Hồ Chủ tịch “bén duyên” nghề báo thế nào?
Ai cũng biết, Bác Hồ có một gia tài báo chí rất đồ sộ. Để trở thành một nhà báo, Bác đã phải tập viết lách rất cố gắng và kiên trì.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ những tin ngắn…
Năm 1911, Bác Hồ còn là một thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành đã xin làm bồi tàu để được đi ra thế giới mở rộng kiến thức. Năm 1919, Bác trở về Pháp sống với cụ Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường. Chính trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã viết bản yêu sách gửi hội nghị Versailles để yêu cầu tự do, bình đẳng cho dân An Nam.
Cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch kể rằng, khi viết bản yêu sách gửi hội nghị Versailles, Nguyễn Tất Thành ký dưới bản yêu sách này cái tên Nguyễn Ái Quốc và từ đây cái tên ấy được muôn người trong nước cũng như thế giới biết đến. Mặc dù bản yêu sách không được hội nghị các nước đế quốc xem xét nhưng Nguyễn Ái Quốc không nản lòng. Bỏ hết số tiền dành dụm được để thuê in bản yêu sách thành truyền đơn, Nguyễn Ái Quốc đã đem một phần gửi về trong nước qua các thủy thủ, một phần đem phân phát tại Paris.
Không ngờ, bản yêu sách được tờ báo Dân Chúng đăng lên. Cảm kích, Nguyễn Ái Quốc đến tòa soạn tờ báo để cảm ơn. Chủ nhiệm báo – ông Jean Longuet là cháu ngoại của Karl Marx và là nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tiếp Nguyễn Ái Quốc rất thân mật. Ông gọi Nguyễn Ái Quốc là đồng chí và bày tỏ rằng, ông rất có cảm tình với nhân dân An Nam, đồng thời ông khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết tin tức ở thuộc địa cho báo của ông nhằm làm cho người Pháp hiểu rõ những bất công xảy ra ở An Nam.
Được ông Jean Longuet động viên, Nguyễn Ái Quốc thường lui tới tòa soạn báo Dân Chúng để học hỏi và cũng tích cực làm quen với những người Pháp khác. Trong số đó, có ông chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền. Ông này chính là người đầu tiên dạy Nguyễn Ái Quốc những kỹ năng làm báo.
Ban đầu, ông bảo Nguyễn Ái Quốc viết tin tức ở thuộc địa cho báo. Tin tức thì không thiếu nhưng Nguyễn Ái Quốc còn chưa giỏi mặt viết lách bằng tiếng Pháp. Biết vậy, ông chủ bút động viên: “Có thế nào anh viết thế ấy, tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa đi in. Anh không cần viết dài; 5 hay 6 dòng cũng được”. Nguyễn Ái Quốc bắt đầu học viết báo như thế.
Những mẩu tin đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc viết rất khó khăn. Khi viết xong lại cẩn thận chép thành 2 bản. Một bản gửi cho tòa soạn còn một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên được đăng báo, Nguyễn Ái Quốc vô cùng vui sướng, đọc đi đọc lại rồi lấy bản gốc ra để so đọ xem người ta sửa như thế nào để rút kinh nghiệm và học hỏi cách viết. Cứ như thế một thời gian, Nguyễn Ái Quốc đã nắm được cách viết tin.
Khi viết tin ngắn đã bớt sai, ông chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ 7, 8 dòng”. Cứ theo cách kéo dài dần dần ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết được cả một cột báo hoặc có khi dài hơn. Đúng lúc ấy, người chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng, không viết dài hơn”.
Phải rút ngắn lại trong khi đang quen viết dài cũng khổ như lúc ban đầu đang viết ngắn phải kéo dài ra. Nhưng với sự cố gắng nghiêm túc, Nguyễn Ái Quốc đã làm được theo yêu cầu của người thầy. Đến lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững kỹ năng viết báo, có thể viết ngắn dài tùy ý mình.
… Đến Người làm báo thông minh
Video đang HOT
Sau khi học được kỹ năng viết báo, cùng với việc gửi bài đăng lên các tờ báo Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập một tờ báo của riêng mình. Vẫn cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho biết: “Để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn cùng các đồng chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ – Le Paria do ông là chủ bút kiêm chủ nhiệm. Những người yêu nước Mangat, Angieri, Mactinich là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình của họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mọi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và 1 bài báo mỗi tuần. Ông Nguyễn được mọi người cử ra làm cho tờ báo chạy. Vì vậy, ông kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc”.
Ở Paris có vô số báo ra mỗi ngày nên tờ Le Paria ban đầu gửi bán ở các sạp báo không chạy mấy. Nguyễn Ái Quốc bèn làm cách khác. Ông mang báo đến các buổi mít tinh phát cho dân chúng, rồi lên diễn đàn nói: “Các bạn thân mến, báo Người cùng khổ phát không nhưng tôi hết sức cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên góp giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt”. Những người Pháp dù nghèo cũng sẵn lòng rộng rãi cho nên Nguyễn Ái Quốc đã thu được những khoản tiền đủ chi trả cho tổn phí ra báo, đôi khi còn dư nữa.
Ngoài tờ Le Paria, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã lập ra nhiều tờ khác nữa. Trong số đó có tờ Thanh Niên ra ngày 21/6/1925 là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau này lấy ngày 21/6 là ngày kỷ niệm báo chí Việt Nam là từ dấu mốc đó.
Là lãnh tụ cách mạng, đồng thời Bác Hồ cũng được coi là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam vì vào ngày 21/6/1925 người cho ra tờ báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do người làm chủ bút. Báo chí đối với Bác Hồ là một phương tiện vận động cách mạng, tuyên truyền cách mạng. Trong nhiều năm làm báo, Bác Hồ đã để lại một gia tài báo chí đồ sộ với hàng nghìn bài viết ký nhiều bút danh khác nhau. Nhiều bài bình luận, xã luận của Bác đến nay vẫn được trích dẫn trong các giáo trình dạy báo chí như những tác phẩm mẫu mực.
Theo xahoi
Nghề lắm công phu
Viết báo, nghề báo là một nghề cực kỳ công phu, đòi hỏi người trong nghề có một bản lĩnh lớn hàm chứa nhiều điều, đó là sự nhẫn nại, sức nghĩ nhậy bén.
Viết báo, nghề báo là một nghề cực kỳ công phu (Ảnh minh họa: Lê Phương)
Bởi nghề này là một nghề làm cả một đời dài, mà lại luôn luôn có một sức bao quát, khái quát lớn; nhìn xa trông rộng, rất trọng chữ và lễ nghĩa, thâm thuý với kho tàng của văn hoá của quá vãng, cởi mở và xởi lởi mở lòng đón nhận và nghênh tiếp thật sự lớn với những sống động của hình hài tương lai đang vừa hiện diện. Đây là một nghề có sức bền vô song; có một sức hấp dẫn khó lường và trường tồn.
Nhiều chục năm qua, nước ta đã có những nhà báo rất giỏi, rất đáng tự hào, xin được tạm vinh danh: Nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Thép Mới, nhà báo Quang Đạm, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang; trẻ hơn và năng nổ có nhà báo Xuân Ba.
Cái năm anh Nguyễn Đình Thi và tôi trực tiếp làm tờ tạp chí Tác phẩm Văn học của Hội Nhà văn; một hôm anh Nguyễn Đình Thi hỏi tôi: " Em có đọc và nghĩ gì với năm bài chính luận của anh Hoàng Tùng viết về tội ác của bọn Pôn Pốt - Iêng Xa Ry".
Tôi thưa với anh ngay, như sau: "Em nhớ là em đã đọc đi đọc lại nhiều lần năm bài chính luận đó. Và em vô cùng kính trọng anh ấy". Anh Nguyễn Đình Thi nói tiếp: "A nh cũng thế, anh đã đọc nhiều lần và anh còn đến gặp anh ấy, để hỏi thêm. Xưa nay, tất cả những bài báo anh Hoàng Tùng viết, anh đều đọc, mà đọc kỹ. Đây là một nhà báo rất đáng nể".
Mai, chúng ta tổ chức một gặp gỡ hẹp chừng dăm nhà văn, rồi mời anh Hoàng Tùng đến, đề nghị anh ấy kể lại cho một ít quá trình viết năm bài chính luận ấy. Anh nhớ, sau năm bài đó, quân đội ta đã giúp quân đội giải phóng Campuchia lật đổ thành công chế độ Pôn Pốt. Theo anh, trong các thể loại văn báo chí, thì thể loại văn chính luận là khó nhất. Nhà báo phải có tuổi đời dày dặn rồi thì mới viết được.
Câu chuyện tôi viết ra trên đây là sự việc đã qua lâu. Tôi chỉ còn nhớ những nét chính mà nhà báo Hoàng Tùng đã nhận lời mời của anh Nguyễn Đình Thi, tới dự cuộc họp nhỏ do tạp chí Tác phẩm Văn học chúng tôi đã tổ chức. Dưới đây tôi xin phép được viết tiếp ra mấy ý chính nữa.
Để có tài liệu viết năm bài chính luận ấy, đã có một khối lớn công việc của trước đó. Nhà báo Hoàng Tùng đã đọc kỹ hàng chục tờ báo nước ngoài bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung Hoa là những số báo đã và đăng bài viết về sự tàn bạo và phá hoại của bọn Pôn Pốt - Iêng Xa Ry, trong suốt thời gian chúng tiếm quyền, cho đến những ngày nhân dân các tầng lớp tại Campuchia đã cùng giải phóng quân của mình lật đổ chúng.
Đấy là chưa kể nhà báo Hoàng Tùng còn nghe đài, các đài phát thanh của các nước. Và đọc rất nhiều các tài liệu thu được do bên quân đội của chúng ta cung cấp. Có thể nói hôm đó, một số nhà văn của Hội Nhà văn dự họp, đã học được nhiều kinh nghiệm và rất quí trọng những điều nhà báo Hoàng Tùng kể lại: đó là những dòng viết của nhà báo.
Và một bài báo hay, là nhờ ở nơi nguồn tài liệu đã thu thập được. Hội Nhà văn cũng có một người viết báo, và một nhà báo kỳ tài là nhà văn Tô Hoài. Ông năm nay tuổi 93. Ông làm báo ngay từ năm 1947-1950, đó là tờ báo Cứu quốc tại Việt Bắc. Sau hoà bình 1954, thành lập Hội Nhà văn, ông cũng làm chủ bút các tờ báo Văn, Văn học, Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới. Chẳng những thế, ông còn là một người viết bài sành điệu nữa.
Nghề viết báo, nhà báo và nghề viết văn, nhà văn, có rất nhiều công đoạn là hoàn toàn giống nhau. Và, cái giống lớn nhất sau khi thu thập tài liệu là đi, chúng ta vẫn gọi là đi thực tế để ghi chép, lấy tài liệu. Bởi diện mạo và nội hàm của hiện thực ở cái nơi mà nhà báo đang muốn viết bài, đó là nhà báo, người viết báo, các cây bút văn xuôi, nhà văn là phải được nhìn thấy một cách trực tiếp.
Còn sự kiện đã xảy ra ở cái nơi mình đã sống qua, trước khi viết tiếp nữa, có cần phải đến thêm nữa không. Vẫn rất cần, không thể thoái thác được. Không đến, mà lại cứ cho ra luôn một bài báo, sẽ được người đời mắng ngay như thế này: Bài viết mà chỉ dựa vào thông tin hóng hớt, thời chả ra gì. Phí cái công đọc.
Còn như cái nơi có những vấn đề mà người viết báo không thể trực tiếp được, thì việc sưu tra, thu thập tài liệu, càng nhiều tài liệu càng tốt, qua những cuộc lục lọi, nghe ngóng các luồng dư luận, tận tụy và cả việc khổ công tìm tòi từ nhiều tờ báo khác nhau đã và đang xuất bản từ các nước, thì đây cũng là một cách đi thực tế rất đáng biểu dương. Ở các nước, báo chí của họ cũng có nhiều tờ đứng đắn và đáng tin cậy.
Đương nhiên cũng không thiếu tờ báo nhảm nhí, thứ báo mà người ta gọi là báo lá cải. Cho nên, sự tinh tường, già dặn, chững chạc trong xem xét của người viết báo là vô cùng cần thiết. Tôi đã được chứng kiến kho tài liệu của một nhà báo lão thành, chỉ về một sự kiện xảy ra tại một nơi, mà ông đã có hàng chục các tài liệu khác nhau nói về cái nơi đó, sự kiện đó đã, cách nay là mấy chục năm.
Người ta nói về sự khác nhau giữa nhà báo và nhà văn như sau: Trước một sự kiện vừa xuất hiện chả hạn. Khi nhìn thấy, khi chứng kiến tận mắt, nhà báo sẽ có một số câu hỏi ngắn gọi như thế sau: Vì sao lại có sự kiện này? Nguồn gốc? Bây giờ tác động của nó sẽ ra sao? Hệ quả của những tác động của nó? Hệ quả tốt, hệ quả xấu? Hoặc chẳng có hệ quả gì? Đương nhiên còn một câu hỏi nữa xuất phát từ một nhà báo kỹ tính chả hạn, rằng: Vì sao lại không gây được hệ quả gì. Bởi chính nó hay bởi khách quan?
Còn nhà văn. Trước một sự kiện vừa xuất hiện chả hạn, khi trông thấy, khi được chứng kiến tận mắt, đương nhiên sẽ có vô số những dằn vặt, những giày vò trong đầu óc nhà văn đó như thế này: Có những lý do nào đây mà nó lại có sự kiện ấy lại hiện diện, lại chường mặt ra ở đó? Rồi, hoàn cảnh nào mà nó lại có thể đến mà tự tung tự tác ra như vậy?
Rồi kẻ đang ẩn kín trong cái sự kiện này là ai thế, tuổi tác hắn, hình hài, cá thể hay có một nhóm. Rồi nữa, động cơ của những kẻ ẩn kín mặt đó, và cả những kẻ núp đằng sau sự kiện đó. Rồi nữa, cái họ đang gây ra khi cho sự kiện này hiện diện, thì động cơ của họ là gì? Tốt hay dở, hay xấu sa hủ bại. Rồi nữa, họ sẽ để lại cái gì, những gì sau khi sự kiện này biến đổi dần, chuyển dịch dần?
Về nghề viết báo, làm báo, tôi thấy sự tác động của thải loại, sự rơi rụng không nhiều, hoặc có những anh một thời hăm hở viết báo, viết đủ các thể loại, sau rồi thấy ít xuất hiện dần, tôi nghĩ tuy có những sự rơi rụng ấy, thì cũng thuộc hãn hữu, và có lý do chính đáng. Và nữa, trong nghề viết và làm báo, không có người đáng bị chê bai, dè bỉu. Một lý do căn cốt, nghề viết báo và làm báo với hiện thực thường làm một. Mà hiện thực lại là một người thầy nghiêm khắc và sáng suốt. Những người viết báo và làm nghề báo luôn được người thầy hiện thực dạy dỗ nhắc nhở một cách nghiêm túc.
Còn với những người viết văn, các cây bút văn xuôi với hiện thực của cuộc sống, của cuộc đời là hai thực thể. Một khi đã là hai, thì sự gắn bó với nhau là một nhu cầu thiết yếu. Vả lại, cái nghề văn, nó có một đặc điểm là hãy lấy từ cái có bên trong con người mình trước đã, khởi đầu của chữ tuôn ra từ ngòi bút thì nguồn cơn của nó là từ ngay cái thế giới sâu sa bên trong con người mình, do cái não bộ của mình sản sinh ra: Trí tưởng tượng.
Vậy là tài năng hay không phải là tài năng cái gì cả, chính bắt đầu từ đấy. Vâng, trí tưởng tượng nó có một qui luật bất biến, rằng nó không được tiếp tế, không được dưỡng sinh, bởi từ nguồn là cái hiện thực vĩ đại và khổng lồ, mãi mãi còn tồn tại và mãi mãi sinh động, thì trí tưởng tượng dẫu có cựa quậy đến thế nào, cũng không thể nào sống động được, mà sở dĩ nó sống động được là nhờ cả vào nguồn sữa của nó là hiện thực lớn của cuộc đời vĩ đại.
Trong khi hiện thực cuộc sống, những con người đang làm chủ cuộc đời họ, họ luôn ngay trước ta, vậy mà chỉ cần để mắt tới một chút vào ai đó, vào người nào đó bất kỳ, thời sẽ thấy ngay sự sinh động, sự muôn vẻ sắc thái, mà cuộc đời họ, họ là thợ thuyền, họ là dân cày, họ là công chức, thảy đều hiện ngay, lấp ló cái trăm vẻ của cõi người bất diệt và đáng sống lắm.
Trải nhiều thập kỷ, người ta ngày càng đinh ninh rằng, những người cầm bút viết văn và nhất là có dự định, có hoài bão viết văn, rồi trở thành nhà văn; rất nên được trải qua nghề viết báo và làm báo. Như làm một phóng viên chả hạn. Phóng viên, một cái danh thật sang trọng, cao cả và đường bệ. Xin hình dung họ như một con cá lớn bơi, vùng vẫy trong biển hồ, cái-biển-hồ-cuộc-đời.
Họ hiện diện ở đâu trong cái-biển-hồ-cuộc-đời, thì tức khắc đấy là điểm, mà nhân quần cần dõi nhìn cả về đấy, qua những dòng chữ của những bài báo của họ đăng tải trên các trang báo sang trọng. Tôi, người viết bài này, cũng làm đến mấy mươi năm nghề phóng viên. Tôi rất hãnh diện khi được cấp trên tin và giao cho tôi nghề phóng viên.
Đó là một nghề dành cho đi nhanh, thông suốt, đến nhanh, lấy tài liệu nhanh đủ, chính xác và viết được dăm bài với các thể loại khác nhau một cách nhanh. Người viết văn, đi đến tất cả những nơi trong đất nước mình, là một nhu cầu sống còn. Nhưng nếu không phải là người làm báo mà muốn đi được thì lại không phải là dễ, thế nên chỉ có khi bản thân được làm nghề báo, viết báo và là phóng viên nữa, sẽ thuận lợi vô cùng.
Bởi vì trong các chuyến đi, thường có công việc rõ ràng, đó là điều kiện để viết được bài qua các thể loại văn báo, theo nhu cầu của cấp trên đặt bài. Và cả theo ý định của bản thân, khi người đó nhằm vào nghiệp văn chương. Trong nhiều chục năm làm phóng viên, toàn bộ Đông Dương này tôi đều đã được đặt chân. Còn trong nước từ Nam Quan đến Cà Mâu, tôi đều đã tới. Có những nơi tôi đến vài lần.
Đã nói đến văn chương thì người ta luôn nhấn mạnh rằng: Với một nền văn học của một quốc gia, một đất nước nào đó, thời người ta phải xem trong nền văn học đó, có những cuốn tiểu thuyết nào đáng ca ngợi, đáng được khen và đã được hàng triệu người đọc khen.
Nói đến tiểu thuyết, cái giá trị lớn nhất của nó là chỉ trong vài trăm trang, tác giả hẳn đã miêu tả được hết sức sinh động, hết sức lôi cuốn và hấp dẫn, hết sức chính xác về cuộc sống và cuộc đời nơi cuốn sách đó nhằm tới. Nhưng còn một điều vô cùng quan hệ nữa, là văn của tiểu thuyết ấy phải đẹp, thật là đẹp, từ cấu trúc câu văn, đến ngôn từ, đến hành văn phải chuẩn mực. Toàn thể trang sách, các câu văn thứ tự từng dòng đều ngân nga lên một giọng văn nhịp nhàng, tươi tắn với nhịp điệu riêng mà chỉ ở nhà văn ấy có thôi.
Người đọc khi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết nào, trước hết người ta nhớ đến đời sống (cái bên ngoài và cái nội tâm) của nhân vật. Kế đến, người ta nhớ và ấn tượng sâu sắc với tư tưởng và chủ đề của tiểu thuyết, mà qua đó nhà văn muốn tâm sự với độc giả. Nhưng cái trước hết, và nằm ở hàng đầu là cái văn của nhà văn đó có hay không, có đặc sắc không, và luôn thấy lạ, cái lạ hấp dẫn.
Nhà văn Tô Hoài với các cuốn tiểu thuyết Tây Bắc, Mười năm, Miền Tây. Ngoài cái cách miêu tả điêu luyện, văn của ông còn rất hay. Tới mức sách gấp lại rồi mà tiếng văn vẫn còn vọng mãi trong tâm hồn người đọc. Trong lứa các nhà văn thế hệ của ông Tô Hoài, chỉ có ông là có văn rất hay, rất hay về mọi vẻ.
Tất cả các thể loại dùng cho nghề báo là căn cứ cốt yếu để rèn tập cho người viết văn đó là dùng cho miêu tả lại cái đối tượng mà người viết báo, viết văn quan sát được, nhìn ngắm được từ ngoài đời: Hình vóc, môi sinh, hoàn cảnh, tính cách của những con người, cá tính, thói quen, nếp sống, giao lưu, hết thảy nó được biểu hiện vào trong những dòng chữ trải trên những trang sách của tiểu thuyết.
Bây giờ người ta nói hình như người theo đuổi nghề văn, cầm bút viết văn, ít và không còn chú ý đến cách tự rèn luyện viết thế nào đây, cho có được một câu văn hay. Cũng vậy, nghề viết báo, và nghề làm báo, hết sức cần những câu văn gọn, sắc, chắc nịch và nữa, rất sáng. Văn báo rất cần sự sáng sủa trong câu văn.
Vì dẫu có nói thêm một điều gì nữa về nghề viết báo, thì cái bản thể của một bài báo, một tin là tính hướng dẫn, là tính chỉ đạo, tính định hướng. Nhớ lại năm bài chính luận tố cáo tội ác man rợ và chính sách tàn bạo của bọn Pôn Pốt - Iêng Xa Ry đối với nhân dân Campuchia của nhà báo Hoàng Tùng viết đăng đều trên phần cuối một phần tư của trang ba gồm năm số báo Nhân Dân, đã gây xúc động lớn tới hàng triệu người đọc hồi bấy giờ.
Nhà báo và nhà văn, những người vô cùng cần cho cuộc sống và cuộc đời. Cuộc sống và cuộc đời cũng không thể thiếu họ được
Theo xahoi
Chân dung khảm trai Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn Trên nền chất liệu khảm trai, ốc, đồng, bức chân dung rộng gần 3m2 khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập hiện lên uy nghiêm và trang trọng. 20 năm ấp ủ ý tưởng và lặng lẽ tích cóp nguyên liệu vỏ trai, cuối cùng nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh (36 tuổi) cũng hoàn thành bức...