Hòa Bình xin làm 3 thủy điện nhỏ: Vô cùng lạ lùng
“Một tỉnh đã có thủy điện Hòa Bình đến 1920 MW, đang chuẩn bị mở rộng, mà vẫn tha thiết xin thêm mấy nhà máy nho nhỏ thì vô cùng lạ”.
Đó là khẳng định của TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam với Đất Việt xung quanh việc Hòa Bình xin làm thêm 3 dự án thủy điện nhỏ: Thủy điện So Lo 2 – Suối Rút , thủy điện Suối Cái 1 và thủy điện Suối Cái 2.
Vô cùng lạ lùng
Không chỉ riêng Hòa Bình, hiện nay trên rất nhiều các hệ thống sông suối ở nhiều tỉnh, những nơi có thể đặt được một nhà máy thủy điện (với các quy mô từ rất nhỏ đến vừa, lớn) là người ta sẵn sàng gửi công văn lên Bộ Công Thương xin điều chỉnh, xin bổ sung đưa vào quy hoạch để xây dựng.
TS Đào Trọng Tứ đưa quan điểm sau khi Hòa Bình xin làm thêm 3 dự án thủy điện nhỏ. Ảnh: TPO
Và tôi thấy, việc bổ sung quy hoạch có vẻ chẳng có gì khó khăn. Thực tế, đã là quy hoạch sông suối, thì người làm qui hoạch phải nhìn trước nhìn sau, nhìn lâu dài để nên đặt mấy công trình là đủ, bảo đảm cho sông suối còn có chỗ chảy, còn có chỗ cho con cháu thấy đấy là sông.
Tuy nhiên hình như việc bổ sung qui hoạch đơn giản như đặt thêm một món ăn lên bàn ăn, chứ không phải tính toán kỹ lưỡng cho hôm nay, cho ngày mai, cho ta và cho con cháu ta.
Việc các Bộ, ngành đưa lên bàn cân nhắc một thủy điện chỉ có 1.4 MW có thể phá hỏng thác cho du lịch, tôi thấy vô cùng lạ lùng.
Video đang HOT
Hơn nữa ở một tỉnh đã có thủy điện Hòa Bình đến 1920 MW, đang chuẩn bị mở rộng mà vẫn tha thiết xin thêm mấy nhà máy nho nhỏ, sợ dân vùng xa không có điện lại càng khó hiểu.
Thiên nhiên và người dân được gì?
Điều đáng nói là dự án thủy điện ở Hòa Bình, vị trí xây dựng thủy điện được đề cập đến đều nằm ở những huyện miền núi với 80% là địa hình đồi núi. Việc xây dựng này chắc chắn sẽ có tác động đến cuộc sống người dân và hệ sinh thái xung quanh.
Tuy nhiên không khó để lý giải điều này. Việc xây dựng đương nhiên có lợi ích cho mấy anh đầu tư, có lợi kha khá cho địa phương, đồng thời kèm theo lợi ích nhóm. Thiên nhiên và người dân được gì? Chúng ta có chút điện nhưng kèm theo đó là những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, sinh thái, thậm chí ô nhiễm nặng nề.
Sông suối ở những vùng có thủy điện (gọi là nhỏ) đã tan hoang lắm rồi. Chỉ cần nhìn nhà máy Thủy điện Cao Phong, thuộc huyện Cao Phong, Hòa Bình, thì thấy nó làm bộ mặt sông suối, cảnh quan tệ hại đến đâu.
Những dự án thủy điện nhỏ và vừa, Quốc hội nói dừng để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sông suối, rừng rú… Tuy nhiên các nhà đầu tư cùng những người có trách nhiệm ở địa phương và Trung ương lại thấy cơ hội phát triển kinh tế, bảo đảm “an ninh năng lượng” nên ủng hộ những công trình nhỏ, to.
Một việc kỳ lạ khác là chúng ta phá rừng để làm thủy điện, rồi đưa ra chủ trương trồng lại rừng. Câu hỏi đặt ra là ai trồng? Thực tế chỉ có 3,7% những diện tích thủy điện phá được trồng lại. Chúng ta làm gì còn đất mà trồng.
Nhiều người đặt vấn đề tìm giải pháp để quản lý chặt việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nhưng theo tôi chẳng có biện pháp nào. Nếu các địa phương vẫn còn mong muốn xin điều chỉnh quy hoạch, Bộ vẫn xem xét, từ cái bé tí cũng thấy đủ hồ sơ để làm thì chắc chắn không thể giải quyết được vấn đề gì cả.
Tôi không hề ghét bỏ thủy điện nhỏ. Đối với những vùng núi, điều kiện khó khăn, không thuận lợi thì những dự án này vẫn cần thiết. Thậm chí nhiều dự án tôi đã lên tiếng ủng hộ.
Nhưng thiết nghĩ chúng ta phải xem xét thật sự nghiêm túc và trả lời câu hỏi “đã thật sự cần thiết xây dựng chưa?”. Nếu cần thiết thì phải đầu tư cho bài bản, phải làm đẹp đẽ để tránh những tác động xấu, phá hoại môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam
Theo Đất Việt
Tỉnh Hòa Bình xin thêm 3 dự án thủy điện nhỏ
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 17/10, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã xin thêm 3 dự án thuỷ điện bao gồm: Thủy điện So Lo 2 - Suối Rút, Thủy điện Suối Cái 1, và Dự án thủy điện Suối Cái 2 thuộc tỉnh Hòa Bình.
Tại buổi làm việc với người đứng đầu ngành công thương, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất và kiến nghị với Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc.
Trong đó, dự án Thủy điện So Lo 2 - Suối Rút thuộc xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; Dự án thủy điện Suối Cái 1 thuộc huyện Tân Lạc và xã Yên Thượng huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; Dự án thủy điện Suối Cái 2 thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại buổi làm việc
Đáp lại đề xuất này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, ngày 13/7/2016, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, hồ sơ quy hoạch của 3 dự án nêu trên cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên, căn cứ trên bản vẽ sơ đồ bố trí công trình thủy điện Gò Lào và các thông tin có được cho thấy dự án thủy điện Gò Lào có vị trí trùng với điểm thác du lịch Gò Lào hiện có.
Vì vậy, nếu xây dựng dự án thủy điện Gò Lào thì sẽ không còn nguồn nước để duy trì điểm thác du lịch này (về quy mô dự án thủy điện Gò Lào có công suất nhỏ dự kiến là 1,4 MW, không đáng kể đối với hệ thống điện trong khu vực tỉnh Hòa Bình).
UBND tỉnh Hòa Bình chưa có ý kiến cụ thể về chủ trương lựa chọn giữa việc khai thác du lịch tại điểm thác Gò Lào hay phát triển dự án thủy điện Gò Lào, vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá hiện trạng khai thác du lịch tại điểm thác du lịch Gò Lào, có ý kiến chính thức về các vấn đề nêu trên, gửi Bộ Công Thương để xem xét.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của UBND tỉnh Hòa Bình. Sau khi UBND tỉnh Hòa Bình có ý kiến chính thức về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ xem xét, thẩm định để bổ sung quy hoạch đối với 3 dự án thủy điện nhỏ này.
Về dự án thủy điện So Lo 2, sau khi xem xét hồ sơ bổ sung quy hoạch, Tổng cục Năng lượng đã hướng dẫn Chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa nộp bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
Cũng trong buổi làm việc chiều 17/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện một số nội dung như sớm triển khai đầu tư dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Có phương án tối ưu để đảm bảo ổn định điện năng trong các KCN, CCN; Nghiên cứu đầu tư hệ thống trạm biến áp 110KV và hệ thống mạch vòng kép cho các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm đảm bảo ổn định chất lượng điện trong thời gian tới.
Phương Dung
Theo Dantri
Sự 'ngang ngược' của thủy điện Tuyệt đại đa số các dự án thủy điện đều có câu: điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Sự &'ngang ngược' của thủy điện Thế nhưng, nhìn lại mấy năm qua, khi những dự án thủy điện đầu các nguồn sông "trăm hoa đua nở" thì vấn đề xả lũ của nó trở thành mối hiểm họa cho người dân, nhất là...