Hồ Chí Minh – Sáng mãi tên Người!
Một mùa sen nở lại về cũng là dịp mỗi người dân Thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè thân thiết trên thế giới kỷ niệm trọng thể Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người không chỉ là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là danh nhân văn hóa được thế giới kính trọng. Toát lên ở Người còn là hình ảnh một vị lãnh tụ có phong cách rất đỗi bình dị, tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957. Ảnh tư liệu
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19-5-1890 tại làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Với tố chất đặc biệt, lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học ở một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Tất Thành đã sớm tiếp thu những giá trị tinh hoa tiêu biểu của quê hương xứ Nghệ, đặc biệt là tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất.
Đau đáu trong tim khát vọng giành tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc, ngày 5-6-1911, dưới cái tên Văn Ba, Người lên tàu Amiran Latouche-Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để tới nước Pháp, khởi đầu hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu, bốn biển, trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Ánh sáng tư tưởng ấy đã giúp Người tỏ rõ nguồn gốc những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc; thấu suốt những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Là con người của hành động, nói đi đôi với làm, lý luận đi liền với thực hành lý luận, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930 là kết quả tất yếu. Với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam và con đường cứu nước của dân tộc ta đã được vạch ra cụ thể. Sự đúng đắn ngay từ đầu của tư tưởng, đường lối cách mạng Việt Nam do Bác xây dựng đã được thực tiễn chứng minh; tiếp tục được bổ sung, phát triển và hoàn thiện trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Tiếp nhận những bài học sâu sắc từ V.I.Lênin, từ thành công của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào công nhân, phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những thắng lợi vĩ đại mang ý nghĩa bước ngoặt này là tiền đề quan trọng để đất nước tiến hành thành công công cuộc đổi mới, không ngừng phát triển và mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.
79 mùa xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Cho đến hơi thở cuối cùng, Người đã đem hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Công lao trời biển của Người không chỉ in đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn được ghi tạc trong lòng nhân dân và bạn bè tiến bộ quốc tế.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi về thế giới người hiền đến nay đã nửa thế kỷ (1969-2019). Nhưng Người vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam, hiển hiện trong những di sản vô giá Bác để lại cho chúng ta: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh; trong đó, những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng của Bác là minh chứng sống động nhất.
Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh là kết tinh cao độ của truyền thống yêu nước nồng nàn, những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại; cộng hưởng cùng tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, sự thấu cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh, cùng khát khao mãnh liệt vươn tới cuộc sống mới dân chủ, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Theo Bác, đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng và đem lại hạnh phúc, tự do cho con người; đó là đạo đức của những con người được giải phóng. Vì vậy, tu dưỡng đạo đức phải gắn liền với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện dựa vào lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Khi thấm sâu được ý nghĩa đó thì quá trình tu dưỡng bản thân sẽ trở nên hết sức nhẹ nhõm và là một hành trình đầy “vẻ vang, sung sướng” như Người đã viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng, vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
Từ khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin (năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuẩn bị tích cực để hình thành nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc thành lập một đảng cách mạng tiên tiến ở Việt Nam về sau. Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên vào tháng 6-1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc) và trực tiếp đứng lớp để truyền bá chủ nghĩa cộng sản tới các thanh niên Việt Nam có tư tưởng tiến bộ. Các bài giảng sau đó được tập hợp lại trong cuốn sách Đường kách mệnh (xuất bản năm 1927). Tại đây, lần đầu tiên vấn đề đạo đức cách mạng được Người đúc kết một cách toàn diện song cũng rất cụ thể qua những tiêu chí dành cho một người cách mạng đối với mình, đối với người và trước công việc. Trong đó, có những tiêu chí tư cách đạo đức cách mạng mang giá trị tư tưởng sâu sắc:
“Tự mình phải:
…
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Video đang HOT
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất”.
Kể từ đây, lịch sử xây dựng Đảng cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi tự hào với những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản trọn lòng với Đảng nêu cao khí phách trước kẻ thù, thể hiện sức sống mãnh liệt của đạo đức cách mạng qua các cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cách mạng dân chủ nhân dân (1936-1939) và đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Lúc này, đạo đức cách mạng trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều thói hư tật xấu dễ nảy sinh, rõ nhất là căn bệnh chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện của nó như: Quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, kèn cựa, địa vị… Những thói hư, tật xấu do sự suy thoái đạo đức sẽ đi cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị và trầm trọng hơn sẽ dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, phản bội lại đồng chí, đồng bào. Tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng Đảng lúc này hướng nhiều về hai phương diện là chú trọng nâng cao đạo đức của tổ chức đảng và đạo đức của mỗi người cán bộ, đảng viên.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Người nêu lên 12 tiêu chuẩn để xác định tư cách của một đảng chân chính, cách mạng, trong đó, tiêu chí đầu tiên là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”… Sau nhiều thập kỷ lãnh đạo đất nước, gắn với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được triển khai mạnh mẽ hiện nay cho thấy, vấn đề chăm lo xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh có một tầm nhìn vượt thời gian.
Không chỉ để lại hệ giá trị lý luận mang tầm thời đại, Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về thực hành lý luận đạo đức cách mạng. Ở Người, tư tưởng, tầm nhìn và hành động luôn có sự nhất quán, tạo nên sức thuyết phục, lan tỏa, cảm hóa vô cùng to lớn. Dù bận vô vàn công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Bác ra thao trường cùng bộ đội, “chống gậy lên non xem trận địa”, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện. Người đến nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, ra đồng ruộng, thăm nhà ở công nhân, cán bộ bình thường… Chỉ tính 15 năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thực tế địa phương và cơ sở 923 lần. Mỗi lần về cơ sở với Người không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng, mà chứa đựng trong đó phong cách phát huy dân chủ, mong muốn hiểu được tiếng nói nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống đời thường. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng gần gũi, đồng cảm sâu sắc.
Chính tấm gương đạo đức, việc làm cụ thể của Người đã tạo ra sức mạnh sống động cho những lý luận về đạo đức cách mạng, lan tỏa, cảm hóa từ những người đồng chí sống và làm việc cùng Bác đến đồng chí, đồng bào cả nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những năm gần đây, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khắp cả nước đã có hàng vạn tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt lan tỏa trong đời sống, được xã hội tôn vinh.
Cũng từ quá trình lan tỏa ngày càng rộng rãi những giá trị đạo đức cách mạng ấy, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”…
3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, cũng như quân và dân tỉnh Hà Tây trước đây. Dấu chân Người đã in bóng tại nhiều công trường, khu phố, trận địa; đến với các gia đình chính sách có công với cách mạng, công nhân lao động… từ đô thị đến ngoại thành Thủ đô. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Tết Kỷ Dậu năm 1969, trước khi đi xa không lâu, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu “Tết trồng cây” lần thứ 10 do chính Người khởi xướng.
Ngay khi hoàn thành việc tiếp quản Thủ đô (tháng 10-1954), trong bài viết “Giữ gìn trật tự, an ninh” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Trong tất cả những chuyến thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Người luôn đau đáu gửi gắm một tình cảm, trách nhiệm đặc biệt này.
65 năm đã trôi qua, nhưng di huấn thiêng liêng của Người luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô qua các thời kỳ coi là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả cần phải đạt được. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân thôi thúc, giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, đi đầu trong mọi lĩnh vực, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Thành tựu nổi bật từ xung lực tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo ra trong những năm qua là kinh tế Thủ đô có sự tăng trưởng vượt bậc. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng thành phố hiện đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước. An ninh luôn được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Đời sống nhân dân, an sinh xã hội đã có bước tiến rõ rệt. Văn hóa – xã hội Thủ đô không ngừng phát triển, nhiều mặt xứng đáng với vị trí là trung tâm lớn của cả nước. Hình ảnh một Hà Nội thân thiện, mến khách hiển hiện ngày càng rõ nét. Hiện nay, Hà Nội nằm trong nhóm 10 thành phố năng động nhất thế giới…
Ý thức rõ vai trò, vị trí của Đảng bộ có số đảng viên đông nhất cả nước (trên 430.000 đảng viên, bằng 1/10 số đảng viên cả nước), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn phát huy truyền thống đoàn kết cao, tinh thần kỷ cương, kỷ luật mạnh mẽ. Phương thức lãnh đạo đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Hà Nội cũng nêu gương, đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên Thủ đô chủ động, có nhiều đổi mới, sáng tạo được Trung ương đánh giá cao, phổ biến và nhân rộng. Thấy rõ nhất là trong thời gian qua là Hà Nội đã đi đầu trong công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, “mỗi đầu mối, một công việc xuyên suốt”, “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, đưa hai quy tắc ứng xử dần phát huy nét đẹp văn hóa trong đời sống.
Xác định rõ mục tiêu “phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt…”, trong công tác xây dựng Đảng, thời gian qua, các cấp ủy và tổ chức đảng trên địa bàn Thủ đô thường xuyên mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Toàn Đảng bộ thành phố thực hiện nghiêm túc, có nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ; đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình chi bộ, đặc biệt là chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, chi bộ trong các doanh nghiệp, trường học.
Quá trình thực hiện, mỗi cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt đã gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Cùng với đó, cấp ủy các cấp tăng cường công tác chỉ đạo giáo dục, kiểm tra, giám sát, quản lý, phân công nhiệm vụ và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.
Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, phát hiện kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, có biện pháp cụ thể để phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm. Cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên cũng từng bước thực hiện nghiêm và thực chất Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16-5-2018, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Cốt lõi là thúc đẩy liêm chính công vụ và tạo sự chuyển biến về chất trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả mọi mặt công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động nói riêng và sức mạnh của cả hệ thống chính trị nói chung…
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu vượt bậc hơn nữa trong giai đoạn tới. Trong đó, điều đáng quan tâm hàng đầu là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đô thị thông minh, chính quyền đô thị, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần. Công tác chỉ đạo, quản lý, cải cách hành chính, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, có lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, đảng viên, công chức còn thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là ở cơ sở chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, kết quả công tác vận động quần chúng có nơi còn hạn chế…
Đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ nỗ lực phát huy những thành tựu đạt được, nhanh chóng khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ được Trung ương Đảng và nhân dân giao cho. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng bộ thành phố quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020″; nghiêm túc noi gương Bác, gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 25-4-2019, triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ tập trung cao độ, tăng tốc tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy khóa XVI đã đề ra, chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Bác Hồ là dịp để chúng ta thêm một lần tự hào về Bác. Với tất cả niềm tin yêu và lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng Thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, đất nước của thời đại Hồ Chí Minh.
Sáng mãi tên Người – Hồ Chí Minh!
HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Theo HNM
Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu gương
Vấn đề nêu gương, noi gương đã trở thành truyền thống và phương thức lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Người là tấm gương sống để cho toàn Đảng, toàn dân noi theo, quy tụ được mọi lực lượng, đoàn kết được toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức để giành thắng lợi.
Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Ảnh tư liệu).
Hồ Chí Minh luôn cho rằng muốn thu phục được mọi người làm theo mình thì trước tiên mình phải là tấm gương. Bởi vậy, nêu gương không những là nếp sống mà còn là trách nhiệm, là phẩm chất văn hóa của người lãnh đạo.
Với thể chế chính trị do Đảng cầm quyền, thì người cán bộ, đảng viên của Đảng ở đâu, ở vị trí nào cũng là người lãnh đạo, nên họ phải là tấm gương để mọi người nhìn vào đó mà noi theo làm theo. Đảng viên giữ trách nhiệm càng cao, chức vụ càng cao thì trọng trách nêu gương càng lớn.
Quy định của Đảng về nêu gương cũng nhấn mạnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp từ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến đảng bộ, chi bộ cơ sở. Hồ Chí Minh thường căn dặn: "Một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền" và chính người là tấm gương về nêu gương trong suốt cuộc đời của mình.
Tấm gương của Hồ Chí Minh cũng như nội dung nêu gương mà Người nêu ra cho cán bộ, đảng viên rất cụ thể, được thể hiện ở ba mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Đối với mình phải cần, kiệm, liêm, chính, thường xuyên học tập rèn luyện, tự soi, tự sửa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tự cao, tự đại, tự mãn... cũng như những hạn chế, khuyết điểm của bản thân trong công việc và trong cuộc sống.
Bác Hồ trong dịp đến thăm hỏi thầy và trò một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu
Đối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, thương yêu, độ lượng. Với cộng sự, với đồng chí thì hết lòng giúp đỡ, khoan dung; luôn nêu cao tự phê bình, phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ. Với quần chúng thì gần gũi, kính yêu, chăm lo đến lợi ích, nguyện vọng cũng như lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý để dân yêu, dân tin. Ngay đối với trong gia đình, từ cách cư xử với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, đến việc giáo dục con cháu giữ gìn gia phong, gia tộc cũng phải nêu tấm gương mẫu mực.
Đối với công việc, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, gương mẫu phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, phải "chí công vô tư", "nói đi đôi với làm", hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể, cho nhân dân, không tham ô, vụ lợi, cơ hội, bè phái.
Ngày nay đứng trước nhiều thời cơ và thách thức của biến động xã hội ba yếu tố về nêu gương mà Hồ Chí Minh nêu ra có mối quan hệ mật thiết, chứa đựng nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; gắn cái riêng với cái chung, giữa lý luận với thực tiễn. Vì thế những tấm gương về liêm chính, không tham lam, tự mình biết làm chủ, biết chế ngự, vượt lên chính mình, thoát khỏi sự ham hố hàng ngày đối với cán bộ, đảng viên như lời Bác Hồ dạy: "Không tham tiền của, không tham địa vị, danh tiếng để cậy thế làm bậy" là hết sức quan trọng, thật có giá trị vô cùng.
Là một Đảng "đạo đức, văn minh" Đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng luôn phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt để cùng nhau học tập. Chính Hồ Chí Minh đã nêu ra việc học tập "người tốt, việc tốt", Người cho rằng: "Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng".
Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958). Ảnh tư liệu
Cũng cần nhận thức được rằng các tấm gương tốt vẫn có chừng mực và luôn gắn với nhiệm vụ chính trị, với cuộc sống và sự biến đổi của thời gian qua từng giai đoạn của lịch sử. Trong nêu gương tuyệt nhiên không có chuyện phô trương, tô hồng, tâng bốc; lại càng không cho phép cơ hội, vụ lợi, chạy chọt, tiêu cực trong đánh giá, trong thi đua khen thưởng. Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Thi đua là phải thực chất, nếu lòng dạ không còn trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì thi đua không còn có ý nghĩa".
Có thể nói, một trong những thành công to lớn của Đảng ta là sự thu hút, sự lan toả của những tấm gương sáng mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Tự hào cho Đảng ta, dân tộc ta có được tấm gương Hồ Chí Minh để noi theo, làm theo và chính người cũng là tấm gương của sự nêu gương.
Tấm gương của Người vừa ở tầm cao của tư tưởng, của sự định hướng đường lối cách mạng; mà lại gần gũi thân thuộc với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Tấm gương đó cùng với những giá trị văn hoá của Đảng cầm quyền là tài sản vô giá mà mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải gìn giữ, phát huy, để trong mọi giai đoạn cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào, cương vị gì và ở đâu cũng làm được như lời Bác Hồ "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Ahmed - Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nói: "Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".
Đặng Duy Báu
Theo Baohatinh
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại tỉnh Quảng Ninh Ngày 24/4, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng chí...