Hoa mơ nở trắng rừng Mộc Châu
Những ngày đầu năm, cánh rừng Mộc Châu khoác lên mình chiếc áo hoa mơ trắng ngần, níu chân du khách gần xa.
Hoa mận vừa tàn, hoa mơ đã nở rộ trên những vạt rừng Mộc Châu, báo hiệu mùa xuân về. Loài hoa này nở từ đầu tháng 1 và kéo dài 3 tuần, chủ yếu ở bản Thái Hưng và Km82 đoạn trên Quốc lộ 6.
Hoa mơ năm nay nở rực rỡ nhất ở bản Thái Hưng, xã Mường Sang. Nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 4 km, du khách đi qua thác Dải Yếm 1 km tới cổng chào Thái Hưng, rẽ trái tiếp 200 m sẽ tới nơi. Đường đi khá bằng phẳng, vào được bằng ô tô, xe máy.
Hầu hết các vườn thuộc sở hữu của người dân. Giá vé tham quan là 20.000 đồng, du khách tham quan và chụp ảnh không giới hạn thời gian. Thời điểm lý tưởng để ghé vườn là từ 10 sáng đến 3h chiều.
Người dân địa phương ở đây bật mí cách nhận biết cây mơ, mận bằng cách nhìn vào gốc, thân cây và nụ hoa. Cây mơ trông cằn cỗi, già nua, cao hơn cây mận, cành khẳng khiu. Ngoài ra nếu soi kỹ phần nhụy, du khách sẽ thấy hoa mơ có nhụy vàng điểm xuyết, khác với sắc trắng muốt của hoa mận.
Du khách chụp ảnh bên rừng mơ. Trang phục dân tộc, áo dài là lựa chọn được du khách ưa chuộng. Dọc đường vào, các dịch vụ thuê đồ đa dạng, mức giá trung bình từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi bộ.
Chị Vân Anh (thứ 3 từ trái qua), 32 tuổi chia sẻ rằng từng đến Mộc Châu nhiều lần. Chị ấn tượng với khung cảnh hoang sơ và con người thân thiện nơi đây. “Tôi từng đến nhiều nơi nhưng không đâu hoa mơ nở đẹp như ở đây”, chị nói.
Nhìn từ trên cao, hoa mơ nở phủ trắng cả sườn đồi, trải dài tít tắp về phía xa.
Đến Mộc Châu mùa này, du khách được hòa vào ngày Tết truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, thưởng thức món bánh dày trứ danh. Nhiệt độ trung bình ở đây là 17 độ C, du khách nên mang theo mũ len, áo ấm… để chống rét.
Video đang HOT
Từ Hà Nội, du khách di chuyển thuận lợi, nhiều xe khách chạy liên tục với mức giá khoảng 250.000 đồng mỗi chiều. Các điểm du lịch nằm rải rác, du khách nên chia lộ trình theo tuyến, khu để thuận tiện di chuyển. Một số tuyến đường tham khảo gồm Thác Dải Yếm – đồi mơ Thái Hưng; Vườn hồng Nà Ka – Thung lũng mận Nà Ka – Đồi chè Trái tim – Happyland…
Lên đỉnh Putaleng ngày đầu năm mới
3 ngày trekking với nhiều khó khăn về địa hình, sức khỏe mang đến cho nhóm du khách những cảm xúc khó quên.
Putaleng (đọc theo tiếng người Mông là Pú Tả Lèng) là ngọn núi cao thứ 3 Việt Nam (3.049 m), sau Fansipan (3.143 m) và Pusilung (3.089 m). Về mức độ thử thách, Putaleng được đánh giá là cung leo khó, sở hữu độ hiểm trở nhất định với đường đi dốc và dài (tổng quãng đường leo hết 35 km). Do đó, Putaleng chưa bao giờ được gợi ý cho những ai mới gia nhập bộ môn trekking.
Nhóm bạn Trương Minh Thùy gồm 9 thành viên đã quyết định chinh phục ngọn núi này vào dịp đầu năm, như một lời chúc năm mới hanh thông, suôn sẻ. Đi cùng nhóm là 1 dẫn đường chính, 3 vận chuyển viên vác đồ ăn và các vật dụng thiết yếu, 2 trưởng đoàn.
Ngày 1
Cá nhóm khởi hành từ Hà Nội, lúc 9h tối 30/12/2020 và đến Sa Pa vào 4h ngày 31/12/2020. Sau đó, nhóm theo xe trung chuyển 16 chỗ đến nhà của anh Giàng người Dao, người dẫn đường chính mà bạn Thùy đã liên hệ từ cách đó một tháng. Nhà anh Giàng ở bản Hồ Thầu, Lai Châu, cách Sa Pa khoảng 55 km. Khi đến Lai Châu, cả nhóm nghỉ ngơi, ăn sáng, chuẩn bị cho ngày leo đầu tiên.
Nhóm bạn Trương Minh Thùy (thứ 3 từ phải sang) bao gồm 1 người dẫn đường là anh Giàng (áo đỏ), 3 vận chuyển viên, 2 trưởng đoàn và 9 thành viên.
Thử thách của ngày thứ nhất là đoạn đường dốc thoai thoải từ điểm xuất phát cho đến chân con dốc đầu tiên. Đoạn đường này đi qua rất nhiều con suối với nước trong vắt có thể uống được.
Với hơn nửa số thành viên trong nhóm là nhân viên văn phòng, bác sĩ, sinh viên chưa từng có kinh nghiệm trekking, leo Putaleng với họ là một thử thách lớn. Ngày đầu tiên, nhóm phải chinh phục ba con dốc cao và dài được gọi là "3 con dốc 3T". Tên gọi có nghĩa mỗi con dốc mất khoảng 3 tiếng để vượt qua. Con dốc đầu tiên bắt đầu sau khi đi hết đoạn đường ven suối.
Nhóm phải leo liên tục dốc thẳng đứng. Có những đoạn dốc cao, không có chỗ tựa nên đội ngũ hướng dẫn viên đã làm thang gỗ để các thành viên có thể di chuyển. Dù thời gian trung bình là 3 tiếng cho một con dốc, nhưng cả nhóm mất nhiều thời gian hơn vì chưa quen địa hình và mất nhiều sức khi chinh phục dốc đầu tiên. Đến 11h, dù chưa đến đúng điểm ăn trưa nhưng nhóm phải dừng lại để nghỉ ngơi và lấp đầy những chiếc bụng đói.
Bữa trưa đầu tiên gồm có xôi, muối vừng, chà bông và chả lụa. Sau bữa ăn 15 phút, nhóm tiếp tục hành trình. Theo dự đoán của anh Giàng, tầm 8h tối nhóm sẽ đến điểm nghỉ đêm.
Con dốc thứ 3 leo trong rừng trúc là quãng đường khó nhất vì dốc đứng hơn hẳn. Trời lúc này cũng chập choạng tối và mọi người đã thấm mệt.
Khi vừa đến đỉnh của con dốc thứ 3, Putaleng tặng cho nhóm khung cảnh hoàng hôn hiếm thấy. Mọi người cùng ngắm cảnh đẹp tầm 10 phút rồi tiếp tục di chuyển về lán gỗ cách đó khoảng 30 phút. Lúc này trời đã tối hẳn, nhóm phải dùng đèn pin và mò mẫm để không bị trượt vì đường đi đóng rêu.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là so với mốc thời gian anh Giàng dự đoán, các thành viên đã vượt chỉ tiêu, chính thức về tới lán gỗ nghỉ đêm lúc 6h tối. Mọi người dù đã mệt nhoài nhưng hân hoan đón khoảnh khắn sang năm 2021. Đối với tất cả các thành viên, giao thừa năm nay thật đặc biệt khi cùng trải qua với những người bạn mới quen, ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Dù rất muốn thức đến thời khắc chuyển giao năm mới nhưng vì để chuẩn bị cho chặn đường dài hôm sau, nên sau khi ăn tối, nhóm đi ngủ lúc 8h. Nhiệt độ đêm đầu tiên vào khoảng dưới 5 độ.
Ngày 2
Buổi sáng đầu tiên của năm 2021, mọi người dậy sớm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cánh rừng nguyên sinh. Những khoảnh khắc đẹp đẽ đầu tiên của năm mới khiến không ít thành viên trong nhóm phải bồi hồi. Ăn sáng, uống cà phê, sau đó nhóm chuẩn bị đồ đạc cho cung đường vượt 12 con dốc nhỏ để chạm đỉnh Putaleng.
Ở ngày thứ hai, từ lán gỗ lên đến đỉnh sẽ mất tầm 5 tiếng, tùy theo sức khỏe của từng người. Quãng đường này, nhóm vẫn leo trong rừng nguyên sinh. Nếu leo vào khoảng tầm tháng 3, 4, du khách sẽ được ngắm nhìn hoa đỗ quyên đỏ, vàng nở rợp núi rừng và bước đi trên các thảm hoa rụng đầy dưới chân.
Cả nhóm đã chinh phục được đỉnh Putaleng.
Đến hơn 12h trưa, cả nhóm chính thức chạm tay lên chóp Putaleng. Dường như mệt mỏi của gần hai ngày đã tan biến ngay khi nhìn thấy đỉnh chóp sáng bóng. Cảm xúc còn lại là niềm tự hào khi chinh phục được mục tiêu, bứt phá và vượt qua những giới hạn mà nếu không làm, sẽ chẳng ai nghĩ mình có thể làm được.
Từ đỉnh về lán, cả nhóm di chuyển nhanh hơn vì đường đi xuống dốc. Vừa đi vừa hít thở không khí trong lành, vừa ngắm nắng chiều xen qua từng kẽ lá của khu rừng nguyên sinh vốn chỉ in dấu chân của các anh dân tộc đi săn bắn và những con người đam mê mạo hiểm.
Ngày 3
Gần 6h sáng ngày cuối cùng của hành trình chinh phục Putaleng, cả nhóm xuất phát sau khi ăn sáng với cơm chiên và mì gói. Vì khởi hành khá sớm nên nhóm còn được ngắm cả bình minh trên núi, đón ánh nắng vàng ươm và những cơn gió mát lạnh đầu ngày.
Cả nhóm di chuyển theo một con đường khác theo hướng Tả Lèng để xuống núi. Đường về bằng và thoải hơn, đa số di chuyển trong rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng và phong phú.
Tầm 11h trưa, cả nhóm dừng lại bên bờ suối, ăn bữa cuối cùng trong rừng trước khi về với phố thị. Vận chuyển viên đã vót tre rừng làm đũa, hái lá cây làm chén, mang đến cho cả nhóm một bữa ăn đậm tính trải nghiệm.
Nhóm của Thùy về điểm kết thúc vào lúc 2h chiều tại UBND xã Tả Lèng (Lai Châu), ở đây đã có xe trung chuyển chờ sẵn đón cả nhóm về lại nhà anh Giàng để thu dọn đồ đạc trước khi về Sapa, chính thức kết thúc cuộc hành trình.
Mỗi ngày trong chuyến đi đều có những thú vị riêng, ngày đi thì mệt mỏi vô cùng, ngày về thì đi trong rừng nguyên sinh, uống nước suối, hái lá cây đựng đồ ăn, đi giữa thung lũng thảo quả của đồng bào, được nghe những câu chuyện, được nhận những sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh chị dẫn đường, vận chuyển viên và được trải nghiệm những cảm giác mà nếu không can đảm đi, sẽ chẳng bao giờ có được.
"Mình nghĩ rằng người mới bắt đầu trekking vẫn có thể chinh phục được những cung khó nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, quan trọng hơn nữa là ý chí và niềm tin để vượt qua những giới hạn nằm ngoài sự mong đợi của mình. Sau cùng thì may quá, chuyến đi đã diễn ra thành công tốt đẹp.", Minh Thùy chia sẻ.
5 điểm vi vu đón Tết Tân Sửu gần Hà Nội Tết Âm lịch là thời điểm đẹp để bạn dành thời gian nghỉ dưỡng và tận hưởng những cảnh đẹp Sa Pa, Mộc Châu, Ninh Bình.... Một kỳ nghỉ ngắn ngày cùng gia đình, bè bạn ở nơi xa phố thị sẽ là khởi đầu tràn đầy năng lượng để đón chào năm mới Tân Sửu. Năm nay người đi làm được nghỉ...