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục ở các tỉnh ĐBSCLdẫn đến nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo khảo sát của PV tại các chợ ở Hà Nội, mặc dù mới chớm hè, chưa vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ nhưng giá hoa quả đang tăng chóng mặt. Trong đó, đa phần các loại đều có mức tăng thêm từ 5.000-15.000 đồng/kg, tuỳ loại, so với thời điểm cách đây chỉ khoảng 2 tuần.
Cụ thể, tại chợ Nghĩa Tân ( Cầu Giấy, Hà Nội), xoài Cát Chu có giá 55.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cam sành, quýt Sài Gòn đồng giá 65.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, cam xoàn tăng 15.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; na tăng 10.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; măng cụt, chôm chôm đều tăng 15.000 đồng/kg, lần lượt lên 90.000 đồng/kg măng cụt và 80.000 đồng/kg chôm chôm…
Đặc biệt, thời điểm này thanh long còn tăng giá gần gấp đôi, từ 30.000 đồng/kg lên hẳn 55.000 đồng/kg.
Giá hoa quả tại các chợ ở Hà Nội tăng mạnh do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn
Bà Nguyễn Thị Lan, bán hoa quả tại chợ Nghĩa Tân cho biết, hiện nay đi chợ đầu mối giá hoá quả tăng theo từng ngày. Trong khi đó, mẫu mã cũng như chất lượng hoa quả lại ngày càng kém đi.
Theo bà Lan, thông thường vào thời điểm này hàng năm, giá hoa quả thường giữ ở mức ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ do hết mùa lễ hội, nhu cầu mua hoa quả đi lễ chùa cũng giảm. Ngoài ra, do thời điểm này mới chớm vào hề nên nhu cầu mua hoa quả ăn giải nhiệt cũng không quá cao.
“Nhưng năm nay thì khác, giá cứ tăng ầm ầm. Hỏi các mối bỏ buôn ở chợ đầu mối vì sao giá hoa quả tăng thì họ chỉ nói do miền Nam hạn mặn, diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng dẫn tới thiếu nguồn cung. Do đó, giá hoa quả đang có xu hướng tăng và cònc tăng nữa khi vào mùa hè”, bà Lan chia sẻ.
Chị Phan Thị Hữu, chuyên bán hoa quả tại chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện nay chỉ có các loại hoa quả ngoài miền Bắc như: mận, ổi, dứa, dưa lê,… vẫn có giá ổn định, còn phần lớn các loại hoa quả có xuất xứ từ miền Nam đều tăng giá mạnh.
Đơn cử như quả thanh long, cứ mỗi ngày một mức giá khác nhau. Trước thanh long được bày bán tràn lan ở chợ, ngoài vỉa hè với giá 15.000-20.000 đồng/kg, loại ngon giá cũng chỉ tầm 30.000 đồng/kg. Nhưng nay, giá thanh long đã tăng lên mức 50.000-55.000 đồng/kg loại ngon. Hay như sầu riêng, giá tăng chóng mặt mà vẫn không có hàng để nhập về bán. Nhiều hôm đi sớm cũng chỉ nhập được 1-2 thùng”, chị Hữu cho hay.
Các nhà vườn ở Tiền Giang thừa nhận, thời gian gần đây, các loại hoa quả đang được thương lái thu mua với giá rất cao. Ví như, thanh long ruột đỏ được thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng 3; thanh long ruột trắng cũng tăng thêm 8.000 đồng/kg lên mức 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, nguồn cung thanh long của các nhà vườn chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường.
Một số nhà vườn ở Tiền Giang còn cho biết, sâu riêng cũng bất ngờ tăng giá mạnh, ở mức 80.000-90.000 đồng/kg.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị vào vụ trái cây hè, song, do tình hình khô hạn kéo dài kèm với xâm nhập mặn đã khiến nhiều nhà vườn đối mặt nguy cơ mất mùa. Nhiều loại cây như chôm chôm, măng cụt,… đã ra bông, kết trái nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít.
Video đang HOT
Điều đó sẽ làm năng suất trái cây giảm từ 15-25% so với vụ trước.
Giá một số loại trái cây đã tăng đáng kể. Tại TP.HCM, trong tháng 4/2016 giá cam là 20.000- 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; chanh tăng 3.000 đồng/kg, thanh long tăng gần 2 lần so với tháng trước. chôm chôm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, hiện có giá 30.000-50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng cũng tăng mạnh từ 25.000-30.000 đ/kg nhưng các nhà vườn vẫn không đủ cung cấp cho thương lái.
Theo_VietNamNet
Ý nghĩa đằng sau những con số dán trên hoa quả nhập khẩu
Trên hoa quả nhập khẩu, bạn thường thấy có 1 chiếc tem dán, mã số trên tem được gọi là PLU code. Biết được mã PLU sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm mà gia đình mình ưu tiên dùng.
Tại quầy hoa quả của siêu thị hay các cửa hàng chuyên thực phẩm nhập khẩu, người ta thường thấy trên mỗi trái táo, lê, cam... đều được dán tem, nhưng rất ít người biết đến thông tin cần thiết đằng sau những số kí tự kia.
Mã số trên tem được gọi là PLU code, viết tắt của từ Price Look-up. Biết được mã PLU sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm mà gia đình mình ưu tiên dùng.
Phóng viên Trí Thức Trẻ đã tìm hiểu về vấn đề này, đồng thời trực tiếp đi khảo sát tem dán trên hoa quả nhập khẩu bán tại siêu thị và ghi lại những hình ảnh bên dưới đây.
3###: Ứng dụng bức xạ i-on hóa
Nếu trên tem có bốn chữ số, bắt đầu bằng số 3, thì đó là kí hiệu của hoa quả được xử lý bằng công nghệ bức xạ i-on hóa.
Công nghệ chiếu xạ thực phẩm này sử dụng chính nguồn năng lượng bức xạ ion để xử lý thực phẩm, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Tia bức xạ có tác dụng gây tổn thương cơ chất di truyền (phân tử ADN) làm bất hoạt khả năng sinh sản của vi sinh vật gây bệnh, gây hại, kể cả dạng sinh dưỡng và bào tử, các nang kí sinh trùng và các siêu vi trùng.
Công nghệ chiếu xạ thực phẩm đòi hỏi cơ sở chiếu xạ và cơ sở chế biến thực phẩm phải tuân thủ những yêu cầu nhất định về liều chiếu, quy cách bảo quản sản phẩm và điều kiện lưu kho, vận chuyển, chế biến sau khi chiếu xạ.
Liều lượng chiếu này tùy thuộc theo luật của từng nước, ví dụ như Mỹ theo quy định của FDA, Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế.
4###: Phương pháp trồng trọt phổ thông
Nếu trên tem có bốn chữ số, bắt đầu bằng số 4 thì đó là kí hiệu của trái cây được trồng bằng công nghệ thông thường, nghĩa là có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ, v.v... theo liều lượng đúng quy chuẩn.
9####: Phương pháp trồng hữu cơ
Nếu trên tem có năm chữ số bắt đầu bằng số 9, đó là sản phẩm hữu cơ.
Nông sản hữu cơ không phải nông sản trồng tại vườn nhà.
Hiện nay, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác yêu cầu các nhà sản xuất để có được Chứng nhận Hữu cơ đều phải tuân thủ theo các quy chuẩn nghiêm ngặt được thiết lập bởi các nước và các tổ chức thương mại quốc tế, cụ thể là:
Úc: NASAA
Liên minh Châu Âu: EU - Eco
Ấn Độ: NPOP (Chương trình quốc gia về sản xuất hữu cơ)
Indonesia: BIOCert do Bộ Nông Nghiệp Indonesia cấp
Nhật Bản: JAS
Hoa kỳ: Chương trình Hữu cơ Quốc gia NOP
Đáng chú ý hiện nay trên thế giới, danh sách các quốc gia đã có quy định và thực hiện đầy đủ quy định về nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng tăng.
Châu Á bao gồm các nước Nhật Bản, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam không nằm trong danh sách này.
8####: Biến đổi gen
Nếu bạn thấy tem có năm chữ số bắt đầu bằng số 8, đó là sản phẩm biến đổi gen.
Hiện nay nông sản biến đổi gen đang gây tranh cãi và vấp phải phản đối trên diện rộng, đặc biệt là Liên minh Châu Âu và một vài quốc gia Châu Á khác.
Bên cạnh đó, quy định về dán tem nhãn chưa hoàn toàn mình bạch, nên từ lý thuyết đến thực tế vẫn còn là một khoảng cách, khi không tìm thấy sản phẩm nào được dán nhãn năm chữ số, bắt đầu bằng số 8 (8####) ngoài thị trường.
Qua khảo sát tại siêu thị và một vài điểm bán lẻ nhập khẩu, nhìn chung các loại táo, cam, lê bán ở siêu thị đều thuộc nhóm tem 3### và 4###.
Đặc điểm chung của nhóm này là giá cả phải chăng, hình thức bắt mắt, đa dạng từ màu sắc tới chủng loại vô cùng phong phú.
Trong số đó có một loại Táo đỏ được dán nhãn "Hữu cơ" (Organic), tuy nhiên không có dãy số 9#### như quy định.
Các loại nông sản đạt chuẩn Organic với chứng nhận đạt chuẩn của các nước thường có giá tương đối cao và chủ yếu bán tại một vài cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây, thực phẩm nhập khẩu.
Giá của loại quả dao động từ trên 300.000đ đến 400.000đ/kg, hình thức không có gì đáng chú ý, size quả tương đối nhỏ, không đồng đều, mùi vị chưa thật sự đặc trưng.
Biết được mã PLU có thể giúp bạn lựa chọn loại thực phẩm mà gia đình ưu tiên dùng, tuy nhiên trong trường hợp quản lý kém, việc làm giả tem PLU là điều có khả năng xảy ra.
Theo Trí thức trẻ
Sợ độc, nhà giàu mua quất Nhật giải nhiệt đón hè Mặc dù công dụng cũng như mùi vị không khác mấy so với quất Việt, song, do tâm lý sính ngoại và e sợ hàng giá rẻ không an toàn nên giới nhà giàu Việt vẫn quyết tâm lùng mua bằng được loại quất của Nhật Bản, Hàn Quốc để về làm đồ uống giải nhiệt mùa hè dù giá của chúng lên...