“Hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương: Căng mình chống ùn tắc
Đã 4 ngày sau khi xuất hiện “hố tử thần” khổng lồ trên đường Lê Văn Lương kéo dài, trong khi các đơn vị chức năng vẫn đang tranh cãi nguyên nhân và đùn đẩy trách nhiệm thì lực lượng CSGT hàng ngày phải oằn mình phân luồng, đảm bảo an toàn cho người dân.
CSGT ứng trực phân luồng phương tiện giao thông tại ngã tư
Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến (ảnh chụp lúc 18h30 ngày 21-8-2012)
Vào chiều qua 21-8, hiện trường vụ sụt lở sau 4 ngày vẫn không có nhiều thay đổi, có chăng chỉ là nước thải từ trong các ống cống bị đứt gãy chảy ra ngày càng nhiều, tràn lên cả mặt đường. Trung tá Hà Văn Thanh-Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT – CATP Hà Nội cho biết: “Nước cống chảy mạnh cộng với mưa liên miên suốt mấy ngày vừa qua, “hố tử thần” đang đứng trước nguy cơ ngày càng lan rộng. Lo lắng của Trung tá Thanh không phải là không có căn cứ, bởi xung quanh miệng “hố tử thần” đã bắt đầu xuất hiện một số vết nứt. Chưa hết, việc nước mưa, nước thải chảy ra đọng thành vũng ngâm dưới miệng hố đã khiến cho nền đất ở tuyến đường này vốn dĩ đã yếu càng trở nên khó lường.
Là một trong 2 tuyến đường huyết mạch nối quận Hà Đông, các huyện ngoại thành vào trung tâm thành phố, đường Lê Văn Lương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tiết, chia sẻ gánh nặng cho tuyến đường Nguyễn Trãi-Quang Trung. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra sự cố, toàn bộ phương tiện tham gia giao thông đã phải đổ dồn sang đường Ba La, Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn về Nguyễn Trãi-Quang Trung, khiến cho dọc trục đường này lâm vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm kèm theo mưa lớn. Chưa hết, bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến xuôi về đường Phạm Hùng, hệ thống đường trên cao vẫn chưa hoàn thành. Tuyến đường vành đai 3 vốn dĩ đã hẹp nay càng thêm chật cứng bởi lượng người và phương tiện muốn rẽ về Hà Đông bị chặn ở ngay gần ngã tư Nguyễn Xiển-Lê Văn Lương kéo dài.
“Ngoài việc chăng dây, đặt biển cảnh báo, cấm cả hai chiều trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, để đảm bảo an toàn cho người dân, hiện lực lượng CSGT của đơn vị đang phải căng sức chống ùn tắc, phân luồng giao thông” – Trung tá Thanh nói. Những ngày trước đó, nếu như ở nút giao thông Lê Văn Lương kéo dài-Nguyễn Xiển có 2 CBCS làm nhiệm vụ phân luồng thì nay, số CSGT được tăng cường lên tới 5 CBCS nhưng công việc lúc nào cũng ngập đầu.
Thông tin với PV, đại diện Đội CSGT số 7 bày tỏ quan điểm, thay vì cứ ngồi đó để tranh cãi đúng sai, lỗi tại người nào thì các cơ quan chức năng nên cùng nhau tìm cách khắc phục sớm hậu quả để đảm bảo TTATGT. Việc “hố tử thần” hình thành đến nay đã 4 ngày mà vẫn không được bất kỳ ai, cơ quan nào đứng ra sửa chữa là một việc làm thiếu trách nhiệm, tắc trách của những bên có liên quan. Cắm biển, cấm đường chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, không thể kéo dài lâu. Hãy đặt lợi ích, tính mạng và sự an toàn của người dân lên trên chứ không nên ngồi đó lo đổ lỗi trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mình. Không chỉ sớm khắc phục, việc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ những tuyến đường, phố nằm cạnh các khu vực đang xây dựng lớn có khả năng nằm trong vùng nguy hiểm cũng cần phải được các đơn vị chức năng nhanh chóng triển khai.
Theo ANTD
Xe chuyển rác gây ô nhiễm
Việc thu gom, vận chuyển, thu dọn không cẩn thận rác thải sinh hoạt đang gây ra tình trạng mất vệ sinh cục bộ tại nhiều đường phố và khu dân cư. Điều đáng nói là chính những xe chở rác chuyên dụng lại đang vô tư phát tán nước thải bẩn ra môi trường.
Rác thải chờ được ép thành khối
Thu gom còn hạn chế
Thường cứ vào giờ tan tầm, nhiều đường phố, ngõ hẻm Hà Nội lại nồng nặc mùi hôi thối. Đây cũng là lúc rác được tập kết để chờ xe ép rác đến chuyển đi. Việc thu gom rác thải hiện nay hầu hết là gián tiếp, thông qua các xe đẩy từ các khu vực dân cư, tập kết về một điểm tự phát rồi chuyển lên ô tô chuyên dụng tại các ngã tư, góc đường... Việc xử lý rác tại chỗ chỉ diễn ra khoảng 10-15 phút nhưng nhiều chỗ đường hẹp nên mùi hôi phát tán ra từ công đoạn mở nắp thùng rác, đổ vào xe ép đã gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống gần khu vực đó. Trong khi ép rác thành khối, nước bẩn từ rác sinh hoạt chảy thẳng xuống đường. Xe chở rác đi rồi, nước thải vẫn đọng lại thành từng vũng lớn loang lổ trên mặt đường.
Chị Dương Thị Thảo (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) ở khu vực cầu Voi (gần chợ Mai Động) cho biết, đây là khu vực tập kết rác của một số phường như Mai Động, Hoàng Văn Thụ... Tình trạng ô nhiễm ở khu vực này khá nặng, ban ngày thì ô nhiễm khói bụi từ các phương tiện giao thông, chiều tối rác thải được tập kết về đây bắt đầu bốc mùi khiến chị có muốn đi tập thể dục buổi tối cũng rất ngại. Những gia đình ngay gần bãi tập kết còn khốn khổ hơn. Ngày nào vào giờ thu gom và vận chuyển rác, người dân cũng phải đóng kín cửa nhà để ngăn mùi bay vào. Những ngày mưa thì rác trôi cả vào nhà còn những ngày nắng thì có đóng kín cửa vẫn ngửi thấy mùi rác vì nước "cốt" vẫn đọng lại ở đấy.
Vận chuyển gây ô nhiễm...
Trong quá trình vận chuyển rác tới các bãi chôn lấp, xử lý ở ngoại thành, xe ô tô chở rác đi đến đâu nước thải bẩn chảy đến đó. Nước "cốt" của rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí cả xác động vật đã phân hủy trên chính những xe chuyên dụng đó vương vãi và chảy xuống đường thành những vệt đen dài sền sệt. Không những làm mất mỹ quan đô thị mà những chiếc xe này còn gây mùi khó chịu, ảnh hưởng tới các phương tiện và người dân cùng lưu thông trên đường. Mỗi lần xe dừng đèn đỏ thì đều làm rơi vãi nước "cốt" trên mặt đường khiến người tham gia giao thông phải chịu đựng thứ mùi hỗn độn của nhiều loại chất thải sinh hoạt rất lâu. Chưa nói đến việc nước thải bẩn có thể bắn vào mặt, quần áo người đi đường và các phương tiện lưu thông phía sau xe...
Chị Trần Hồng Thúy (khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cũng bức xúc chia sẻ: "Ngày nào đi làm về mà gặp xe chở rác là tôi phải nín thở phóng thật nhanh để vượt qua. Xe đi đến đâu là rải mùi đến đấy, không thể chịu được. Đã vậy lại còn hay đi thu gom vào giờ tan tầm, hôm nào tắc đường mà đi sau xe rác thì đúng là gặp hạn".
Mặc dù đã có những quy định rõ ràng về điều kiện và trách nhiệm của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhưng ngành vệ sinh môi trường Hà Nội vẫn chưa chấp hành nghiêm túc và cũng chưa có một lực lượng nào xử lí những vi phạm diễn ra hàng ngày như thế này. Bởi vậy mới có tình trạng ngay giữa Thủ đô, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính những đơn vị bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống người dân.
Theo ANTD
Hãi hùng lòng lợn, tiết canh trộn chất thải Lòng lợn, tiết canh vốn là một món ăn được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu ai từng chứng kiến tận mắt các công đoạn chế biến lòng lợn, tiết canh thì sẽ không khỏi cảm thấy hãi hùng và có lẽ sẽ không bao giờ còn dám ăn lại món này. Tiết trộn lẫn... phân Bước qua cánh cổng ướt...