Hồ Tôn Dung- Điểm đến thú vị
Nằm cách trung tâm thị trấn Ba Tơ chừng 2km, với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, ẩm thực hấp dẫn, hồ Tôn Dung là điểm đến thú vị, nơi dừng chân lý tưởng cho du khách sau khi có một chuyến tham quan, dã ngoại hấp dẫn đến với Ba Tơ.
Nhắc đến du lịch Ba Tơ, ngoài các địa danh nổi tiếng gắn liền với các giá trị đặc sắc của một vùng đất cách mạng, nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Hrê vùng cao, Ba Tơ còn có vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên với sông suối, ao, hồ dày đặc. Và trong số đó, du khách không thể bỏ qua hồ chứa nước Tôn Dung, nằm ở tổ dân phố Kon Dung, thị trấn Ba Tơ.
Hồ chứa nước Tôn Dung là một công trình thủy lợi quan trọng của huyện Ba Tơ, nằm cách trung tâm thị trấn chỉ chừng khoảng 2km. Đường dẫn về hồ không gồ ghề, khúc khuỷu như trong hình dung của nhiều du khách khi đến miền núi, ngược lại đó là con đường thuận tiện, ôtô di chuyển lên tới tận nơi.
Vừa đặt chiếc balô xuống ghế, bỏ qua những mệt mỏi trong chuyến hành trình dài, du khách không khỏi xuýt xoa, trầm trồ trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một hồ chứa nước, dù chỉ rộng chừng 3ha diện tích mặt nước.
Khung cảnh thiên nhiên ở hồ Tôn Dung mùa nước đầy. |
Từ cổng vào, từng khóm trúc, hàng dây leo đong đưa trước gió trông thật lãng đãng, thơ mộng. Phóng tầm mắt sang xung quanh, bốn phía hồ được bao bọc bởi đồi núi hùng vĩ, hệ thực vật đa dạng.
Thời điểm này, nhiều cánh rừng trong tỉnh đã khô cháy thì cánh rừng nơi đây vẫn phủ một màu xanh mướt, sừng sững, hiên ngang giữa đại ngàn. Nước rút cạn hơn, dần để lộ ra những bãi đất nhưng không vì thế mà đánh mất đi vẻ đẹp vốn có với những sắc màu của thiên nhiên: rừng cây, mặt nước giữa lòng hồ, bầu trời, bến bờ, tiếng chim, gió thoảng.
Đó còn là vẻ đẹp của sự khoáng đãng, mát dịu, thân thiện và đầy cảm hứng nhưng cũng rất trầm mặc. Vào mùa thu đông, lượng nước nhiều, nước xanh hơn, nhìn thấy cả rong rêu, cây cỏ bên dưới, mặt nước vẫn luôn êm đềm.
Video đang HOT
Giữa cái nắng gay gắt, bắt gặp khung cảnh như thế này, nhiều đoàn khách cảm thấy thích thú khi được men theo con đường, các lối mòn hay leo lên những chiếc thuyền đánh cá của người dân địa phương dạo một vòng hồ để cảm nhận khí hậu mát mẻ, trong lành.
|
Du khách tìm hiểu đời sống người dân ở vùng hồ Tôn Dung và chọn mua cá do người dân đánh bắt được từ hồ. |
Cuộc sống người dân trên lòng hồ ở vùng cao không khác gì làng chài ven sông dưới miền xuôi. Mùa lũ dâng cao thì tạm gác mái chèo, mẻ lưới, còn mùa này là thời điểm an toàn để bắt ốc, cá phục phụ du khách.
“Rảnh rỗi chỉ cần chịu khó ra hồ chừng vài tiếng là có 5-7kg cá các loại. Mà cá ở hồ lại vừa sạch, vừa ngon nên nhiều du khách thích lắm, khi họ được tận mắt chứng kiến cảnh đánh bắt rồi mang cá lên bờ chế biến. Ăn con cá thấy nâng niu và cảm giác ngon miệng hơn” anh Phạm Văn Thí, 33 tuổi, người dân thị trấn Ba Tơ, cho hay.
So với ngày trước, giờ đây lên hồ Tôn Dung du khách không còn lo lắng nhiều về việc ăn uống và chất lượng nghỉ dưỡng khi đã có hộ kinh doanh đến đầu tư, phục vụ du khách.
Nhiều người còn có thể mang sản vật từ lòng hồ vừa mua, đánh bắt được để nhờ chủ quán chế biến theo khẩu vị ưa thích hoặc “order” thêm từ quán. Du khách không thể cưỡng lại các đặc sản của núi rừng như cá niên luộc rau răm, cá niên nướng chấm muối ớt thơm lừng… Vị thơm của cá nướng từ bếp than lan tỏa khắp nơi khiến ai nấy đều thòm thèm, chỉ mong tới lượt mình được thưởng thức.
Rồi còn rau ranh nấu ốc đá, giữa trưa hè oi bức mà thưởng thức món này chỉ có “hết sẩy”. Gà re nướng, gà thả đồi, heo ky ăn chơi, thịt trâu… cùng các loại rau rừng dân dã, đó là những ẩm thực không thể từ chối.
|
Đến với hồ Tôn Dung, du khách còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc sắc ở vùng cao. |
|
Cá niên nướng bếp than là món ngon không thể cưỡng lại. |
Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ chưa được khám phá nhiều thì ẩm thực là một điểm cộng mà người dân địa phương muốn hướng đến để níu chân du khách muốn tránh xa chốn ồn ào phố thị, tìm đến nơi thanh tịnh, bình lặng những vẫn có những dịch vụ thiết yếu. Khách sẽ dành thời gian cho nơi này nhiều hơn, ngắm trọn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của hồ Tôn Dung; cảm nhận sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.
“Chính hương vị tươi ngon của nguyên liệu, cộng với cách chế biến khéo léo, nhiều kinh nghiệm trong 10 năm phục vụ du khách đã làm hài lòng nhiều thực khách và họ ghé đến nhiều lần hơn”, ông Mai Sơn, 46 tuổi, chủ quán chia sẻ.
Dù chưa có một dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại như xe đạp nước, đạp vịt hay ca nô như nhiều lòng hồ khác trong khu vực miền Trung đã đưa vào khai thác, nhưng hồ Tôn Dung vẫn luôn đón được một lượng khách ổn định mỗi năm từ vẻ đẹp hoang sơ, giản dị vốn có. Nơi đây được xem là điểm dừng chân lý tưởng để bắt đầu một chặng tham quan mới hay kết thúc một hành trình dài sau một chuyến tham quan vòng quanh các danh lam thắng cảnh ở Ba Tơ.
Bây giờ đã sắp cuối hạ vào thu, hồ Tôn Dung từ chỗ nước cạn rồi sẽ mênh mông nước trở lại. Nếu tranh thủ được thời gian, du khách mà nhất là các bạn trẻ nên đến nơi đây vào thời điểm này, trước khi khung cảnh đẹp này “tạm thời” biến mất khi mùa đông mưa lũ kéo đến.
Hội An nơi lưu dấu âm hưởng những ngày đã xa
Hội An là một phố cổ thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn quá khứ với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ...
Trải qua bao dãi dầu lịch sử, bao biến cố và bao mất mát của chiến tranh, Hội An dù đã phảng phất màu thời gian nhưng vẫn mang nét đẹp cổ xưa.
Ngược dòng thời gian, nơi này từng là thương cảng sầm uất với nhiều hoạt động giao thương buôn bán tấp nập, nơi tập trung những thương cảng Trung Quốc, Nhật Bản. Khi chúa Nguyễn Hoàng trở thành Tổng Trấn Tướng Quân, lập ra Đàng Trong thì Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất và lớn nhất Đông Nam Á.
Xóm làng Hội An vẫn cứ yên bình như thế cho đến năm 1775, chúa Trịnh với mưu đồ tàn phá và đánh chiếm Hội An đã ra sức càn quét khiến Hội An êm đềm ngày nào trở nên hoang tàn, xơ xác và phải mất đến 5 năm Hội An mới dần hồi sinh , nhưng sức sống yếu ớt, và đến thế kỷ 19 cửa sông Cửa Đại bị thu hẹp , sông Cổ Cò bị vùi lấp cộng thêm chính sách đóng cửa , hạn chế quan hệ vô cùng hà khắc của chúa Nguyễn Hoàng đã khiến Hội An một lần nữa điêu đứng khi không còn trụ vững vị thế quốc tế.
Năm 1964 một trận lũ lịch sử tiếp tục mang đau thương cho vùng đất vốn êm đềm này, nhiều công trình lại một lần nữa bị tàn phá. Hội An tiếp tục mang màu buồn thì năm 1976, tỉnh Quảng Nam được thành lập, Tp. Đà Nẵng thành tỉnh lỵ của Quảng Nam và Hội An rơi vào tình trạng bị lãng quên.
Hội An trở nên khởi sắc vào năm 1980 khi khách du lịch đến nhiều hơn và cho đến ngày hôm nay, Hội An như đại bàng vươn lên từ đống tro tàn đã trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút triệu lượt khách mỗi năm và được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhiều hoạt động văn hóa và bảo tồn văn hóa cũng được diễn ra thường xuyên, những công trình lịch sử được tôn tạo và hình ảnh phố cổ xưa cũ và những con người thuận thảo, hiếu khách sẽ mãi in dấu đậm sâu trong tâm khảm của mỗi du khách từng ghé đến nơi đây.
Đà Lạt - mùa của những "Nàng Thơ" Chưa đi chưa biết Đà Lạt, đi rồi mới biết Đà lạt không chỉ là thành phố ngàn hoa hay mù sương mà còn là nơi chữa lành nhiều tâm hồn. Đà lạt luôn đẹp dù là mùa hè hay mùa xuân, dù là bình minh hay chiều tà, không chỉ đẹp vì sự thơ mộng vốn có mà còn là vì sự...