Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng Công an huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và các đơn vị hỗ trợ hàng trăm suất ăn, nước uống; sửa chữa miễn phí hàng trăm phương tiện cho người dân di chuyển qua địa bàn để về quê.
Các tình nguyện viên kiểm tra xe máy cho người dân. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 29/7, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều người dân ở các tỉnh phía Nam đã trở về quê tại các tỉnh phía Bắc bằng xe gắn máy và di chuyển qua địa phận Đà Nẵng. Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố phối hợp với các đơn vị, lực lượng Công an huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu tổ chức tiếp nhận, đón, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi và dẫn đoàn người cùng các phương tiện di chuyển qua địa bàn Đà Nẵng được an toàn, chấp hành nghiêm các quy định 5K của Bộ Y tế.
Theo đó, người dân và các phương tiện khi đi vào địa phận Đà Nẵng đã được bố trí chỗ dừng nghỉ tạm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ nước uống, thức ăn… Các tình nguyện viên kiểm tra, sửa chữa miễn phí cho các xe mô tô bị hư hỏng, nguy cơ mất an toàn để người dân có thể tiếp tục hành trình trở về nhà.
Đại tá Phan Ngọc Truyền chia sẻ, từ ngày 25/7/2021 đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố phối hợp với các lực lượng Công an huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và các đơn vị hỗ trợ hàng trăm suất ăn, nước uống; sửa chữa miễn phí hàng trăm phương tiện cho người dân di chuyển qua địa bàn. Phòng tổ chức 104 lượt cán bộ, chiến sĩ dẫn đường cho 6 đoàn, 392 xe mô tô, 748 người di chuyển qua địa phận thành phố Đà Nẵng an toàn, đảm bảo công tác phòng dịch. Bốn người trở về thành phố Đà Nẵng đã được đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
Trước đó, đêm 28 rạng sáng 29/7, Đội tình nguyện SOS là các sinh viên Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã hỗ trợ kiểm tra, sửa chữa miễn phí 60 xe máy của người dân bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn khi di chuyển qua địa phận Đà Nẵng. Đội đã trao 400 phần quà gồm sữa, nước uống để “tiếp sức” cho người dân trên hành trình về quê phòng dịch.
* Ngày 29/7, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnhQuảng Nam đã đến 12 khu cách ly tập trung tại 12 huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh để trao quà cho người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn từ TP Hồ Chí Minh vừa được đưa về quê để phòng, chống dịch COVID-19.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam trao quà hỗ trợ người dân từ TP Hồ Chí Minh về quê phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, hiện nay nhiều người dân Quảng Nam tại TP Hồ Chí Minh không có việc làm, nơi ở không ổn định, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả nên phải trở về quê. Trước tình hình đó, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đến từng huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết cho người dân được đón về các khu cách ly. Đợt này, Hiệp hội đã trao hơn 700 suất quà gồm tiền, mì tôm, gạo, thịt hộp… cho những người dân gặp khó khăn.
* Ngày 29/7, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố phối hợp với doanh nghiệp thống kê số lượng người lao động làm việc trên địa bàn có nhu cầu được hỗ trợ để về quê do dịch COVID-19.
Video đang HOT
Khi có danh sách người lao động đang làm việc trên địa bàn Đồng Nai có nhu cầu về quê, Sở sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để lên kế hoạch phối hợp các tỉnh, thành khác, tạo điều kiện cho người lao động về quê thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn hiện có 1,2 triệu lao động đang làm việc, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 60%, chủ yếu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều xã, phường tại Đồng Nai thực hiện phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 nên đời sống của công nhân đang rất khó khăn, nhiều lao động có nhu cầu được về quê. Trong ngày 29/7, Liên đoàn đã có văn bản đề nghị các cấp Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp phổ biến chủ trương hỗ trợ công nhân về quê mà tỉnh Đồng Nai đưa ra.
Để chăm lo đời sống của người lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai đã triển khai chương trình “Nghĩa tình Công đoàn”, hỗ trợ 15 tấn gạo, thịt, mì gói, rau củ quả cho khoảng 3.600 công nhân ở các nhà trọ trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình, đảm bảo không để công nhân đang ở trọ, trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế thiếu thực phẩm thiết yếu.
TP Hồ Chí Minh ưu tiên chống dịch, nhưng không quên doanh nghiệp
Gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau và cùng với việc thực hiện "3 tại chỗ" đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Dù mục tiêu chống dịch được đặt lên hàng đầu, song các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn đang được các ngành chức năng tập trung triển khai, nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nỗ lực "cắm chốt" duy trì sản xuất tại chỗ. Ảnh: TTXVN
Áp lực chi phí tăng cao
Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các tỉnh thành phố phải vừa tập trung phòng chống dịch, nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu kép là phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối với TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, việc phòng chống dịch hiện là nhiệm vụ ưu tiên số 1. Mục tiêu đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân đang được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất tối thiểu phải đảm bảo nguyên tắc, nơi nào an toàn mới được tổ chức sản xuất.
Theo đó, kể từ ngày 15/7, các doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất, bắt buộc phải đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" và "một cung đường hai địa điểm". Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo thực hiện hợp đồng, uy tín khách hàng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo các yêu cầu "3 tại chỗ" theo quy định phòng dịch.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại các doanh nghiệp cho thấy, việc áp dụng "3 tại chỗ" cũng khiến khó khăn của doanh nghiệp gia tăng, nhất là chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn. Các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" phải tự bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân, nhân viên định kỳ 7 ngày/lần. Đồng thời, doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều tiền để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân. Trong khi đó, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do doanh nghiệp nằm trong khu vực bị phong tỏa, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc đối tác thanh toán chậm...
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, do đặc thù là ngành có số lượng lao động đông nên rất khó bố trí sản xuất "3 tại chỗ". Hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động từ 35 - 40%.
Việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề. Một số doanh nghiệp không có nguồn tiền để tạm ứng trả lương cho công nhân trước khi có hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi, nhiều hợp đồng thư tín dụng (L/C) với đối tác nước ngoài đến hạn phải thanh toán. Đó là chưa kể, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì "3 tại chỗ"... không phải là con số nhỏ.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh cũng cho biết, bên cạnh yếu tố tâm lý của người lao động, việc áp dụng "3 tại chỗ" khiến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đội lên cao. Những điều này khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì kéo dài việc sản xuất "3 tại chỗ".
Trong một khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho thấy, 86% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19, do phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu... Đặc biệt, thiếu vốn kinh doanh vẫn là vấn đề "đau đầu" tại nhiều doanh nghiệp.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn hiện hữu của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn đang được chính quyền thành phố tập trung triển khai, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện đơn vị này đã nhận hồ sơ đối với doanh nghiệp muốn vay vốn để trả lương cho lao động ngưng việc hoặc trả lương khi phục hồi sản xuất theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh, điểm mới đáng lưu ý trong chính sách hỗ trợ lao động lần này, đó là cho phép doanh nghiệp vay vốn trả lương lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh, trong khi trước đó chỉ cho doanh nghiệp vay trả lương lao động ngưng việc.
Cụ thể, việc cho vay trả lương khi phục hồi sản xuất kinh doanh có hai dạng vay. Đó là, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch; và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Riêng nhóm đối tượng thứ 2, các doanh nghiệp không cần có yêu cầu ngừng việc, chỉ cần có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì được phép cho vay.
"Các doanh nghiệp hưởng ưu đãi sẽ được vay vốn với lãi suất 0% mà không cần tài sản thế chấp. Thời hạn vay vốn không quá 12 tháng, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng cho một lao động và một lao động không được vay quá 3 tháng. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một chính sách hỗ trợ rất lớn và thiết thực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Trần Văn Tiên cho biết.
Với điều kiện cho vay "dễ thở" hơn, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ sau hơn một tuần khởi động, đến ngày 19/7, đơn vị đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay 13 tỷ đồng.
Một chính sách hỗ trợ khác cũng được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong đợt này, đó là chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; và Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 7, tổng số doanh nghiệp xin gia hạn và được chấp nhận là 58.282 doanh nghiệp cùng 17.453 hộ kinh doanh và cá nhân, với tổng số tiền là 14.520 tỷ đồng.
Bên cạnh các chính sách trên, ngành ngân hàng thành phố cũng đang tập trung triển khai và tháo gỡ các khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện ngành ngân hàng đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là triển khai đạt hiệu quả cao nhất Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Song song đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành ngân hàng sẽ đưa ra nhiều giải pháp thực thi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, dễ dàng, nhất là các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay giữa Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại vừa được ký kết, đảm bảo sự đồng thuận này đi vào cuộc sống và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
Hiện tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng với gần 400.000 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận và xử lý 778 trong số 790 trường hợp khó khăn của doanh nghiệp được gửi về từ các sở ngành. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thông qua tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với dư nợ 107.315 tỷ đồng cho 12.357 khách hàng...
Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine toàn dân. Bởi làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch kéo dài, các chính sách hỗ trợ cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định dòng tiền, duy trì sản xuất kinh doanh tối thiểu. Từ đó, góp phần tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân, doanh nghiệp.
Thế khó của doanh nghiệp TP.HCM khi thực hiện '3 tại chỗ' Nguyên tắc "3 tại chỗ" và "một cung đường 2 địa điểm" đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Nhiều đơn vị cho rằng TP.HCM có thể linh hoạt hơn trong các quy định. Anh TN. sống ở TP Thủ Đức, làm việc cho Công ty Nidec Sankyo đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM được 2 năm. Ngày 28/6, Nidec phát hiện...