Hở van tim bao nhiêu đáng lo?
“Hở van hai lá 2/4″, “hở van ba lá 1/4″… Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ rất lo lắng khi thấy kết quả siêu âm tim ghi như vậy.
Xung quanh bệnh hở van tim, PGS.TS Đỗ Kim Quế – phó giám đốc BV Thống Nhất, TPHCM – cho biết:
- Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại.
Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.
Tim người có bốn van: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van dễ bị tổn thương nhất là van hai lá, kế đến là van động mạch chủ, còn van ba lá và van động mạch phổi ít bị tổn thương hơn.
* Thưa PGS, hở van tim bao nhiêu mới đáng lo và cần điều trị thế nào?
- Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có bốn mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim…
Van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
Về điều trị, tùy nguyên nhân gây hở van tim mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu hở van tim do tim bị giãn, khi điều trị tim nhỏ lại sẽ hết hở. Nếu hở do dây chằng bị dài hoăc bị đứt thì không thể hết, nhất là khi bị đứt thì phải mổ để sửa lại, nhưng vẫn phải điều trị để bệnh không nặng thêm và không dẫn tới suy tim.
Video đang HOT
Khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị…
* Nguyên nhân nào khiến van tim bị hở, thưa PGS?
- Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do nguyên nhân bẩm sinh, tức mới sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim. Nhóm thứ hai do nguyên nhân người bệnh có những bệnh lý mắc phải.
Trong bệnh lý hở van tim do mắc phải lại chia ra làm hai dạng bệnh thường gặp: Bệnh lý van tim mắc phải do hậu thấp, tức là sau khi bị thấp khớp, thấp tim mới dẫn đến bị hở van tim; hở van tim do nguyên nhân này hiện nay chiếm tỉ lệ cao nhất ở VN và những nước đang phát triển.
Bệnh lý van tim mắc phải do thoái hóa, hở van tim do thoái hóa có thể do thoái hóa của tuổi già, hoặc do bệnh lý nào đó làm tim thoái hóa nhanh hơn so với người bình thường.
Bên cạnh hở van tim do thoái hóa còn có những bệnh lý có thể gây ra tổn thương ở van tim, cụ thể như thiếu máu (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim).
Khi van tim bị hư như vậy sẽ làm đứt những dây chằng, đứt phần cơ giữ van tim ở trong khiến van tim bị hở. Ngoài ra còn những bệnh lý khác hiếm gặp nhưng cũng có thể làm van tim bị hở, như bệnh cơ tim giãn nở hoặc bệnh nhân bị phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc…
* Những triệu chứng của hở van tim thế nào?
- Thông thường hở van tim nhẹ sẽ không có triệu chứng. Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được. Đối với những trường hợp hở van tim mà chưa có triệu chứng phải siêu âm mới thấy.
* Có khi nào siêu âm tim bị sai không?
- Kết quả siêu âm phụ thuộc vào người thực hiện. Nếu người làm có kinh nghiệm thì kết quả sẽ chính xác hơn người không có kinh nghiệm. Trang thiết bị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả siêu âm tim. Với máy móc tốt, độ nhạy cao, độ phân giải cao sẽ nhìn rõ hơn, chính xác hơn so với máy cũ, máy có độ phân giải thấp…
Ngoài ra, cần lưu ý van tim không phải lúc nào cũng cố định. Có lúc nó hở một chút, có lúc lại hết hở vì van tim là những cái lá rất mỏng, khi thắt lại với nhau thì kín, nhưng có khi vì một lý do nào đó bị hơi hở một chút nhưng sau đó lại trở về bình thường.
Vì thế mới có chuyện bệnh nhân thắc mắc chỗ này siêu âm bảo hở, chỗ khác lại bảo không hở. Thực tế có khi van tim hết hở thật chứ không phải do bác sĩ siêu âm sai.
* Xin cảm ơn PGS!
Theo Tuổi Trẻ
Xem tướng đoán bệnh
Việc xem tướng đoán bệnh, những tưởng chỉ là nói nghe cho vui, nhưng theo các bác sĩ (BS) thì điều này là hoàn toàn có cơ sở.
Và tùy theo chuyên môn của mình, người thầy thuốc có thể "trông mặt mà bắt hình dong".
PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng: những người có tay chân dài, ngón tay, ngón chân dài không cân đối xương ức lồi ra hay lõm vào, xương sống cong, bàn chân phẳng, cận thị nặng... rất dễ bị tổn thương tim hẹp, hở van tim, lâu ngày dẫn đến suy tim vì đã bị hội chứng Marfan. Biến chứng về tim mạch là phổ biến ở những người mắc hội chứng này.
Bên cạnh đó, hội chứng Marfan có thể gây biến chứng tại các cơ quan khác như: mắt (tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, lạc chỗ thủy tinh thể, tách võng mạc, hệ thần kinh, da, phổi...). Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì tuổi thọ của những người mắc hội chứng này đã tăng lên khoảng 20 - 25 năm, thay vì từ giã cõi đời khi vừa qua tuổi 40. Việc mang thai ở những người mắc hội chứng Marfan cần suy xét và theo dõi kỹ vì tăng nguy cơ tử vong do biến chứng tim mạch.
Còn những người có đầu ngón tay to (ngón tay dùi trống), có khả năng rất cao bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh dạ dày, ruột... Tùy theo triệu chứng xuất hiện mà BS có thể nhìn thấy trước bệnh nhân đang bị bệnh gì. Ví dụ người bệnh có thói quen hút thuốc lá, khó thở... thì khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là rất cao. Còn trường hợp bị tím tái, sốt... là do rối loạn tim mạch gây ra. Và như vậy, khi gặp người vàng da, có thói quen thường xuyên "chén chú chén anh", lại hay bị "Tào Tháo rượt " có khả năng rất cao bị thương tổn gan, dạ dày ruột hay cường giáp. Nếu thấy đầu ngón tay to, cần dành thời gian để tìm bệnh, điều trị sớm, bởi đây là những bệnh nếu để nặng thì điều trị tốn kém, chịu nhiều đau đớn về thể xác.
Cũng theo BS Hoài Nam, kể cả những người lồng ngực to (lồng ngực hình thùng) cũng là dấu hiệu để nhận biết mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh này khi nặng sẽ khiến người ta không nói nổi, không đi nổi, thậm chí không thể tự làm vệ sinh... và trở thành gánh nặng cho người thân. Tuy nhiên, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá tương đối dễ phòng tránh. Họ chỉ cần bỏ hút thuốc lá, tránh nơi ô nhiễm, khói bếp, tập thể dục, hít thở đều đặn và đến phòng khám thường xuyên là... thay đổi được số phận.
Nhìn vóc dáng, BS dinh dưỡng có thể đoán biết được chế độ ăn của chủ nhân. Chẳng hạn như người có vòng bụng to, ngấn mỡ chứng tỏ thích ăn các loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Nếu là trẻ em thì các món bé hay ăn là bánh, kẹo, hamburger, kem... Còn nếu là phụ nữ thì các món thường là: xôi, chè, bánh các loại hoặc các loại bánh chiên ngập dầu. Nếu là đàn ông thì vòng bụng này được xây dựng nhờ "công trình bia bọt".
Người có vòng 2 to, thừa cân dễ bị các bệnh về tim mạch, huyết áp, xơ mỡ mạch máu... Bệnh sẽ nặng hơn nếu không theo dõi và tiếp tục ăn uống thoải mái. Trường hợp chị Sáu, tiểu thương ở Phú Lâm (TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Dù ngày càng thừa cân, béo phì, có những biểu hiện khó thở, mỏi mệt nhưng chị không quan tâm. Trước đêm được gia đình chở vào cấp cứu tại BV Trưng Vương TP.HCM, chị đã ăn ba trứng vịt lộn, một tô cháo lòng, một ổ bánh mì thịt ba rọi... Người nhà cho rằng chị trúng thực, trúng gió, nhưng thực tế, chị bị xơ vữa mạch máu, huyết áp cao không điều trị ngay từ đầu, cộng với nguyên do đã bước qua tuổi mãn kinh, tim không còn được nội tiết tố bảo vệ, lại ăn uống những món buộc tim phải lao động cật lực, nên ngã quị là điều có thể đoán trước.
BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, khuyên: tốt nhất là nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý và chỉ nên giữ chỉ số BMI trong mức 18,5-22. Cách tính như sau:
Cân nặng (kg)
BMI = -------------------------
(Chiều cao)2 (m)
Béo phì không tốt, nhưng gầy yếu xanh xao cũng rất bất ổn. Do vậy, cần xem xét lại mọi chế độ sinh hoạt xem có gì bất thường như: thức khuya quá, căng thẳng quá, buồn phiền quá... rồi tìm cách giải quyết. Trong trường hợp mọi thói quen sinh hoạt ăn uống đều tốt, hãy đi khám tổng quát để phát hiện bệnh sớm.
Trông tướng mạo, BS có thể tiên đoán bệnh với tỷ lệ chính xác cao vì dựa trên chứng cứ y học, thế nên nhiệm vụ của chúng ta là tìm gặp BS và hỏi bệnh.
Theo PNO