Ho từng cơn, người đàn ông trung niên mắc ho gà
Ngày 8/3 Bệnh viện Bạch Mai thông tin đang điều trị bệnh nhân trung niên 43 tuổi mắc ho gà. Với bác sĩ điều trị, đây là lần đầu tiên gặp bệnh ho gà ở người lớn sau vài chục năm làm nghề.
Trước đó, ngày 26/2/2019, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân (BN) Ong Văn T. 43 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vì ho từng cơn và khó thở có tiếng rít. Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ nghĩ nhiều đến theo dõi hen phế quản ở bệnh nhân.
Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau họng, không sốt, đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được chẩn đoán viêm Amidan mủ, được kê đơn điều trị ngoại trú. Tuy nhiên sau khi dùng thuốc bệnh nhân vẫn ho dữ dội, khó thở nên phải nhập viện Thanh Nhàn điều trị.
Mỗi ngày bệnh nhân ho khoảng 8 cơn, kéo dài 5-10 phút trong một cơn ho. Bệnh nhân ho, khó thở nặng, tím tái, khạc đờm trắng, dính đã phải chuyển khoa hồi sức tích cực.
Sau khi được chuyển lên bệnh viện tai mũi họng trung ương, bệnh nhân được được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán theo dõi Hen phế quản vì nội soi tai mũi họng không phát hiện bệnh lý của chuyên khoa Tai mũi họng.
PGS.TS Nguyễn Hải Anh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai) là người trực tiếp khám cho bệnh nhân. Sau khi cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm chuyên sâu, tìm nguyên nhân của cơn ho và khó thở của bệnh nhân, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với ho gà.
Video đang HOT
Để khẳng định chắc chắn chẩn đoán, mẫu đờm của bệnh nhân được gửi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả Vi khuẩn định danh PCR Ho gà cũng trả lời: dương tính.
Sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân Ong Văn T. đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày 8/3.
PGS.TS. Nguyễn Hải Anh khuyến cáo, bệnh ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn.
Vì thế, thấy các dấu hiệu ho bất thường người dân cần đi khám sớm. Ngoài ra, để phòng căn bệnh ho gà nguy hiểm ở trẻ em, hãy cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Vẫn sử dụng vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five
Dù có nhiều trẻ bị tai biến sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five nhưng trong giới hạn cho phép nên tại Việt Nam vẫn sử dụng loại vắc-xin này
Gần đây, nhiều phụ huynh có con nhỏ tiếp tục bày tỏ sự lo lắng trước thông tin trẻ tử vong và có phản ứng co giật sau tiêm vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five.
Chưa hết lo tai biến sau tiêm
PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa có quyết định đình chỉ tiêm đối với lô vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five mà chỉ tạm ngừng đánh giá nguyên nhân. Trong thời gian này, trẻ vẫn được tiêm vắc-xin Combe Five ở những lô khác. Những trường hợp trẻ phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Combe Five có sốt cao, quấy khóc hơn ngày thường... là những phản ứng thông thường.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), phân tích kết quả đánh giá trước đó cho thấy trong số hơn 100.000 liều vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five đã được tiêm, tỉ lệ trẻ gặp phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn an toàn. Vắc-xin ComBE Five có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem. Tuy nhiên, với thành phần ho gà có trong vắc-xin thì nguy cơ phản ứng cũng cao hơn các vắc-xin khác.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trường lực cơ, sốc phản vệ vào khoảng 20 trường hợp trên 1 triệu liều vắc-xin sử dụng" - GS Đặng Đức Anh giải thích.
Dù xảy ra một số trường hợp tai biến nhưng vắc-xin "5 trong 1" ComBE Five vẫn tiếp tục được sử dụng
Bồi thường nếu bị tai biến
Ông Trần Đắc Phu cho biết tất cả vắc-xin trước khi đưa ra sử dụng đều được kiểm nghiệm lại. Không có vắc-xin nào an toàn 100%. Tai biến trong tiêm chủng luôn có dù tỉ lệ rất thấp. Năm 2018 có gần 27.800 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận, trong đó có 32 phản ứng nặng, 3 trẻ trong số này đã tử vong. Đặc biệt, có 3 trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin dịch vụ, cả 3 trường hợp này đều ở Hà Nội, các cháu đều được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm, có 68% các trường hợp được kết luận là do phản ứng quá mẫn cảm với vắc-xin (sốc phản vệ), 19% các trường hợp là không rõ nguyên nhân, 13% là do trùng hợp với bệnh sẵn có của trẻ. Do đó theo quy định việc bồi thường tai biến tiêm chủng được Việt Nam thực hiện trong 2 năm qua với khoảng 10 trường hợp.
"Với những phản ứng sau tiêm vắc-xin đều là phản ứng không mong muốn nên kể cả trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin do trùng hợp ngẫu nhiên mà không phải do vắc-xin cũng vẫn được bồi thường. Việc bồi thường là nhằm hỗ trợ phần nào cho gia đình trong trường hợp không may xảy ra khi tiêm vắc-xin" - ông Phu nói.
Theo quy định, các trường hợp được nhà nước bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật, người được tiêm chủng bị tử vong. Trong đó người bị thiệt hại để lại di chứng dẫn đến khuyết tật sẽ được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút. Người bị thiệt hại đến tính mạng được hỗ trợ các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định; được hỗ trợ chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân...
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết kết quả báo cáo việc triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho thấy số trẻ phản ứng thông thường sau tiêm đã giảm. Tuy nhiên với cơ địa của trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh 2-3 tháng tuổi thì rất khó nói trước điều gì. Mặc dù nhân viên tiêm chủng đều được đào tạo, tập huấn và thực hiện sàng lọc trước khi tiêm nhưng đối với những bệnh tiềm ẩn như tim bẩm sinh rất khó phát hiện.
Đã sử dụng hơn 400 triệu liều
Vắc-xin ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định từ năm 2012. Tính đến nay, có trên 400 triệu liều đã được sử dụng ở 40 quốc gia. Nhiều nước đã đưa vắc-xin này vào tiêm chủng mở rộng. Tại Việt Nam, vắc-xin này đã được thử nghiệm lâm sàng và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ năm 2017. "Tất cả các lô vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng đều được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế kiểm tra chất lượng toàn diện. Trước khi đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế đã triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh để tiêm cho trên 17.000 trẻ trong tháng 10 và tháng 11-2018.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Theo nld.com.vn
Chuyên gia khuyến cáo người dân về việc cắt amidan Viêm amidan là một bệnh lý tai mũi họng phổ biến, thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc biệt hay gặp ở thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh hay không khí ô nhiễm. Tuy nhiên việc cắt amidan như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Viêm amidan có...