Hỗ trợ hộ nghèo, lao động khó khăn vượt qua dịch Covid-19
Là đơn vị đi đầu trong công tác tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn và an sinh xã hội… trong tình hình dịch bệnh.
Đảm bảo đủ vốn cho người nghèo
Có thể nói, đối tượng ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 chính là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được ứ trệ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn.
Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân cho người nghèo tại 1 điểm giao dịch cấp xã. Ảnh: Việt Hải
Hàng hóa nông sản, thủy sản mất giá, thông quan hàng hóa ngưng trệ gây thiệt hại cho nông dân trồng ầu riêng ở Gia Lai, Đăk Lăk, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long…; thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang…; dưa hấu của Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…
Chính vì vậy, vấn đề mà Ngân hàng CSXH chú trọng nhất thời gian này là thực hiện song song hai nhiệm vụ chống dịch và tăng cường hỗ trợ sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khảo sát tại Quảng Trị cho thấy để đảm bảo an ninh lương thực bà con nông dân trên địa bàn cũng đã khắc phục khó khăn tăng gia sản xuất cung cấp cho thị trường những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay trên thị trường, giá rau, củ đang giảm mạnh. Có những mặt hàng giảm đến trên 50%, nguyên nhân chính do thời điểm dịch, thị trường thu hoạch bị thu hẹp, các nhà hàng, quán xá vắng khách; nhu cầu tiêu dùng ít hơn rất nhiều so với ngày thường…
Video đang HOT
Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang nỗ lực để gia tăng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và không để dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn đến sự phát triển kinh tế. Đồng hành với bà con nông dân, Ngân hàng CSXH đã tích cực giải ngân hỗ trợ kịp thời vốn cho quá trình sản xuất.
Tính đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị đã cho vay trên 3.500 tỷ đồng hỗ trợ người dân trên địa bàn duy trì và mở rộng sản xuất, nhất là đối với quá trình sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ.
Tính trên diện rộng toàn quốc, hiện Ngân hàng CSXH đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 211.006 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 4.201 tỷ đồng). Riêng 3 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số cho vay đạt 18.723 tỷ đồng, với số khách hàng còn dư nợ là trên 6,5 triệu khách hàng.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Nguyễn Đức Hải cho biết: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực toàn diện đến đời sống xã hội, trong đó có một số bộ phận lớn khách hàng vay vốn Ngân hàng CSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH, trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH đã chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố liên tục nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.
Tính đến 30/3/2020, Ngân hàng CSXH đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 40.034 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 1.394 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH cũng đã tập trung nguồn vốn để cho vay giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền là 11.973 tỷ đồng cho 275.415 khách hàng vay vốn.
Các đơn vị Ngân hàng CSXH từ T.Ư đến địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo duy trì hoạt động, chỉ đạo thông suốt, thường xuyên, liên tục, đáp ứng tính cấp thiết trong hoạt động phòng, chống dịch; hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch.
Ngân hàng CSXH đã chủ động báo cáo Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 1/4/2020 đến hết năm 2020 hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác được giảm 10%.
Việt Hải – Trang Tung
17 năm đồng hành cùng hộ nghèo hướng tới tương lai tươi sáng hơn
Ngày 11/3/2020 này đánh dấu Ngân hàng CSXH tròn 17 năm đi vào vận hành với vai trò đơn vị ủy thác duy nhất của Chính phủ thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Không chỉ thực hiện tốt trọng trách Đảng, Chính phủ giao phó, Ngân hàng CSXH còn chủ động đưa nguồn vốn đến địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo.
Cùng với đó là việc Ngân hàng CSXH tham mưu cho Chính phủ xây dựng một hệ thống chính sách tín dụng có tính hỗ trợ, kế thừa, đáp ứng nhu cầu để giải quyết giảm nghèo, đặc biệt là huy động được nguồn lực trong nước và chính người nghèo để giải quyết bàn toán thoát nghèo bền vững.
Một điểm đến, vạn tâm tình
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim (ở khối 3 phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh là một ví dụ. Hơn 10 năm được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Sổ vay vốn ghi kín đặc đến trang cuối từ vay vốn hộ nghèo; hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; nước sạch, vệ sinh môi trường; sản xuất kinh doanh đến vay vốn cho con đi học. 3 lần xin vay vốn cho 3 người con học đại học với số tiền 101,4 triệu đồng, đã trả 78 triệu đồng, dư nợ hộ nghèo còn 30 triệu đồng, cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà Kim là cả quá trình khó khăn nhưng luôn nhận được sự đồng hành...
Vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông xã Tiên Tốc, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thoát nghèo vươn lên khấm khá. Ảnh: Việt Hải
Với những người dân Hà Tĩnh như anh Mai Thanh Hưng ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, vốn vay ưu đãi chính là cứu cánh với gia đình anh sau sự cố môi trường biển.
Từ một gia đình khấm khá quen với nghề đánh bắt hải sản gần bờ, thảm họa môi trường biển dẫn đến cấm đánh bắt gần ở, gia đình anh như bao hộ dân trong cảnh thuyền phơi, ngư cụ dồn góc nhà tự mục rách. Bởi vậy, 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH để chuyển đổi sinh kế giúp anh tu sửa thuyền và ngư cụ vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đã 3 năm trôi qua, cuộc sống gia đình anh đã tạm ổn, dù không được như cũ nhưng thu nhập cũng bằng 80% so với trước đây.
Huy động sức mạnh để giảm nghèo
Vốn Ngân hàng CSXH càng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm. Các hiệp định thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn.
Đón bắt được những vấn đề này từ sự sâu sát với đời sống, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách, từ 3 chương trình cho vay vào năm 2003 khi mới hoạt động, đến nay Ngân hàng CSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, cũng như nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro.
Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Rõ ràng cùng với hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách trước đó, số hộ nghèo giảm mạnh từng năm như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,45%, giảm về 5,2% cuối năm 2015 và tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều là gần 10%. Nhưng nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập...
Vì vậy, khi 2 chương trình tín dụng chính sách bù lấp vào những khoảng trống này đã góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu thoát nghèo bền vững. Tính đến tháng 1/2020, dư nợ cho vay hộ nghèo giảm không nhiều so với năm 2010, từ 36.166 tỷ đồng xuống còn 34,692 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cho vay hộ nghèo đã giảm từ 40,4% xuống còn 16,7% trong tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH. Thay vào đó, dư nợ cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tăng mạnh với tỷ trọng dư nợ tương ứng là 15,4% (đạt 31.856 tỷ đồng) và 16,8% (đạt 34.749,7 tỷ đồng).
Ngân hàng CSXH chủ động tham mưu cho Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Minh chứng có thể thấy rõ từ việc cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 11.635 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng. Riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng, gần bằng cả giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW.
Theo Danviet
Cà Mau: Trên 23 tỷ đồng chăm lo gia đình chính sách, người nghèo dịp tết UBND tỉnh Cà Mau cho biết sẽ chi trên 23,6 tỷ đồng để tặng quà dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, đối tượng được tặng quà gồm đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, trẻ em khuyết tật đang nuôi dưỡng tại cộng đồng; trẻ em mồ côi đang nuôi dưỡng tại cộng đồng, đối tượng cán bộ hưu...