Hỗ trợ người dân trở về quê từ vùng có dịch COVID-19
Trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ để đưa người dân từ các vùng có dịch trở về địa phương.
Đón 900 người dân Bến Tre về từ TP Hồ Chí Minh
Công dân đến khu cách ly sau khi từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Ban Liên lạc Hội đồng hương Bến Tre tại TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre tổ chức đưa 118 người dân Bến Tre về thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm, huyện Châu Thành. Dự kiến đợt 1 (từ ngày 30/7 – 1/8), Bến Tre sẽ tổ chức đón khoảng 900 công dân từ TP Hồ Chí Minh về.
Sau khi test nhanh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, 118 công dân được đoàn gồm 10 chiếc xe khách của hãng xe Phương Trang đón tại Bến xe Miền Tây và đưa thẳng đến khu cách ly tập trung. Các công dân khi về Bến Tre sẽ được cách ly theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày, tổ chức xét nghiệm COVID-19 theo quy định, sau đó tiếp tục cách ly 7 ngày tại gia đình để theo dõi sức khỏe.
Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bến Tre được trích từ nguồn kinh phí kinh doanh để hỗ trợ công dân Bến Tre có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh có nguyện vọng trở về quê.
Video đang HOT
Dự kiến có khoảng 2.500 công dân được hỗ trợ mức 200.000 đồng/người (chi phí đi lại, ăn uống trên xe) khi về đến khu cách ly; chi phí hỗ trợ cán bộ khu cách ly 150 triệu đồng. Chi phí ăn uống trong 7 ngày tại các khu tập trung, phí xét nghiệm do các công dân tự đóng góp.
Ban Liên lạc Hội đồng hương Bến Tre tại TP Hồ Chí Minh đã lập danh sách người có nguyện vọng về quê. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh lập danh sách tiếp nhận, để phân bổ số lượng về đúng với địa chỉ đăng ký. Việc tổ chức đón công dân từ TP Chí Minh về Bến Tre sẽ chia ra làm từng đợt, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Đưa 400 công nhân làm việc tại Tây Ninh trở về Đắk Lắk
Công nhân vẫy tay chào tạm biệt cán bộ chiến sĩ Công an để lên đường về quê Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Chiều 30/7, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này đã hoàn tất khâu hỗ trợ và bàn giao đoàn người 400 công nhân làm việc tại Tây Ninh, có nhu cầu về quê cho Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bình Phước (đã đi đến địa phận tỉnh Bình Phước) để tiếp tục hỗ trợ về Đắk Lắk, đảm bảo đúng quy định trong phòng, chống dịch COVID-19.
Được biết, Đoàn công nhân 400 người kể trên chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thời gian qua chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, một số doanh nghiệp phải tạm dừng một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp để cách ly y tế theo đúng quy định, do phát hiện có ca mắc COVID-19, số lượng công nhân này có nhu cầu trở về Đắk Lắk để phòng, chống dịch, được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh đồng ý và tạo điều kiện để được trở về quê.
Theo đó, Đoàn công nhân 400 người này sẽ được lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh dùng phương tiện chuyên dụng để dẫn đường đi qua địa phận Tây Ninh và bàn giao cho Công an các tỉnh liền kề đi qua gồm Bình Phước, Bình Dương, Đắk Nông để di chuyển về quê Đắk Lắk.
Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông từ xa, bảo đảm thông thoáng giao thông, tuân thủ theo nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng Công an còn tổ chức phát tặng miễn phí nước uống cho đoàn công nhân trên các tuyến đường đi qua. Trong quá trình di chuyển, một số phương tiện của các công nhân bị hư hỏng đột xuất, Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã kịp thời bố trí xe hỗ trợ trung chuyển và sửa chữa kịp thời để đoàn kịp đúng thời gian di chuyển.
Trước khi xuất phát về quê Đắk Lắk, đoàn công nhân đã được ngành Y tế Tây Ninh, sàng lọc, kiểm tra y tế theo đúng quy định. Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, giữ khoảng cách và không dừng đỗ dọc đường (trừ trường hợp tiếp nhiên liệu và vệ sinh cá nhân), nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch bệnh cho người dân khi di chuyển qua các địa bàn khác nhau.
Theo dự kiến lịch trình, 400 công nhân có nguyện vọng về quê sẽ có mặt tại Đắk Lắk vào khoảng thời gian trong đêm 30/7 đến rạng sáng 31/7.
Tây Ninh hỗ trợ 5 nhóm đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19
UBND tỉnh Tây Ninh vừa có Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND hỗ trợ trợ 5 nhóm đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo quy định tại Khoản 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Người lao động, người sử dụng lao động tại tỉnh Tây Ninh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh minh họa: baotayninh.vn
Các nhóm đối tượng được tỉnh hỗ trợ gồm, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống tại các chợ, bến bãi, lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 2 bánh; bán vé xổ số kiến thiết; bán hàng rong, sửa chữa đồ gia dụng, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục tư thục, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập ký hợp đồng khoán việc có quyết định thôi việc .
Bên cạnh đó, các đối tượng tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, chăm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail), lĩnh vực dịch vụ (karaoke, spa, internet, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, phòng tập gym, thể dục thể thao, lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng.
Mức hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người có thời gian nghỉ việc, mất việc từ 15 ngày trở lên. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn quy động hợp pháp khác.
UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bà Võ Thanh Thủy, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, những người được hỗ trợ theo quyết định kể trên phải là đối tượng thuộc diện người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do); người cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh, mất việc làm không có thu nhập, hoặc thu nhập thấp hơn 1 triệu/đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị. Hoặc do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa, hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ 15/5 đến 31/12/2021.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do gặp khó khăn Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, nhiều lao động tự do, khoảng 27.000 người đang nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09. Họ chưa nhận được hỗ trợ và đời sống đang rất khó khăn. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố...