Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.
Điểm ngập úng tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn sáng 10/5/2022. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Trước tình hình thiệt hại tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và để tiếp tục ứng phó với các tình huống thiên tai còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ngày 12/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thực hiện nghiêm túc Công điện số 02/CĐ-VPTT, văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 và số 254/VPTT ngày 11/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 9 – 12/5 tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng đã làm 2 người chết (bà Triệu Thị Lan, sinh năm 1982, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn sạt lở đất vào nhà sáng ngày 10/5; cháu Đinh Thành Nam, sinh năm 2017, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn bị lũ cuốn trôi sáng 12/5, đã tìm thấy thi thể); 1 người mất tích tại Cao Bằng (do lũ cuốn trôi); 3 người bị thương (Bắc Kạn).
Mưa dông đã làm 11 nhà sập đổ (Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang); 231 nhà bị hư hỏng, thiệt hại (Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng); 2.203 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập; 3,99 ha thủy sản bị thiệt hại.
Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở với khối lượng 41.733m3 đất đá (Bắc Giang, Điện Biên, Bắc Kạn); 1 ngầm tạm bị hư hỏng (Điện Biên); 2 cầu bị hư hỏng (Bắc Kạn); 2 đập tạm bị cuốn trôi (Bắc Kạn); 11 chuồng trại bị sạt lở.
Video đang HOT
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh giữa tháng 5 (khoảng 14 – 15/5) ở khu vực Bắc Bộ có thể gây mưa lớn trên diện rộng, gió giật mạnh trên biển. Cụ thể, trên đất liền, mưa trên diện rộng xảy ra ở Bắc Bộ sau đó lan rộng đến miền Trung (nhất là trong ngày 15 – 16/5), có khả năng gây ra lũ quét sạt lở đất, dông lốc sét, mưa đá. Trên biển, gió cấp 6, giật cấp 7-8 ở khu vực biển miền Trung.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, những ngày tới, các tỉnh miền Bắc sẽ có mưa rào và dông. Các đợt mưa dông này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 16/5. Từ ngày 12 – 14/5, dự báo sẽ có đợt mưa vừa đến mưa to ở miền Bắc trước khi có không khí lạnh tràn về.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ ngày 12 – 16/5, các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, trong đó, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1. Thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động 2 – báo động 3. Đỉnh lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương và trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Đề cập đến tình hình mưa dông, các chuyên gia cho biết, hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố.
Người dân lưu ý trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.
Lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét (kể cả ban đêm) như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất… Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần chạy thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm đến vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên Vịnh Bắc Bộ, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống…
Công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh
Sáng 11/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 theo ba nhóm: Nhóm 1 gồm 10 tỉnh có kết quả tốt nhất; nhóm 2 gồm 43 tỉnh có kết quả trung bình; nhóm 3 gồm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thông qua việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số là tương đối công bằng nhằm đánh giá những điểm mạnh, mô hình tốt để phát huy và nhân rộng ra các địa phương khác cũng như chỉ ra những tồn tại để khắc phục và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh, thành phố.
Theo ông Khusraw Sharifor, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên các tỉnh, thành phố được tự đánh giá dựa vào các tiêu chí theo bộ chỉ số sau đó được các tổ tư vấn, các thành viên hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai họp, thống nhất và công bố... Đây là cách làm chặt chẽ, qua đó rút được nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, thành viên hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021 cho rằng, việc triển khai thực hiện đánh giá theo Bộ chỉ số là bài bản, khoa học, phương thức công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số là phù hợp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, là 1 trong 10 tỉnh đứng tốp đầu lần này, tỉnh đánh giá cao việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số và thống nhất với phương pháp, kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai. Tỉnh kiến nghị được tiếp tục thực hiện việc đánh giá này trong những năm tiếp theo và đề nghị có mở rộng đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo Bộ chỉ số.
Tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai rà soát lại những tiêu chí đánh giá khó định lượng để chỉnh sửa phù hợp và dễ hiểu hơn.
Tại cuộc họp, các đại biểu, các nhà báo trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021 và các giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh", Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 8//2/2021 và kế hoạch triển khai đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 12/QĐ-TWPCTT ngày 13/7/2021.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức đánh giá độc lập công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố.
Bộ chỉ số gồm đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021 có 24 tiêu chí, trong đó có 52 tiêu chí thành phần, chia thành 4 nhóm: nhóm tiêu chí về tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh; nhóm phòng ngừa thiên tai; nhóm ứng phó thiên tai; nhóm khắc phục hậu quả thiên tai.
Mục tiêu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh: xác định chỉ số phòng, chống thiên tai để theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hàng năm của cấp tỉnh; đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số. Trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hàng năm giữa các tỉnh, thành phố. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.
Thái Bình: Khu vực nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị bỏ hoang do không có cát mặn để nuôi ngao Cả một khu vực nuôi trồng thủy sản rộng lớn của người dân khu vực ven biển huyện Tiền Hải (Thái Bình) có nguy cơ bị bỏ hoang do không có cát mặn để nuôi ngao. Ao nuôi ngao của bà con xã Nam Cường bị bỏ hoang do không có cát mặn để cải tạo - Ảnh Thành Trung Theo phản ánh...