Hòa Bình: Nông dân hối hả làm vụ 3, trồng đủ loại rau màu xanh tốt
Màu xanh đã bắt đầu trải rộng trên những cánh đồng lúa vụ mùa đã được thu hoạch xong trước đó. Bởi đây là thời điểm nông dân ở huyện Kim Bôi ( tỉnh Hòa Bình) đang tập trung triển khai sản xuất rau, củ, quả vụ đông xuân với khí thế sôi động.
Những ngày này, trên khắp cánh đồng ở các xã thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình sôi động với hình ảnh những người nông dân khí thế hừng hực ra quân làm vụ đông. Nhiều năm trước, diện tích đất này thường bị bỏ không để chờ tới vụ lúa xuân mới tiếp tục canh tác.
Nhiều nông hộ ở xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi đang hồ hởi cải tạo đất để trồng rau ngắn ngày.
Chia sẻ với PV, ông Bùi Văn Huỳnh sinh sống ở xóm Béo, xã Sơn Thủy, hồ hởi cho biết: Hàng năm sau khi thu hoạch lúa xong, chúng tôi bắt tay cải tạo đất trồng các loại rau để chuẩn bị cung cấp thực phẩm cho tết Nguyên đán. Hầu như tất cả các đồng ruộng trong xóm đều được tận dụng để trồng cải bắp, su hào, khoai tây, bí xanh, mướp đắng… Cá nhân tôi nhận thấy giá trị kinh tế, nguồn thu nhập từ vụ đông xuân đem lại khá cao, thậm chí cao gấp 2, 3 lần so với cấy lúa. Vì hiệu quả nên chúng tôi luôn chủ động làm, cứ xong vụ mùa là triển khai ngay.
Ông Đinh Văn Nhót, xã Sơn Thủy cho biết: Thu hoạch lúa xong, tôi tiến hành cày bừa đất ruộng để trồng rau cải trắng, xà lách để bán trong dịp tết Nguyên đán.
Khí thế vụ đông xuân cũng nhộn nhịp trên các cánh đồng tại Bắc Sơn, Bình Sơn, Kim Sơn, Hạ Bì… Bà con chuẩn bị vật tư, khơi mương dẫn nước, cuốc đất, gieo hạt và làm giàn cho dưa chuột, bí xanh. Dựa vào đặc thù thời tiết, khí hậu lạnh, sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tranh thủ được hàng chục ha đất trồng rau, củ, quả ngắn, thay vì bỏ không như trước đây.
Video đang HOT
Một số gia đình làm giàn trồng bí xanh trên đất ruộng.
Ông Bùi Xuân Bộ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi, nhận định: Thời tiết ấm và ẩm đầu vụ là điều kiện quan trọng thúc đẩy, tăng khí thế sản xuất vụ đông trên địa bàn. Bên cạnh những xã có phong trào sôi nổi từ trước, như: Hạ Bì, Đú Sáng, Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Nam Thượng, Sào Báy, phạm vi sản xuất vụ đông xuân mấy năm nay đã lan rộng ở nhiều xã khác, như: Bắc Sơn, Hùng Tiến, Kim Bình… Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã triển khai trồng trên 1.900 ha cây vụ đông, nhiều nhất là ngô với 450 ha, khoai các loại 190 ha, rau, đậu 470 ha. Tiến độ và diện tích thực hiện đều tăng so với thời gian và kế hoạch đề ra. Vụ sản xuất đông xuân đã giúp bà con nông dân tăng thêm nguồn thu nhập.
Hầu hết các cánh đồng ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đang phủ màu xanh bởi các cây trồng ngắn ngày và các loại rau, củ quả khác.
Chị Đinh Thị Hoa xóm Sào Đông, xã Sào Báy, cho biết: Cứ mỗi khi thu hoạch lúa xong, gia đình tôi bắt đầu cày đất, mua giống rau cải bắp, cà chua và su hào về trồng. Tôi thấy trồng rau ngắn ngày có hiệu quả khá cao, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Không riêng gì gia đình tôi, các hộ khác trong xóm cũng đều tăng gia sản xuất vụ đông xuân.
Tại xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, các diện tích trồng lúa trước đây từng bỏ không sau thu hoạch vụ mùa để chờ vụ lúa xuân mới canh tác, thì nay đã được người nông dân tận dụng khoảng thời gian giữa 2 vụ lúa để trồng cải bắp phục vụ nhu cầu trong dịp tết Nguyên Đán.
Những năm gần đây, sản xuất vụ đông của huyện Kim Bôi được thúc đẩy, diện tích trồng cây vụ đông xuân dao động từ 1.900ha – 2.500ha. Với phong trào sản xuất vụ đông, các địa phương đều tập trung vào chất lượng cây trồng để nâng cao giá trị và thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Chị Hà Thị Xuân đang tưới tiêu cho vườn cà chua.
Đến nay, đã hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP được chứng nhận an toàn thực phẩm. Với cây ngô vụ đông, để giảm bớt áp lực về thời tiết khắc nghiệt, quá nửa diện tích đã chuyển từ trồng lấy hạt sang trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Vụ đông xuân đã trở thành 1 trong 3 vụ sản xuất chính của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và cung ứng sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cho thị trường dịp cuối năm.
Theo Danviet
"Chấp" cả bão dịch, anh nông dân này vẫn có tiền tỷ từ nuôi lợn
Nuôi 1 con lợn đang lãi cả vài triệu bạc, anh Bùi Văn Binh ở xóm Dũng Ổi, xã Kim Truy, huyện Kim Bội, tỉnh Hòa Bình đang thu tiền tỷ. Bí quyết thành công của anh Binh là vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn.
Giá lợn đang lên phi mã, anh Bùi Văn Binh, chủ trại lợn to nhất xã Kim Truy vui như Tết. Vốn có thâm niên nhiều năm trong nuôi lợn, nên anh rất biết việc sau mỗi đợt dịch, giá lợn bao giờ cũng lên. "Tôi vừa xuất trăm con lợn thịt, giá trên 70.000đ/1kg. Chưa bao giờ tôi bán được lợn giá cá đên vậy", anh Binh chia sẻ.
Sau ngôi biệt thự bề thế là trại lợn rộng rãi, thoáng mát. Từng ô chuồng lợn vẫn được nuôi đầy đủ, không trống một ô nào. Hiện anh Binh vẫn duy trì đàn lợn nái 40 con và 200 con lợn thịt. Suốt mấy năm qua, bà con trải qua vô vàn khó khăn trong nuôi lợn, riêng anh Biên, chỉ lo giá xuống, chư anh lại không lo đàn lợn của mình bị dịch.
Anh Binh vẫn duy trì được đàn lợn, khi giá lợn đang tăng phi mã.
Bí quyết anh vẫn duy trì được đàn lợn mà không bị bão dịch tai xanh, dịch tả lợn châu Phi... là do anh luôn tuân thủ chặt chẽ quy định trong chăn nuôi. Nguồn giống nhập vào chuồng đảm bảo. Chuồng trại đúng quy cách, vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, đàn lợn giống luôn được tiêm phòng đẩy đủ 9 mũi. "Nhờ làm tốt việc này mà suốt những năm qua, dịch dã không thể xâm nhập vào đàn lợn của tôi", anh Binh cho biết .
Theo anh Binh, hiện giá lợn hơi đang trên 85.000đ/1kg, một con lợn thịt cho thu lãi vài triệu, cao gấp 4 lần so với mức bình thường. Đàn lợn nái cũng đang "đẻ trứng vàng" cho anh vì giá lợn thịt tăng cao, lợn giống cũng tăng phi mã. Năm nay, anh Binh thu tiền tỷ đúng dịp giá lợn biến động tăng đột biến liên tục và diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở khắp cả nước.
Lúc cao điểm, anh Binh nuôi 80 nái, hiện trang trại của anh có 40 nái. Với giá lợn bột khoảng 1,4 triệu đồng/1con, một con lợn nái đang cho thu lãi cả chục triệu đồng/lứa.
Mấy năm vừa qua là đại hạn với người nuôi lợn. Trại lợn của anh Binh cũng không tránh khỏi cơn lao đao. Khó khăn chồng chất, nhiều chủ nuôi lợn phá sản, nợ nần chồng chất. Khắp xóm trên, xóm dưới, nhà nhà treo chuồng vì không còn vốn. Riêng anh Binh lại coi đây là cơ hội.
Anh Binh vẫn duy trì đàn lợn ở mức vừa phải để có nguồn giống bán cho bà con khi giá lên. Hơn nữa, bí quyết thành công của anh Binh là luôn duy trì việc phòng dịch cho đàn lợn. Chuồng trại được tiêu độc, khử trùng thường xuyên, lợn tiêm phòng đầy đủ. "Trong 2 đợt dịch lớn vừa qua, đàn lợn của tôi vẫn an toàn. Vì vậy mà nguồn thu từ đàn lợn vẫn có"- anh Binh cho biết. Khu nuôi lợn của anh Binh ở gần nhà.
Xung quanh được phủ xanh cây để chống nóng cho đàn lợn. Ngoài ra, đường đi quanh trang trại lợn anh cho rải vôi bột thường xuyên. Từng con giống được quan tâm đến nơi, đến chốn, nếu phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường, anh tiến hành giải quyết ngay. Nguồn nước cho đàn lợn luôn đảm bảo sạch và an toàn. Anh Binh không giấu diếm bí quyết trong chăn nuôi, bà con cần hỏi, tư vấn về nuôi lợn anh đều chỉ bảo tận tình.
Theo Danviet
Nông thôn mới ở Sơn Thủy: Chuồng đầy dê, lúa đầy đồng Xã Sơn Thủy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) bước vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, cho đây là việc của Nhà nước phải thực hiện mà chưa thấy vai trò chủ thể của mình....