Hồ Ngọc Hà đạt đến những nốt cao không thua kém diva
Giới chuyên môn thừa nhận nữ ca sĩ gốc Quảng Bình ngày một tiến bộ về thanh nhạc và có được những nốt cao ấn tượng.
Trong quãng giọng ngực và giọng pha của ca sĩ, từ quãng 3 trở xuống là quãng trầm, quãng 4 là quãng trung, từ quãng 5 trở nên là quãng cao, với các nốt Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, tương đương với C5, D5, E5, F5, G5, A5, B5. Trong đó, C5, D5, E5 là các nốt cao, còn F5, G5, A5, B5 là những nốt rất cao. Một số ca sĩ có thể đẩy giọng pha lên tận quãng 6.
Ký hiệu nốt nhạc
Là một ca sĩ đi theo hình tượng giải trí, chú trọng hơn vào vũ đạo và hình ảnh, lại đôi khi gặp phải những scandal không đáng có, nên nhiều người thường đánh giá thấp khả năng của Hồ Ngọc Hà.
Nhưng bỏ ngoài tai những đồn đại, thị phi, Hồ Ngọc Hà đã và đang phấn đấu, nỗ lực luyện thanh, để sở hữu những nốt cao ngày một ấn tượng và hoàn thiện hơn. Cô có thể belt lên rất nhiều nốt ở quãng 5.
Hồ Ngọc Hà với hình ảnh ca sĩ giải trí.
Không phủ nhận giọng hát của Hồ Ngọc Hà có một nhược điểm lớn là khá yếu, chưa kể chất giọng nữ trung trầm (mezzo alto) vốn không có thuận lợi để lên các quãng cao giúp phô diễn giọng hát như nữ trung (mezzo soprano) và nữ cao (soprano), nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, Hồ Ngọc Hà đã có thể dùng mixed voice (kĩ thuật hát pha) để belt (đẩy giọng ngực full voice) lên nốt D5 (Rê quãng 5) khá tốt, với đầy đủ độ vang và giữ được nốt như trong màn trình diễn ca khúc Tìm lại giấc mơ. Một ca sĩ không có kĩ thuật sẽ khó mà làm được điều này.
Hồ Ngọc Hà trình diễn ca khúc Still loving you.
Nốt belt D5 tiếp tục được Hồ Ngọc Hà thể hiện tại màn trình diễn ca khúc Still loving you trong vòng live show chương trình Nhân tô bí ẩn 2014. Tại màn trình diễn ca khúc Trả nợ tình xa cùng nhạc sĩ Phương Uyên, Hồ Ngọc Hà đã kéo mic ra rất xa để belt một nốt D5 khá vang. Nếu không có kĩ thuật, sẽ không thể kéo mic ra xa mà vẫn rõ tiếng như vậy.
Video đang HOT
Hồ Ngọc Hà trình diễn ca khúc Trả nợ tình xa.
Nhạc sĩ Quốc Trung từng chế giễu rằng “Hồ Ngọc Hà chỉ lên được nốt C$ (Cường Đô La) thôi!” trên trang Facebook của nhà thơ Phan Thị Huyền Thư. Không rõ Hồ Ngọc Hà có biết điều đó không, nhưng cô đã âm thầm luyện tập, để belt lên nốt C#5 (Đô thăng quãng 5) trong màn trình diễn Em đi tìm anh mới đây tại một phòng trà. Có lẽ đây là cách đáp trả khôn khéo nhất của Hồ Ngọc Hà với những lời tiếng gièm pha về năng lực của cô.
Cũng trong màn trình diễn này, Hồ Ngọc Hà đã hai lần belt và giữ được E5 (Mi quãng 5) với ngân rung (vibrato), khá nội lực, trái ngược hoàn toàn với chất giọng trầm khàn thường thấy ở cô.
Nốt E5 tiếp tục được Hồ Ngọc Hà thể hiện một cách chắc chắn trong màn trình diễn ca khúc Hãy thứ tha cho em tại Houston, Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, Hồ Ngọc Hà tiếp tục chứng minh sự nỗ lực của mình qua màn trình diễn ca khúc Chơi vơi (song ca với Giang Hồng Ngọc), khi cô dùng mixed voice để belt lên tận nốt F5 (Fa quãng 5) – một nốt rất cao với đầy đủ vibrato.
Hồ Ngọc Hà trình diễn ca khúc Chơi vơi.
Tuy nốt F5 Hồ Ngọc Hà đạt được chưa thật sự hoàn hảo và chuẩn mực, nhưng cũng có thể so sánh với một số giọng nữ chất lượng cùng type (kiểu) giọng trung trầm (mezzo alto) để thấy được sự nỗ lực của cô: Thanh Lam nổi tiếng như một diva nhạc nhẹ của Việt Nam với kĩ thuật hàng đầu, nhưng chưa bao giờ belt lên F5, rất hiếm khi belt tới D5 và lên tới nốt đó đã có dấu hiệu gào thét chứ không phải kĩ thuật mixed voice, dù có thể rất khỏe khoắn; Mỹ Tâm chỉ cần tới E5 đã rất yếu, mất kiểm soát, chới với, thiếu ngân rung; hay Thu Phương cũng hầu như chưa từng belt tới F5, E5, thậm chí là D5, chỉ cần chạm tới C5 đã vô cùng vất vả và khó nhọc với cô.
Tất nhiên, âm nhạc không phải cuộc chiến giữa các nốt nhạc và Hồ Ngọc Hà vẫn phải phấn đấu lâu dài mới có thể theo kịp các đàn chị như Thanh Lam, Thu Phương, Mỹ Tâm, nhưng so sánh trên đã hoàn toàn chứng minh được sự tiến bộ rõ rệt trong chuyên môn của cô.
Theo Đức Long/VietNamNet
Tuổi xế chiều khó khăn, đơn côi của các tác giả nhạc sến
Ông hoàng nhạc sến Vinh Sử, "cha đẻ" của ca khúc "Sao anh nỡ đành quên" - Tô Thanh Tùng... đều phải đối mặt với bệnh tật và cảnh đời đói nghèo khi bước vào tuổi xế chiều.
Nhạc sĩ Thanh Bình, Vinh Sử, Hoàng Phương, Hoài Linh... đều là những cái tên quen thuộc với khán giả yêu thích dòng nhạc sến (hay còn gọi là nhạc vàng). Có người đã ra đi, có người vẫn ngày đêm sáng tác những ca khúc mới. Nhưng dường như những nốt nhạc buồn bã, sầu thương đã vận vào cuộc sống, khiến họ phải sống cảnh đời khó khăn, vất vả sau phút thăng hoa trong âm nhạc.
Những người ra đi trong túng quẫn, đói nghèo...
Giữa năm 2014, người yêu nhạc ngỡ ngàng trước thông tin nhạc sĩ Thanh Bình - tác giả của ca khúc Tình lỡ - qua đời trong cảnh không có con cái kề bên, còn người thân thậm chí chẳng đủ tiền cho chuyện ma chay. Ca sĩ Ánh Tuyết phải gom góp những khoản người hâm mộ nhờ gửi ông, được gần 10 triệu, để gia đình kịp lo hậu sự.
Ca sĩ Ánh Tuyết bên nhạc sĩ Thanh Bình khi ông còn khỏe mạnh.
Từng trải qua ba cuộc hôn nhân, nhạc sĩ tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, chỉ có một người con gái. Ông từng làm đủ nghề như viết nhạc, viết báo, rồi bán xăng, chăn nuôi... để mưu sinh. Khi con vướng vòng lao lý vì làm ăn thua lỗ, ông phải sống lang thang tại bến xe miền Đông với bọc nylon đựng vài bộ quần áo và chiếc quạt máy cũ kỹ.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ, những năm tháng cuối đời, ngoài cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn, nhạc sĩ Thanh Bình phải đối mặt với chứng cao huyết áp, lao phổi và bị lãng tai. Mong mỏi lớn nhất của ông là gặp lại người con duy nhất nhưng cuối cùng lại không thực hiện được.
Một người nhạc sĩ cũng tài hoa nhưng bất hạnh không kém Thanh Bình là Trúc Phương. Chính ông từng chia sẻ về cuộc sống bấp bênh trong cảnh lấy vỉa hè làm nhà, bạn bè làm gia đình: "Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no... Tôi không có mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát"...
Người vợ kém tuổi của nhạc sĩ Hoàng Phương và con trai trước ngôi nhà lụp xụp ông sống những ngày cuối đời. Ảnh: Lao Động
Nhạc sĩ Hoàng Phương - tác giả ca khúc Hoa sứ nhà nàng - cũng rời cuộc đời trong cảnh nghèo khó dù có gia tài sáng tác khá ấn tượng. Trước năm 1975, nhạc sĩ tên thật là Nguyễn Kim Hoàng vừa viết nhạc vừa quản lý tiệm buôn bán đồng hồ của gia đình. Sau đó, ông còn mở thêm hai tiệm vàng ở thị xã Gò Công. Nhưng năm 1989, ông gạt bỏ cả cuộc sống đầy đủ, cả người vợ cùng 8 đứa con để đến với người tình ít tuổi hơn cả con trai.
Năm 2002, tác giả của dòng nhạc Gò Công làm mưa làm gió từ Nam chí Bắc suốt thập niên 1980 qua đời vì bệnh ung thư gan sau chuỗi tháng ngày sống trong suy sụp, buồn phiền. Đám tang của ông được tổ chức tại căn nhà nhỏ tồi tàn của hai vợ chồng trên bãi biển Tân Thành.
Hình ảnh hiếm hoi của nhạc sĩ Hoài Linh thời trẻ. Ảnh: Tấm Gương
Hoài Linh - nhạc sĩ của Về đâu mái tóc người thương, Khách lạ đò xưa, Nếu đừng dang dở... - là gương mặt hiếm hoi của dòng "nhạc vàng" có cuộc sống vật chất thoải mái chỉ nhờ công việc sáng tác. Nhưng năm 1995, sau gần 30 năm gắn bó cùng âm nhạc, ông trắng tay vì một lần tai biến mạch máu não rồi trở nên bại liệt. Ngày 30/4 năm đó, ông qua đời trong hoàn cảnh chẳng hề khá giả.
... Người sống cùng bệnh tật, khó khăn
Lớp đàn em của Thanh Bình, Hoài Linh... cũng không may mắn hơn. Được mệnh danh là "ông hoàng nhạc sến", có thời điểm mỗi nhạc phẩm trị giá hai chiếc xe hơi đời mới, nhưng hiện Vinh Sử sống trong căn phòng trọ chật hẹp ở một xóm lao động nghèo ven Sài Gòn. Hơn thế, ông còn phải đối mặt với căn bệnh ung thư đại tràng.
Hàng ngày, Vinh Sử tự nấu ăn chăm sóc bản thân và điều trị bệnh ung thư đại tràng bằng thuốc nam. Ảnh: Huy Nguyễn
Nhiều đồng nghiệp cho rằng tính đào hoa khiến bao nhiêu tài sản của nhạc sĩSầu tím thiệp hồng rơi hết vào tay phụ nữ. Vinh Sử tâm sự, ông chưa bao giờ chủ động rời xa bất cứ người phụ nữ nào, chỉ có họ chọn cách bỏ ông, ngay cả ở thời điểm ông thừa tiền tài lẫn danh vọng. Có 4 đời vợ và 6 người con nhưng nhiều năm nay, ông sống trong cảnh cô đơn. Thỉnh thoảng, người vợ thứ 4 là bà Lệ tới chăm sóc khi ông đau ốm nhưng lúc Vinh Sử khỏe mạnh hơn, bà lại về nhà mình.
Các nhạc sĩ Y Vũ, Hà Phương phải làm những công việc tay chân như đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm buôn răng vàng, bạc vụn hay bổ củi, xẻ đá để kiếm sống từng ngày. Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Duyên dù mắc đủ chứng bệnh như suy mạch vành, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ vẫn phải chăm sóc người vợ bị mất trí nhớ.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đang điều trị tại bệnh viện Bình Dân - TP HCM.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng - người sáng tác những ca khúc như Sao anh nỡ đành quên, Giăng câu... - cũng không may mắn hơn. Hiện ông chật vật từng ngày đối mặt với căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến đã di căn vào gan và xương, khiến một chân khó hoạt động.
Từng có cuộc sống sung túc với tiệm băng đĩa lớn ở TP HCM nhưng sau khi ly dị, vợ con ra nước ngoài định cư, Tô Thành Tùng sống một mình. Những ngày tháng điều trị trong bệnh viện, ông không có người thân kề cận để chăm sóc mà phải nhờ tới sự giúp đỡ của học trò. Ông gặp không ít khó khăn vì tiền viện phí cao mà chỉ có khoản thu ít ỏi từ tiền tác quyền ca khúc.
Ngày 30/9, đêm nhạc Tình nghệ sĩ sẽ được tổ chức tại phòng trà Không Tên với sự tham gia của Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên và hai nghệ sĩ hài Cát Phượng - Trường Giang để gây quỹ ủng hộ người nhạc sĩ già.
Theo Zing
4 điểm chung làm nên thành công cho 4 diva Việt Những điểm chung này đã cộng hưởng cùng nhau, làm nên thành công rực rỡ cho cả 4 nữ ca sĩ này. Được báo chí định danh với danh hiệu cao quý là 4 diva nhạc nhẹ Việt Nam, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần là những nữ ca sĩ thành công và có cống hiến không nhỏ với âm nhạc...