Hóa đơn tiền điện: Thay đổi cách tính, người tiêu dùng lại “lo ngay ngáy”
Thông tin về việc giá điện có thể sẽ được tính theo mùa vụ khiến người dân bắt đầu lo ngại, bởi cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện.
Tiền điện từ tháng 4 sẽ tăng mạnh
Tin tức trên báo VnExpress, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) vừa qua đã có báo cáo dự báo tình hình và nhu cầu sử dụng điện trong tháng hè năm 2016.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện gia tăng cộng với phương pháp tính giá theo bậc thang nên EVN Hà Nội dự báo từ tháng 4 tiền điện sẽ tăng mạnh.
Do tác động của hiện tượng El Nino, nắng nóng ở khu vực Hà Nội trong mùa hè năm 2016 được nhận định là sẽ có tần suất cao hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm.
Nắng nóng sẽ rơi vào đầu tháng 4, giữa tháng 5. Đặc biệt, cuối tháng 6, Hà Nội sẽ có nắng nóng gay gắt vượt trên 40 độ C. Nắng nóng có thể kéo dài và đạt đỉnh điểm cuối tháng 7.
Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng điện của Hà Nội tăng mạnh. Theo dự báo của EVN Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất của Hà Nội sẽ rơi vào cuối tháng 7 lên tới 80,6 triệu kWh. Tổng sản lượng điện tiêu thụ trong 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7/2016) sẽ tăng lên khoảng 6,7 tỷ kWh, cao hơn so với mức 5,6 tỷ kWh năm 2015.
Biểu giá điện sinh hoạt đang áp dụng. (Nguồn: VnExpress).
Theo đó, tiền điện tháng 4 của khách hàng sẽ tăng mạnh do chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng nóng. Tương tự, tiền điện trong tháng 5, 6 và 7 tăng cao do nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát.
“Giá điện sinh hoạt được xây dựng theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng mạnh, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng”, EVN Hà Nội cho biết 401 kWh trở lên khách hàng sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất là 2.587 đồng.
Chẳng hạn, một hộ dân dùng 280 kWh sẽ mất khoảng 560.000 đồng, còn khi dùng đến 670 kWh thì tiền điện phải thanh toán lên tới gần 1,7 triệu đồng. Như vậy, mức tiêu thụ tăng 2,4 lần nhưng tiền điện tăng khoảng gần 3 lần.
Trên cơ sở đó, EVN Hà Nội khuyến nghị người dân nên sử dụng điện khoa học bằng cách sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện, tắt thiết bị khi không dùng, bảo trì hệ thống điện thường xuyên… Điều hòa là thiết bị sẽ tiêu tốn nhiều điện năng nhất, mỗi một độ C của điều hòa, sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng ít nhất 7%. Vì vậy, ban ngày nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa từ 25 độ C trở lên và ban đêm từ 27 đến 28 độ C.
Người dân: “Lo ngay ngáy”
Thông tin trên báo Dân Việt, ngoài điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát; giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; biểu giá bán điện tới đây sẽ được nghiên cứu thực hiện theo mùa và vùng.
Đây là nội dung đặc biệt đáng chú ý được nêu tại Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt.
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói: “Việc tính toán giá điện theo mùa: Mùa hè khác, mùa đông khác, mùa mưa khác đã được đề cập từ lâu nhưng giờ mới được đưa vào quy hoạch để nghiên cứu thực hiện.
Video đang HOT
Giá điện tính khác nhau như thế nào phụ thuộc lớn vào lượng điện năng tiêu hao, đặc biệt là mật độ sử dụng điện.
Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cũng nêu thực tế: Giá thành điện chịu ảnh hưởng lớn ở nguồn điện phát.
Nguồn điện phát lại phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Vào mùa mưa, nhiều nước thủy điện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện phát, giá điện có thể thấp.
Mùa kiệt (mùa khô) ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều giá thành điện sẽ cao hơn.
Do vậy tính giá bán điện theo mùa vụ là tính sát với thực tế.
Với động thái giá điện có thể tính theo mùa vụ, người dân bắt đầu lo ngại, cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa để giá bán điện được tính theo mùa vụ, theo các chuyên gia trong ngành điện, đó là cơ cấu điện phát của chúng ta đang ngày một có sự thay đổi đáng lo ngại.
Nguồn thủy điện giá rẻ đang chiếm ngày càng ít trong cơ cấu nguồn, thay vào đó, điện chạy than, dầu và khí tăng lên. Ngay điện mua của Trung Quốc cũng có giá khác xa và tăng dần lên theo thời gian.
Ông Trần Viết Ngãi cho biết, thực chất ngành điện chỉ đang lãi khá ở thủy điện còn điện than và khí lãi rất ít; điện dầu đang lỗ hoàn toàn.
Chưa kể, các nguồn tài nguyên cho điện sẽ cạn kiệt dần, phải nhập khẩu, giá thành sẽ bị đội lên.
“Điện than ta đã khai thác gần như tối đa, nhà máy lại chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc; điện khí khó khăn về nguyên liệu; điện dầu lỗ.
Tất cả đang là những thực tế không hay cho ngành điện”-một chuyên gia khác trong ngành điện phân tích.
Báo cáo của EVN cũng cho biết, tập đoàn này đã phải liên tục điều chỉnh cơ cấu sản lượng các loại nguồn điện, trong đó điện giá rẻ chiếm tỷ lệ ít dần đi.
Cụ thể nhất, mùa khô năm 2016, thủy điện được EVN dự kiến chỉ còn chiếm tỷ lệ 29,14% cơ cấu nguồn toàn hệ thống (trước khoảng trên dưới 40%).
Nhiệt điện than chiếm 40,84% cơ cấu nguồn toàn hệ thống. Nhiệt điện khí chiếm 27,71% cơ cấu nguồn toàn hệ thống; còn lại là mua điện từ Trung Quốc và từ các nguồn khác.
Từ cuối năm ngoái, EVN đã phải tính và thực hiện phương án chạy dầu khi sản lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không tính đến phương án giá bán điện theo mùa vụ, vùng miền, EVN với bộ máy hoạt động được cho còn cồng kềnh và chưa hiệu quả sẽ chỉ có “lỗ” và “thiệt”, trong khi không thể cứ tăng giá điện một năm mấy lần với lý do bù đắp các chi phí.
Với động thái giá điện có thể tính theo mùa vụ, người dân bắt đầu lo ngại, cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện.
Giá điện mùa hè áp cao hơn giá điện mùa đông thì các hóa đơn điện sẽ còn tăng khủng tới mức nào?!
Với lý do điều tiết giá điện hợp lý theo nguồn phát, yếu tố tiêu thụ, “nhà đèn” sẽ dùng giá điện cao để không chế bớt nhu cầu tiêu dùng của dân một cách hợp lý nhất cho mình.
GS Trần Đình Long đồng tình, lo ngại của người dân là có cơ sở.
Ông cho rằng, phải cân nhắc để có giá điện, nếu có tính theo mùa vụ cũng hợp lý, cân bằng lợi ích giữa EVN và người dân chứ không thể “trăm dâu đổ đầu dân”.
EVN cần có lãi chấp nhận được và người dân cũng có “đủ sức” chi trả tiền điện.
“Tôi biết cân bằng lợi ích giá điện cho các bên là rất khó. Nó phụ thuộc vào chính sách quản lý vĩ mô của Chính phủ và các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ.
Giá điện phát chiếm tới 60-70% giá thành điện người tiêu dùng phải chi trả, điện phát lại phụ thuộc thời vụ, thời điểm tiêu dùng trong năm, do đó, tính giá để dân “chịu được” là việc hoàn toàn có thể làm được”- ông Long nói.
Theo Đời sống Pháp luật
Giá điện năm 2016 sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
EVN cam kết không điều chỉnh giá điện trong năm 2016
Trao đổi với báo chí ngày 17/1, ông Đinh Quang Tri cho biết: "Vừa qua có một số thông tin về việc EVN đang muốn tăng giá điện. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là hiện nay EVN không có bất cứ kế hoạch nào đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016".
Tin tức trên báo Dân trí, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri khẳng định, dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2016 là năm EVN dự báo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Dù đã chủ động tích nước từ rất sớm, song tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường đến nay vào khoảng 6,5 tỷ m3 nước.
Bên cạnh đó, EVN phải đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng cấp nước để phục vụ cho gieo cấy vụ đông xuân 2015 - 2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, EVN đã phải xả khoảng 5,16 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.
"Mặc dù vậy, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục. Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, EVN thấy cần có trách nhiệm phải góp phần giữ ổn định nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo đất nước phát triển và ổn định cuộc sống người dân", ông Tri cho biết.
Về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, ông Tri cho biết, ngày 19/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 69/2013/QĐ-TTg và cho đến thời điểm hiện tại, quyết định này vẫn đang được áp dụng và là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo đó, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ, thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016. (Ảnh minh họa).
Bộ Công Thương cũng đã vừa ban hành quyết định số 8266/QĐ-BCT ngày 10/8/2015 phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh và tiến tới là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
"Những nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cũng cần phải được điều chỉnh dần dần sao cho càng ngày càng tiếp cận và phù hợp với qui luật của thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương đã tiến hành dự thảo quyết định "Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân" để thay thế cho quyết định 69/2013/QĐ-TTg hiện đang có hiệu lực", ông nói.
Theo lãnh đạo EVN, việc đưa ra lấy ý kiến lần này của Bộ Công Thương thể hiện sự công khai minh bạch trong việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giá điện. Đây là bước cần thiết phải thực hiện trước khi ban hành chính thức.
"EVN với trách nhiệm của mình là đơn vị trực tiếp bán điện cũng sẽ nghiên cứu cẩn thận nội dung và có ý kiến góp ý chính thức, cụ thể đối với từng vấn đề nêu trong dự thảo để đảm bảo phù hợp với quá trình sản xuất kinh doanh điện của EVN", đại diện EVN khẳng định.
Có thể điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần
Theo dự thảo Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Công Thương lấy ý kiến, bên cạnh việc giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần với mức điều chỉnh tối thiểu 3% mỗi lần, Quỹ bình ổn giá điện cũng sẽ được lập.
Dự thảo cũng xây dựng các nguyên tắc điều chỉnh giá điện tùy theo diễn biến của tình hình thực tế. Theo dự thảo, trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi các thông số đầu vào cơ bản biến động (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...) so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng, để xác định giá bán điện bình quân hiện hành làm giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán, thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá sau khi đã trích Quỹ Bình ổn giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành làm giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán, cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá điện) với mức từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra theo đúng quy định. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Nếu chi phí đầu vào tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo nêu rõ, trước ngày 1/11 hằng năm, EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm so với giá bán bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Theo dự thảo, Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Theo Đời sống Pháp luật
Mang cả nồi cơm lên cơ quan nấu để xài điện "chùa" Tranh thủ cắm nồi cơm, sạc đầy pin điện thoại, làm muộn để còn tắm giặt ở công ty,... Sợ hóa đơn tiền điện tăng cao ngất vào những ngày hè nắng nóng, không ít chị em văn phòng tìm đủ cách để xài điện "chùa" nơi làm việc. Phòng làm việc thơm mùi cơm chín Ngày nào cũng như ngày nào, đều...