Hồ điều tiết, siêu máy bơm chống ngập ở TP HCM dần hoàn thành
Đối phó với mưa ngập, TP HCM đang thi công hồ điều tiết ngầm và lắp siêu máy bơm, dự kiến hai công trình này hoàn thành trong tháng 8.
Hồ điều tiết thông minh chống ngập nước được thi công trên đường Võ Văn Ngân, đoạn trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi (quận Thủ Đức, TP HCM), với sự đầu tư từ đối tác Nhật Bản, từ ngày 1/8. Đây là hồ nước điều tiết đầu tiên của TP HCM.
Hồ điều tiết chống ngập dài 10 m, rộng 9 m và sâu khoảng 2,5 m. Sau ba ngày thi công, công trình này gần như hoàn thiện. Việc xây dựng, lắp ráp hồ điều tiết ngầm này sẽ giúp giảm ngập nước cho đường Võ Văn Ngân, khu vực thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn.
Theo chủ đầu tư, các mô đun cross-wave là vật liệu chính tạo nên hồ điều tiết ngầm và đây là công nghệ mới được sử dụng ở công trình này.
Sản phẩm cross-wave được chế tạo từ polypropylene, dễ dàng thi công, có thể áp dụng tại các khu vực có mặt bằng nhỏ, vật liệu thân thiện môi trường.
Sau hai ngày, việc lắp đặt các cross-wave hoàn thiện. Công nhân tiến hành làm các đường ống dẫn, hệ thống lọc nước.
Video đang HOT
Việc xây dựng hồ điều tiết ngầm có nhiều ưu việt so với hồ làm bằng bêtông như: thời gian thi công ngắn, hồ có tính chịu lực cao, không chiếm mặt bằng, linh hoạt trong nhiều địa hình… Đặc biệt, tuổi thọ công trình có khả năng lên đến 100 năm.
Đơn vị thi công lắp đặt hệ thống ống HDPE (ống lọc rác) xuống lòng hồ. Công trình được xây dựng ngầm trong lòng đất có dung tích chứa hơn 100 m3 nước mưa. Khoảng 95% lượng nước này có thể sử dụng tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy.
Sau khi hoàn thiện các kết cấu ngầm, hồ điều tiết ngầm được lấp đất để trả lại mặt bằng, dự kiến hoàn tất vào ngày 5/8. Sau khi hoàn thành, ôtô trọng tải dưới 25 tấn có thể đậu trên mặt hồ này.
Sau khi thực hiện thí điểm hồ điều tiết tại quận Thủ Đức đạt hiệu quả, TP HCM sẽ xem xét triển khai chống ngập nước ở các khu vực khác. Thành phố đang triển khai đề án quy hoạch 103 hồ điều tiết hỗ trợ chống ngập, cải thiện môi trường… Trong đó có các hồ điều tiết lớn như: Gò Dưa, Khánh Hội, Bàu Cát…
Trong khi đó, việc thí điểm lắp đặt siêu máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng được thực hiện từ giữa tháng 7. Siêu máy bơm dự kiến có công suất lớn hơn 30 lần so với máy bơm hiện hữu của thành phố. Hệ thống được thiết kế bằng máy bơm ly tâm có thể hút nước với công suất từ 27.000 đến 96.000 m3 một giờ, hoạt động bằng dầu hoặc điện.
Trạm bơm đang thi công, được lắp đặt dọc sông Sài Gòn ở khu đất rộng hơn 400 m2. Khi hoàn thiện, máy bơm hút nước từ chỗ thấp lên cao, gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn.
Những ngày qua, công nhân chia làm ba ca, để đẩy nhanh tiến độ. Các mũi khoan cọc làm nền móng vẫn còn chất đống, nằm chờ. Theo các công nhân, thời tiết mưa gió ảnh hưởng nhiều đến thơi gian thi công. Công trình dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 8.
Khi hoạt động, máy sẽ vừa bơm vừa lọc tách rác, bơm được ở tất cả khu vực có môi trường khắc nghiệt như triều cường dâng cao, trong cống có nhiều tạp chất đất đá. Một máy bơm hoạt động trong một trận mưa tốn khoảng 5 triệu đồng tiền nhiên liệu.
Chi phí đầu tư là gần 90 tỷ đồng (chưa kể chi phí vận hành hàng năm), song chủ đầu tư cam kết hết ngập mới lấy tiền. Trong trường hợp đường không hết ngập hoặc xảy ra tình trạng lún sụp như cảnh báo thì đơn vị đầu tư phải chịu tất cả chi phí liên quan.
Quỳnh Trần
Theo VNE
TP HCM thí điểm xây hồ điều tiết ngầm chống ngập
Chính quyền TP HCM đồng ý để công ty Nhật Bản tự bỏ kinh phí xây thí điểm một hồ điều tiết ngầm dung tích 100 m3 để giải quyết ngập.
UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm chống ngập cùng các bên liên quan làm việc với một công ty của Nhật Bản để lựa chọn vị trí xây thí điểm hồ điều tiết dung tích 100 m3, bằng vật liệu "Cross - Wave", để giải quyết ngập trên địa bàn.
Đây là vật liệu chế tạo từ Polypropylene, được cho là có độ bền cao, dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 90% và thân thiện môi trường.
Với khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn, sau khi xây dựng xong hồ điều tiết ngầm, mặt bằng sẽ được hoàn trả cho các công trình như công viên, bãi đỗ xe, sân vận động... Vì vậy, việc ứng dụng vật liệu này để xây hồ điều tiết được cho là rất thích hợp với những đô thị lớn, năng động và quỹ đất không còn nhiều như TP HCM.
Dù TP HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng chống ngập nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ảnh: Phạm Duy.
Xây hồ điều tiết là một trong những giải pháp chống ngập mà TP HCM đang triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố cũng đang chuẩn bị các bước để xây 3 hồ điều tiết với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm.
Trong đó, lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hồ cảnh quan trong công viên sẽ được mở rộng, gia cố thành hồ điều tiết nước.
Theo các chuyên gia quy hoạch, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố.
Tuy nhiên, theo Trung tâm chống ngập, khó khăn lớn nhất trong việc xây hồ điều tiết vẫn là quỹ đất trống quá hạn hẹp, chưa kể để chọn được vị trí thấp để nước mưa từ mặt đường, cống đổ về hồ được cũng không hề đơn giản. Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn chưa có các quy chuẩn kỹ thuật về xây hồ điều tiết đô thị nên trung tâm phải vừa đề xuất xây dựng một hồ thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chưa biết khi nào thành phố mới có hồ điều tiết đầu tiên.
Hữu Nguyên
Theo VNE
TP HCM lần đầu xây hồ điều tiết ngầm thông minh Hồ điều tiết thông minh - giải pháp mới, được kỳ vọng giảm ngập nước cho khu vực quận Thủ Đức. Ngày 1/8, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác tại Việt Nam thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước, trên đường Võ Văn Ngân - trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi (quận Thủ Đức). Theo...