Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN
Qua Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, có thể thấy Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, mong muốn đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sunnylands (Ảnh: AFP)
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn sau khi Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Sunnylands, California kết thúc hôm 16/2 sau 2 ngày họp.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ?
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhìn từ nhiều góc độ, không chỉ ở tên gọi của Hội nghị mà còn ở chính bối cảnh, đặc điểm cũng như các nội dung được thảo luận và kết quả của Hội nghị.
Thứ nhất, đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào ngày 31/12/2015. Qua Hội nghị, có thể thấy Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, mong muốn đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực.
Việc các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ cùng ngồi lại và trao đổi về các cơ hội, thách thức ở khu vực cũng như các vấn đề xuyên biên giới như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu… cũng đã thể hiện tầm vóc và vai trò không thể thiếu của ASEAN, với tư cách là một đối tác đáng tin cậy, một tổ chức có vai trò dẫn dắt ở khu vực, một cộng đồng kinh tế có tính cạnh tranh, hấp dẫn với tổng GDP trên 2500 tỉ USD và một thị trường 625 triệu người tiêu dùng.
Thứ hai, Hội nghị này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, và cho thấy Hoa Kỳ ngày càng cam kết mạnh mẽ đối với khu vực và ASEAN. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2011, Hoa Kỳ đã chính thức hóa Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ năm 2013 và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN tháng 11/2015. Hai bên cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 để thúc đẩy các hoạt động hợp tác thời gian tới.
Video đang HOT
Việc chủ động đề xuất họp cấp cao ngay sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành thể hiện Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò then chốt của ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục gắn kết và hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ. Việc tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, bang California, nơi có nhiều doanh nghiệp, trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ và cộng đồng người dân gốc Đông Nam Á sinh sống cũng cho thấy Hoa Kỳ muốn gắn kết hơn với ASEAN thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư, công nghệ cao, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Thứ ba , Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có những bước tiến triển quan trọng sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào tháng 7/2015. Và vào những ngày đầu tháng 2/2016 vừa qua, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cùng với Hoa Kỳ và một số nước trong khu vực, qua đó cho thấy cam kết và mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng, chặt chẽ giữa hai nước trên nhiều mặt, cả ở góc độ song phương và đa phương.
Xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị đã đạt được những kết quả quan trọng nào?
Có thể nói Hội nghị lần này đã thành công và đạt được các mục tiêu đề ra với nhiều kết quả tích cực.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Sunnylands, trong đó nêu 17 nguyên tắc cơ bản định hướng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ, trong đó khẳng định tiếp tục đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Hiến chương ASEAN; ủng hộ xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ; cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, kể cả thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982. Hai bên cũng cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt ở khu vực; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác trong phát triển bền vững và đối phó với các thách thức như khủng bố, biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng đã bàn nhiều nội dung hết sức thực chất, cụ thể để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đi vào hợp tác thực chất, sâu rộng. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với ASEAN thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kinh tế sáng tạo, tăng tính cạnh tranh, giảm hàng rào thuế quan, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng cơ hội giáo dục cho thanh niên ASEAN tại Hoa Kỳ. Bên lề Hội nghị cấp cao, phía Hoa Kỳ còn tổ chức Hội nghị về Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 17/2/2016 ở Thành phố San Francisco, và một số hoạt động quảng bá đầu tư, kinh doanh với sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ như IBM, CISCO, Microsoft.
Hiện nay Hoa Kỳ là một trong các đối tác kinh tế hàng đầu của ASEAN, tính đến cuối năm 2014 tổng kim ngạch thương mại ASEAN – Hoa Kỳ đạt 216 tỉ USD, đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các nước ASEAN đạt 226 tỉ USD, cao hơn tổng số vốn đầu tư vào ASEAN của cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị này?
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp cho thành công chung của Hội nghị, cả trong các phiên thảo luận cũng như quá trình xây dựng Tuyên bố chung Sunnylands. Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu tại cả 3 phiên thảo luận, chia sẻ những đánh giá quan trọng về tình hình chiến lược khu vực.
Về tình hình khu vực, đoàn ta nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và chia sẻ quan điểm của Hội nghị là cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển LHQ năm 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, Đoàn ta cũng chia sẻ quan ngại về sự gia tăng các thách thức phi truyền thống ở khu vực như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu… Để giải quyết các thách thức trên, Đoàn ta nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phát huy vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là vai trò của ASEAN.
Việt Nam ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ ASEAN và Hoa Kỳ đi vào thực chất, chú trọng các lĩnh vực cả hai bên cùng quan tâm và Hoa Kỳ có thế mạnh như thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân… Đoàn ta đã đề xuất 02 sáng kiến của Việt Nam về việc lập các Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ và một số Lãnh đạo các nước ASEAN để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi về những nội dung lớn của Hội nghị.
Các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị được Hoa Kỳ và các nước thành viên đánh giá cao, qua đó góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, đề cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sinh động hình ảnh một nước Việt Nam năng động, tích cực và có trách nhiệm.
PV
Theo Dantri
Obama: Trung Quốc đang dùng luật của kẻ mạnh ở Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc Trung Quốc dùng luật của kẻ mạnh trong tranh chấp ở Biển Đông, nói Washington sẽ "tiếp tục kiểm tra" xem Bắc Kinh có chân thành trong cam kết dừng hoạt động quân sự hóa hay không.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN kết thúc ngày 16/2. Ảnh: Reuters.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang dùng đến cách chân lý thuộc về kẻ mạnh, trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để đưa ra yêu sách và giải quyết tranh chấp", Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Channel News Asia ngày 16/2, bên lề hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tổ chức tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California.
Bình luận trên được đưa ra trước khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh hiện vẫn không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc điều tên lửa ra Biển Đông. Tuy nhiên, Global Times dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận nước này "đã triển khai các vũ khí trên đảo từ lâu". Bộ không nói cụ thể loại vũ khí trên đảo.
Theo Tổng thống Obama, hiện "vẫn còn nguy cơ lớn xảy ra xung đột" giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ông từ chối nhắc đến khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tổng thống Obama tháng 9/2015 có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ông Tập đã đảm bảo rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
"ASEAN đã khẳng định điều này nên được thực hiện. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra sự chân thành trong việc thực hiện các nỗ lực của Trung Quốc", ông nói.
Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2. Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ hối thúc 10 quốc gia thành viên ASEAN ra tuyên bố chung về Biền Đông. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị lại không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, thay vào đó kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Như Tâm
Theo VNE
Thành công ngoài văn bản của hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN Mỹ và ASEAN đã đạt được những đồng thuận mang tính thực tiễn cho vấn đề khó khăn và phức tạp liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Lãnh đạo Mỹ - ASEAN tham dự hội nghị ở Sunnylands. Ảnh: Reuters Sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands kết thúc, nhiều nhà quan sát, phân...