Hoa hậu HIV và những mùa xuân cuộc đời
Chồng chết vì bị nhiễm HIV. Rồi chị và hai đứa con trai cũng nhiễm phải căn bệnh quỷ ác này.
Vượt qua nỗi đau ấy, chị cố sống thật tốt, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Số phận đưa đẩy, trái tim chị lại thổn thức với một người đàn ông khác. Bi kịch của một nhan sắc đang dần được thay thế bằng sự hạnh phúc.
Những cái tết không quên
Gặp mặt trong buổi chiều cuối năm, Trần Thị Thuệ (SN 1983, tỉnh Hà Nam) vẫn với dáng dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, giọng nói ngọt ngào. Huệ nhẹ nhàng bước vào câu chuyện: “Dường như mọi chuyện trong cuộc đời của tôi đều bắt đầu từ những mùa xuân”. Trong trí nhớ của người phụ nữ này, lúc còn nhỏ, mùa xuân luôn là mùa của sự yêu thương, hạnh phúc. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, vì thế, thích lắm những ngày Tết để có thể ăn ngon, có áo quần mới và đặc biệt được tiền lì xì.
Chỉ học đến hết lớp 9, không có tiền để đóng học phí nên chị phải ở nhà. Tết năm đó là cái Tết cuối cùng của thời học sinh. Thế rồi, mấy ngày nghỉ Tết cuối cùng của thời học sinh cũng hết, chị tất tả gói áo quần, xách ba lô lên thành phố Hà Nội xin vào làm thuê ở lò bánh mì. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm, Huệ luôn u sầu. Chính những lúc này, một người thợ làm bánh trong tiệm hơn chị mười tuổi thấy vậy luôn động viên, nói chuyện một cách chân tình. Chị yêu anh từ lúc nào không hay. Hai người làm đám cưới trong sự hạnh phúc của hai gia đình.
Chừng một năm sau, chị mang thai và sinh cho chồng một đứa con trai. Niềm vui chưa trọn vẹn, khi bé lên hai, chị phát hiện con không có khả năng nghe nói. Khi biết điều này, lòng chị đau thắt. Chị không thể nào tin nỗi đau này lại rơi vào chính đứa con trai đầu lòng của mình. Tuy nhiên, chị vẫn phải gắng gượng để sống, làm ăn để nuôi con ăn học. Một thời gian sau, chị lại mang thai và sinh được thêm một đứa con trai nữa. Lần này, cháu lành lặn như bao đứa trẻ khác. Người mẹ trẻ vô cùng hạnh phúc.
Trong thâm tâm chị Huệ vẫn còn nhớ trong một mùa xuân, nhưng không nhớ rõ năm nào, chị gái thông báo một tin sét đánh với cả gia đình: “Vợ chồng con cái bị nhiễm HIV”. Được biết, anh rể bị nhiễm rồi lây cho vợ. Căn bệnh thế kỉ rơi vào gia đình chị là cả một đại họa. Tết năm đó, không ai nói năng được lời nào, chỉ im lặng. Mỗi người tìm cho mình một góc, cố thu mình, sợ phải chạm mặt nhau, nỗi đau lại hiện hữu. Nhưng chị cũng không thể nào tin được rằng, chỉ một vài năm sau, cũng chính trong dịp Tết, chị phát hiện mình cũng bị căn bệnh quái ác này.
Trần Thị Huệ (thứ 3 từ phải sang) đăng quang hoa hậu trong cuộc thi Dấu duyên dáng năm 2010
Mùa xuân đầy nước mắt
Tiếng xấu lan nhanh lắm, mặc dù đã cố gắng che giấu nhưng thông tin vợ chồng chị gái nhiễm HIV nhanh chóng lan rộng. Gia đình chị đi đâu cũng bị mọi người dè bỉu, xa lánh. Buồn lắm, nhưng biết phải làm sao. Đó là số phận. Chị luôn động viên chị gái cố sống tốt thì bệnh mới không phát tán nhanh.
Một chiều cuối năm, Huệ đi ăn đám cưới của một người hàng xóm. Phía sau lưng có tiếng rì rầm bàn tán: “Chị gái con đó bị nhiễm AIDS lại lấy thằng chồng nghiện hút, bệnh tật. Không chừng nó cũng bị”. Buồn lắm, nhưng miệng lưỡi thế gian, chị cố gắng bỏ ra ngoài tai lời lẽ ác ý đó nhưng một nỗi lo mơ hồ cứ quẩn quanh. Cuối năm 2005, khi con trai thứ hai được chừng 1 năm, chị lén giở tài liệu HIV của chị gái ra xem và giật mình, chồng chị có nhiều biểu hiện của bệnh như: Nấm đầu, bị zona, nhiều mụn nhọt… Sự hoài nghi nhen nhóm trong suy nghĩ.
Video đang HOT
Mồng 1 tết, mọi người đang quây quần, sum họp cùng gia đình, riêng chị lại đang lo lắng, sợ mối nghi ngờ của mình là sự thực. Chị chỉ mong Tết hết để có thể đưa chồng đi xét nghiệm. Suốt mấy ngày Tết, cố gắng lắm, chị vẫn không thể nào nở được một nụ cười tươi. Gia đình hỏi có chuyện gì, chị cũng chỉ im lặng.
Ngày mồng 4 Tết, đất trời còn ngập tràn không khí mùa xuân trên đường chở chị gái ra ga để vào Sài Gòn, Huệ tranh thủ vào xét nghiệm. Đất trời như sụp đổ khi bác sĩ cho biết, nghi ngờ chị dương tính với HIV và khuyên nên đưa chồng trở lại để xét nghiệm. Quãng đường chỉ 20km, thế nhưng, chị đi hơn hai tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Vừa đi, nước mắt chị vừa chan chứa.
Không dám nói với ai chuyện này, thế nhưng, sự lo lắng luôn hiện hữu. Không cầm được lòng, chị nói chuyện với anh trai và được khuyên nên đưa chồng đi xét nghiệm để biết thông tin chính xác. Mồng 6 Tết, chị cùng chồng khăn gói lên thành phố Hà Nội, đến bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do còn quá sớm nên bệnh viện vẫn chưa làm việc. Hai vợ chồng kéo nhau đến phố Hàng Bài. Đi vào phòng xét nghiệm, chị chỉ hy vọng mình sẽ âm tính với HIV. Tuy nhiên, sau một vài tiếng chờ kết quả, bác sĩ lại thông báo: “Nghi ngờ dương tính”. Chị sững sờ không muốn tin vào điều đó.
Hai ngày chờ nhận kết quả chính xác là một khoảng thời gian nặng nề của Huệ. Chị không hiểu vì sao cả hai vợ chồng lại có nguy cơ dương tính với HIV. Mặc dù 90% là bị nhiễm HIV, nhưng vẫn còn 10% cơ hội là không, hy vọng lại càng le lói khi người chồng khẳng định: “Anh không làm gì để nhiễm HIV”. Đến chiều mồng 8 Tết, chị chết lặng khi cầm kết quả xét nghiệm, cả hai vợ chồng đều đã mang án tử…
Tháng Giêng năm đó, cả gia đình Huệ buồn như có đám tang. Cái chết thứ hai trong một thời gian ngắn, gia đình của chị phải chấp nhận thông tin, hai đứa con gái và con rể bị nhiễm HIV. Chồng chị vì buồn mà đau ốm nhiều hơn. Còn chị, chỉ dám khóc mỗi khi mọi người đã ngủ say.
Hạnh phúc trở lại
Cuộc sống khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn nhưng Huệ quan niệm, chưa chết thì vẫn phải sống. Chồng bệnh tật, mỗi tháng mất gần 2 triệu để mua thuốc điều trị. Trong khi đó, hai đứa con trai cũng cần phải được nuôi nấng tốt. Ngẫm nghĩ nhiều, chị quyết định vào Nam đi bán bong bóng bay dạo. Mỗi ngày, chị cũng kiếm được chừng 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, trừ chi phí ăn ở cũng chẳng còn là bao. Nhưng chị vẫn chắt bóp để gửi tiền về quê cho hai con.
Sau đó, chị nghe thông tin tại Hà Nội có phát thuốc ARV chữa bệnh HIV miễn phí nên cũng gửi đơn xin cho chồng. Tuy nhiên, do lúc đó thuốc còn hiếm, giá thành lại cao, lại có quá nhiều người bị nhiễm nên chồng chị không được chấp nhận phát thuốc miễn phí. Sau đó, lại nghe thông tin tại TP. HCM có tổ chức bán thuốc ARV với giá rẻ, chị cũng đưa chồng vào. Đến đây, chồng chị được ký giấy mua thuốc nhưng anh quyết định không uống thuốc nữa. Chỉ một thời gian sau, người chồng từ bỏ cuộc đời. Riêng chị vẫn tiếp tục bám víu cuộc sống để nuôi hai con.
Rồi chị tham gia làm đồng đẳng viên, tuyên truyền, phát bao cao su góp phần phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng cho một số dự án của trung tâm phát triển phụ nữ.
Năm 2009, khi nỗi đau mất chồng chưa vơi, chị đăng ký tham gia một khóa đào tạo thuyết trình viên cho người có HIV. Sau một buổi học, chị nhờ một thanh niên tên Nguyễn Hồng Nghĩa chở mình đến bến xe Giáp Bát để gửi giấy tờ về quê nhưng anh thẳng thừng từ chối. Tức tối lắm, suốt khóa học đó, chị không thèm nhìn lại anh lần thứ hai. Ngày khóa học kết thúc, anh thấy áy náy, chủ động nhắn tin làm hòa, tự nguyện làm xe ôm chở ra bến xe. Nhưng nỗi “hận” ngày trước vẫn còn, chị từ chối và bắt xe buýt tự đi. Những ngày sau đó, anh thường xuyên gọi điện, nhắn tin để nói chuyện. Nhiều lúc, anh chỉ gọi điện nói vài lời với ý định để được nghe giọng của chị. Lắm đêm, 11h, chị mới đi làm về, anh lại gọi điện nói chuyện đến 2, 3h sáng. Qua những cuộc nói chuyện, “oán thù” ngày trước đã được hóa giải.
Một thời gian sau, anh Nghĩa bất ngờ xin mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn để được gần Huệ. Vốn là một người được gia đình chăm sóc từ nhỏ, phải một khoảng thời gian sau, anh mới có thể làm quen với cuộc sống tự túc mới. Một thời gian sau, khi tình cảm đã đủ “chín”, anh chị dọn về phòng trọ để sống cùng nhau. Cả hai người đều có chung một căn bệnh nên khá hiểu và thông cảm cho nhau. Không chỉ thế, hai đứa con nhiễm HIV của chị cũng được anh coi như con ruột của mình. “Có lẽ rằng, anh Nghĩa là hạnh phúc của ông trời bù trừ với những bất hạnh của tôi trong thời gian qua”, chị Huệ cười tươi.
Một lần đọc được thông tin trên tờ rơi về cuộc thi hoa hậu dành cho những người có HIV, Nghĩa động viên vợ tham gia. Được sự động viên của chồng, chị cũng đăng ký thử. Thế mà chị lọt vào top trong và giành được vương miện trong cuộc thi đó. Những giải thưởng khác sẽ là hạnh phúc vô bờ nhưng giải thưởng này làm Huệ buồn nhiều hơn. Ai chả mong mình và người thân khỏe mạnh, đành rằng ai cũng đến một lúc nào đó cũng phải từ giã cõi đời nhưng cái chết được báo trước cuộc sống ngắn ngủi thì khó có điều gì làm người ta vui!
Hạnh phúc và mong muốn
Cuộc sống của chị Huệ giờ đã tạm ổn. Sau cuộc thi, chị được nhận vào làm ở trung tâm sức khỏe và phát triển cộng đồng Hà Nội. Còn anh Nghĩa lại làm lái xe cho một công ty nước ngọt. Thu nhập của hai vợ chồng không nhiều nhưng cũng đủ đắp đổi cho bốn người sống qua ngày. “Đến bây giờ, tôi nhận thấy mình đang ngập tràn hạnh phúc. Tôi chỉ mong rằng, hai con sẽ sớm trưởng thành. Còn hai vợ chồng có đủ sức khỏe để được sống bên nhau. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn, cộng đồng sẽ có cái nhìn thông cảm hơn đối với những người có HIV”, chị Huệ trầm tư trong ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.
Theo 24h
Câu chuyện sau phòng xét nghiệm HIV lưu động
Không cần cung cấp tên và địa chỉ, người tham gia có thể nhận được kết quả xét nghiệm bằng miệng thông qua tư vấn viên. Thậm chí, nhiều người đến với những ngôi nhà vải dựng tạm này chỉ để chắc chắn niềm tin không mắc HIV.
Bệnh nhân "kỳ lạ"
Lặng lẽ bên chiếc bàn trong căn nhà bạt dựng tạm bợ, các tư vấn viên về HIV như ông Phó Đức Thuận (trung tâm Xét nghiệm tự nguyện HIV, Ngôi nhà Tuổi trẻ, Hà Nội) đã gặp không ít trường hợp đến xét nghiệm HIV đầy bi kịch và tuyệt vọng. Ông Thuận chia sẻ với chúng tôi, không ít trường hợp mà ông từng gặp khi tham gia các buổi xét nghiệm lưu động, hầu hết những người đến với các phòng khám cố định hay lưu động tiến hành xét nghiệm HIV thường cảm nhận được nguy cơ lây nhiễm HIV và có các dấu hiệu khiến họ liên tưởng hoặc nghĩ đến khả năng mắc bệnh. Họ đến để khẳng định nghi ngờ của mình có chính xác hay không.
Những căn nhà bạt được dựng tạm nhưng kín đáo với những chiếc bàn được kê gọn ghẽ bên trong tại các khu vực tập trung đông người là điểm dễ nhận thấy nhất của các phòng xét nghiệm HIV lưu động. Đến với những phòng khám này, mỗi người có thể chọn lựa cho mình một trong hai hình thức xét nghiệm vô danh hoặc xét nghiệm có tên bảo mật. Không ai có thể biết bạn là ai, bạn có dương tính hay âm tính với virus HIV, ngoại trừ bạn và tư vấn viên.
Ông Thuận kể cho chúng tôi nghe về một bệnh nhân khiến ông và các bác sỹ trực tiếp làm các xét nghiệm luôn trăn trở. Trường hợp này là một nam, sinh viên một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Thủ đô. Anh này đến xét nghiệm sau khi nhận được điện thoại từ một người bạn tình đồng giới thông báo là bản thân anh ta bị HIV/AIDS. Ngay khi nhận được điện thoại từ người bạn tình của mình, bệnh nhân nam này không nghĩ rằng bạn tình của mình đang mang trong người virus HIV.
Trong suy nghĩ của bệnh nhân, đó chỉ là cách để người bạn đồng giới cố tình "từ chối", "chạy trốn", viện cớ để chia tay anh. Anh ta tỏ ra rất tự tin và đến phòng khám lưu động chỉ là để củng cố sự tự tin rằng anh không mắc HIV.
Một buổi xét nghiệm HIV lưu động tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội)
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn trái ngược với khẳng định của bệnh nhân. Các bác sỹ tham gia quá trình xét nghiệm thực hiện đầy đủ quy trình, với sự cẩn trọng và chi tiết, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Ngay sau khi có kết quả và nói chuyện cụ thể, tư vấn viên hẹn anh một tuần sau quay lại để nhận kết quả kiểm tra chi tiết và kỹ càng hơn, nhưng kết quả vẫn là dương tính. Bệnh nhân này đã ngất tại bàn tư vấn viên và sau khi tỉnh lại đã tỏ ra suy sụp tột độ. Anh ta có chia sẻ với tư vấn viên về sự lo lắng khi bố mẹ, người thân và dư luận xã hội sẽ đối xử với anh khi họ biết căn bệnh mà anh mắc phải, dù chính những người thân của bệnh nhân này cũng đang công tác trong ngành y và họ hoàn toàn cảm thông với giới tính của cậu.
Điều khiến tư vấn viên Thuận nhớ đến bệnh nhân này là sau đó ít lâu, cậu sinh viên này quay lại báo với ông rằng cậu không mắc HIV! "Khi chúng tôi nói muốn xem kết quả xét nghiệm của bệnh viện mà cậu đi kiểm tra lại thì cậu lại nói rằng người nhà cậu nhận kết quả. Ngay bản thân bệnh nhân cũng không nhìn thấy chính xác kết quả này. Dù khá thông cảm với người nhà bệnh nhân nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các bệnh nhân biết được sự thực căn bệnh của mình và chủ động phòng ngừa, tránh lây nhiễm cho người xung quanh mình", ông Thuận chia sẻ.
May mắn không đến lần thứ hai
Không giống trường hợp bệnh nhân nam được kể trên lây HIV do quan hệ tình dục đồng giới, trường hợp một ca xét nghiệm là nữ còn rất trẻ mà tư vấn viên Thuận từng gặp lại thoát lây nhiễm HIV một cách khá thần kỳ. Trong một vụ tai nạn xe máy, anh người yêu của cô phải nhập viện và các bác sỹ bệnh viện 103 phát hiện anh này nhiễm HIV. Chia sẻ với tư vấn viên, cô gái này đinh ninh rằng, mình cũng chung số phận với bạn trai, vì họ đã từng có quan hệ tình dục trong khoảng thời gian trước khi anh người yêu phát hiện dương tính với HIV.
Tuy nhiên, một điều kỳ diệu là khi cô gái này tiến hành các xét nghiệm, kết quả nhận được là âm tính. Chính các bác sỹ, tư vấn viên cũng thực sự bất ngờ khi nhận được kết quả và còn bất ngờ hơn với suy nghĩ ngây ngô của cô gái. Bản thân cô gái cũng tâm sự, khi biết bạn trai có kết quả dương tính với HIV, cô vẫn quan hệ tình dục với anh này mà không hề có biện pháp phòng tránh nào. Cô gái hồn nhiên nói với chúng tôi rằng: "Dù bạn trai mình bị đau chân nhưng nếu anh ta đòi hỏi cháu vẫn chiều!". Khi chúng tôi hỏi: "Cháu có nghĩ rằng mình sẽ bị lây nhiễm?", cô gái thật thà cho rằng: "Trước kia, anh bị lây nhiễm, cháu cũng đã quan hệ thì bây giờ chúng cháu có quan hệ cũng chẳng làm sao", ông Thuận kể lại.
Các tư vấn viên về HIV chia sẻ, điều khó khăn nhất với họ tại các buổi khám nghiệm HIV lưu động cũng như tại các trung tâm cố định là tâm lý mỗi bệnh nhân nhận kết quả thì chẳng ai giống ai. Người thì vui mừng hơn bắt được vàng, khi "trút" được nỗi lo tử thần với kết quả âm tính. Không ít người thì rơi vào trạng thái sốc, khóc ngất khi biết kết quả là dương tính. Thậm chí, có người nhìn bề ngoài rất hiền lành bỗng trở nên hung dữ, người thì lại câm lặng, chẳng nói câu nào...
Vì vậy, tùy vào thái độ, biểu hiện của bệnh nhân, mà các bác sĩ tư vấn theo chiều hướng nào. Nếu bệnh nhân sốc, phản ứng mạnh với kết quả, muốn gào thét, thì bác sĩ tư vấn phải tìm cách "làm mát" nhanh nhất, như ôm lấy họ, rót nước cho họ, rồi kể những tấm gương nhiễm HIV mà người ta quyết tâm điều trị nên có kết quả tốt cho sức khoẻ... Đa số các bệnh nhân đều cố níu kéo, hy vọng vào sai số trong xét nghiệm, trông chờ vào một "phép màu" xảy ra.
Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, các tư vấn viên về HIV thì chính các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao lại có ý thức phòng ngừa, chủ động tìm đến các phòng xét nghiệm HIV. Còn với những người ít nguy cơ lại thường chủ quan, không chủ động phòng tránh căn bệnh thế kỷ này.
Với đa số các trường hợp bệnh nhân mắc HIV, các tư vấn viên sau khi trấn tĩnh cho bệnh nhân xong thường phải cho họ biết về giai đoạn, liệu pháp chữa trị... Lúc đó, các bác sỹ phải tư vấn các trung tâm khám và điều trị tự nguyện trên địa bàn mà bệnh nhân đó ở hoặc công tác. Nếu bệnh nhân giai đoạn đầu thì không cần dùng thuốc, mà chỉ cần thăm khám theo định kỳ hoặc khi có sự cố về bệnh tật. Nếu bệnh nhân không muốn ra các trung tâm tự nguyện và có điều kiện thì có thể kê đơn theo chỉ định của bác sĩ...
Theo các tư vấn viên, mỗi người có thể bị lây HIV với những nguyên nhân không giống nhau. Họ có thể bị HIV do lối sống buông thả hoặc bị lây nhiễm bất ngờ, nhưng hơn tất cả họ cần sự cảm thông, chia sẻ và không kỳ thị từ cộng đồng để tiếp tục sống và chủ động ngăn ngừa lây nhiễm cho những người khác.
Giúp nhiều người phát hiện sớm căn bệnh thế kỷ
Bà Vân Anh làm việc tại tổ chức sức khỏe, gia đình quốc tế... một đơn vị đã từng có nhiều buổi xét nghiệm HIV lưu động, cho biết: "Thông thường, những buổi xét nghiệm HIV lưu động có nhiều hạn chế, các trang thiết bị chắc chắn không được đầy đủ... Tuy nhiên, các buổi xét nghiệm lưu động lại tiếp cận được nhiều đối tượng không có khả năng, điều kiện đến các phòng xét nghiệm HIV cố định. Quan trọng nhất, từ những buổi xét nghiệm tự nguyện, miễn phí, bảo mật này đã giúp nhiều người phát hiện sớm căn bệnh thế kỷ để họ được điều trị và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng".
Theo TNO
Chuyện nhói lòng phía sau phòng xét nghiệm HIV lưu động Không cần cung cấp tên và địa chỉ, người tham gia có thể nhận được kết quả xét nghiệm bằng miệng thông qua tư vấn viên. Một buổi xét nghiệm HIV lưu động tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội). Thậm chí, nhiều người đến với những ngôi nhà vải dựng tạm này chỉ để chắc chắn niềm tin không mắc...