Hoa mắt vườn xương rồng 10.000 cây độc lạ, trót vào là… mất tiền
Gần 30 năm qua, ông Lâm Hữu Phúc (46 tuổi, ngụ khóm 3, phường 3, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đi khắp nơi sưu tầm, nhập nhiều giống xương rồng ngoại về thuần dưỡng và trồng thành công để thỏa mãn niềm đam mê.
Khu vườn xương rồng của ông Phúc nằm trong một con hẻm bên bờ sông Sa Đéc hiền hòa, chỉ có vài trăm mét vuông nhưng có hơn 10.000 cây xương rồng các loại với hơn 100 giống quý hiếm, có cây giá bán lên đến vài chục triệu đồng. Trong đó, có rất nhiều giống xương rồng được ông sưu tầm và nhập từ nhiều nước, như: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,…
Nói về cái “duyên” mấy chục năm gắn bó với cây xương rồng, ông Phúc chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ trồng vài chục cây, vừa trồng vừa chơi. Tôi càng chơi càng thấy nó đẹp và muốn khám phá. Để có nguồn vốn sưu tập thêm giống mới, tôi bắt đầu bán cho khách, lượng người mua ngày càng nhiều nên bắt đầu nhập thêm nhiều giống. Lúc đầu, có nhiều người mới gặp xương rồng thì nói không thích vì nó có gai gốc nhưng mà càng chơi rồi mê xương rồng khi nào không hay”.
Ông Phúc (đứng bên phải) đang chia sẻ kỹ thuật trồng xương rồng với khách tham quan
Theo ông Phúc, xương rồng có nhiều dạng, có người thích chơi bông, có người lại thích hình dáng của cây, nhưng để tạo ra một cây xương rồng độc đáo thì đòi hỏi tay nghề của người trồng.
“Không chỉ đơn thuần một cây xương rồng được trồng từ nhỏ cho tới lớn mà có sẵn hình dáng, gai gốc đẹp, phải qua bàn tay tạo dáng của người trồng. Đặc biệt, khả năng ghép cây, tạo dáng và tạo hoa quyết định đến giá trị của những cây xương rồng. Có cây chỉ vài chục ngàn đồng nhưng có cây giá trị lên đến vài chục triệu đồng” – ông Phúc lý giải.
Video đang HOT
Hiện khu vườn của ông Phúc là điểm tham quan của nhiều du khách khi đến với làng hoa Sa Đéc. Có nhiều người, khi lần đầu lạc vào “ thế giới xương rồng” của ông đều không muốn rời chân. Bởi, khu vườn của ông lúc nào cũng mới vì chủ nhân luôn tìm tòi những giống xương rồng mới và lai tạo nhiều giống mới để thỏa niềm đam mê và phục vụ khách tham quan.
“Tôi cứ ngỡ Sa Đéc là làng hoa thì chỉ có hoa nhưng không ngờ lại có vườn xương rồng đẹp và phong phú đến kỳ lạ, rất hấp dẫn. Chủ vườn cũng rất nhiệt tình nên có dịp tôi sẽ trở lại để mua thêm nhiều loại cây xương rồng khác bởi ở đây có nhiều giống lạ, cây đẹp” – du khách Huỳnh Minh Chiến (ngụ quận 1, TP.HCM) nhận xét.
Khu vườn của ông Phúc không chỉ thu hút khách tham quan mà những giới chơi xương rồng tìm đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng và lai tạo các giống xương rồng “khó tính” ở vùng đất Sa Đéc.
Khu vườn của ông Phúc đa dạng các loại giống xương rồng
Anh Nguyễn Chí Cường (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc) cho biết: “Anh Phúc không chỉ là người đơn thuần kinh doanh, mà anh là người rất đam mê xương rồng nên tôi đến được anh đón tiếp rất niềm nở, không cần phải mua cây đến xem là anh cũng sẵn lòng chia sẻ hết từ cách trồng, chăm sóc cho tới cách tạo hoa. Tôi đến vườn của anh Phúc rất nhiều lần nhưng mỗi lần đến đều thấy mới lạ, ai mà vào đây là không thể đi liền được”.
Nét đặc biệt ở cây xương rồng khiến nhiều người đam mê là ở chỗ từ cây đầy gai gốc nhưng lại tỏa ra nét đẹp lạ thường, nhất là khi xương rồng ra hoa không chỉ có nhiều màu sắc mà còn có cả hương thơm, hoa có thể thay đổi màu từ lúc nở tới lúc tàn khiến nhiều người thích thú. Ngoài ra, cây xương rồng cũng là cây chịu hạn tốt nên được nhiều người chọn trồng và trưng bày trong văn phòng, bàn làm việc.
Theo ông Phúc, mặc dù xương rồng là cây chịu hạn tốt nhưng cũng cần phải có sự chăm sóc cho phù hợp thì cây mới phát triển và có hình dáng như ý muốn.
“Bên cạnh việc chăm sóc để cây tươi tốt, phát triển thì việc chọn một chậu sao cho hài hòa, cân đối với cây cũng đòi hỏi phải có cái nhìn thẩm mỹ của người trồng. Cũng chính vì lẽ đó mà việc chọn chơi và gắn bó với loài cây gai gốc như xương rồng đòi hỏi phải có sự đam mê mới có thể gắn bó” – ông Phúc bộc bạch.
Theo Dương Út (Báo Đồng Tháp)
Đắt hàng nhờ trồng loài sen thơm, vừa xua muỗi, vừa làm kiểng
Thời gian gần đây, tại làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện loài cây sen thơm hay còn gọi là cây Nhất mạc hương. Loài cây lạ này vừa làm cây chưng trên bàn, vừa có hương thơm có thể xua đuổi muỗi nên được nhiều khách hàng chọn mua.
Trước đây, giống cây sen thơm chỉ trồng được và phát triển ở vùng có khí hậu ôn đới như ở Đà Lạt. Vài tháng trở lại đây, một số nông dân làng hoa Sa Đéc đã thuần dưỡng thành công và trồng được ở khí hậu nhiệt đới.
Nông dân làng hoa Sa Đéc chăm sóc cây sen thơm-1 trong những loài cây kiểng mới, lạ được đưa vào trồng.
Một trong số ít những người đang trồng thành công giống cây sen thơm là nông dân Nguyễn Văn Ân (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc).
"Cây sen thơm được tôi mua giống từ Đà Lạt về và bắt đầu thuần dưỡng, nhân giống khoảng vài tháng trở lại đây. Cây sen thơm được trồng khoảng 3 tháng là có thể bán. Hiện, trong vườn tôi có hơn 1.000 cây sen thơm. Mặc dù chưa đến thời gian bán nhưng thương lái đến đặt mua trước với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cây" - ông Ân cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ân, cây sen thơm hay còn gọi cây Nhất mạc hương có mùi thơm bát ngát và có tác dụng xua đuổi muỗi khi chưng trong nhà
Với đặc tính có hương thơm bát ngát, cây sen thơm vừa có thể chưng trên bàn làm việc, vừa có tác dụng xua đuổi muỗi khi đặt trong nhà nên rất nhiều khách hàng tìm mua. Hiện chỉ có một vài hộ ở làng hoa Sa Đéc trồng thành công, nên cây sen thơm không đủ cung ứng ra thị trường...
Theo Dương Út (Báo Đồng Tháp)
Trồng dừa 2 màu - vừa giàu vừa sang Thú trồng dừa trong chậu ngay giữa lòng thành phố, vừa ăn trái vừa ngắm cảnh đang được nhiều người quan tâm. Nổi tiếng ở quận 12, TP.HCM là anh Nguyễn Chí Cường (ngụ phường Tân Chánh Hiệp) với giống dừa lùn mà màu cam của thân cùng màu xanh, màu vàng của lá làm cả khu vườn ánh lên sắc màu tươi...