Hoa quả bọc túi nilon: Đẹp nhưng độc
Khi quả được bọc nilon, các hóa chất không bay hơi được, chúng sẽ bám lại trên thành túi nilon rồi ngấm lại vào vỏ, sau đó khuếch tán và tiếp tục ngấm sâu vào ruột quả
Bất chấp những cảnh báo về sức khỏe người tiêu dùng, nhiều loại hoa quả trên thị trường tiếp tục mang lại những tác động độc hại kép vì ngoài việc được sử dụng chất bảo quản, hoa quả còn được bọc trong túi nilon gây ra những ảnh hưởng độc hại đến người sử dụng.
Trên thị trường, các loại hoa quả được bọc nilon dưới nhiều hình thức: Bọc từng quả riêng biệt hoặc để tiện vận chuyển, tránh va đập dẫn đến thâm, thối, người kinh doanh bọc hoa quả thành từng lô nhỏ trong túi nilon với nhiều kích cỡ khác nhau.
Ghi nhận trên các trung tâm buôn bán hoa quả, các chợ lớn, sạp bán hàng thì nho các loại, lựu, táo, ổi, lê, … (những loại quả kích cỡ tương đối nhỏ) là các loại quả thường xuyên được bọc trong túi nilon nhất.
Video đang HOT
“Việc bọc hoa quả bằng túi nilon có những ích lợi nhất định cho người kinh doanh. Ngoài việc giảm thiểu những tác động xấu từ va đập cơ học dẫn đến xây sát thì túi nilon cũng giúp hoa quả đẹp hơn, che bớt các vết thâm và có thể “đánh lừa” người tiêu dùng”, TS Vật lý Nguyễn Đình Khải cho biết.
Tuy nhiên, ông Khải nhấn mạnh rằng có ít người tiêu dùng nhận thức được tác hại kép từ hoa quả bọc túi nilon.
“Những loại quả có bọc túi nilon được bảo quản bằng thuốc bảo vệ thực vật. Dù túi nilon đó có nguồn gốc từ đâu thì cũng rất độc hại”, ông Khải nói.
Ông phân tích: Bình thường hoa quả được bảo quản bằng thuốc bảo quản thực vật thì thời gian hoa quả tươi lâu đã được kéo dài ra rồi. Nhưng khi có túi nilon bọc bên ngoài, hoa quả còn tươi lâu hơn nữa.
Lý do là túi nilon cho phép hoa quả ít tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài, có tác dụng ức chế lâu hơn quá trình hô hấp tự nhiên của hoa quả, khiến chúng lâu chín hơn, xanh lâu hơn, tươi lâu hơn.
“Điều nguy hiểm hơn cả là quá trình hô hấp tự nhiên của quả sẽ sinh nhiệt, hơi nước. Nếu không có túi nilon thì nhiệt độ sẽ khiến các giọt nước có chứa hóa chất bảo quản bốc hơi bớt đi. Nhưng khi đã bọc nilon rồi, các hóa chất không bay hơi được, chúng sẽ bám lại trên thành túi nilon rồi ngấm lại vào vỏ, sau đó khuếch tán và tiếp tục ngấm sâu vào ruột quả”, ông Khải lưu ý.
Là người nghiên cứu lâu năm về các phương pháp bảo quản thực vật, và cũng đã đi nhiều nơi, sang cả Trung Quốc để tham khảo các phương pháp của họ, ông Khải nói: “Các túi nilon chính là mầm mống của nhiều căn bệnh hiểm nghèo sau này (như ung thư chẳng hạn)”.
Theo nhận xét cá nhân của mình, ông Khải đánh giá: Hiện nay, việc quản lý hoa quả đang rất lỏng lẻo, quản lý lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hoa quả cũng gần như là việc bất lực của cơ quan chức năng. Cho nên, sẽ không có ai kiểm soát được nguồn gốc các túi nilon kia từ đâu mà ra, thực chất được làm từ cái gì, độ an toàn đến đâu.
“Có những loại túi nilon cực kì độc hại, bản thân nó đã chứa độc tố có thể gây ung thư nếu ngấm vàothực phẩm, hoa quả. Như vậy, nếu sử dụng hoa quả bọc túi nilon, mức độ không an toàn cho người tiêu dùng lại bị nhân đôi lên”, ông Khải cảnh báo.
“Hãy cảnh giác với các loại quả tươi lâu, vỏ đẹp, được bọc túi bóng. Ăn nhiều loại quả này, tuổi thọ người tiêu dùng chắc chắn giảm”, ông Khải khuyến cáo.
Ngọc Anh