Hoa hồng trên đồi núi Tây Giang
Giờ đây, Nguyễn Xuân Minh là chủ một trang trại hoa hồng rộng 1,3ha với hàng ngàn gốc kiêm giám đốc hợp tác xã trồng, chế biến sản phẩm từ hoa hồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam.
Anh Minh bên hệ thống chưng cất, chiết xuất tinh dầu hoa hồng – Ảnh: ĐỨC TÀI
Với Minh, hoa hồng sẽ giúp mình khởi nghiệp nơi đại ngàn khô cằn sỏi đá.
Huyện đang tiếp tục tính toán hỗ trợ các cơ chế đối với trang trại hoa hồng của anh Minh nhằm duy trì, nhân rộng, liên kết phát triển du lịch, tạo nét mới cho vùng đồi núi Tây Giang.
Ông LÊ HOÀNG LINH (phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang)
Bén duyên với hoa hồng
Minh là một cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Bén duyên với hoa hồng, anh kể đơn giản cách đây mười năm, trong một lần tham quan ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), anh bị cuốn hút vào màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt của vườn hồng truyền thống (còn gọi là hoa hồng cổ, là loại hồng không bị ghép hay lai tạo, có tuổi thọ 20-30 năm) trong chùa.
Lúc này anh xin một nhánh nhỏ đưa về trồng thử tại trụ sở Hạt kiểm lâm thì thấy cây phát triển tốt và nở hoa đều đặn, lại có mùi hương rất đặc biệt. Anh nhận ra với điều kiện thời tiết nắng và khô ở quê mình phù hợp để trồng loại hoa này.
Sau nhiều năm, anh nghĩ đến ý tưởng đầu tư mở trang trại trồng hoa hồng truyền thống. Nghĩ là làm, được bạn bè, anh em hùn vốn, anh bắt tay ngay mở trang trại.
Video đang HOT
Vườn hoa hồng của anh Minh như điểm sáng trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân Cơ Tu, nơi đây đã tạo việc làm ổn định cho 7 lao động trên địa bàn – Ảnh: ĐỨC TÀI
Đầu năm 2019, anh Minh thuê 1,3ha đất đồi núi, anh bắt tay cải tạo nguồn đất trồng, đặt mua 100 gốc hồng truyền thống với giá 6 triệu đồng từ Hưng Yên để trồng. Tuy nhiên sau hai tháng thì vườn hồng ra hoa nhưng không có mùi thơm mới vỡ lẽ đã mua nhầm phải loại hoa hồng ngoại nên không thơm và mau ra hoa, tuổi thọ chỉ 2-3 năm.
“Sau khi biết mua nhầm tôi phải lặn lội ra tỉnh Vĩnh Phúc, đến tận vườn để tìm mua loại cành đã chiết ra rễ, tổng cộng đã mua 8.000 cây” – anh Minh kể.
Thời gian sau đó, trang trại của anh có 3.000 cây giống bị chết do bị bệnh nấm phấn trắng. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh đã tìm được cách để trị bệnh nên giảm thiểu được số lượng cây chết.
Vườn hoa hồng của anh không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu để diệt trừ sâu bệnh, anh áp dụng cách nhử đàn chim bắt sâu, đào mương thả ếch để nuôi, nhờ chúng bắt sâu bọ.
Mở hướng cho vườn hồng
Sau hơn một năm, hiện tại anh Minh đã tạo một trang trại có khoảng 5.000 gốc với nhiều loại giống hồng cổ khác nhau đều cho ra hoa rực rỡ sắc màu và mùi thơm ngào ngạt. Nguyện vọng của anh là tạo ra các sản phẩm đặc trưng, thu hoa chế biến thành trà, chiết xuất tinh dầu hoa hồng.
“Sau nhiều nỗ lực, mình đã sản xuất ra hai sản phẩm đặc trưng chính là trà hoa hồng và tinh dầu hoa hồng để bán ra thị trường. Mỗi chai tinh dầu được bán với giá 230.000 đồng, bước đầu vườn hồng đã cho thành quả sau một thời gian cần mẫn” – anh Minh tâm sự.
Trung bình mỗi ngày anh thu hoạch được từ 10-20kg hoa tươi, hoa sau khi hái sẽ được bỏ phần cuống, đưa đi sát khuẩn và cho vào phòng chưng cất chế biến tinh dầu. Theo anh, hoa được thu hoạch từ lúc 6 giờ sáng khi còn hơi sương, đó chính là lúc hoa hồng tỏa hương thơm nhất, sản phẩm từ hoa hồng mới đạt chất lượng.
Nguyễn Xuân Minh (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) là chủ một trang trại hoa hồng rộng 1,3 hecta – Ảnh: ĐỨC TÀI
Vào cuối tháng 12-2019, anh cùng 10 người ở địa phương thành lập hợp tác xã để trồng, chế biến, đi theo hướng du lịch sinh thái. Khu du lịch của anh mở cửa cách đây hai tháng, mỗi ngày đón 100-200 khách đến tham quan.
Anh đầu tư xây thêm một khu nhà với đầy đủ tiện nghi cho khách trải nghiệm homestay. “Mới chỉ đầu tư trang trại nên mình chưa tính toán doanh thu, lời lãi mà lo tập trung lấy ngắn nuôi dài” – anh Minh nói.
Vườn hoa hồng của anh như điểm sáng trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân Cơ Tu, nơi đây đã tạo việc làm ổn định cho bảy lao động trên địa bàn, với thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng/người.
Anh Nguyễn Thanh Toàn (35 tuổi, dân tộc Cơ Tu, là nhân viên làm ở trang trại) cho biết: “Trước đây làm rẫy, thu nhập bấp bênh không ổn định, được anh Minh nhận vào làm ở trang trại thì tôi nuôi gia đình tốt. Làm ở đây gần năm tháng, công việc nhẹ nhàng, anh Minh luôn đối xử tốt với anh em nhân công”.
Về làng này tha hồ chụp ảnh với hoa hồng cổ, không mất phí đâu
Đến làng hoa Phù Vân (xã Phù Vân, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) bây giờ du khách như bị ngợp bởi những ruộng hoa hồng nở rực rỡ. Khách tíu tít xuống vườn chụp ảnh, chủ vườn không những không thu phí mà còn tha thiết mời chào bởi muốn quảng bá để nhiều người biết, đến mua cây hoa càng đông.
Trước đây về làng hoa Phù Vân ít khi thấy hoa nở rực rỡ khắp đồng. Nói nghe có vẻ lạ nhưng đó là câu chuyện bình thường bởi hoa thường trồng để bán bông nên người trồng phải dùng giấy bao bông từ khi hoa còn đương nụ.
Khách đến những cánh đồng hoa chủ yếu chỉ thấy những nụ hoa lấp ló sau giấy bao hoa mà thôi. Một số loại hoa không bao bông, người trồng cũng phải cắt bán từ khi hoa hé nụ. Còn nếu thấy hoa nở rực rỡ trên đồng, đó là lúc hoa quá rẻ, người dân không buồn thu hái thành để quá lứa, đẹp mắt người ngắm nhưng là câu chuyện buồn của người trồng hoa.
Anh Vũ Ngọc Đồng chăm sóc vườn hồng cổ.
Bây giờ thì khác, đến làng hoa Phù Vân du khách như bị ngợp bởi những ruộng hoa hồng nở rực rỡ. Khách tha hồ chụp ảnh, ngắm cảnh đẹp, tận hưởng không khí trong lành thơm ngát. Hồng cây được trồng ở đây chủ yếu là hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng, bạch cổ và một số giống hồng lai khác.
Người dân ở đây gọi chung là "hồng thơm" vì tất cả các loài hoa hồng trồng ở đây đều rất thơm.
Làng hoa Phù Vân thiên về trồng cúc, là đầu mối cung cấp hoa cúc cho thị trường một số tỉnh lân cận. Trước đây hoa hồng diện tích trồng ít, chỉ để bán hoa bông. Có thể do kinh nghiệm chưa nhiều như các vùng hoa của tỉnh bạn, hồng bông ở Phù Vân bông nhỏ, đặc biệt là thời gian mùa hè, chủ yếu phục vụ thị trường người dân mua cúng ngày rằm, mùng một bán kèm với hoa cúc.
Tuy nhiên khoảng 4 năm trở lại đây, khi phong trào chơi hồng cây phát triển, nhiều gia đình trồng hoa ở Phù Vân chuyển sang gây giống ươm trồng hồng cây, chủ yếu là các giống hồng cổ cung cấp cho thị trường.
Anh Vũ Ngọc Đồng là một người đi tiên phong trong xu hướng ươm trồng và bán cây các giống hồng cổ. Anh cho biết bắt đầu làm công việc này từ hơn 10 năm trước, nhưng tập trung làm mạnh 4 năm trở lại đây. Hiện anh có một mẫu đất chuyên trồng các loài hoa hồng cổ để bán cây, với khoảng vài chục loài, nhưng nhiều nhất là hồng cổ Sapa và bạch cổ.
Tuy nhiên cái khó nằm ở việc chăm sóc, tạo dáng cho cây theo nhu cầu của khách hàng. Về cơ bản, hiện tại cung cấp cho nhu cầu trồng trong chậu, trồng cây chơi, anh tạo tán tròn, hãm để cây cao vừa phải. Còn để phục vụ cho nhu cầu uốn vòm, anh tạo những hàng rào cao cho cây leo lên đó, ép cho cây vươn cành. Người mua về chỉ việc trồng xuống đất là có cành uốn vòm ngay được.
Nói về giá bán, anh chia sẻ giống hồng cổ đắt ở gốc cây. Cây càng lâu năm càng có giá trị. Hiện vườn của anh giá bán từ 70-80.000 đồng/cây cũng có, đến 30-40 triệu đồng/cây cũng có, phổ biến nhất là loại trên chục triệu đồng/cây.
Thời gian cuối năm đúng mùa hoa hồng, các cây hồng cổ đua nhau đơm hoa rực rỡ, thơm ngát. Nhiều người kéo đến vườn anh chụp ảnh, mua cây nhộn nhịp. Anh dự định sẽ sử dụng hoa để làm một số chế phẩm từ hoa hồng như tinh chất hoa hồng, rượu ngâm hoa hồng, siro hoa hồng.
Riêng mùa cuối năm khách mua cây hoa nhiều để chơi Tết, anh để cho hoa hồng nở thoải mái. Còn những mùa khác nếu để hoa nở, hoặc cắt bỏ đi đều lãng phí. Vì thế việc dùng hoa hồng để tạo ra một số chế phẩm khác vừa tránh lãng phí, lại thêm nguồn thu, tạo ra một hướng đi mới cho nhà vườn.
Hiện siro ho, rượu ngâm hoa hồng anh đã làm. Còn việc chiết xuất tinh chất hoa hồng chắc phải liên kết với đơn vị nào đó có kỹ thuật về lĩnh vực này.
Ngoài vườn nhà anh Vũ Ngọc Đồng, ở Phù Vân bây giờ có đến hàng chục nhà vườn chủ yếu trồng hồng cổ bán cây. Anh Tiến, chủ nhà vườn Tiến Hoa cũng có mấy vườn với tổng diện tích một mẫu chuyên trồng hồng cổ bán cây được khoảng 4 năm nay. Anh cho biết cùng một số hồng lai hai vợ chồng chủ yếu tập trung trồng hồng cổ bán cây. Ngoài ra có trồng thêm quất.
Ở những địa điểm đẹp, như khu vực gần cầu Phù Vân mới, đồng thời gần khu hoa công nghệ cao, các gia đình cũng tận dụng lợi thế về vị trí để xây dựng các nhà vườn. Ở khu vực này hiện có 2 nhà vườn, cũng chủ yếu trồng và bán cây hồng cổ. Các nhà vườn đã bắt đầu đón khách đến mua hoa chơi Tết.
Đa dạng hóa các loại hoa, cây hoa để đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người trồng hoa có thu nhập tốt hơn và giúp làng hoa Phù Vân ngày càng phát triển. Bên cạnh sản xuất hoa bán bông, việc xây dựng các nhà vườn bán hoa cây, đặc biệt là hoa hồng còn tạo cho làng hoa Phù Vân một vẻ đẹp mới, một hướng đi mới.
Khách đến làng hoa sẽ được chìm đắm trong sắc hoa, được tận hưởng bầu không khí trong lành, ngát hương hoa. Việc phát triển các vườn hồng cổ phù hợp với chủ trương xây dựng Phù Vân thành vùng du lịch sinh thái.
Theo Mỹ Tho (Báo Hà Nam)
Chỉ 50% người bán hàng đa cấp nhận được hoa hồng Trong hơn 1 triệu người tham gia bán hàng hiện nay, chỉ có khoảng 50% người thực sự phát sinh doanh thu, hoa hồng. Theo báo cáo của 23 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên cả nước, số người ký hợp đồng tham gia bán hàng năm 2019 là hơn 1 triệu người, giảm 13% so với cuối 2018....