Hoa khôi trại giam và sự báo hiếu sai lầm
Nguyễn Thị Mạnh
Thương mẹ hẩm hiu phận vợ lẽ, M. sớm đi làm nhưng vì muốn trả nợ giúp mẹ mà cô đã biến sự hiếu thảo của mình thành nỗi đau đè nặng trên vai mẹ.
“Cứ ngỡ giúp mẹ trả món nợ 20 triệu đồng ngân hàng, em sẽ làm mẹ vui với những vật dụng cả đời mẹ mơ ước, không ngờ lại làm mẹ đau đớn gấp bội. Càng nghĩ em càng xấu hổ bởi bao hy vọng mẹ dành cho em đều bị em làm cho tan nát”, Nguyễn Thị Mạnh, sinh năm 1987, quê ở Bắc Ninh, “hoa khôi” trại giam Hoàng Tiến, tâm sự.
Mạnh đang thi hành bản án 12 năm tù về tội buôn người. Trái ngược với cái tên rất đàn ông của mình, Mạnh có dáng người dong dỏng cao và một nước da thật trắng trẻo. Không những thế cô còn sở hữu một khuôn mặt ưa nhìn, thanh thoát và một giọng nói nhẹ nhàng.
Mạnh bảo cô không đẹp bằng mẹ nhưng mẹ cô vì si tình, vì mê tiếng hát mượt mà, tình tứ của người đàn ông một vợ 4 con mà chấp nhận làm lẽ để rồi từ khi sinh ra cô, bà lại chấp nhận cuộc sống thiệt thòi cả về vật chất và tình cảm như cam chịu số phận. Cuộc sống chẳng có ngày vui kể cả lúc mang thai tới khi Mạnh chào đời nhưng bà không một lời than vãn, lặng lẽ sống trong tủi hờn để nuôi con khôn lớn. Mạnh bảo cô có bố nhưng chẳng bao giờ thấy ông tỏ ra yêu thương cô mà trong ký ức chỉ là những mắng nhiếc, roi vọt.
Năm Mạnh 18 tuổi, cô tình cờ bắt gặp cảnh bố đánh mẹ và biết được một bí mật rằng vì nuôi cô, mẹ đã phải vay mượn tiền. Số tiền không lớn nhưng cũng khiến người chồng vô trách nhiệm nổi giận, đánh vợ, đòi đuổi ra khỏi căn nhà ngang bé tẹo, nơi mà Mạnh đã sinh ra. Thương mẹ, Mạnh quên cả sợ hãi, chạy vào xin chịu đòn thay mẹ, xin cha bớt giận và hứa sẽ đi kiếm tiền về giúp mẹ trả nợ. “Bữa đó cả hai mẹ con được một trận đòn đau khiến em rất hận cha và quyết tâm bằng mọi giá kiếm tiền về trả nợ hộ mẹ”, Mạnh kể.
Bỏ nhà lên Hà Nội tìm việc, cuối cùng Mạnh dạt ra vùng biên giới Quảng Ninh, kiếm tiền bằng việc bán hàng thuê. Chắt bóp chi tiêu, tháng nào Mạnh cũng có tiền gửi về cho mẹ nhưng món nợ ngân hàng luôn thôi thúc, thường trực trong đầu cô gái trẻ. Được một phụ nữ rủ rê làm giàu, Mạnh lao theo, chỉ đến khi bị bắt, cô mới ngỡ ngàng khi nhận ra bấy lâu người phụ nữ kia là một kẻ buôn người mà không biết. Với “chiến tích” lừa bán 7 cô gái, Mạnh bị kết án 12 năm tù. Nhìn mẹ héo hắt, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cô xót xa nhận ra rằng những đồng tiền tội lỗi mà cô kiếm được, mang về biếu mẹ, mua đồ dùng cho mẹ giờ đây chỉ khiến bà thêm đau đớn. Cô khóc vì ân hận, thương mẹ là nhiều chứ không hề cảm thấy sợ hãi khi biết sẽ phí hoài thời gian xuân sắc của mình trong tù.
“Em cải tạo đã được ba năm rồi nhưng chỉ có mẹ, tháng nào cũng một mình lặn lội lên thăm em”, Mạnh tâm sự. Người cha vốn đã ghẻ lạnh mẹ, con người vợ lẽ, giờ càng cay nghiệt hơn với mẹ Mạnh vì cho rằng cô con gái đã làm ô uế danh giá của gia đình, dòng họ. Mẹ không kể, không than trách nhưng nhìn mắt mẹ, nhìn thân thể ngày càng héo hon của mẹ, Mạnh biết trong lòng mẹ đang đau đớn lắm. Nỗi nhục nhã ê chề vì con gái đưa lại, thêm nỗi đau bị chồng, vợ cả chì chiết càng khiến bà già nhanh và tiều tụy nhưng lại một lần nữa vì con, vì núm ruột duy nhất để đời của mình mà bà gắng gượng sống để chờ ngày Mạnh trở về. Cô kể lần nào mẹ lên thăm nuôi, hai mẹ con đều ôm nhau khóc. Mẹ không nói nhiều, kể nhiều về chuyện ở nhà, chỉ hỏi cô có ăn ngủ được không, làm việc thế nào còn Mạnh chỉ biết thút thít khóc. Ân hận lắm nhưng cô bất lực vì chẳng giúp được gì cho mẹ lúc này, chỉ có nước mắt thay cho lời nói.
Video đang HOT
“Trại giam là nơi giúp con người ta chiêm nghiệm và sám hối nhưng cũng giúp cho những kẻ nông nổi như em trưởng thành lên rất nhiều”, Mạnh chia sẻ. Được ăn ở, tiếp xúc với những kẻ cùng cảnh ngộ, Mạnh nhận được nhiều lời khuyên bảo của những chị lớn tuổi nên tính khí cũng mềm hơn. Cô không chỉ biết chấp nhận số phận mà còn ngộ ra rất nhiều điều. Mạnh bảo cô không còn hận bố, không còn thấy ghen tỵ với những người con của bà cả mà chỉ thấy một quyết tâm hướng thiện. Không còn con đường nào nhanh nhất để trở về với mẹ bằng việc tích cực cải tạo lao động, chấp hành tốt nội quy, Mạnh tâm sự thế. Cô mong lắm dù chỉ một ngày được giảm án và đang nỗ lực lao động để sớm được trở về nhà. Mạnh bảo cô có nhiều dự định lắm, có thể sẽ đi làm thuê hoặc vay vốn mở quán bán hàng ăn hoặc học nghề cắt tóc để kiếm sống,…nghĩa là bất cứ việc gì ra tiền trừ phạm pháp. Mạnh bảo mẹ cô đau khổ như thế là quá đủ rồi và cô chính là người có trách nhiệm lau nước mắt cho mẹ.
“Em phải cố gắng để sớm trở về bên mẹ. Mẹ em yếu rồi, bà không còn sức để chờ lâu nữa và em sẽ chẳng còn cơ hội nếu lần nữa phạm sai lầm”, Mạnh quả quyết. Nhìn đôi mắt to tròn, nâu của cô, tôi hiểu cô đã quyết tâm lắm và để có được quyết tâm ấy hẳn cô đã nhiều đêm trằn trọc vì suy nghĩ. Mong sao Mạnh sớm đạt được mục tiêu của mình, trở về bên mẹ và thực hiện đúng như những gì đã hứa để người đàn bà một đời đau khổ như mẹ cô, mỉm cười hạnh phúc dù chỉ một lần.
Theo VNE
Tử tù giết người cướp của mơ làm... Lục Vân Tiên
Em ước mình cũng sẽ trở thành một Lục Vân Tiên thực sự, nếu không cứu nhân, độ thế nơi cuộc đời rộng lớn ngoài kia thì cũng là một Lục Vân Tiên có thể lo lắng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
LTS: Với một cái án lơ lửng trên đầu, một cái chết cận kề trước mắt, phàm là con người, ai chẳng sợ hãi. Nỗi sợ hãi có dăm bảy đường biểu hiện, nhưng đối với tử tù, dường như họ đều chung một cách thể hiện: chống đối, phá phách, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Có lẽ "mặc định" suy nghĩ ấy trong đầu từ rất lâu, nên khi được các cán bộ quản giáo kể về trường hợp tử tù Lại Đức Thập (trại tạm giam Đắk Lắk, tôi đã rất ngạc nhiên, trong căn phòng nhỏ gắn chiếc cửa sổ cao chót vót trên tường chỉ đủ len lỏi nhẹ những tia nắng mồ côi đi lạc, Lại Đức Thập thú nhận, cậu ta đang run bắn người, bởi hơn 2 năm qua chưa gặp bất kỳ người phụ nữ nào lạ mặt. Ít giao tiếp, trò chuyện khiến cho Thập trở nên lúng túng - cái lúng túng rất thành thực của một tử tù mới vừa tròn 22. Đúng như lời cán bộ quản giáo nói, Lại Đức Thập rất ngoan, chấp hành tốt nội quy, luôn vui vẻ, hòa nhã với các tử tù khác - dù không biết mặt, ở buồng giam bên cạnh. Và bản thân tôi, trước đó đã đọc hồ sơ vụ trọng án Thập gây ra hơn 2 năm trước, song khi thực tế gặp mặt, vẫn không giấu nổi nỗi ngạc nhiên, sửng sốt và đầy nuối tiếc.
Nước mắt tử tù
Khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, khi chủ tọa hỏi em muốn nói điều cuối cùng gì không, em đã quay xuống phía sau lưng, thành tâm cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại. Em biết rằng xin họ tha thứ cho mình thật khó chấp nhận. Em đã tước đi quyền sống của mẹ họ, vợ họ bằng 28 nhát dao oan nghiệt, nên trong thâm tâm, em chỉ cầu mong gia đình bị hại bớt đau lòng, còn mong họ tha thứ cho mình là điều em không dám mơ tới.
Từ ngày tới thành phố Buôn Ma Thuột, đi làm về khuya, trong người em lúc nào cũng có một con dao Thái Lan với mục đích phòng thân. Sau hai lần bị "xin đểu" và đạp vào bụng vì không có tiền cống nạp, em mới mua dao. Đó là hôm 19/1/2010, trên đường từ chỗ làm tới nhà anh họ để vay 300 nghìn về quê ăn Tết, anh họ hẹn em qua lấy. Trên đường đi, lúc ngang qua nhà bà Nhạn, thấy bà ấy mới đi đâu về, dựng xe máy sát cổng không khóa, em đứng đó nhìn vào nhà rất lâu, ý nghĩ trộm xe bỗng dưng lóe lên.
Em đứng tần ngần khá lâu, chừng 20 phút sau, em quyết đi vào nhà dắt trộm xe. Bị bà Nhạn phát hiện và la toáng lên, hoảng hồn em rút dao đâm 2 nhát vào bụng bà ấy. Trong lúc giằng co, trong đầu em hoàn toàn mất kiểm soát, chỉ nghĩ làm thế nào để thoát thân khỏi hiện trường nên em cứ đâm liên tiếp vào người bà Nhạn cho tới khi không thấy bà ấy phản ứng gì nữa... Và hiện tại, em đang ở đây, trong 4 bức tường giam lạnh lẽo với đôi chân bị gông cùm để trả giá cho sai lầm, tội ác mình gây ra.
Em vẫn nhớ như in ánh mắt giận dữ, căm hờn của người nhà bị hại trong phiên tòa xét xử. Cũng đúng thôi, bởi em đã lấy đi mạng sống người thân, ruột thịt, máu mủ của họ. Bị đứt tay chảy máu còn thấy đau, nữa là vĩnh viễn cắt bỏ tình yêu thương, sự gắn bó của gia đình họ bằng 28 nhát dao sắc lạnh.
Em chấp hành tốt nội quy vì nghĩ thương ba má
Lần đầu tiên lên thăm em, má không nói được câu gì, ngoài nước mắt chảy dài. Ba em bảo sẽ không bao giờ bỏ rơi em. Chừng nào em còn sống, ba má sẽ ở bên cạnh em, sẽ tới thăm nom và động viên em "cho dù chỉ còn một ngày sống trên đời, con cũng phải sống cho tử tế, đàng hoàng". Má bị say xe ô tô, nên cứ khoảng 2 - 3 tháng, ba chở má bằng chiếc Honda tàu cà tàng từ Khánh Hòa vào Đắk Lắk thăm em. Đó là chiếc xe cũ ba má được người ta bán lại với giá rẻ 2 triệu đồng và bảo khi nào có đủ tiền thì trả. Mấy lần ba má lên thăm, em quên chưa hỏi bá má đã trả xong chiếc xe tàu ấy chưa.
Người đời có câu "nước mắt chảy xuôi", em không hiểu cho tới khi bước chân vào chốn tù tội, cận kề cái chết mới hiểu và thấm thìa. Lần nào lên thăm, má cũng tự tay làm bánh tét vì biết đó là món bánh em thích ăn nhất. Có lần nhìn em ăn, má ngồi khóc hoài còn ba len lén lau vội giọt nước mắt bằng chiếc vạt áo sờn bạc, cũ kĩ. Chỉ vì em mà ba vốn đã khổ lại càng thêm bất hạnh.
Tử tù Lại Đức Thập
Có lần anh chị em lên thăm, kể lại chỉ sau một đêm nhận hung tin em chính là kẻ giết người vụ án đình đám giữa trung tâm thành phố, ba và má già đi trông thấy. Cả đêm ấy, ba ngồi lặng người trên chiếc chõng tre đặt ở sân và im lặng như pho tượng, còn trong nhà, má ngất lên ngất xuống trong nước mắt. Sự lặng yên hoá đá ấy giống như bao lần ba ngồi trước hiên nhà, lẩm nhẩm tính toán bán con gà, con vịt lấy tiền đóng 125 ngàn học phí cho em, nhưng lần này cõi lòng ông đã tan nát thành trăm ngàn mảnh. Sau đêm ấy, anh chị em trong nhà ai cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy mái tóc của ba má em bạc đi quá nhiều.
Ba má vốn là những người nhà quê, cả đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm miếng cơm manh áo. Ở tuổi ngoài 50 nhưng cả ba và má đều trông già cả, gầy gò, tiều tuy. Một phần làm nên sự lam lũ, vất vả cho ba má chính là em.
Hồi đi học, em không biết chơi điện tử, không biết chát chít là gì, chỉ có thi thoảng trốn học ngồi la cà cà phê cùng tụi bạn. Em sinh ra là con nhà nghèo, nghe chúng bạn kể về những thú chơi xa xỉ, mặc những bộ trang phục là lượt, sành điệu, em tủi thân lắm. Nhiều lúc em tự hỏi, tại sao mình sinh ra trong một gia đình nghèo đến thế, tại sao các bạn có quần áo diện còn mình thì không? Thêm nữa, từ nhỏ, má chỉ cho em chơi cùng những người bạn ngoan ngoãn trong xóm mà má biết rõ ràng tính tình, gia đình của họ. Chỉ cần thấy em la cà cùng bạn bè xấu, má kiên quyết không cho giao tiếp, thành thử bạn bè của em hầu hết là anh chị họ hàng trong nhà. Nhiều khi, em thấy mình bị kiềm tỏa, bị bó buộc trong muôn vàn quy tắc của má.
Tại sao bạn bè em được thoải chọn bạn, được đi chơi về muộn lúc nửa đêm, còn em không có những quyền đó? Suy nghĩ bốc đồng của trẻ con hồi đó đẩy em đi tới quyết định bỏ học, trốn nhà lên thành phố kiếm việc khi vừa tròn 17 tuổi, xa rời vòng tay bao bọc kỹ lưỡng của má. Hai ngày sau, lúc công việc ổn thỏa, được làm nhân viên phục vụ bàn ở nhà hàng T.Đ ở thành phố Buôn Ma Thuột, em mới dám gọi điện về báo tin cho má. Má khóc nhiều, cầu xin em trở về với má. Má sẽ xin cho em đi học lại, nhưng em xin má yên tâm, em hứa sẽ làm ăn chỉn chu, không làm ba má phiền lòng.
Tháng lương đầu tiên em được trả 700 ngàn. Với một cậu bé từ nhỏ chỉ quen nhìn những đống tiền lẻ, ôm chiếc bụng đói, rỗng tuếch đến trường, họa hoằn lắm mơi có nắm xôi nhỏ lót dạ; quen nhìn cảnh ba má mở ra đếm vào những đồng tiền nhàu nát, cũ kĩ, vân vê chúng cho phẳng phiu rồi lại cất cẩn thận vào chiếc túi vải tự may bằng mảnh vải vụn xin được... thì số tiền 700 ngàn kia là cả một gia tài vĩ đại. Ngay khi cầm được số tiền lương tháng đầu tiên do tự tay làm ra, em gửi về cho ba má 600 ngàn, còn giữ lại 100 ngàn chi tiêu tháng kế tiếp, trong giấc mơ, em hình dung ba má mỉm cười hạnh phúc về đứa con trai ngoan biết kiếm tiền, phụ giúp gia đình.
Năm 2008, sau nhiều lần van vỉ em trở về má xin cho em đi học trở lại. Khi ông hiệu trưởng lắc đầu từ chối hồ sơ của em vì thời gian em nghỉ học quá lâu, má mới thôi hi vọng về cậu con trai học hành tới nơi tới chốn. Quay trở lại thành phố Buồn Ma Thuột, ao ước học được nghề làm tóc thôi thúc em mạnh dạn tới tìm hiểu thông tin ở một hiệu cắt tóc có tiếng ở thành phố cao nguyên, nhưng khi họ đưa ra mức giá 15 triệu một khóa học kéo dài 1,5 năm tới 2 năm, em cảm nhận rõ sự nuối tiếc, bần thần và mặc cảm của con nhà nghèo khi giấc mơ ngoài tầm với.
Giấc mơ Lục Vân Tiên tan thành mây khói
Hồi còn đi học, em thích mê tập thơ Lục Vân Tiên của thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu. Không biết bao đêm, em bay bổng cùng giấc mơ trở thành Lục Vân Tiên hiệp nghĩa giúp đời. Em ước mình cũng sẽ trở thành một Lục Vân Tiên thực sự, nếu không cứu nhân, độ thế nơi cuộc đời rộng lớn ngoài kia thì cũng là một Lục Vân Tiên có thể lo lắng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
Vào mỗi mùa mưa kéo đến, ngôi nhà tranh vách đất lại oằn mình nghiêng ngả. Cả ngôi nhà liêu xiêu nghiêng hẳn về phía sau nếu không có mấy cây gỗ chống tạm chắc đã đổ sụp lúc nào chẳng hay. Em vẫn bảo ba má, sau này con sẽ xây tặng ba má một ngôi nhà thật đẹp, thật khang trang, cả nhà mình không phải sống dưới ngôi nhà cũ nát này nữa. Nhưng, có lẽ, mong ước đó vĩnh viễn không thể trở thành hiện thực.
Vào trong này, thi thoảng đọc báo, theo dõi tình hình giá nông sản, thấy giá lúa thấp mà xót thương ba má. Nông dân như ba má cực lắm, làm quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn. Chắt chiu bán lúa được vài đồng lại "trăm dâu đổ đầu tằm", đủ thứ tiền phân bón, giống lúa, công cán ùa vào, lại thêm nỗi vất vả nuôi đứa con trai tù tội. Khổ càng chồng chất khổ. Trong tột cùng của bi kịch do bản thân chuốc lấy, em vẫn có ba má ở bên cạnh với tình yêu thương đặc biệt cùng lời hứa: "Ba má không bao giờ bỏ rời con đâu" giúp em ấm lòng trong 4 bức tường giam lạnh lẽo. Chỉ mong, một phép màu kì diệu tới... để em có cơ hội báo hiếu với ba má.
Kết
Tạm biệt tôi, tử tù Lại Đức Thập nở nụ cười. Trong thoáng chốc ấy, tôi quên mất cậu ta từng gây nên án mạng nghiêm trọng thuở nào. Nụ cười tươi đến hồn nhiên của Thập làm tim tôi se lại. Tiếc cho một tuổi trẻ, một chàng trai 22 đáng lẽ phải tràn trề sức sống, hăm hở vào đời...
Theo ANTD
Cú sốc từ những đứa con "tội lỗi" Thắng xin một cơ hội để báo hiếu mẹ nhưng bị tòa khước từ. Họ những tưởng sẽ dựa vào con, những đứa con ngoan. Ai dè, ở cái tuổi "gần đất, xa trời" các bà mẹ mới hay, chúng là đứa con "tội lỗi". "Nó có phải là đứa con tôi dứt ruột đẻ ra?" Kể về chuỗi ngày nhọc nhằn, bà...