Hồ Núi Cốc – Danh thắng nổi tiếng ở Thái Nguyên
“Bồng bềnh hứ bồng bềnh, tròng trành hứ tròng trành. Một vùng núi cao, nước sâu thuyền trôi, thuyền trôi, mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo…” câu hát say lòng mời gọi du khách tìm về hồ Núi Cốc với huyền thoại một câu chuyện tình lãng mạn thủy chung.
Từ TP. Thái Nguyên, qua núi, qua đồi, qua đồng lúa chín, đi khoảng 15km du khách sẽ đến với hồ Núi Cốc. Một vùng trời nước mênh mông với 25km mặt hồ đột ngột hiện ra, phía Tây hồ là dãy núi Tam Đảo xanh thẫm trong bồng bềnh mây trắng, phía Đông hồ là vùng chè đặc sản Tân Cương với những đồi chè san sát xanh mỡ màng khiến du khách ngẩn ngơ say. Đi thuyền trên mênh mông mặt hồ, du khách sẽ được đắm chìm trong câu chuyện tình lãng mạn của hồ Núi Cốc.
Huyền thoại kể rằng: Dưới chân dãy núi Tam Đảo có chàng trai nghèo tên là Cốc có tài thổi sáo. Một năm hạn hán, chàng Cốc tìm đến nhà quan lang vùng núi Ba Lá làm thuê. Quan lang giao cho chàng việc chăn đàn trâu trong rừng. Thui thủi nơi rừng sâu, núi thẳm, nhớ quê hương, chàng Cốc đem sáo ra thổi. Tiếng sáo da diết, cô đơn đã khiến nàng Công, con gái yêu của quan lang xúc động. Theo tiếng sáo nàng đã tìm đến với chàng. Quan lang biết chuyện tìm cách hại chàng Cốc. Chàng được lệnh vào khu rừng có nhiều thú dữ để tìm ngà voi và sừng tê, quan lang hy vọng đàn thú dữ sẽ xé xác chàng Cốc, nhưng khi nghe tiếng sáo của chàng không một con thú nào ăn thịt chàng cả. Quan lang tức giận hạ lệnh đốt rừng cho chàng Cốc chết cháy, khi ngọn lửa đang bốc lên thì một cơn mưa lớn trút xuống dập tắt lửa rừng, trong mưa gió chàng Cốc chạy thoát về túp lều của mình, chàng lấy sáo ra thổi. Lần theo tiếng sáo, nàng Công lén dắt ngựa trốn nhà cùng chàng Cốc chạy về quê chàng. Quan lang lệnh cho lũ tôi tớ phải bắt bằng được đôi trai gái. Bị truy đuổi gấp, biết không thể cùng nhau trốn thoát, nàng Công trao ngựa cho chàng Cốc chạy về chân núi Tam Đảo còn mình chịu bị bắt về giam trong hang đá. Trong hang sâu nàng than khóc ngày đêm, nước mắt thành dòng chảy mãi đến một ngày kiệt sức, nàng Công hòa thân mình trong dòng nước chảy đến quê chàng Cốc. Đau đớn khôn cùng, chàng Cốc than khóc, đến một ngày kia chàng gục xuống bên bờ sông hóa núi. Kể tù đó Thái Nguyên có sông Công núi Cốc.
Trong màu xanh ngăn ngắn của mặt hồ, trong cái tĩnh lặng của trời, mây, sông, nước, 89 hòn đào trên hồ lần lượt hiện ra góp thêm chất thơ cho hồ Núi Cốc càng trở nên quyến rũ. Hòn đảo lớn nhất gọi là đảo Tiên Nằm, phía xa xa là đảo Cò xanh thẫm, nơi ấy mỗi khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn cò trắng sải cánh trong chạng vạng trời chiều rồi hạ xuống đậu trắng các vòm cây trên đảo…
Là một thắng cảnh đẹp, một khu du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên, hồ Núi Cốc đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thác Khuôn Tát Thắng cảnh đẹp của Thái Nguyên
Thác Khuôn Tát là một thắng cảnh của tỉnh Thái Nguyên. Thác nằm trên địa phận xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa và cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 70km.
Thác Khuôn Tát thuộc khu vực di tích lịch sử ATK Định Hóa, là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc và đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trong chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954). Thác Khuôn Tát được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia vào năm 2002.
Thác Khuôn Tát nằm giữa núi rừng hoang vu và khá yên tĩnh, xung quanh thác có nhiều cây cổ thụ. Thác bao gồm 7 tầng, nước từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xoá, phía dưới tạo thành dòng suối. Theo truyền thuyết của cư dân bản địa, xưa kia, các loài động vật hoang dã trong vùng thường đến đây uống nước, vào những hôm trời xanh, nước trong, mây trắng vờn trên đỉnh núi có bầy Tiên nữ từ trên trời xuống thác tắm.
Từ trên đỉnh Đèo De, có thể nhìn xuống Thác Khuôn Tát với bảy tầng trông giống những bậc thang nhà sàn của cư dân miền núi. Độ cao tính từ đỉnh thác xuống chân thác là trên 20m. Tầng dưới cùng đẹp nhất và cao khoảng 12m, rộng 15m, các tầng còn lại phía trên cao chênh lệch nhau trên dưới 2 đến 3m và chiều rộng thu nhỏ dần lên đỉnh thác. Người ta có thể leo lên các tầng thác, mỗi tầng đều có bóng cây tỏa mát, phía dưới từng tầng, nước đổ xuống tạo thành bồn tắm. Thác Khuôn Tát có nguồn nước trong với nhiều tảng đá bằng phẳng.
Ở chân thác Khuôn Tát, nước dội xuống thành bồn tắm tự nhiên, chỗ nước sâu nhất chừng 2 đến 3m, nông dần ra phía ngoài tạo thành con suối. Suối Khuôn Tát chảy ngoài thác độ 100m là bãi cát, sỏi nhỏ và đá tự nhiên nằm giữa dòng chảy như: hình cá voi, hình con rùa, con trâu đầm... Hai bên suối là bãi cỏ bằng phẳng xanh tươi rất thuận lợi cho việc cắm trại, dựng lều lán nghỉ ngơi, vui chơi cho các đoàn khách du lịch đông người.
Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) - Vẻ đẹp huyền thoại Hồ ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái nguyên khoảng 15km về phía tây, là một thắng cảnh thiên nhiên gắn liền với câu chuyện tình huyền thoại về chàng Cốc, nàng Công. Trong cái mênh mang của mây trời, sông nước; trong cái ngút ngàn mướt xanh của những vạt rừng in bóng mặt hồ rồi 89...