Hoa hậu Phương Nga mang thân phận bị can đến khi nào?
Vụ án tạm đình chỉ điều tra, song Phương Nga và Thuỳ Dung vẫn mang thân phận bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú và bị hạn chế nhiều quyền lợi.
Nói về quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung, tiến sĩ – luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết đây là một trong những bước tố tụng được quy định tại Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong vụ án này, Công an TP.HCM đã trưng cầu giám định vật chứng (mới xuất hiện tại toà) – một trong những yêu cầu điều tra bổ sung của TAND TP.HCM. Do chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra, thì cơ quan này phải tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
“Dù được tại ngoại, vụ án đang tạm đình chỉ điều tra, song 2 cô gái vẫn mang thân phận bị can. Hiện, luật chưa quy định rõ thời hạn tạm đình chỉ là bao lâu, cho đến khi cơ quan giám định trả lời hay kết luận, nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của bị can”, ông Trạch phân tích.
Theo luật sư Trạch, để có thể tuyên một bản án khách quan và toàn diện, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung trong vòng một tháng. Nhất là trong quá trình xét xử sơ thẩm lần hai (hồi cuối tháng 6) đối với Phương Nga, đã xuất hiện quá nhiều tình tiết không thể làm rõ tại tòa.
“Với khối lượng công việc khá lớn, cần làm rõ 9 vấn đề quan trọng và phức tạp mà HĐXX đề ra, tôi cho rằng cơ quan điều tra khó có thể thực hiện trong thời hạn 30 ngày. Một số trưng cầu giám định đòi hỏi phải có thời gian, phụ thuộc vào cơ quan trả lời, phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật cao”, luật sư Trạch nói.
Phương Nga tại toà hồi cuối tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trần
Video đang HOT
Đồng quan điểm, luật sư Vương Văn Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết thêm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sắp có hiệu lực (1.1.2018) quy định về thời hạn điều tra bổ sung, cho các cơ quan thi hành tố tụng rất chặt chẽ. Việc này để tránh tình trạng giam giữ bị can, bị cáo quá hạn luật định hoặc bị oan sai.
Ngoài ra, qua quá trình điều tra bổ sung, nếu phát hiện hành vi phạm tội mới có thể dẫn đến việc khởi tố thêm một số tội phạm khác.
Hết thời hạn tạm đình chỉ điều tra hoặc khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả trưng cầu giám định. Trong trường hợp cơ quan giám định trả lời kết quả giám định là “không giám định được” thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định.
Quyết định đình chỉ điều tra sẽ được gửi cho VKS cùng cấp. Khi đó, tòa không đưa vụ án ra xét xử nữa và cơ quan điều tra có trách nhiệm phục hồi lại các quyền của công dân đối với các bị can.
Từng hàng chục năm là thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM, ông Nghĩa cho biết đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung rất nhiều vụ án. Trong đó có kỳ án “dấu vân tay oan nghiệt” – ông Trương Bá Nhàn bị truy tố tội Giết người và Cướp tài sản năm 2001. VKS và cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Nhàn ngoài dấu vân tay, trong khi chứng cứ ngoại phạm của ông Nhàn có rất nhiều.
Vụ án sau đó cũng được “tạm đình chỉ điều tra” nhưng ông Nhàn đã bị giam giữ gần 4 năm (tháng 1.2003 đến tháng 9.2005), tiếp tục phải mang thân phận bị can thêm gần một năm nữa. Đến ngày 8.6.2006, cho rằng “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”, Công an TP.HCM mới đình chỉ điều tra bị can với ông Nhàn.
Liên quan đến vụ án Phương Nga, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ quyền lợi cho Phương Nga và Thùy Dung) cho rằng, luật quy định việc tạm đình chỉ điều tra sẽ được tiếp tục cho đến khi có kết quả giám định, không quy định thời hạn được phép tạm đình chỉ điều tra.
Việc này ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi cho các thân chủ vì họ sẽ tiếp tục bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” không biết bao lâu nữa. “Tôi và các luật sư sẽ nghiên cứu việc khiếu nại quyết định này của cơ quan Công an TP.HCM”, luật sư Quynh nói.
Theo Quốc Thắng (VNE)
Luật sư của Hoa hậu Phương Nga tung bằng chứng mới
Luật sư của Phương Nga chứng minh nhiều giấy tờ tạo giả cáo buộc thân chủ lừa đảo trùng với ngày cô đang đi du lịch với "bị hại" Cao Toàn Mỹ.
Trong đơn kiến nghị dài 58 trang mới gửi cho các cơ quan tố tụng, luật sư Nguyễn Văn Dũ - người bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) - đã đưa ra nhiều căn cứ chứng minh thân chủ mình bị oan về cáo buộc lừa ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỷ đồng mua nhà và đề nghị đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can với cô và người bạn Nguyễn Đức Thùy Dung.
Luật sư đề nghị cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra đối với Nga. Ảnh: Quỳnh Trần
Luật sư Dũ cho rằng với những chứng cứ đã nộp cho tòa, kết quả xác minh và chứng cứ ông đang nắm giữ có đủ căn cứ xác định mối quan hệ giữa Nga với người được cho là bị hại - ông Cao Toàn Mỹ - là quan hệ tình ái. Từ tháng 4.2012 đến tháng 12.2013, trung bình mỗi tháng Nga và ông Mỹ cùng đi du lịch trong hoặc ngoài nước một đến hai lần. Họ cùng ở khách sạn, resort và cùng phòng.
Theo luật sư, những email phát tán trên mạng có nội dung tình cảm ông Mỹ gửi cho Nga là có thật và phù hợp với thời gian, hoàn cảnh, những trải nghiệm thực tế về tình cảm của hai người. Điều này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai Dung).
Do đó, số tiền 16,5 tỷ đồng mà chính xác là 16,544 tỷ ông Mỹ gửi cho Nga thông qua tài khoản của Dung, theo luật sư không thể là tiền nhờ mua nhà.
"Bản chất số tiền này là ông Mỹ tặng cho Nga theo thỏa thuận tình cảm 2 năm 6 tỷ, sau đó nâng lên thành 7 năm 16 tỷ, chứ không phải 16,5 hay 16,544 tỷ. Trong đó, 500 triệu đồng là ông Mỹ cho thêm ngoài thỏa thuận, 44 triệu đồng là ông Mỹ cho Nga chi tiêu vặt trong đợt hai người đi du lịch đến Maldives", luật sư phân tích và cho biết ông Mỹ còn chuyển vào tài khoản của Dung 20 triệu để cho Nga sinh hoạt trong những ngày không gặp nhau.
Đặc biệt, về chứng cứ cáo buộc Nga nhận tiền 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ để mua nhà được viết, ký tên, lăn tay vào ngày 4.11.2013, Nga khai bị khống chế, ép buộc ký được tạo lập sau khi ông Mỹ tố cáo (lần đầu) Nga và Dung vay tiền mở spa không trả. Một số giấy thỏa thuận mua nhà, giao nhận tiền, trả tiền... theo các nhân chứng được làm "sau thời điểm ông Mỹ tố cáo lần thứ hai" về hành vi lừa mua nhà.
"Có những giấy tờ mà thời gian và địa điểm viết trùng với ngày Nga và ông Mỹ đang cùng đi du lịch ở nơi khác hoặc mới đi du lịch về một ngày. Hoặc sau vài ngày viết giấy, hai người lại tiếp tục đi du lịch, cùng thuê khách sạn lưu trú", luật sư nêu căn cứ.
Theo luật sư, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người lừa đảo phải có hành vi gian dối trước khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, trong vụ án này, các chứng cứ chứng minh hành vi mua bán nhà của Nga lại được tạo giả sau khi ông Mỹ có đơn tố cáo gửi công an và sau khi viết giấy biên nhận tiền.
Do có nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ, sau nhiều ngày xét xử căng thẳng, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung hôm 29.6. HĐXX cũng quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Nga và Dung tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú sau hơn hai năm tạm giam.
Theo kiểm sát viên, quá trình điều tra bổ sung, Nga vẫn tiếp tục giữ quyền im lặng dù có luật sư đi cùng.
Theo Bình Nguyên (Ngôi Sao)
Luật sư vào khách sạn hạng sang tìm chứng cứ vụ Hoa hậu Phương Nga Để tìm chứng cứ chứng minh cho mối quan hệ tình cảm giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ, luật sư Dũ đã phải lần mò tìm đến các khách sạn, resort từ Huế vào tới Phú Quốc để thu thập thông tin lưu trú của họ. Nhận lời bảo vệ cho Nga để mẹ cô có một điểm tựa Có tới...