Hòa Bình: Những nông dân huyện Đà Bắc làm du lịch trên vùng hồ
Mới chỉ có vài năm, vậy mà các xóm, bản homestay đã tạo sức hút, đem lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với vùng hồ Hòa Bình.
Chúng tôi khá bất ngờ trước sự đổi thay khi trở lại thăm bản Đá Bia – nay là xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc).
Chỉ vài năm trước, từ chỗ làm nông nghiệp thuần túy, quanh năm với nương đồi, chăn nuôi, rồi bắt đầu tập làm du lịch, còn bỡ ngỡ từ nấu ăn, trang trí phòng, bàn, điệu múa, cách mời khách…, thì đến nay, những nông dân Đá Bia đã làm du lịch chuyên nghiệp hơn rất nhiều, họ đã cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch tốt hơn, chất lượng hơn cho du khách.
Chị Bùi Thị Nhềm chẳng muốn kể nhiều về mình, chị đưa cho chúng tôi xem những cảm nhận của một du khách viết về Đá Bia: “5 năm sau quay trở lại, thật ấn tượng với sự phát triển đẹp đẽ của bản làng bà con.
Em Nhềm nói một câu ấn tượng, không biết có làm được gì không, nhưng trước đây, em chỉ biết có nếp nhà nhỏ, có gì thì làm tiếp. Bà con trong xóm chắc cũng thế, cuộc sống, phát triển tự nhiên như cây trên rừng, như cảnh vật nơi đây”. Từ một bản làng như biết bao bản làng ven hồ Hòa Bình, được sự hỗ trợ của một tổ chức quốc tế và Công ty CP Du lịch Đà Bắc, Nhà nước hỗ trợ ban đầu về tài chính, đầu tư cải tạo nhà ở, cảnh quan môi trường, bảo tồn văn hóa địa phương, hướng dẫn kiến thức làm du lịch, quảng bá, kết nội thị trường…
Nông dân Đá Bia đã nắm bắt cơ hội để phát triển du lịch, đem lại diện mạo mới cho du lịch hồ Hòa Bình. Các hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm nhà sàn, tích cực học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch, cách nấu ăn, nghiệp vụ buồng bàn, giữ gìn môi trường, những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt cá, để xây dựng các sản phẩm du lịch ngày một tốt hơn, phục vụ du khách.
Bản Đá Bia là một trong những bản đẹp nhất, đem lại ấn tượng thú vị nhất cho du khách ở khu vực hồ Hòa Bình, có “quán tự giác”, con người thật thà, chân chất, hòa đồng, dễ mến. Người nông dân làm du lịch đã bước đầu giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài, dùng điện thoại đặt lịch, quảng bá sản phẩm du lịch.
Đá Bia đã có 5 hộ làm du lịch cộng đồng (DLCĐ). Mỗi nhà có thể đón hàng chục khách lưu trú dài ngày. Mỗi người dân đều có thể là hướng dẫn viên du lịch, giúp du khách khám phá, tìm hiểu nét đẹp địa phương. Bản Đá Bia là 1 trong 3 bản DLCĐ trên toàn quốc, được bình chọn và nhận Giải thưởng DLCĐ Asean năm 2019.
Cùng với bản Đá Bia, người nông dân ở các xóm, bản ven hồ cũng đã chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang làm du lịch. Trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng có các xóm, bản homestay tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước như: xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn)… Huyện Đà Bắc đã xây dựng Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2030, đặt trong bối cảnh hồ Hòa Bình được quy hoạch là khu du lịch quốc gia.
Huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể để phát triển DLCĐ gắn với khai thác tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa, hỗ trợ giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn khi chú trọng quảng bá, kết nối thị trường khách; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch của người dân Đà Bắc, phát triển DLCĐ một cách bền vững. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án, tạo sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng NTM.
Video đang HOT
Lòng hồ sông Đà (Hòa Bình), tiềm năng và thế mạnh du lịch
Vùng Hồ Hòa Bình nằm cách trung tâm Hà Nội 74 km về phía Tây, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 04 huyện và 01 thành phố của tỉnh Hòa Bình.
Nơi đây từ lâu đã được biết đến như một " Vịnh Hạ Long trên núi" với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điểm thăm quan tâm linh, văn hóa, du lịch nổi tiếng như đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên...
Tàu đưa du khách cập bến thuyền đảo Dừa. Ảnh: Ngô Đức Hành
Đảo Dừa, điểm nhấn vùng lòng hồ
Là một điểm đến nằm trong tuyến du lịch trên Hồ, hiện khu nghỉ Đảo Dừa đang thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng bởi vẻ đẹp hoang sơ hấp dẫn mà ít nơi có được.
Thuộc xã Vầy Nưa của huyện vùng cao Đà Bắc, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 25km, mất khoảng 20 phút đi tàu từ bến cảng du lịch Thung Nai, Đảo Dừa nằm gần với điểm du lịch tâm linh đền Bờ và động Thác Bờ. Từ xa nhìn vào, Đảo Dừa ẩn hiện trong màu xanh của cây cối và sông nước bao la khiến những ai chưa đặt chân tới đây lần nào sẽ nghĩ đây chỉ là một hòn đảo tự nhiên cũng giống như bao hòn đảo nhỏ khác nổi trên mặt hồ khi ngăn đập thủy điện Hòa Bình. Nhưng khi đặt chân lên đảo mọi người mới thực sự ngỡ ngàng và khâm phục khi tận mắt chứng kiến cảnh quan, công trình đã được những con người chăm chỉ, cần cù, mến khách xây dựng, chăm chút và bố trí khéo léo trong suốt nhiều năm.
Các khu vực phục vụ khách trên đảo được bố trí khá hợp lý giữa không gian thoáng mát với tầm nhìn bao quát một góc Hồ và các đảo xung quanh. Từ cầu tàu bước lên là khoảng sân rộng rãi với các dãy ghế, võng mắc và bàn uống nước đón tiếp khách. Bốn ngôi nhà sàn lớn xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Mường được chủ đảo cho xây dựng vững chắc và phân bố theo các khu vực khác nhau nhưng khá hài hòa, hợp lý, được dùng làm chỗ nghỉ, đồng thời cũng là chỗ ăn khi có khách yêu cầu được ngồi ăn trên nhà sàn hoặc khi có các đoàn khách đông người.
Bên cạnh đó, xung quanh đảo, gần sát mép hồ là 8 ngôi nhà sàn nhỏ gọn nằm quay mặt ra phía hồ được dựng để dành riêng cho khách du lịch đi nghỉ theo gia đình. Tại các nhà sàn, chủ nhà đều bố trí đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt cần thiết như chăn, màn, gối, đệm,.. phục vụ nhu cầu nghỉ trong ngày, nghỉ qua đêm của du khách.
Muốn đốt lửa trại, vui văn nghệ theo đoàn theo gia đình hoặc xem các tiết mục văn nghệ truyền thống do chính người dân biểu diễn, du khách có thể lựa chọn nhiều địa điểm khác nhau trên đảo với những khoảng sân rộng đã được chủ đảo bố trí giữa các khu nhà sàn. Bên cạnh thưởng ngoạn vẻ đẹp vốn có của phong cảnh, thiên nhiên vùng Hồ, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng do chính tay gia đình chủ đảo nuôi, trồng và chế biến theo cách thức, gia vị truyền thống riêng có của người dân bản địa như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng...
Chủ đảo Dừa ông Nguyễn Đình Tuy và tác giả
Được đặt tên Đảo Dừa bởi khi mới lên khai hoang, lập nghiệp, thấy vùng đất đồi được bao quanh bởi một vùng sông nước bao la, chủ đảo - ông Nguyễn Đình Tuy đã nghĩ ngay tới việc trồng thử cây dừa bởi đây là loài cây dễ sống, khá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng Hồ. Sau một thời gian dài tìm giống cây và bỏ công chăm sóc, giờ hơn 1ha đảo đã được bao quanh bởi màu xanh của hàng trăm cây dừa. Với cái tên Đảo Dừa mộc mạc, gần gũi, hiện các món ăn trên đảo khi được chế biến đều được cho một chút nguyên liệu của dừa để món ăn ngon hơn và đặc biệt là để du khách dễ nhớ hơn tới nơi này.
Ngoài cây dừa là cây chủ đạo, trong diện tích 10ha trên đảo còn trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và tính cách thoải mái, phóng khoáng của gia đình chủ đảo, du khách có thể đi bộ thăm quan đảo dưới tán của bạt ngàn cây bóng mát, cây lấy gỗ; tự do hái trái cây thỏa thích tại các vườn cây ăn quả: xoài, hồng, nhãn, vải, khế,.. hoặc bơi thuyền thăm các đảo xung quanh, tắm, câu cá,... mà không phải bỏ thêm một khoản chi phí nào khác.
Hiện trung bình mỗi tuần Đảo Dừa đón hàng trăm khách, chủ yếu là các gia đình đi nghỉ cuối tuần, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, các đoàn công tác, khách đi lễ đền Bờ và động Thác Bờ... Trong đó số lượng khách nghỉ lại qua đêm chiếm tới 70%.
Hồ Hòa Bình là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với phong cảnh sơn thủy hữu tình, có các điểm tâm linh, văn hóa mang tính lịch sử, nhiều thắng cảnh đẹp, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch các tỉnh Tây Bắc theo tuyến sông Đà và quốc lộ 6. Ngoài điểm du lịch tâm linh đền và động Thác Bờ, hiện mô hình du lịch sinh thái Đảo Dừa đang là điểm du lịch hấp dẫn, được khách du lịch ưa thích và quan tâm... Đây có thể xem là một điểm sáng cần được giới thiệu, nhân rộng nhiều hơn nữa nhằm khuyến khích mô hình tư nhân đầu tư phát triển du lịch trên vùng Hồ, đưa du lịch vùng Hồ Hòa Bình phát triển xứng đáng với những tiềm năng vốn có.
Tiềm năng du lịch Hòa Bình
Đến với Hòa Bình, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Ảnh: Ngô Đức Hành
Là vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội - tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ, với nền nét văn hóa Hòa Bình đặc sắc, nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Cùng với đó là trên 50 bản, làng du lịch - văn hóa, đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Đến với Hòa Bình, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nếp sinh hoạt, tính thân thiện và cuộc sống mộc mạc của người dân bản địa. Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi nét nguyên sơ của nếp nhà sàn, đức tính giản dị và hiền hòa của con người nơi đây.
Đặc biệt, gần đây tạp chí Business Insider đã bình chọn Mai Châu (Hòa Bình) là một trong mười địa danh hấp dẫn trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương. Chỉ mất khoảng 3 giờ đi ô tô từ Hà Nội, Mai Châu là một điểm du lịch miền núi với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác. Dân cư nơi đây chủ yếu là người Thái trắng sinh sống. Cách tốt nhất để bạn trải nghiệm văn hóa địa phương ở đây là tham gia loại hình du lịch " homestay", nghĩa là sống và tham gia sinh hoạt cùng với những gia đình địa phương.
Người Mường, người Thái, Tày, Dao, Mông... trong tỉnh sống xen kẽ, hòa hợp với nhau đã tạo nên sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hóa. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài.
Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn dân tộc Mường, sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc với gần 100 ngôi nhà sàn còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán Mường được người dân tái hiện từ thực tế cuộc sống.
Lòng hồ Hòa Bình chứa đựng những thú vị, bất ngờ. Ảnh: Ngô Đức Hành
Xa hơn, du khách có thể về với bản Cú, xã Tử Nê (huyện Tân Lạc), bản Thấu, xã Lạc Sỹ (huyện Yên Thủy)... Du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác hơn 15 năm nay, đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Từ phát triển kinh tế, người dân đã ý thức được giữ gìn nếp sống hàng ngày, bản sắc văn hóa và đó là một yếu tố tạo nên thành công cho du lịch cộng đồng. Ngành du lịch Hòa Bình đang làm nhiều việc gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương.
Giá trị văn hóa được ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội. Các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Thủy), lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao... được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội đã làm thỏa mãn những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền.
Cùng với các lễ hội, nhiều di tích văn hóa tín ngưỡng được các cấp bảo tồn và phát huy với nhiều hình thức: Sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; khơi dậy các sản phẩm du lịch độc đáo nhạc cụ cồng chiêng của người Mường.
Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ giờ đây được in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn)... Nhờ phát huy được các giá trị văn hóa đó, Hòa Bình ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, tuy nhiên tỉnh vẫn chưa khai thác được thế mạnh đó. Hiện nay, hồ Hòa Bình ví như một vịnh Hạ Long trên cạn tuy đã đưa vào tuyến du lịch trọng điểm quốc gia nhưng chưa thu hút được đầu tư. Khách du lịch lòng hồ Hòa Bình phần lớn là du lịch tâm linh đền Bờ, thăm một vài hang động, đảo dừa, đảo cối xay gió, tỉnh chưa có đầu tư tương xứng tạo điểm nhấn ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.
Để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Trước yêu cầu đòi hỏi tỉnh Hòa Bình đã và đang cố gắng xây dựng chương trình hành động về du lịch thiết thực, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền.
Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi". Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản...