Hỗ trợ cảnh sát biển VN là thiện chí của Mỹ
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường nhận định gói viện trợ Mỹ dành cho khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao các khả năng hàng hải là một thiện chí Việt Nam rất hoan nghênh.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 hôm nay (17/12), ông Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao thông báo của Ngoại trưởng John Kerry về đề xuất của Mỹ cung cấp 18 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường khả năng cho các đơn vị tuần tra ven biển, bắt đầu với việc cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: Chung Hoàng
“Đây là lĩnh vực mà hợp tác sẽ tăng lên giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như với các nước khác”, ông Nguyễn Quốc Cường nói. “Lực lượng cảnh sát biển của ta mới thành lập, còn non trẻ, sự hỗ trợ của Mỹ cũng như các nước khác sẽ góp phần sớm tăng cường năng lực của lực lượng này”.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng chia sẻ nhận định về chính sách trục xoay hướng về châu Á – TBD, trong đó có Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Obama.
“Chính sách này được Tổng thống Mỹ, Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia và nhiều quan chức cao cấp khác liên tục khẳng định”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.
Cho rằng đây là một chính sách lâu dài, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ: Các nước trong khu vực khuyên Mỹ để thực hiện thành công, chính sách này phải toàn diện, không chỉ chú trọng an ninh, quốc phòng mà cả chính trị, ngoại giao, văn hóa xã hội và đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư…
Ông Cường cho biết Mỹ cũng bày tỏ mong muốn giúp đỡ Việt Nam đảm nhận tốt vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ sẽ bắt đầu từ năm 2014.
Video đang HOT
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng đồng tình dù quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh trong năm qua với nhiều đoàn trao đổi cấp cao, giữa hai nước vẫn còn có những khác biệt xung quanh các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tranh chấp thương mại…
“Tôi nghĩ cách tốt nhất để giải quyết khác biệt là thông qua con đường đối thoại để tìm ra tiếng nói chung. Quan trọng là chúng ta đồng ý tiếp tục đối thoại qua nhiều kênh để thu hẹp khoảng cách, bất đồng và tăng cường hiểu biết”, ông Cường nói.
Lạc quan về triển vọng ký kết TPP
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường cho rằng có nhiều khả năng Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm 2014 vì lãnh đạo Việt Nam, Mỹ và 10 nước tham gia đàm phán khác đều đặt quyết tâm cao.
“TPP đang đi vào giai đoạn đàm phát kết thúc cuối cùng. Dù còn nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn nhưng tôi tin rằng các bên sẽ sớm kết thúc đàm phán vì đây là một sân chơi chung, bình đẳng, cân bằng lợi ích tổng thể, có tính đến những yếu tố linh hoạt với các thành viên có trình độ phát triển thấp hơn như Việt Nam”, ông Cường nói.
Nhận định về vai trò của Việt Nam trong đàm phán TPP, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: Việt Nam xác định có vai trò ngay từ đầu trong việc xây dựng luật chơi, các luật lệ về thương mại trong khu vực trong thời gian tới. Lợi thế của việc này là ta sẽ không phải là người đi theo, chấp nhận tất cả các điều kiện khi hiệp định ra đời.
“Điều này cũng rất quan trọng khi ta đang tiến hành cải cách kinh tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng xác định TPP là cơ hội để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.
Theo Chung Hoàng
Vietnamnet
Bất ngờ gặp lại đồng đội do tự tay mình chôn cất
Mới đây, một người lính xuất hiện trong cuộc họp mặt của đơn vị K8 tại Huế đã khiến nhiều người từ sững sờ đến rơi nước mắt. Ông là Đỗ Xuân Cường - xạ thủ B41, thuộc E3, F324 hoạt động tại Quân khu Trị Thiên - Huế.
Hơn 40 năm trước, trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, Đỗ Xuân Cường khi ấy tròn 19 tuổi, cảm tử mở đường máu phá vây cho đơn vị, được truy điệu sống và được đồng đội chôn cất sau khi hy sinh. Nay, bất ngờ ông từ Vũng Tàu về Huế thăm chiến trường xưa, đồng đội cũ...
Đã được đồng đội chôn cất
Đã hơn 40 năm, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, người thương binh thương tật 81% Đỗ Xuân Cường vẫn nhớ rõ từng ngày, tháng, năm, của những trận chiến khốc liệt trên chiến trường Trị Thiên - Huế. Ông kể: Ngày 28/7/1967, ông rời quê (xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tháng 10/1967, ông được điều vào chiến trường Trị Thiên - Huế thuộc C2, D8 (tức K8), E3, F324 hoạt động tại Quân khu Trị Thiên - Huế, là xạ thủ súng B41, tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Đêm 29/3/1968, C2 - đại đội chuyên chống càn - nhận nhiệm vụ xuống đồng bằng mở rộng vùng giải phóng Hương Trà - Quảng Điền, nhưng vừa đến làng Thanh Lương, xã Hương Xuân (huyện Hương Trà) thì bị địch phát hiện. Địch điều xe tăng, máy bay cá lẹp thả hoả mù, bắn pháo đón điểm bao vây trận địa hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Trong đêm và những ngày tiếp theo đã diễn ra giao chiến ác liệt, nhiều chiến sĩ ngã xuống. Trước tình thế một mất một còn, 21 giờ tối 3/4/1968, đơn vị họp khẩn cấp, Đỗ Xuân Cường là người đầu tiên xung phong mở đường máu cùng đồng đội phá vây cho đơn vị.
Cảm kích trước tinh thần bất khuất kiên cường của xạ thủ 19 tuổi, ông Dương Bá Nuôi - cán bộ tác chiến nay còn sống tại TP Huế - đã ôm hôn và chúc xạ thủ Cường dũng cảm, nhanh nhẹn, thao tác chính xác khi cảm tử mở đường máu. Ông Đỗ Xuân Vinh - người cùng đơn vị với ông Cường - vẫn nhớ như in giây phút ấy. Ông nói: "Thủ trưởng Dương Bá Nuôi khi ấy tuyên bố, nếu đồng chí Cường hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị, mặt trận sẽ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang". Một người nữa là ông Lê Xuân Kia - nguyên trợ lý chính trị K8 - xác nhận: "Ngay khi Đỗ Xuân Cường nhận nhiệm vụ giữ hoả lực B41 đi đầu, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho anh và quyết định sẽ đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng Ba".
10 giờ kém đêm 3/4/1968, Đỗ Xuân Cường cùng nhóm mở đường máu được lệnh phát hoả. Bắn đến quả thứ 10, hai tai ông máu chảy ướt đẫm, đầu đau điếng, mắt mờ, khó thở. Ông Cường được y tá nhét bông vào tai, cho uống thuốc cầm máu. "Đến 3 giờ sáng, máu vẫn chảy nhưng lòng căm thù giặc khiến tôi không còn biết đau đớn, mệt mỏi là gì. Tôi trút căm thù lên họng súng B41 bắn tiếp vào vòng vây địch" - ông Đỗ Xuân Cường nhớ lại. Đã có 14 quả B41 của người lính cảm tử trẻ tuổi giáng vào trận địa kẻ thù, giúp đồng đội ở K Bộ, K 8, C Bộ... thoát vây. Tốp mở đường máu vừa phản công vừa rút về địa bàn thôn An Ninh Thượng (nay thuộc phường Hương Long, TP.Huế). Ngày 4/4/1968, sau khi bắn thêm 5 quả B41, tiêu diệt xe tăng địch, người lính quả cảm Đỗ Xuân Cường bị trúng đạn M79 máu chảy đầm đìa rồi lịm dần bên hàng rào ấp chiến lược.
Tri ân mệ Nguyễn Thị Thìn - người đã nuôi giấu đơn vị trong trận đánh cảm tử. (Ảnh: Đăng Khoa)
Cựu chiến binh Ngô Quang Quy - người lính trong nhóm cảm tử hiện sống ở Thanh Hoá xót xa nhớ lại: "Trận chiến này K8 hy sinh nhiều lắm. Sau 5 ngày quần nhau, lúc rút khỏi An Ninh Thượng, cả tổ còn 3 người. Cường bị trúng quả M79 ở đầu và ngực bất tỉnh, ra nhiều máu, hy sinh một giờ sau đó. Tôi đưa bạn xuống hào, lấp sơ đất, phủ lá, hẹn 8 giờ sáng sẽ đem xác ra cứ. Bị truy đuổi ráo riết, 7 ngày sau, tôi trở lại tìm thì vùng này đã bị chiếm đóng, địch chốt một khẩu đại liên ngay tại điểm chôn Cường". Nay, gặp người đồng đội mình đã tự tay chôn cất đứng trước mắt bằng xương bằng thịt, ông Quy quá ngỡ ngàng, ôm chầm lấy ông Cường và khóc như trẻ con. Ông khóc vì sung sướng, bởi chẳng dám tin rằng xạ thủ B41 Đỗ Xuân Cường còn sống cho đến hôm nay.
Về nơi mình nằm xuống
Ngày 5/4/1968, Đỗ Xuân Cường tỉnh lại mới hay mình bị bắt, giam giữ tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (cũ). Ông khai tên là Đỗ Hồng Xuân, trốn viện hai lần nhưng thất bại. Tháng 5/1969, người tù cứng đầu Đỗ Xuân Cường bị giải đến nhà lao Phú Quốc. Những năm tháng ở chốn địa ngục trần gian, ông bị địch tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Một lần quản tù hỏi: "Nếu phóng thích, mày sẽ về đâu?" Ông vẫn một mực: "Tôi sẽ trở về với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếp tục đánh Mỹ".
Nhiều lần ông cùng đồng chí, đồng đội tổ chức vượt ngục, nhưng bất thành. Lần thứ nhất vượt ngục bị bắt, ông bị đóng đinh 7 phân vào gót chân trái; lần thứ hai (6 đồng đội bị giết tại chỗ, 25 người trốn về với cơ sở cách mạng, 11 người bị phát hiện) vẫn bị bắt lại. Sau lần đó, ông bị chuyển vào chuồng cọp, bắt ngồi vào thùng phuy ngập nước, tra tấn đến ói máu tươi.
Tất cả những hình thức tra khảo tàn bạo đã không khuất phục được ông. Sau cùng, ông được chuyển vào khu biệt giam cho tới ngày ký Hiệp định Paris và ông được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị). "Những cuộc tra tấn khiến tôi chết đi, sống lại nhiều lần. Hỏi cung không moi được tin gì, chúng chuyển về bệnh xá nhà lao điều trị. Người y tá chăm sóc tôi lúc đó không cầm được nước mắt khi thấy những vết thương tấy loét trên thân thể người tù 20 tuổi" - người cựu binh già rùng mình nhớ lại.
Sau này, nhờ hồ sơ tù binh được lưu trữ tại Cục Hồ sơ an ninh, Đỗ Xuân Cường mới biết mình "hy sinh" tại thôn An Ninh Thượng. Ở tại mảnh đất này, nhiều người trong vùng vẫn nhớ như in trận đánh ấy, bởi cả làng bị giặc đốt phá tan hoang. Ông Hồ Văn Hoan - người dân An Ninh Thượng - kể: "Khi chiếm đóng trở lại, địch khai quật những điểm nghi ngờ để tìm tài liệu thì phát hiện một anh bộ đội máu me đầy người còn thở. Họ cáng người bộ đội này đi đâu không rõ. Tôi còn nhớ nơi chôn người chiến sĩ này là vườn nhà mệ Nguyễn Thị Thìn - gia đình từng nuôi giấu bộ đội".
Ông Cường run run theo chân người dẫn đường tìm về nơi mình đã nằm xuống. Ngày trở lại, ông không còn gặp mệ Thìn, người đã tiếp cơm ăn nước uống cho mình trong những ngày sống dưới đạn bom. Bước chân vào nhà mệ, người cựu binh già cùng đồng đội gọi "Mẹ", rồi khóc lặng trước di ảnh mệ Thìn. Người lính già xúc động hơn khi nghe con trai, con gái mệ kể rằng, sau trận đánh ấy, mệ Thìn bị giặc đánh đập, tra tấn vì chúng nghi mẹ phục vụ cách mạng. Nhờ những người trong làng, ông Đỗ Xuân Cường xác định vị trí mình được chôn cất trong đêm ấy. Không chỉ thế, ông Cường còn nhớ rằng: "Ở tại vị trí này, ngoài hài cốt một người đã được cất bốc, khả năng còn 6 hài cốt của đồng đội tham gia trận đánh năm ấy".
Hòa bình, ông trở lại cuộc sống đời thường với thương tật hạng 1/4 (tỉ lệ 81%), mảnh kim khí vẫn còn trong não, liệt nhẹ nửa người, bị động kinh... Lần này trở về Huế thăm chiến trường xưa, đồng đội cũ, ông đi sớm vài ngày để gặp bạn chiến đấu Nguyễn Văn Thắng, rồi cả hai bắt xe ôm tìm về những nơi mình từng chiến đấu để tìm hài cốt đồng đội. Ông Đỗ Xuân Cường nói: "Nhiều chiến sĩ K8 đã hiến dâng máu xương tuổi thanh xuân ở mảnh đất này. Tôi từ cõi chết trở về âu cũng là số trời nên không thể quên những người nằm xuống. Được gặp lại đồng chí, đồng đội mình là cơ may của những người từng đi qua chiến tranh, chúng tôi quý từng phút giây được sống, được gần nhau".
Đó cũng là điều tâm niệm và triết lý sống trong phần đời còn lại của người lính may mắn trở về từ cõi chết.
Theo Đăng Khoa
Lao Động
Nhiều đại biểu HĐND Hà Nội muốn một quận mới mang tên Mỹ Đình Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội không ủng hộ đặt tên hai quận mới của Hà Nội là Bắc - Nam Từ Liêm. Phần lớn nghiêng về phương án đặt tên cho quận phía Bắc là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình. "Cá nhân tôi không ủng hộ việc lấy tên cả...