Hỗ trợ người dân vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký quyết định hỗ trợ tạm thời người dân một số chính sách để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường.
Người dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Thạch Kim (Lộc Hà) trở lại bám biển, ổn định đánh bắt, sản xuất.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm tổ chức, người lao động và các nhân khẩu trong hộ có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV; dịch vụ hậu cần nghề cá; nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường tại TX Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.
Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường, với thời hạn từ ngày 01/7/2016 đến 30/6/2017. Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác) đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ 1/7/2016 đến 31/12/2016, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mức vay vốn hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.
Đối với việc khai thác hải sản, hậu cần nghề cá: Khi đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, được ngân sách hỗ trợ cụ thể như tàu công suất từ 400CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng. Đối với tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng. Đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng.
Khi vay vốn để đóng tàu; mua ngư lưới cụ; mua trang thiết bị: Hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm và bốc xếp hàng hóa trên tàu cá: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/6/2021, với mức hỗ trợ 7%/năm cho 05 năm đầu tiên và 6%/năm cho 10 năm tiếp theo. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1.000 triệu đồng/một tàu.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm. Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ, tối đa 1.600.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh kết nối với trạm bờ cho các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên 01 máy/01 tàu, tối đa không quá 30 triệu đồng.
Xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên, theo công nghệ vật liệu PU (Polyurethane), được hỗ trợ 5 triệu đồng/m3, tối đa 150 triệu/tàu. Xây dựng mới cơ sở sản xuất nước đá (tại khu vực cảng cá và cửa biển đã được quy hoạch cảng cá) phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 10 tấn/mẽ đến dưới 20 tấn/mẽ, 200 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 20 tấn/mẽ trở lên.
Video đang HOT
Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (bảo hiểm mọi rủi ro)ngoài nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, với mức: Hỗ trợ 30% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 10% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Thời gian hỗ trợ: 05 năm, từ 01/7/2016 đến 30/6/2021.
Trao đổi với PV Tiền phong, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc cho biết, về nguyên tắc hỗ trợ, các nội dung hỗ trợ quy định tại Quyết định này trùng với các quy định hiện hành khác của Nhà nước thì tổ chức, cá nhân được lựa chọn mức hỗ trợ cao nhất.”
Trước mắt, kinh phí trích trước từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016 để thực hiện và được hoàn trả nguồn dự phòng từ các nguồn như
đền bù của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói.
Để chính sách đến đúng đối tượng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho các sở, ban ngành và lãnh đạo các huyện liên quan phải giám sát việc thống kê đối tượng. Nếu xảy ra vấn đề gì trong việc hỗ trợ này thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị liên quan phải chịu trách nhiệm.
Theo Tiền Phong
Các tập đoàn điêu đứng, hết đường tồn tại vì gây ô nhiễm
Đánh đổi sức khỏe của người dân, tàn phá bầu không khí và nguồn nước sạch để lấy lợi nhuận, nhiều tập đoàn vướng vòng lao lý và phải vật lộn trong khủng hoảng để sửa chữa sai lầm.
Ô nhiễm môi trường là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đương đầu trong quá trình phát triển. Trước những tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, các quốc gia đều áp dụng những biện pháp nhất định nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, quy định thường bị các công ty, tập đoàn phớt lờ hoặc cố ý làm trái.
Formosa nhiều lần bị xử lý
Formosa Plastics, tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam, là doanh nghiệp bị Quỹ Ethecon, một tổ chức môi trường của Đức, trao giải "Hành tinh Đen 2009" vì những "thành tích" trong lĩnh vực tàn phá môi trường. Tập đoàn lớn của Đài Loan nhiều lần bị xử lý vì hủy hoại môi trường quanh nhà máy của tập đoàn này trên khắp thế giới.
Khói thải từ nhà máy của Formosa. Ảnh: Getty
Tại đảo Đài Loan, nơi Formosa được thành lập, tập đoàn này liên tiếp gây ra các bê bối ô nhiễm bất chấp quy định chặt chẽ của chính quyền sở tại. Formosa Plastics là một trong 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhất tại đảo Đài Loan. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan bắt nguồn từ các nhà máy của Formosa thải ra. Nhiều cuộc biểu tình lớn được người dân Đài Loan tổ chức nhằm phản đối sự tồn tại của các nhà máy Formosa. Dù nhiều lần bị xử phạt nhưng Formosa vẫn phớt lờ và tiếp tục chạy theo lợi nhuận bất chấp việc tàn phá môi trường.
Không chỉ gây ô nhiễm trầm trọng tại Đài Loan, Formosa cũng reo rắc nỗi kinh hoàng tới nhiều nơi trên thế giới. Năm 1999, Tập đoàn Formosa Plastics bị phát hiện xả 3.000 tấn chất độc ra thị trấn ven biển Sihanoukville của Campuchia. Theo New York Times, điều tra của Bộ Môi trường Campuchia cho biết Formosa đã nhập khối chất thải này và đưa đến Sihanoukville từ cuối tháng 11/1998.
Vụ việc ở Sihanoukville thổi bùng làn sóng phản đối của người dân Campuchia. Một khách sạn của tập đoàn này đã bị đập phá. Dưới sức ép của dư luận, Formosa đã phải công khai xin lỗi và bị buộc phải dọn dẹp đống chất thải mà tập đoàn này đã vứt bỏ trước khi đưa tới xử lý tại Nevada, Mỹ. Tuy nhiên, nhà máy của tập đoàn này vẫn được phép hoạt động. Formosa phủ nhận cáo buộc đưa hối lộ để có thể nhập chất độc hại vào Campuchia.
Sau những sự việc trên, Formosa vẫn chứng nào tật ấy. Hàng loạt sự cố chết người xảy ra tại các nhà máy của tập đoàn này trên đất Mỹ, buộc nhà chức trách phải xử phạt và đóng cửa chúng trong năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, hồ sơ ô nhiễm của Formosa vẫn chưa dừng lại. Tập đoàn này còn bị cáo buộc liên quan tới ô nhiễm nước ngầm ở Delaware, bang Delaware. Danh sách các khoản tiền phạt lên tới 1 triệu USD cũng không thể làm thay đổi thái độ của công ty này.
BP điêu đứng sau thảm họa tràn dầu
Ngày 25/4/2010, thảm kịch tràn dầu tồi tệ xảy ra trên Vịnh Mexico. Giàn khoan dầu nước sâu Deepwater Horizon của Tập đoàn Dầu khí Anh (BP) gặp sự cố làm 11 công nhân thiệt mạng và gây ra thảm họa tràn dầu tồi tệ bậc nhất lịch sử. Ước tính khoảng 4,9 triệu thùng dầu đã tràn ra biển trước khi miệng giếng dầu được bịt lại.
Giàn khoan Deepwater Horizon gặp nạn, gây ra thảm họa môi trường tồi tệ trên Vịnh Mexico. Ảnh: Getty
Khoảng 9.000 km2 mặt biển bị dầu bao phủ, gây tác động nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và sinh kế của nhiều người dân Mỹ. Thậm chí, nhiều thường dân còn mắc bệnh vì dầu tràn. Hình ảnh những con bồ nông hấp hối khi cơ thể bị bao phủ hoàn toàn bởi dầu thô gây tác động mạnh mẽ tới thế giới sau thảm họa.
Trước sức ép từ dư luận cũng như sự nghiêm khắc của luật pháp Mỹ, BP phải nỗ lực bịt giếng dầu nằm ở độ sâu gần 10 km dưới đáy biển cũng như thu gom lượng dầu thô khổng lồ tràn ra biển. Khoảng 47.000 người cùng 7.000 tàu thuyền được huy động tham gia dự án khắc phục hậu quả. Tính tới đầu năm 2013, nỗ lực dọn dẹp ngốn hết của BP 14 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Con bồ nông hấp hối trong vùng biển bị dầu tràn bao phủ ở Vịnh Mexico. Ảnh: Getty
Ngày 4/4 vừa qua, Carl Barbier, Thẩm phán liên bang thành phố New Orleans, Mỹ, đã thông qua mức án phạt khoảng 20 tỷ USD với BP. Đây là số tiền mà tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh phải trả cho các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố dầu tràn năm 2010.
5,5 tỷ USD trong số tiền phạt sẽ được dùng cho các vụ kiện dân sự theo Luật Vùng biển sạch (Clean Water Act). Số còn lại dùng để chi trả cho công tác khôi phục hệ sinh thái và bồi thường thiệt hại kinh tế cho 5 bang vùng vịnh bị ảnh hưởng gồm Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida cùng chính quyền địa phương.
Volkswagen trước nguy cơ phá sản vì gian lận khí thải
Theo cáo buộc, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Đức vướng vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử hãng này, sau khi bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu ôtô động cơ diesel. Tháng 9/2015, Volkswagen chính thức thừa nhận đã gian lận khiến kết quả về kiểm tra khí thải tại Mỹ bị sai lệch. Sau khi tháo phần mềm, lượng khí NO mà mỗi xe thải ra môi trường cao gấp 40 lần cho phép.
Hãng xe Đức Volkswagen bên bờ vực phá sản vì gian lận chỉ số khí thải xe hơi. Ảnh: AFP
Người ta phát hiện 600.000 xe hơi của Volkswagen bán vào thị trường Mỹ gây ô nhiễm vượt xa các chỉ số tiêu chuẩn. Tại châu Âu, gã khổng lồ này cũng sử dụng chiêu bài tương tự với 800.000 xe được bán ra.
Những việc làm mang lại lợi ích trước mắt có thể buộc hãng xe hơi của Đức phải bồi thường hàng chục tỷ USD, đẩy công ty tới bờ vực phá sản. Trong khi đó, cổ phiếu của hãng sau bê bối cũng lao dốc mạnh và khó có cơ hội phục hồi.
Trong nỗ lực dàn xếp vụ bê bối tồi tệ, Volkswagen có thể chi gần 15 tỷ USD để mua lại những chiếc xe gian lận, bồi thường cho các tài xế ở Mỹ và các chi phí môi trường khác. Để dập tắt cuộc khủng hoảng ở châu Âu, Volkswagen có thể mất thêm số tiền khổng lồ tương đương.
Bên cạnh việc mất tiền, các hành vi của Volkswagen còn bị điều tra dưới góc độ tội phạm hình sự, có thể đẩy nhiều lãnh đạo của hãng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, sự chặt chẽ và nghiêm khắc trong luật pháp Mỹ và châu Âu cũng không đủ ngăn chặn hoàn toàn các hành vi hủy hoại môi trường để đổi lấy lợi nhuận tương tự.
Theo Zing News
Vật thể lạ chưa từng thấy, bốc mùi ở bãi biển Trà Cổ Rất nhiều những vật thể màu trắng hình quả trứng ồ ạt trôi vào bãi tắm du lịch Trà Cổ, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Những vật hình quả trứng, phân huỷ bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến du khách vô cùng kinh hãi. Chiều ngày 26/6, hàng ngàn vật thể lạ màu trắng nghi là nội tạng động vật ồ ạt...