Hố chôn 150 liệt sĩ ở sân bay và những tiết lộ tìm kiếm
Cuộc tìm kiếm hố chôn tập thể khoảng 150 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại Sân bay Biên Hòa đã gần đi tới hồi kết.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (giữa) nghe lực lượng tìm kiếm giới thiệu về các tài liệu có liên quan đến hố chôn liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa ngày 18-3-2017.
Trưa 13-4, xe cuốc đã móc từ độ sâu gần 2m những mảnh ny-lông màu trắng, di vật và những mảnh hài cốt của các liệt sĩ dần được lộ ra trong sự xúc động của lực lượng tìm kiếm.
Đại tá Trương Quang Châu, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, xúc động cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là hố chôn các chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968″.
Lần tìm kiếm quyết định
Việc tìm kiếm hố chôn liệt sĩ tập thể tại Sân bay Biên Hòa có quy mô lớn do Ban Chỉ đạo 1273 tỉnh triển khai từ ngày 18-3. Khi triển khai, các lực lượng tìm kiếm đều tràn trề hy vọng về một kết quả tốt, vì có sự hỗ trợ của ông Bob Connor, nguyên Trung sĩ cảnh sát bảo vệ và Martin E.Strones, nguyên Đại tá phụ trách quốc phòng của Mỹ, từng tham chiến tại Sân bay Biên Hòa. 2 ông là những người sở hữu tấm bản đồ chụp Sân bay Biên Hòa từ trên cao, trong đó có khoanh vùng vị trí hố chôn nằm ở phía Đông, cuối đường băng sân bay.
Ông Martin E.Strones và Bob Connor có mặt tại Biên Hòa từ ngày 17 tới 20-3. Trong thời gian này, 2 ông đã chỉ dẫn vị trí hố chôn để các lực lượng đào tìm kiếm. Ngày 20-3, trước khi lên máy bay về Mỹ, 2 ông Bob Connor và Martin E.Strones một lần nữa khuyên lực lượng tìm kiếm cần bám sát 4 “dữ liệu” để hố chôn sớm lộ diện, đó là: hố chôn nằm gần lô cốt mà trước đây Bob Connor thường đứng gác, lô cốt này hiện vẫn còn tồn tại và cần lấy lô cốt làm chuẩn. Hố chôn nằm bên trái đường vành đai của sân bay khoảng 10m, vị trí hố chôn khô ráo quanh năm và bằng với mặt đường vành đai.
Chiều 14-4, lực lượng tìm kiếm tỉ mỉ bới từng nắm đất để tìm kiếm hài cốt.
Đại tá Trương Quang Châu cho biết từ ngày 18-3 tới 13-4, mỗi ngày có khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ cùng với 1 máy cuốc tìm kiếm rất cật lực. Lực lượng đã đào bới được diện tích khoảng 2 hécta. Ngày 13-4, do Trung đoàn 935 Sân bay Biên Hòa triển khai bay huấn luyện nên lực lượng tìm kiếm chuyển vị trí tìm đào gần đường băng sang vị trí sát vườn tràm. Đến hơn 10 giờ trưa cùng ngày, khi máy cuốc đang từ từ cào lớp đất mặt sâu khoảng 1m thì phát hiện các lớp ny-lông màu trắng, một số di vật liệt sĩ, gồm: bình tông nước, dép rọ sĩ quan, dây da của bộ đội, cáng cứu thương…
Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, người trực tiếp thực hiện tìm kiếm hố chôn liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa, kể: “Với kinh nghiệm tìm kiếm hố chôn liệt sĩ ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành), xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), Bảo Vinh (TX.Long Khánh), chúng tôi đã đào các đường hào ngang và dọc để tìm và đã có kết quả rất đáng mừng. Dưới cái nắng gắt của mùa khô nhưng cả ê-kíp tìm kiếm đã rất nỗ lực, chúng tôi hạnh phúc lẫn xúc động khi đã tìm thấy hố chôn tập thể khoảng 150 liệt sĩ đã an nghỉ tạm ở đây suốt 49 năm qua”.
Video đang HOT
* Tỉ mỉ cất bốc
Lực lượng tìm kiếm tỉ mỉ trong việc cất bốc các hài cốt liệt sĩ để tiến hành các công việc tiếp theo
Thông tin tìm kiếm được hố chôn tập thể 150 liệt sĩ tại khu vực Sân bay Biên Hòa đã làm nức lòng rất nhiều đồng đội, người thân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng. Chiều tối 13-4, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã tới thị sát và động viên lực lượng tìm kiếm. Đồng chí Nguyễn Phú Cường đã khen ngợi lực lượng tìm kiếm mà trực tiếp là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đồng thời đề nghị phải thật tỉ mỉ trong việc cất bốc các hài cốt liệt sĩ để tiến hành các công việc tiếp theo.
Thượng tá Đoàn Công Tâm cho biết việc quan trọng lúc này là phải tỉ mỉ đào từng nắm đất, nhặt từng mảnh xương còn lại, phân ra từng loại cụ thể, gồm: hài cốt, đất có hài cốt đã mục nát và di vật. Sau khi hoàn tất việc khai quật sẽ đưa lên mặt đất để tiến hành làm vệ sinh, bọc thành các gói cho vào tiểu sành và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Thượng tá Đoàn Công Tâm cho biết thêm: “Do đã trải qua 49 năm kể từ ngày các liệt sĩ hy sinh nên đa số hài cốt đã mục nát không còn nguyên vẹn, vì vậy việc cất bốc hài cốt phải rất tỉ mỉ chứ không được phép vội vàng”.
Theo Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, trong những ngày tới lực lượng tìm kiếm sẽ mở rộng miệng hố chôn về phía Tây để tiếp tục cất bốc các hài cốt còn nằm ở dưới các lớp ny-lông. Do số lượng hài cốt khá lớn nên sẽ phải mất từ 10-15 ngày nữa mới có thể hoàn thành việc cất bốc. Dự kiến Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh sẽ họp sớm để triển khai các công việc cần thiết cho việc tổ chức lễ truy điệu và an táng 150 liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, trong đó có việc liên hệ với các thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ trong và ngoài tỉnh vào dự lễ truy điệu, triển khai mẫu thiết kế mộ liệt sĩ tập thể… Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ sẽ diễn ra trang trọng và ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, đồng thời giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Diễn tiến cuộc tìm kiếm hài cốt tại Sân bay Biên Hòa:
- Từ năm 1997 và nhiều năm sau đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đồng đội các liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa tiến hành tìm kiếm nhưng không có kết quả.
- Năm 2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát hiện manh mối bản đồ Sân bay Biên Hòa chụp từ trên cao có khoanh vùng vị trí hố chôn và liên hệ được với ông Martin E.Strones và Bob Connor, người sở hữu bản đồ.
- Ngày 17-3-2017, 2 ông Martin E.Strones và Bob Connor có mặt tại TP.Biên Hòa theo lời mời của lãnh đạo tỉnh hỗ trợ công tác tìm kiếm.
- Ngày 18-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có mặt tại hiện trường động viên lực lượng tìm kiếm.
- 10 giờ ngày 13-4, hố chôn liệt sĩ tại Sân bay Biên Hòa được tìm thấy.
Phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Hồ Văn Lộc cho biết hôm nay 15-4 sẽ tiến hành khảo sát và báo cáo lãnh đạo tỉnh về vị trí an vị các liệt sĩ được tìm thấy tại Sân bay Biên Hòa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, liên hệ với các thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân năm 1968 để thân nhân và đồng đội biết, đến dự lễ truy điệu và an táng khi tỉnh chính thức tổ chức lễ.
(Theo Báo Đồng Nai)
Cựu binh 40 năm canh giữ nghĩa trang liệt sĩ
40 năm qua, bất kể mưa hay nắng, cựu binh Lê Đăng Đại (Hà Tĩnh) vẫn hàng ngày đạp xe đến Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài quét dọn, cắt cỏ, giúp đỡ người dân tới thắp hương.
Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài, phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) được xây dựng năm 1975 trên khuôn viên diện tích khoảng 3 hécta ở tổ dân phố 7. Nghĩa trang là nơi chôn cất hài cốt của các liệt sĩ đã hi sinh qua hai cuộc chiến tranh.
Năm 1976, ông Lê Đăng Đại, cựu binh kháng chiến chống Pháp, đã tình nguyện xin chính quyền làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài. Nhà ở gần nghĩa trang, hàng ngày ông thức khuya, dậy sớm ra quét dọn, cắt cỏ xung quanh các ngôi mộ.
Gia đình ông Đại có 7 người con, hiện đều lập gia đình và thành đạt. Bản thân ông khi tham gia kháng chiến chống Pháp từng bị thương tích 21%, sau đó về làm cán bộ chính sách ở xã. Cựu binh chia sẻ ngày xưa ông từng là lính, may mắn sống sót trở về nên muốn phục vụ lại các đồng đội đã ngã xuống bởi bom đạn chiến tranh.
Mỗi khi có người tới thắp hương, ông Đại đều đi tới hỏi han xem họ có cần hỗ trợ gì không để giúp đỡ. Quản trang 85 tuổi chia sẻ ông làm việc vì tình thương với những đồng đội đã ngã xuống, không hề nghĩ tới lợi lộc. Hàng tháng chính quyền vẫn hỗ trợ cho ông hơn một triệu đồng để làm chi phí đi lại, mua các vật dụng cần thiết cho việc quét dọn, bảo quản nghĩa trang
Theo ông Đại, Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài từ khi thành lập cho tới nay đã có tới 4 người quản trang thường xuyên thay phiên nhau làm việc. Hiện ba người kia đều đã mất, ông là người có tuổi nghề "lâu nhất" với 40 năm.
Làm công việc quản trang, ông Đại không nề hà những việc tưởng như kiêng kỵ. 20 năm trước, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Bích (quê Hà Tĩnh) được khai quật ở miền Nam, nhưng do trong họ có tang nên người nhà không có điều kiện đưa hài cốt liệt sĩ về trong gia đình. Em trai của liệt sĩ Bích đã gửi hài cốt liệt sĩ Bích ở nhà ông Đại, 3 ngày sau chính ông Đại là người cấp táng cho liệt sĩ Bích tại nghĩa trang Núi Nài.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài, ngoài ông Đại còn có bà Nguyễn Thị Mạnh (70 tuổi, vợ của một cố quản trang Núi Nài) cũng thường ra quét dọn.
Ông Nguyễn Xuân Hương, Chủ tịch UBND phường Đại Nài đánh giá việc làm của hai quản trang rất ý nghĩa, giúp ích nhiều cho chính quyền. "Bản thân ông Đại là người gắn với với nghĩa trang lâu năm nhất, ông rất tận tụy với công việc, làm mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì", ông Hương cho hay.
Năm nay đã 85 tuổi, ông Đại mong muốn trời cho sức khỏe để tiếp tục gắn bó với công việc quản trang.
Đức Hùng
Theo VNE
Đề nghị suy tôn Thiếu úy Lữ Anh Dồi là liệt sĩ Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thống nhất đề nghị Bộ LĐ-TB&XH suy tôn ông Lữ Anh Dồi, người bị bắn từ 37 năm trước, là liệt sĩ. Sáng 18-7, ông Võ Hoàng Hiệp (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) xác nhận đã có văn bản đề nghị suy tôn ông Lữ Anh Dồi (nguyên Thiếu úy công an...