Hỗ trợ hơn 239 tỷ đồng cho sinh viên khởi nghiệp
Đó là nguồn kinh phí sẽ được dùng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH CĐ bắt đầu được thực hiện từ năm 2017 đến 2020 vừa được Bộ GDĐT phê duyệt.
Cụ thể, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD ĐT) cho biết, Bộ GD ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường ĐH CĐ triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 100 dự án khởi nghiệp đầu tiên của sinh viên sẽ được duyệt hỗ trợ, còn lại 30% ý tưởng khởi nghiệp sẽ được kết nối với các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ngoài ra, Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” của Bộ GD ĐT cũng sẽ yêu cầu các trường ĐH CĐ mỗi trường phải có tối thiểu 1 – 2 cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Ông Bá cũng cho biết, khái toán phí cho các hoạt động của đề án là 239,2 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ ngành trung ương là 140 tỷ; ngân sách xã hội hóa, nguồn vốn ODA là 99,2 tỷ.
Nói về tính khả thi của đề án, ông Nguyễn Minh Triết – Trưởng ban Thanh niên Trường học (TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho rằng, quỹ khởi nghiệp là một ý tưởng đột phá, tuy nhiên rất khó trong việc thành lập, quản lý, vận hành và duy trì.
100 dự án khởi nghiệp đầu tiên của sinh viên sẽ được duyệt hỗ trợ (Ảnh minh hoạ IT)
“Hội Sinh viên trước đây cũng đã thành lập Qũy Hỗ trợ SVVN. 100% không sử dụng một đồng ngân sách nào, xin được đồng nào tiết kiệm đồng ấy. Lấy lãi hỗ trợ và lưu gốc. Ý tưởng là như thế nhưng từ khi thành lập ý tưởng cho tới khi cầm được con dấu là khoảng 2 năm, rất khó khăn” – ông Triết nói.
Video đang HOT
Theo ông Triết, đề án khởi nghiệp không nên chỉ dừng lại ở đối tượng sinh viên mà nên vươn xa tới đối tượng học sinh THPT và sau ĐH: “Học sinh nhiều trường phổ thông hiện nay về mặt thể chất, tinh thần cũng như kiến thức, ước mơ, hoài bão cũng không thua kém gì các bạn sinh viên đại học” – ông Triết khẳng định.
Nói về vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD ĐT khẳng định, Đề án không đặt mục tiêu sinh viên sẽ khởi nghiệp được ngay, mà chúng ta tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, từ đó xây dựng ý tưởng.
Cũng theo bà Nghĩa: “Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng không nên trông chờ ngân sách Nhà nước. Hiện nay ngân sách rất khó khăn, nên chúng tôi muốn đưa ra để huy động các nguồn lực thành lập quỹ, hỗ trợ cho sinh viên”. Bà Nghĩa cho biết thêm, về việc đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy là tùy thuộc vào sự tự chủ của các trường, đề án chỉ đưa ra chủ trương mà thôi.
Theo Danviet
Khởi nghiệp với 5% thành công, sinh viên có nên thử sức?
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên đã băn khoăn với câu hỏi: "Nên tự mình kinh doanh riêng hay đầu quân cho các công ty lớn?".
Ngày nay, khái niệm Start-up không còn lạ lẫm với nhiều bạn trẻ. Có thể hiểu là bạn sẽ có một công việc kinh doanh riêng, tự mình quản lý và mang lại thu nhập.
Tự khởi nghiệp hay đầu quân cho các công ty lớn - nỗi niềm riêng của nhiều sinh viên - được trao đổi trong buổi giao lưu: Làm ông chủ hay làm thuê - Lựa chọn nào cho giới trẻ Việt?
Chỉ 5% thành công
Ông Chu Tuấn Anh - hiệu trưởng trường đào tạo Lập trình viên Aptech - đưa ra con số: Chỉ 5% các bạn trẻ làm Star-up thành công. Đây là tỷ lệ không cao.
"Có thể ví mỗi bạn trẻ là một chiếc xe máy kèm theo một bình xăng đầy của sự nhiệt huyết, sáng tạo. Nhưng làm thế nào để chúng ta đi đến cuối con đường mà không bị hết xăng? Số 95% còn lại thất bại liệu có phải là sự lãng phí?", ông Tuấn Anh nêu vấn đề.
Khách mời tham gia chương trình: Làm ông chủ hay làm thuê - Lựa chọn nào cho giới trẻ Việt? Ảnh: Quyên Quyên.
Nguyễn Việt Hùng - chàng trai còn rất trẻ khi mới sinh năm 1995 nhưng là người sáng lập thành công Tổ hợp giáo dục ColorME (top 5 cuộc thiKhởi nghiệp cùng Kawaii 2015). Nói đơn giản, Hùng đã sáng lập ra khóa học thiết kế (photoshop, nhiếp ảnh) chỉ kéo dài một tháng, mỗi tuần hai buổi với học phí 500.000 đồng/khóa.
Hùng cho biết, ý tưởng được thành lập vì ngày nay những khóa học thiết kế thường kéo dài, chi phí cao. Tuy nhiên, theo xu hướng, có nhiều bạn trẻ thích sáng tạo thiết kế nên những sản phẩm ấn tượng. Điều này sẽ gặp cản trở nếu tự học. Do vậy, Hùng quyết định mở khóa học trong thời gian rất ngắn.
Khi thành lập, khóa học của Hùng chỉ có 45 học viên nhưng hiện tại có 400 người. Bí quyết thành công của chàng trai sinh năm 1995 là tận dụng công nghệ trong mọi quá trình từ tuyển sinh, làm thủ tục đến giáo trình. Điều này tiết kiệm được thời gian, nhân lực, không mất quá nhiều vốn, chỉ cần ý tưởng và sự chăm chỉ.
Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp Star-up, ông Pravir Arora - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech toàn cầu - bày tỏ: Các bạn trẻ phải có ý tưởng khả thi, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kỳ vọng của khách hàng. Với sự ứng dụng của công nghệ, niềm tin vào bản thân và chuyên môn tốt, các bạn trẻ hoàn toàn có thể "làm chủ" thành công.
Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng nhất
Theo quan điểm của ông Pravir Arora, điều quan trọng nhất để thành công không phải là kiến thức, sự đam mê mà là thái độ làm việc đúng đắn. Đương nhiên, thái độ này không bao hàm "căn bệnh ngôi sao" - được đánh giá là lây nhiễm toàn cầu.
Ông Pravir Arora cũng nhấn mạnh: "Tiếng Anh không phải là rào cản của sự thành công. Nhưng nếu muốn vươn xa hơn trong tầm khu vực và thế giới, sinh viên bắt buộc phải trang bị nền tảng đó thật tốt".
Chia sẻ thêm về điều này, ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Nước ta đã ký hiệp định TPP, vì vậy cơ hội làm việc của các bạn trẻ thực sự là thế giới phẳng, kết nối với toàn cầu. Với nghề lập trình, nhu cầu nội địa chỉ là một phần, nếu muốn vươn cao và xa, kỹ năng ngoại ngữ là điều cần có".
Ông Tuấn Anh cũng kể lại câu chuyện ấn tượng của nữ sinh tên Hương khi còn học năm thứ nhất. Theo học nghề lập trình, khó khăn đầu tiên Hương gặp phải đó là khả năng sử dụng chuột máy tính, Hương xoay sở không biết làm thế nào để tắt được cửa sổ màn hình.
Xuất phát điểm với nền tảng thấp nhưng Hương rất chăm chỉ. Sau mỗi buổi học, em thường ở lại, mở toàn bộ chương trình thầy dạy để trình bày, ôn tập. Kết quả là chỉ sau một học kỳ, em thuộc top sinh viên có điểm cao nhất.
Từ đó, ông Tuấn Anh khẳng định: Nghề lập trình không cần trí thông minh quá cao, quan trọng là sự chăm chỉ, cần cù.
Theo Zing