Hóa phép son lì thành bóng và son bóng thành lì
Với một số loại mỹ phẩm và dụng cụ làm đẹp cơ bản như cọ, phấn phủ, khăn giấy, vaseline, bạn có thể biến son bóng thành son lì hoặc ngược lại để phù hợp với nhiều phong cách khác nhau khi chỉ đem theo một trong hai loại son này.
Son bóng và son lì là hai kết cấu đặc trưng nhất mà mỗi cô gái nên sở hữu trong thế giới son môi. Nếu son lì có ưu điểm lên màu chuẩn, tạo cảm giác sang trọng thì son bóng lại khiến môi trông đầy đặn và gợi cảm hơn. Tuy nhiên khi bạn chỉ đem theo một trong hai loại son này, bạn vẫn có thể biến nó thành loại son còn lại.
Biến son bóng thành son lì
Đôi khi, bạn yêu thích một màu son nhưng lại ghét độ bóng của nó. Có nhiều cách khiến cho son trở nên lì hơn sau khi thoa lên môi đồng thời giữ son bền màu.
- Dùng khăn giấy: Với một cây son bóng, hoặc một cây son có độ dưỡng cao, sau khi thoa một lớp son lên môi, bạn chỉ cần dùng khăn giấy để chặm rồi thoa lớp tiếp theo. Nên nhớ không bậm môi quá mạnh vì sẽ làm bay đi lớp son vừa thoa. Một cách khác là bạn có thể đắp khăn giấy lên môi và dùng cọ phấn quét qua, độ bóng của son sẽ được giảm bớt.
- Dùng phấn phủ: Tương tự như tác dụng của khăn giấy, các hạt phấn phủ sẽ giúp hút bớt phần dầu và trả lại độ lì cho son. Với cách này, sau khi thoa một lớp son, bạn chỉ cần dùng cọ kabuki quét một chút phấn phủ và phẩy đều lên môi rồi thoa lớp tiếp theo. Ngoài việc khiến màu son lì hơn, phấn phủ cũng giúp son bền màu hơn. Khi phẩy cọ, nên phẩy thật nhẹ và đều khắp môi để các hạt phấn được phân tán mỏng và đều, không gây vón cục.
- Dùng màu mắt dạng bột: Đây là một cách không phổ biến nhưng vẫn có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết. Tương tự như phấn phủ, bạn có thể dùng ngón tay để quét một lớp phấn mỏng lên môi. Tuy nhiên phấn mắt sẽ có màu đặc trưng nên bạn cần chọn màu tương đồng với son.
Biến son lì thành son bóng
Son lì có đặc điểm dễ gây khô môi, làm môi trông mỏng hơn bình thường. Nếu muốn màu son lì đạt được hiệu quả làm đầy môi như son bóng, bạn cần sự trợ giúp của một ít son dưỡng môi hoặc vaseline.
- Trước khi thoa son màu, bạn có thể dùng son dưỡng hoặc vaseline thoa lên môi như một lớp lót. Nếu muốn đánh kiểu xí muội, hãy dùng ngón tay tán son lì vào lòng môi.
- Nếu muốn đánh kiểu son bóng bình thường, bạn nên chờ cho vaseline khô bớt hoặc lấy khăn giấy chặm nhẹ môi trước khi thoa lớp son lì bên trên để tránh màu son bị “trượt”, không ăn vào môi. Sau khi tán son lì, có thể tán thêm một lớp vaseline lên trên để được độ bóng như ý.
Video đang HOT
Theo Đẹp
Những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử son môi
Cùng với giày cao gót, son môi là ví dụ rõ ràng nhất về nữ tính. Đã có thời, những người phụ nữ không tô son môi bị cho là có biểu hiện của tâm thần hoặc đồng tính luyến ái...
Năm 2500-1000 trước công nguyên
Phụ nữ cổ đại nghiền đá quý thành bột mịn, đắp lên môi để trang trí cho bản thân. Đây được coi là dấu hiệu đầu tiên của son môi.
Năm công nguyên thứ 8
Một nhà điều chế mỹ phẩm ở Ả Rập đã phát minh ra son môi dạng lăn, dựa trên thiết kế của thỏi nước hoa dạng lăn.
Năm công nguyên thứ 100
Phụ nữ Ai Cập điều chế son đỏ bằng cách nghiền nát bọ cánh kiến, đôi khi có thêm phần lấp lánh từ vẩy cá. Cleopatra, người đàn bà quyền lực nhất thời kỳ đó, rất đam mê loại son này.
Trước thế kỷ 16
Thời kỳ Trung Cổ, ở Châu Âu, son môi bị cấm hoàn toàn bởi đạo Thiên chúa. Những người theo đạo này tin rằng son môi có liên hệ với quỷ Satan, và nó chỉ dành cho gái mại dâm cũng như tầng lớp thấp hèn nhất của xã hội.
Thế kỷ 16
Thời đại của nữ hoàng Elizabeth I, cũng là thời kỳ hồi sinh của son môi. Đôi môi đỏ tươi và nước da trắng như tượng sáp - kiểu trang điểm đặc trưng của nữ hoàng - trở thành xu hướng thời thượng. Chỉ diễn viên và tầng lớp phụ nữ quý tộc mới tô son môi.
Thế kỷ 18
Son môi tìm thấy chỗ đứng của mình trong tầng lớp trung lưu và hạ lưu.
Năm 1884
Guerlain trở thành công ty đầu tiên sản xuất son môi thương mại. Son môi của họ được làm từ mỡ hươu, dầu thầu dầu, sáp ong và bọc trong giấy lụa.
Năm 1912
Những phụ nữ sành điệu ở Mỹ bắt đầu coi son môi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Năm 1915
Son môi đựng trong ống kim loại được phát minh bởi Maurice Levy.
Năm 1921
Phụ nữ nước Anh sử dụng son môi một cách đại trà.
Năm 1923
Son môi đựng trong ống xoay do James Bruce Mason Jr. thiết kế được cấp bằng sáng chế. Đây là phiên bản đầu tiên của thiết kế son môi phổ biến ngày nay.
Năm 1927
Nhà hóa học người Pháp Paul Baudecroux phát minh ra son môi Rouge Baiser không trôi ngay cả khi hôn. Nghe có vẻ hấp dẫn như một lời đảm bảo về độ bền màu lâu dài, nhưng loại son này nhanh chóng bị cấm bởi nó gây rất nhiều bất lợi trong việc tẩy trang.
Năm 1930
Công ty mỹ phẩm Max Factor phát minh ra son bóng, ban đầu để phục vụ cho các nữ diễn viên trong những bộ phim đen trắng.
Năm 1940
Khi thế chiến thứ hai nổ ra cũng là lúc ngành công nghiệp son môi lao đao do khan hiếm hàng hóa. Những thành phần thiết yếu trong việc sản xuất son môi đã bị đầu tư vào chiến tranh (petroleum và caster oil). Trong những năm tháng đó, ống son bằng kim loại cũng được thay thế bởi nhựa và giấy.
Năm 1950
Nhà hóa học người Mỹ Hazel Bishop tạo ra loại son môi khó trôi, không nhòe đầu tiên. Mẩu quảng cáo của loại son này có câu: "Không nhòe khi ăn, không nhòe khi mặc áo và không nhòe ngay cả khi hôn".
Thập niên 60
Dưới sức ảnh hưởng của hai cô đào nóng bỏng Marilyn Monroe và Elizabeth Taylor, màu son đỏ sẫm trở nên phổ biến.
Năm 1973
Công ty mỹ phẩm Bonne Bell ra mắt dòng son môi đầu tiên có hương vị. Lip Smackers - tên của dòng son này - rất được các cô gái trẻ yêu thích.
Năm 1970 - 1980
Nhạc rock và văn hóa punk nở rộ, son môi không nằm ngoài xu hướng cũng trở nên độc đáo và hoang dã. Những màu son không tưởng như tím sẫm, đen nở rộ trên đôi môi các thiếu nữ.
Thế kỷ 21
Son môi đã là thứ gia vị không được phép vắng mặt trong cuộc đời phụ nữ. Với đa dạng thương hiệu, màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, son môi được coi là loại mỹ phẩm quan trọng nhất và là thứ một phụ nữ có thể sưu tầm nhiều nhất.
Theo Đẹp
Những thỏi son đi ngang đời ta Phụ nữ luôn có thừa lạnh lùng để từ chối một người đàn ông, nhưng chẳng bao giờ đủ lạnh lùng để từ chối "một cây son mới nữa". Bao nhiêu son, đối với họ, cũng là không đủ. Dù màu son ấy đã có chật tủ, họ vẫn tìm ra bằng được lý do để rước nó về nhà: chất liệu khác,...