Hòa khí thông gia
Gia đình tôi và gia đình thông gia là hai gia đình có hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau.
Hồi đầu chúng tôi cũng hy vọng có một thông gia môn đăng hộ đối nhưng bởi con gái đã có sự lựa chọn của riêng mình. Nghĩ đến cuộc sống sau này của con, chúng tôi tôn trọng và quyết định sẽ không can thiệp. Nhà thông gia hồi đầu cũng không mấy đồng ý thế nên sự thay đổi sau này của họ nằm ngoài suy nghĩ của tôi.
Ông thông gia là công nhân, ông là thợ cả, tính tình chất phác, nhưng cũng khá nóng nảy. Bà thông gia là người ăn nói khéo léo, là dân buôn bán ở chợ. Còn vợ chồng tôi đều là dân trí thức, làm nghề dạy học, bất luận việc gì đều tỏ ra khá nghiêm túc. Nếu đem ra so sánh thì hai gia đình chúng tôi khác xa nhau về công việc, nhận thức tư tưởng, cách giáo dục con cái, môi trường và thói quen sinh hoạt. Chúng tôi cũng ít khi tìm được “tiếng nói chung” nên ngồi với nhau thường không có nhiều chuyện để nói. Để tạo dựng không khí hài hòa, giảm tối đa mọi xung đột, sau khi con gái lấy chồng, hai gia đình chúng tôi không qua lại nhiều lắm.
Ảnh minh họa
Tục ngữ có câu: “Lưỡi và răng cũng có lúc đánh nhau”, mặc dù con gái và con rể lấy nhau xuất phát từ tự do yêu đương nhưng cũng có những lúc không vừa lòng. Khi tâm trạng không vui con gái lại về cằn nhằn với mẹ, tôi chỉ nói với con một câu: “Kết hôn và ly hôn đều là việc hệ trọng, chuyện của con con phải tự giải quyết. Nhưng khi con cần mẹ, mẹ sẽ không bỏ con”. Khi bà thông gia đến gặp tôi, tôi có nói với bà ấy: “Chỉ cần bề trên chúng ta không tham gia, không đánh giá đúng sai giữa vợ chồng chúng, tôi tin chúng sẽ tự giải quyết được”. Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán, chỉ ngày hôm sau vợ chồng chúng đã làm hòa. Biết cãi nhau không có ai đằng sau hỗ trợ nên kể từ lần đó con gái, con rể ít cãi nhau hẳn.
Ông thông gia nghỉ hưu không được bao lâu thì đổ bệnh. Khi tôi đến thăm, có lẽ biết bệnh tình của mình nên trông ông có vẻ lo lắng và tỏ ra tiếc nuối cuộc sống này lắm. Thấy ông rất khó khăn khi cầm quyển sách để đọc, tôi liền về cắt những mẩu chuyện trên báo đóng thành tập rồi bảo con gái đưa cho ông. Ông rất vui. Xem ra sự quan tâm lẫn nhau giữa hai nhà thông gia cũng đã giúp ông dễ chịu phần nào.
Video đang HOT
Ông thông gia mất đúng vào ngày quốc khánh năm ngoái, bà thông gia đã khóc suốt ngày đêm. Chồng tôi cũng đã mất vì bệnh cách đây 8 năm nên tôi hiểu cảm giác đau buồn khi mất đi người thân của mình. Tôi nói với con gái: “Bà thông gia đã mất đi người bạn đời của mình, sau này mọi việc chỉ biết dựa vào con trai, cháu nội là cuộc sống của bà ấy, con hãy coi bà ấy như mẹ, đối xử tốt với bà ấy thì chắc chắn bà ấy sẽ lo liệu việc nhà cho con để con yên tâm công tác”. Quả đúng vậy, con gái tôi bảo giờ mẹ chồng nó dồn toàn bộ tâm trí vào đứa cháu trai, mọi việc đưa cháu đi học, đón cháu về, cơm nước, cho cháu ngủ đều do một tay bà lo liệu.
Sự qua lại giữa tôi và bà thông gia vì thế mà thường xuyên hơn. Tết nguyên tiêu, con gái tôi muốn tôi đưa mẹ chồng nó đi chơi. Trên đường đi, bà thông gia không ngớt lời giới thiệu tôi với người quen: “Đây là bà thông gia nhà tôi” khiến mọi người vô cùng ngưỡng mộ: “Hai bà thông gia đi chơi cùng nhau cơ à”…Giờ đây chúng tôi qua lại với nhau như chị em trong nhà. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của bà mà con gái tôi làm việc cũng tích cực hơn, lãnh đạo rất hài lòng.
Vậy là con gái tôi đã lấy chồng được gần 9 năm. Để giữ được mối quan hệ hòa hảo giữa hai bên thông gia một phần không nhỏ là nhờ vào câu nói trước khi mất của chồng tôi: “Những gia đình có con dâu và mẹ chồng chung sống tốt được với nhau không phải là nhiều. Thực ra cho dù hai nhà chúng ta có khác biệt thế nào đi nữa thì tình yêu chúng ta dành cho con cái đều giống nhau. Vì con cái, hai nhà thông gia chúng ta phải luôn giữ hòa khí, giúp đỡ lẫn nhau, hộ trợ lẫn nhau, hãy để một gia đình hòa thuận cấu thành một xã hội hài hòa, để xã hội hài hòa cấu thành một đại gia đình hòa thuận”.
Theo GĐVN
Lục đục vợ chồng vì mối quan hệ của 2 bà thông gia
"Thông gia 2 nhà như một" là khi lập gia đình ai cũng đã từng nghe qua. Nhưng trên thực tế không ít gia đình vợ chồng lục đục vì mối quan hệ của thông gia.
Đừng nghĩ rằng đó là mối quan hệ tự nhiên không cần đến quá trình bồi dưỡng tình cảm. Thực tế, bất kỳ mối quan hệ không cùng chung huyết thống nào cũng cần được "đánh bóng" bởi các kỹ năng, quan hệ thông gia cũng không nằm ngoài số đó. Một bên là mẹ chồng, một bên là mẹ đẻ, người phụ nữ nếu biết cách điều tiết tốt mối quan hệ song phương này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hôn nhân.
Hạ Phương và chồng vốn sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Thời gian này, giữa mẹ đẻ và mẹ chồng có xảy ra chút va chạm nhỏ nhưng không quá nghiêm trọng. Phương vì muốn hai bà hòa hợp với nhau hơn nên thường xuyên kéo hai bà cùng đi mua sắm, cùng tham gia các bữa tiệc nhỏ... Điều khiến cô không ngờ đến là, sự bất đồng quan điểm giữa hai bà đã khiến cô nhiều lúc "tiến thoái lưỡng nan". Ví dụ, mỗi lần đi mua sắm cùng nhau về, mẹ chồng cô lại nói mẹ cô thế nọ thế kia và bảo lần sau không đi cùng bà nữa.
Bà chê mẹ cô là không có con mắt thẩm mỹ: "Già rồi mà còn thắt cái khăn quàng đỏ chót, nghênh ngang đi ngoài đường không sợ người ta cười. Mẹ không thích đi cùng bà ấy...". Còn mẹ Hạ Phương thì than thở: "Mẹ chồng con thật xa xỉ, cho dù tiền này là các con hiếu kính với bà ấy nhưng bà ấy không hề nghĩ cho khó khăn hiện tại của hai đứa. Hiện tại các con còn phải trả tiền nhà, lại sắp sinh con, là bề trên, bà ấy không nghĩ được cho hai đứa thì thôi lại còn đem tiền các con biếu ra để mà phung phí, mua cái áo len cả hơn triệu bạc, đến thanh niên cũng chẳng theo kịp...". Nghe những lời này, Hạ Phương cảm thấy vô cùng khó xử.
Vì hai mẹ mà vợ chồng tôi cũng xảy ra xung đột - Ảnh minh họa
Thời gian tới vợ chồng cô sắp sinh em bé, bởi vậy cô quyết định ít để hai bà "đụng mặt" nhau hơn. Phải lo cho gia đình nhỏ của mình trước đã.
Sau khi sinh con, Hạ Phương bận ngập đầu nên đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai bà mẹ. Không ngờ, mâu thuẫn giữa hai bà ngày càng sâu đậm hơn. Mẹ chồng cô có phần hơi chuyên chế: "Quần áo, cũi, xe đẩy của cu Bi đều do nhà ta mua cả, mẹ con có tư cách gì mà chỉ tay chỉ chân can thiệp? Bà ấy thì hiểu cái gì?". Còn mẹ Hạ Phương thì luôn đổ lỗi: "Con không nghe đài báo sao? Vừa mới đó là sữa bột Tam Lộc, gần đây lại là sản phẩm sơ sinh, tất cả đều có hại cho trẻ nhỏ, sao cứ ham hố mấy trò giảm giá hay tặng quà này nọ là lại mua về cả đống thế"... Càng về sau các cuộc cãi vã, đụng độ càng quyết liệt. Nhà nào cũng muốn nhận mình bỏ nhiều công hơn, vất vả nhiều hơn... "Khẩu chiến" sắp biến họ trở thành kẻ thù của nhau.
Hạ Phương càng ngày càng thấy khó xử, nói với chồng thì chồng chỉ bảo: "Đó là mẹ anh, em bảo anh phải nói thế nào với mẹ? Hơn nữa, mẹ cũng chỉ nghĩ tốt cho con chúng ta mà thôi...". "Vậy mẹ em thì không nghĩ tốt cho cháu chắc? Mẹ anh yêu cháu còn mẹ em thì muốn hại cháu à?". Vậy là cuộc "hỏa chiến" giữa hai bậc bề trên bỗng nhiên cháy lan sang cả vợ cô, cứ hễ mở miệng là lại "mẹ anh", "mẹ tôi". Cứ như vậy, cuộc hôn nhân của cô cũng đang dần đối mặt với bờ vực thẳm. Chỉ vì con còn nhỏ nên cô chưa thể quyết định ngay được. Cuộc sống giờ đây giống như một mớ bòng bong.
Có lẽ sai lầm lớn nhất của Hạ Phương là đã tích cực nới gần khoảng cách phụ huynh hai bên quá sớm khi mới chân ướt chân ráo bước vào nhà chồng. Hạ Phương nghĩ rằng sự kết hợp giữa vợ chồng cô sẽ khiến thông gia hai bên trở thành người một nhà, nhưng thực tế đây lại là một quan niệm sai lầm. Không thể đem so sánh quan hệ thông gia với quan hệ vợ chồng được. Vợ chồng mặc dù không cùng huyết tộc nhưng có tình cảm, có sự tương thân xác thịt. Với nền tảng đó, tính cách dù không hợp thì dần dần cũng có thể dung hợp.
Còn quan hệ thông gia lại là mối quan hệ mang tính lý luận, thêm vào đó, tuổi tác nhiều đôi khi lại cố chấp...chỉ vì những thói quen sống khác nhau mà dần nảy sinh hiểu lầm, nghiêm trọng hơn có thể còn không thèm nhìn mặt nhau. Khi đó, người đứng giữa khó xử nhất lại là những cặp vợ chồng trẻ.
Cách giữ hòa khí thông gia gia đình nào cũng nên tham khảo
- Cách tốt nhất, khi con trẻ chuẩn bị lấy nhau hai bên thông gia hãy gặp nhau, sau này nếu không có việc gì quan trọng thì cũng nên ít gặp nhau, duy trì khoảng cách một cách hợp lý.
- Hơn nữa, việc duy trì khoảng cách này sẽ có lợi cho cuộc sống của vợ chồng trẻ. Bởi không có những mâu thuẫn nảy sinh từ sự hiểu biết, thân thuộc của "khoảng cách gần" đó thì việc nhìn nhận vấn đề giữa thông gia với nhau sẽ khách quan hơn nhiều. Vợ chồng nếu có mâu thuẫn, có thể mẹ chồng sẽ lắng nghe ý kiến của bạn rồi khuyên nhủ con trai mình. Còn mẹ bạn sau khi nghe bạn than thở sẽ phân tích khách quan, đưa ra cho bạn những lời khuyên hợp lý giúp bạn bình tĩnh đối mặt với cuộc hôn nhân của mình. Còn nếu đã quá hiểu nhau, quá biết nhau rồi thì việc lại không như vậy.
Giữa hai người phụ nữ tồn tại mâu thuẫn và cách nhìn khác nhau, khi đối diện với những vấn đề của vợ chồng bạn, một trong những ý nghĩ đầu tiên đó là: nó giống hệt mẹ nó, cũng chả trách, di truyền rồi, mẹ nào con đấy mà... Còn mẹ bạn sẽ cảm thấy bất mãn thay cho bạn, quay sang trách móc con rể, khi về nhà, nhìn thấy mẹ chồng và chồng bạn sẽ thấy không vừa mắt. Còn mẹ chồng bạn lại nói nọ nói kia không hay về bạn và mẹ bạn trước mặt con trai họ...
Bởi vậy, tốt nhất bạn nên cố gắng giữ khoảng cách nhất định trong mối quan hệ vô cùng nhạy cảm này. Có như vậy thì khoảng cách giữa hai bên thông gia không những tốt đẹp mà còn trở nên hài hòa hơn, dung hợp hơn.
Theo GĐVN
Khinh thông gia nghèo, ăn hỏi bố mẹ chồng chỉ bỏ 500k vào tráp lễ. Nhưng khi bước vào, nhìn thấy bàn thờ nhà họ thì CHẾT ĐIẾNG Sơn, con trai của ông Tuấn và bà Lan đang là trưởng phòng kinh doanh một công ty lớn, lương tháng trên 30 triệu. Nhà ông bà thì ở thành phố, nhà mặt đường 3 tầng to tướng. Với điều kiện như thế, ông bà luôn muốn tìm cho con trai mình một cô vợ sao cho môn đăng hộ đối một tí....